Giọng ca neo lại giữa nghìn trùng gió bay
Giọng hát Ngọc Lan trong trẻo nhưng nghe như tiếng thở dài của số phận. Một giọng hát có màu sắc riêng khó trộn lẫn, mà cuộc đời lại bất trắc.
Ca sĩ Ngọc Lan là một trong những giọng hát hải ngoại làm thổn thức khán giả khắp nơi. Ảnh: TL.
Ngay từ khi còn nhỏ Lê Thanh Lan (tên khai sinh của ca sĩ Ngọc Lan) đi hát thánh ca ở nhà thờ đã gây ấn tượng đặc biệt với bà con giáo dân ở Nha Trang. Một giọng hát trong vắt thánh thót như tiếng họa my mỗi sớm mai.
Cũng vì sự quyến rũ đặc biệt, qua tiếng nói và giọng hát ngọt ngào cùng nhan sắc rực rỡ của tuổi mới lớn, Lê Thanh Lan đã được không ít những chàng trai ngỏ lời. Một mối tình thơ mộng đã nảy sinh ở tuổi 17. Ngọc Lan yêu chân thành và say đắm với người bạn trai. Nhưng mọi ước mơ tan vỡ khi chàng trai bất ngờ bỏ đi. Cuộc tình nhanh chóng bị chôn vùi theo kỷ niệm.
Thất vọng và nỗi buồn ám ảnh tâm hồn non trẻ của Lê Thanh Lan. Từ đó giọng hát ngây thơ của Lê Thanh Lan đã ẩn chứa nỗi niềm mất mát và cả sự đắng cay của tình yêu. Bản tính trở nên trầm lắng, Maria Lê Thanh Lan dồn hết tâm trí qua những bài thánh ca, hát về những ước vọng của thân phận con người.
Nhưng rồi mọi sự đổi thay khi Lê Thanh Lan theo gia đình định cư ở California – Mỹ vào năm 1980. Bắt đầu cuộc sống mới, cô vừa phụ giúp mẹ bán bánh hamburger vừa đi hát thêm ở một quán cà phê do ca sĩ Duy Quang giới thiệu. Ở quán cà phê đầu tiên Thanh Lan chỉ được trả 35 USD trong ba đêm hát. Ai cũng thấy giọng hát của cô gái mới nhập cư này ngọt ngào như rót vào tai vậy.
Tiếng lành đồn xa. Ông chủ quán cà phê Ngọc Chánh ở khu phố khác sang nghe thăm dò. Ngay lập tức ông gạ Thanh Lan sang hát với giá 250 USD một tuần và ký hợp đồng luôn. Nhưng ông đã đổi tên cô thành nghệ danh Ngọc Lan, bởi Thanh Lan trùng tên với một ca sĩ và diễn viên điện ảnh nối tiếng từ trước đó.
Một năm sau cái tên Ngọc Lan được đồn thổi đến tai những trung tâm ca nhạc lớn trên đất Mỹ. Họ bắt đầu tìm đến quán ca phê Ngọc Chánh. Người đầu tiên gặp Ngọc Lan là nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyên Sa.
Ông ngỡ ngàng với giọng hát thiên phú hết sức hồn nhiên của Ngọc Lan. Một giọng hát lạ hiếm có với âm thanh trong vắt và óng ả như tơ lụa vậy. Ông đã khuyên Ngọc Lan hãy dẹp mọi việc gia đình chuyển hẳn sang làm ca sĩ chuyên nghiệp.
Quả nhiên một số trung tâm sản xuất băng đĩa đã tới ký hợp đồng với Ngọc Lan. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận định giọng hát Ngọc Lan không hề phô diễn kỹ thuật nhưng sẽ đánh gục hàng triệu trái tim yêu nhạc tình ca.
Còn nhạc sĩ kiêm ca sĩ Trần Thiện Thanh vừa nghe xong chương trình của Ngọc Lan đã vui mừng nói giọng hát của cô sẽ mở ra một trường phái mới cho nền tân nhạc ở hải ngoại. Ông cho rằng với làn hơi rất mong manh sương khói thả hồn vào từng câu chữ của Ngọc Lan hình thành phong cách riêng.
Video đang HOT
Chỉ ba năm sau băng video Tiếng hát Ngọc Lan 1 có tựa đề “Như anh đã yêu em” đã gây chấn động làng âm nhạc hải ngoại.
Sự thành công ngoài sức tưởng tượng đối với Ngọc Lan. Từ đó cô xuất hiện liên tục trên các sàn diễn và trung tâm ca nhạc lớn ở nhiều nước. Khán giả luôn luôn nhớ đến các bài hát hết sức ấn tượng của Ngọc Lan như: “Mưa trên biển vắng”, “Hạnh phúc nơi nào”, “Người yêu dấu”; hay đó là những bản tình ca “Cho người tình lỡ”, “Nỗi sầu”, “Tuổi thần tiên”; hoặc “Lại gần hôn em”, “Tình nhớ”…
Đặc biệt ca sĩ Ngọc Lan còn là một trong những ca sĩ hát tiếng Pháp cực chuẩn. Lối hát rõ lời thể hiện nội tâm man mác sầu tư của Ngọc Lan luôn ám ảnh lòng người. Cô có một lối hát như mơ khác hẳn với những lớp ca sĩ chuyên hát nhạc bolero trước đó.
Ngọc Lan hiện diện với một thanh sắc không mầu mè và duyên dáng tựa như ánh nắng ban mai. Cô hát không hề phô trương kỹ thuật luyến láy hoặc rung hơi khoe giọng mà hát như buông từng lời tâm tình. Hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà tự nhiên như Ngọc Lan.
Giọng hát của cô mềm ướt ngọt như rót mật vào tai. Giới chuyên môn đánh giá Ngọc Lan đã khoác lên mình một tấm áo mới cho nền tân nhạc với lối hát hướng nội tự nhiên như cuộc đời. Hơn nữa nói đến Ngọc Lan là nói đến “đặc sản” riêng trong giọng hát đó là nét bâng khuâng buồn bã. Âm sắc buồn cố hữu ấy đã làm nên thương hiệu Ngọc Lan và cô rất thành công ở những bản tình ca.
Nhiều người đã từng khẳng định khó ai vượt được Ngọc Lan khi hát những bài “Mưa trên biển vắng”, “Tuyết rơi”, “Mùa hè năm ấy”… Đó là những nỗi buồn thánh thiện tinh khôi chứ không để lại cảm giác sầu não thê lương.
Nhưng thật trớ trêu cho một nhan sắc kỳ tài. Một căn bệnh âm thầm ấp ủ của một khối u trong não mà Ngọc Lan không hề biết. Đôi mắt Ngọc Lan mờ dần. Trong nhiều đêm diễn Ngọc Lan phải có người trợ giúp dẫn ra sân khấu. Nét đượm buồn trên gương mặt xinh đẹp Ngọc Lan càng u uẩn hơn. Cô gắng gỏi hát và trao gửi tâm hồn mình cho khán giả. Hàng trăm ca khúc đã đi vào lòng người với nỗi buồn sa mạc Ngọc Lan.
Có lần Ngọc Lan hát trong nỗi đau dội lên trong óc và quỵ xuống dưới những câu nhạc cuối cùng. Cô muốn tận hiến cho người nghe. Từ năm 1993, Ngọc Lan đã phải rời sân khấu vì đôi mắt đã bị lòa cùng nỗi đau thể xác.
Tuy vậy ca sĩ Ngọc Lan đâu có cam chịu số phận nghiệt ngã. Cô gắng chữa bệnh và cùng chồng mới cưới (nhạc sĩ Mai Đăng Khoa) tập luyện tiếp tục biểu diễn.
Năm 1994 rồi tới 1996 và năm 1998, Ngọc Lan vẫn trở lại sân khấu với hình ảnh nữ hoàng tình ca. Hình ảnh cuối cùng của Ngọc Lan được ghi lại trong video “Khóc cho một dòng sông” (Đức Huy) như một sự chia tay tiếc nuối. Căn bệnh quái ác đã cướp đi niềm say mê âm nhạc của Ngọc Lan.
Ba năm sau, nữ hoàng tình ca đã ra đi để lại 800 ca khúc và 40 Album ca nhạc mà người nghe yêu mến. Khán giả luôn nhớ đến hình ảnh Ngọc Lan trình diễn, với hàng chục ngàn người nghe trong đêm, ở Sydney và Melbourne (Úc). Hàng trăm khán giả không có vé đã đứng bên ngoài sân khấu ngóng chờ nữ hoàng xinh đẹp để xin chữ ký. Ít ca sĩ nào được khán giả mến mộ như Ngọc Lan. Với bản tính nhút nhát, khiêm tốn cùng những giọt nước mắt tâm hồn rơi trong từng câu hát, Ngọc Lan đã neo vào trái tim người nghe những giai điệu khắc khoải khó quên.
Cuộc đời đoản mệnh, nhưng tiếng hát Ngọc Lan vẫn ở lại trong lòng người hâm mộ. Ảnh: TL.
Sau khi Ngọc Lan mất năm 2001 ở tuổi 45, liên tục hai thập niên qua, những bài hát của cô vẫn được phát hành và được khán giả yêu mến. Cô là một hiện tượng với sự nghiệp ở đỉnh cao và được coi là nữ hoàng nhạc tình buồn ở hải ngoại.
Ngọc Lan ra đi đúng vào thời điểm sung sức và thăng hoa nhất trong sự nghiệp. Có không ít nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc tưởng nhớ Ngọc Lan. Trong số đó có những nhạc sĩ nổi tiếng như Nhật Ngân với “Tiếng hát mong manh”; nhạc sĩ Trần Thịnh với “Gãy cánh thiên hương”; hoặc nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết bài “Huyền thoại Ngọc Lan”…Đây cũng là trường hợp hiếm có. Một ca sĩ mất đi đã được bạn bè đồng nghiệp tôn vinh như một tượng đài. Đó chỉ có thể là Ngọc Lan.
Đặc biệt nhạc sĩ Anh Bằng đã thương xót cho người đẹp tài hoa bạc mệnh qua ca khúc “Vĩnh biệt một loài hoa”. Ông đã miêu tả Ngọc Lan rất sinh động với cảm xúc chân thực: “Người con gái ấy mang tên một loài hoa. Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà. Loài hoa yêu ấy bây giờ đã xa, bây giờ đã xa…Ôi tiếng kinh cầu hồn như tiếng ai ca thật buồn…”.
Còn đâu đó trong một quán ca phê nơi ngõ phố vẫn văng vẳng giọng hát Ngọc Lan thánh thót qua bản nhạc bâng khuâng: “Ngày ra đi với gió. Ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá. Ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại. Ta đi qua nửa đời. Chưa thấy được ngày vui. Đường trần rồi khăn gói. Mai kia chào cuộc đời. Nghìn trùng con gió bay”.
Giọng ca Thái Thanh: Còn mãi trong tâm hồn người yêu nhạc
Danh ca Thái Thanh vừa lìa xa cõi thế, "biệt ly" những trái tim yêu âm nhạc. Nhưng giọng hát thiên phú ấy vẫn còn đầy sức mê hoặc, ghi dấu ấn sâu đậm trong nhịp sống đương đại. Giọng ca của bà là một minh chứng rằng, những gì đẹp đẽ nhất có thể vươn tới bất tử.
Giọng ca thiên phú
Thái Thanh là một danh ca lừng lẫy. Bà không chỉ có vị trí vững chãi trong tiến trình âm nhạc của một thời kỳ, mà còn dư vang đối với nhiều thế hệ yêu nhạc.
Khi thế hệ 8X, 9X lớn lên, băng đĩa đã không còn khan hiếm như xưa, phòng trà đã rộng mở, Internet đã phát triển. Những trào lưu giải trí mang hơi thở công nghệ hiện đại đã gây ảnh hưởng tới số đông người yêu nghệ thuật. Thói quen thưởng thức văn hóa cũng thay đổi theo. Không ít những khán thính giả của thế hệ trước bày tỏ rằng, khó có thể hiểu được người trẻ ngày nay đang nghe nhạc gì. Thế nhưng ở một bình diện khác, âm nhạc của Thái Thanh vẫn tạo được sự thu hút sâu rộng:
"Tôi biết Thái Thanh khi nghe Dòng Sông Xanh qua một trang nhạc. Gia đình tôi không ai là khán giả yêu nhạc của bà, thế nhưng tôi lại trót mê giọng ca ấy. Sau này tôi nhận ra muốn nghe Thái Thanh hát phải vào những phòng trà. Nhưng phải là khi phòng trà vắng người, chỉ có không gian yên tĩnh, chứ không phải phòng trà của đêm nhạc. Âm thanh rung lên nhè nhẹ, mới thấy hết được vẻ đẹp sâu lắng của Thái Thanh. Một chất giọng đặc biệt đậm chất dân ca trong ấy" - Lại Đăng Trung, sinh năm 1992 (Hà Nội) tâm sự.
Chúng tôi gặp Trung đúng vào buổi chiều biết tin Thái Thanh giã biệt cõi tạm. Trung say sưa nói về nhạc Phạm Duy, đôi khi cực đoan cho rằng Thái Thanh hát dòng nhạc tình của Phạm Duy hay hơn những thể loại khác bà đã thử nghiệm.
Đăng Trung làm nghề kiểm toán xây dựng. Thoạt nhìn con người và nghề nghiệp, không có chút liên quan nào đến âm nhạc và thi ca. Nhưng Trung cho biết, chính dòng nhạc và các danh ca của một thời đã chinh phục trái tim yêu nhạc của anh.
Nghe Trung, một người trẻ bày tỏ suy nghĩ về giọng ca Thái Thanh sẽ thấy lớp khán giả đương đại không hề thờ ơ với với các thế hệ tiền bối: "Cái tâm và linh hồn của người ca sĩ qua cách hát đã cho cảm thụ thấy ngay một sự đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng khán giả. Cách giao tiếp của Thái Thanh có cốt cách của người Hà Nội xưa. Tâm trạng buồn đến đâu cũng không cố biểu lộ.
Nhưng nhạc của Thái Thanh hát ngày càng kén người nghe...". Danh ca Thái Thanh là em ruột của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và là em vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ bà đã được trao định mệnh để mở ra một tiến trình mới, đóng vai trò như chiếc bản lề tiếp nối hai giai đoạn phát triển của âm nhạc Việt Nam. Những đóng góp của Thái Thanh đã khơi nguồn để những ca sĩ, nhạc sĩ thế hệ sau tiệm cận gần hơn với công chúng.
Thái Thanh - niềm cảm hứng mãnh liệt
Sự thực là âm nhạc của thời kì những danh ca như Lệ Thu, Thái Thanh hay Ngọc Lan không còn tiêu biểu cho tâm trạng của thời nay. Điều đó không quá kì lạ. Song những tên tuổi lớn, mỗi khi giọng ca vang lên, những giai điệu giai âm của tâm hồn vẫn băng qua vũng lầy thời gian, để tỏa sáng ở mọi thời.
Dù thừa nhận mình không phải là fan ruột của Thái Thanh nhưng Vũ Tiến Sỹ - một kỹ sư xây dựng thuộc thế hệ 9X vẫn chia sẻ: "Tôi vốn thích cô Ý Lan. Khi biết đến giọng ca Thái Thanh thì tôi cũng biết rất nhiều về các giọng ca của dòng nhạc xưa với các tên tuổi như Giao Linh, Chế Linh. Tôi cảm giác về việc mình không quá ấn tượng với danh ca Thái Thanh chính là do khoảng cách thế hệ giữa chúng tôi quá lớn. Nhưng tôi luôn yêu thích tiếng hát Thái Thanh ở chất bình dị. Không một ai có thể hát một cách tự nhiên, bình dị như Thái Thanh, có lẽ bởi chất dân ca đã có sẵn trong chất giọng của bà?".
Giọng ca trẻ giàu tiềm năng Kelvin Chính gần đây không còn là một cái tên xa lạ với những người yêu mến dòng nhạc trữ tình Bolero tại Việt Nam. Kelvin Chính đã gặt hái thành công từ chương trình Thần tượng Bolero.
Kelvin Chính chia sẻ: "Là ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc trữ tình Bolero, chắc chắn giống như bao ca sĩ trẻ khác Kelvin Chính cũng ảnh hưởng ít hoặc nhiều bởi các danh ca thế hệ đi trước như Lệ Thu, Giao Linh, Thái Thanh. Đối với các ca sĩ hát dòng nhạc Bolero nói chung và bản thân Kelvin nói riêng thì các danh ca thế hệ gạo cội là những kho tàng sống, những nhân chứng lịch sử trong sự phát triển của dòng nhạc Bolero, những thư viện vô tận hay dùng một từ hoa mỹ hơn để gọi các danh ca là một quốc bảo vô giá. Bản thân Kelvin Chính cũng ảnh hưởng rất nhiều từ các danh ca.
Chúng tôi tìm thấy cái tâm, cái hồn trong những nhạc phẩm là do nghe nhiều lần các nhạc phẩm mà các thần tượng như Thái Thanh đã hát. Chúng tôi khi cần nhập tâm cũng có lúc phải bắt chước phần nào phong cách biểu diễn của các bậc tiền bối để diễn tả phù hợp và làm nổi bật nhạc phẩm mình cần thể hiện... Từ sự kế thừa đó, chúng tôi chọn lọc cho bản thân những điều hay của các danh ca kết hợp với phong cách của bản thân để tạo sự khác biệt cho con đường âm nhạc của mình".
Kelvin Chính rất bàng hoàng xúc động về sự ra đi của ca sĩ Thái Thanh. Anh cho rằng, sự việc này đã để lại cho công chúng cũng như những người hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam một sự mất mát rất lớn.
Sự tiếp nhận tiếng hát Thái Thanh đối với người trẻ hôm nay là một công bằng của lịch sử. Công bằng cho danh ca Thái Thanh và công bằng cho những người yêu âm nhạc chân chính. Người phụ nữ sở hữu giọng hát đỉnh cao của một thời sẽ vẫn lôi cuốn được những tâm hồn đồng điệu và được yêu mến trước những biến động của thời gian. Thế hệ yêu nhạc mới có thể tìm được nhiều thần tượng khác của mình song giọng ca Thái Thanh vẫn là một tấm gương tận hiến cho nghệ thuật mà giới trẻ có thể học tập, để noi gương và soi chiếu, làm nghề trong thực trạng "thừa lượng thiếu chất", vàng thau lẫn lộn của thị trường âm nhạc.
Quỳnh Chi
Á quân Thần tượng Bolero 2019 - Trọng Hải 'tung chiêu' võ thuật trong MV đầu tay khiến fan thích thú Á quân Thần tượng Bolero 2019 - Trọng Hải đặt nhiều tâm huyết vào sản phẩm âm nhạc đầu tiên sau cuộc thi mang tên Người đi lấy chồng. Mới đây, á quân Thần tượng Bolero 2019 - Nguyễn Trọng Hải vừa cho ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay sau thời gian ấp ủ và dành nhiều tâm huyết thực hiện....