Giới trọng tài mùa dịch Covid-19: Nhớ sân cỏ, không quên rèn luyện
Tạm dừng công việc yêu thích và cũng là niềm đam mê của mình, giới trọng tài Việt Nam đang trải qua những tháng ngày “nhớ nghề” nhất. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng cho những thử thách khi công việc trở lại…
“Nhớ da diết”
Mùa giải 2020 vừa mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng đã phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương án bất đắc dĩ phải hoãn mùa giải khiến cho không chỉ giới quần đùi áo số mà những vị trọng tài cũng cảm thấy hụt hẫng. Nếu như với cầu thủ, quãng thời gian mùa giải tạm dừng có thể đem đến niềm vui cho họ bởi sẽ được ở bên gia đình, bù đắp cho vợ con sau quãng thời gian đằng đẵng xa nhà đi tập huấn rồi thi đấu; thì với các trọng tài, họ cảm thấy rất trống vắng. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà chia sẻ với giới truyền thông: “Công việc của chúng tôi ít khi phải xa nhà 1-2 tháng mà thường chỉ bận vào mỗi cuối tuần nên vẫn có nhiều thời gian chăm lo cho tổ ấm của mình. Nhưng mùa giải tạm dừng đột ngột đã đem đến nỗi nhớ da diết với những anh em trọng tài tạm thời xa công việc”.
Dù không phải đi làm vào mỗi dịp cuối tuần nhưng giới “Vua sân cỏ” đều xác định giai đoạn này phải có những phương án, bài tập dành riêng cho mình để duy trì thể lực. “Tốc độ các trận đấu bóng đá ngày càng cao nên đòi hỏi các trọng tài phải có nền tảng thể lực, sức bền tốt để theo kịp các pha bóng. Thế nên quãng thời gian này, tôi cũng như anh em trọng tài khác thường xuyên tập duy trì với các bài chạy sức bền. Tuy nhiên, do lệnh cấm tập trung nơi đông người nên đa phần anh em đều trang bị máy chạy tại nhà để duy trì thể lực”, đương kim “Cờ vàng Việt Nam” Phạm Mạnh Long cho biết. Bên cạnh việc duy trì thể lực, các trọng tài Việt Nam đều tự nghiên cứu các video, tình huống liên quan đến trọng tài để từ đó tự nâng cao chuyên môn cho chính mình.
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà …
“Hằng tuần, Ban Trọng tài AFC đều gửi email các bài test tình huống và chúng tôi phải hoàn thành các bài tập đó. Đây cũng là cách để mình tích luỹ kinh nghiệm cũng như nâng cao chuyên môn”, ông Long tiết lộ. Được đánh giá là “cây cờ” đẳng cấp bậc nhất của giới trọng tài Việt Nam với 8 lần giành danh hiệu “Cờ vàng” nhưng ông Long nói rằng nếu không tự rèn luyện thì sẽ bị tụt lại phía sau một cách nhanh chóng. “Nghề của chúng tôi rủi ro tương đối lớn, chỉ vài giây không tập trung thì sẽ phạm sai lầm ngay, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng nên với tôi khi rảnh như thế này dù rất nhớ công việc nhưng phải tranh thủ tự rèn luyện, học hỏi bất cứ lúc nào từ video hay từ các đồng nghiệp ngoại quốc”, ông Long khiêm tốn.
Đa phần sống bằng nghề khác
Những người đang hoạt động trong giới trọng tài Việt Nam đa phần đều xem nghề trọng tài là nghề tay trái, hay nói chính xác hơn là đam mê của mình. Nhưng đam mê không có nghĩa không quan tâm đến vấn đề thu nhập. Trợ lý Phạm Mạnh Long chia sẻ: “V.League tạm hoãn cũng buồn lắm chứ nhưng biết làm sao được, cả xã hội đang phải chống dịch Covid-19 nên tôi hoàn toàn không oán trách bất cứ điều gì, dù không đi làm thì không có thu nhập. Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng ta cần chia sẻ với giải đấu”.
… và trợ lý Phạm Mạnh Long điều hành một trận đấu tại V.League Ảnh: Đức Cường
Thông thường các trọng tài đều có nghề chính của mình, chẳng hạn như đương kim “Còi vàng” Hoàng Ngọc Hà đang là giáo viên dạy thể chất trường Nam Trung Yên (Hà Nội) hay “Còi vàng” Phạm Mạnh Long là cán bộ của trung tâm bóng đá Hải Phòng nên họ còn có khoản lương cứng. Còn với những người coi trọng tài là nghề chính như trọng tài Ngô Duy Lân, (người đã từng “cứu” 2 cầu thủ ở V.League do bất tỉnh, suýt nuốt lưỡi trên sân cỏ) thì quả thật gay go. Ông Lân là lao động chính của gia đình và những năm gần đây với sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn, vị trọng tài này thường được phân công bắt những trận có độ khó cao. “Thông thường khi mùa giải tạm dừng thì cầu thủ, HLV đều có lương còn các trọng tài thì không bởi chỉ có đi làm nhiệm vụ thì mới được tính tiền công. Chúng tôi hiểu quy luật đó nên không than trách. Mùa dịch này, tôi xoay qua bán online các sản phẩm như giày, tất bóng đá nhưng cũng ế lắm vì có mấy người chơi bóng giữa mùa dịch bệnh đâu”, trọng tài Ngô Duy Lân bộc
ạch. Được đánh giá là trọng tài triển vọng bậc nhất của giới trọng tài Việt Nam hiện tại, “Còi bạc” Ngô Duy Lân (36 tuổi) tin rằng mùa giải sẽ sớm trở lại và họ sẽ tiếp tục sống với đam mê của mình. “Cả nước đang chống dịch rất tốt, tôi tin tưởng bóng đá Việt Nam, V.League sẽ trở lại ở thời điểm sớm nhất”, ông Lân lạc quan chia sẻ.
Các trọng tài không vượt qua được sát hạch tranh thủ rèn lại thể lực
Đợt đầu tháng 2 vừa qua, đã có 10 trọng tài không vượt qua đợt sát hạch thể lực và không được phân công làm nhiệm vụ ở giai đoạn lượt đi V.League, hạng Nhất 2020 gồm Nguyễn Trọng Thư (Đà Nẵng), Nguyễn Trung Kiên A (Hà Nội), Hoàng Phạm Công Khanh (TP.HCM), Nguyễn Phương Nam (Hải Phòng, Tạ Công Châu Hòa (Bình Định), Lê Lưu Quang (Bình Định), Lê Xuân Vũ (Huế), Nguyễn Trung Nam (Đồng Tháp), Nguyễn Thành Trung (Khánh Hòa) và Hà Thị Phượng. Thế nên đợt mùa giải tạm nghỉ này họ có thêm thời gian để rèn lại thể lực. Trong số này có rất nhiều gương mặt nổi tiếng như Nguyễn Trọng Thư, Hoàng Phạm Công Khanh hay Nguyễn Trung Kiên A. Họ đều xác định phải rèn thật kỹ vấn đề thể lực để sớm trở lại với công việc, niềm đam mê của mình ở giai đoạn 2 mùa giải này.
Giám sát Võ Quang Vinh thường xuyên rèn thể lực
Dù đã chuyển sang vai trò giám sát, nhưng cựu “Còi vàng” Võ Quang Vinh vẫn thường xuyên rèn thể lực. Đấy cũng là thói quen từ lúc còn cầm còi của ông Quang Vinh. Những ngày qua phải ở nhà, nhưng ông Quang Vinh vẫn tập luyện thể thao đều đặn. Cựu trọng tài này cho biết: “Hiện tôi sống tại Đà Nẵng. Những ngày này do đang trong đợt phòng chống dịch bệnh, bản thân tôi và mọi người rất hạn chế ra đường. Tuy nhiên, do đặc thù công việc đòi hỏi phải có thể lực tốt, nên hàng ngày tôi vẫn chạy bộ trong khuôn viên nhà ở, bên cạnh đó là rèn các bài tập thể lực để khi giải đấu trở lại vẫn đảm bảo sức khoẻ, nhằm điều hành tốt công việc của mình”.
Thành Văn
Trọng tài Việt làm gì khi LS V-League 2020 tạm hoãn?
Trái bóng V-League ngừng lăn không chỉ gây ra nhiều "bối rối" cho nhà quản lý, đội bóng hay anh em cầu thủ, mà cả đội ngũ trọng tài cũng phải chịu những ảnh hưởng nhất định.
Có thể ảnh hưởng về kinh tế không quá lớn, bởi với hầu hết trọng tài thì cầm còi, cầm cờ chỉ là nghề tay trái, nên cảm giác nhớ nghề, nhớ sân, thèm được làm việc là tâm trạng chung của họ vào lúc này.
Bên cạnh đó, làm thế nào để duy trì nền tảng thể lực để làm việc khi giải đấu trở lại cũng khiến họ cần nhiều biện pháp thích nghi.
"Anh em chúng tôi đều xác định rõ nghề nghiệp của mình nên dù thế nào cũng luôn cố gắng hoàn thiện, trau dồi chuyên môn. Làm nghề phải đảm bảo điều khiển tốt nhất các trận đấu bằng tất cả tâm huyết của mình.
Lúc này, khi V-League 2020 đang phải tạm hoãn, nói thật là chân cẳng tôi cuồng hết lên rồi. Thèm ra sân lắm vì bao năm qua đã quen cảm giác cuối tuần được cầm còi, được sống trong bầu không khí sôi động trên sân cỏ cả nước rồi. Giờ ở nhà suốt thế này buồn lắm", đấy chia sẻ không chỉ của riêng cá nhân trọng tài Hoàng Ngọc Hà còn là tâm tư của đội ngũ "vua sân cỏ" trong những ngày "ngồi chơi xơi nước" như thế này.
Tự tập luyện, tự duy trì cảm giác thể lực bằng cách nuốt trọn các bài tập cá nhân hàng ngày, cố gắng chạy bộ, tập thêm các bài chạy bền, chạy tốc độ và những bài tập chuyên biệt khác dành riêng cho trọng tài, đó là những gì mà các ông "vua sân cỏ" Việt Nam đang làm.
Các trọng tài hiện nay đều phải tuân thủ không chỉ quy định của cơ quan chức năng, mà còn đảm bảo thực hiện những thông báo từ Ban Trọng tài.
Việc LS V-League 2020 tạm hoãn vô thời hạn cũng khiến các trọng tài gặp không ít khó khăn và thử thách. Ảnh: Hoàng Linh
Nhận xét về công tác quản lý đội ngũ trọng tài trong bối cảnh này, Trưởng Ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho biết: "Như chúng ta đã biết về công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, đời sống xã hội nói chung hay địa hạt bóng đá nói riêng đều phải chịu tác động và ảnh hưởng.
Khi phải tạm hoãn làm nhiệm vụ như lúc này, Ban Trọng tài đã có thông báo đến anh em để nắm bắt tình hình và tuân thủ quy định.Chúng tôi cũng khuyến cáo anh em cố gắng duy trì việc tự tập luyện, rèn luyện của cá nhân hàng ngày".
Ông Dương Văn Hiền còn cho biết: "Ban trọng tài đã lập một "group" chung để sử dụng, cùng nhau online, kết nối, tương tác và chia sẻ công việc hàng ngày. Nói chung vào lúc này, mọi công việc đều được anh em hưởng ứng và thực hiện tốt hàng ngày.
Chúng tôi khẳng định rằng, mọi vấn đề về trọng tài sẽ luôn được đảm bảo trên tinh thần, giải đấu trở lại là lúc đó đội ngũ trọng tài sẵn sàng một cách tốt nhất với công việc".
Đó là yêu cầu cấp bách, công việc cụ thể ở thời điểm hiện hay, còn xét theo phương diện tổng thể thì chất lượng của đội ngũ trọng tài Việt Nam ở mùa giải mới cũng có nhiều biến động.
"Nói nôm na, thời điểm này giống như giai đoạn chuyển giao thế hệ của trọng tài bóng đá trong nước. Đến lúc này, một số anh em đã hết tuổi làm nhiệm vụ, ngoài ra một vài người vẫn đảm bảo độ tuổi, có nhiều kinh nghiệm nhưng vì những lý do khách quan (thể lực không đạt yêu cầu, công việc cá nhân...) nên anh em cũng phải nghỉ làm công tác trọng tài", ông Dương Văn Hiền cho biết về tình hình chung của trọng tài Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ông Hiền bộc bạch: "Trong đợt tập huấn đầu mùa giải đã có nhiều trọng tài kinh nghiệm, năng lực như Hoàng Phạm Công Khanh, Nguyễn Phương Nam, Nguyễn Trung Kiên, cùng 3 trọng tài từng được FIFA công nhận là Nguyễn Hiền Triết, Nguyễn Trọng Thư, Trương Hồng Vũ thôi không làm nhiệm vụ vì lý do thể lực, sức khỏe và cá nhân.
Ngoài ra, còn có 4 trợ lý không vượt qua được sát hạch thể lực. Việc chia tay một lúc đến 10 trọng tài khiến lực lượng dự bị đã mỏng càng mỏng hơn, nên Ban Trọng tài VFF dự tính sau lượt đi mùa giải năm nay sẽ đôn ít nhất 3 trọng tài từ giải hạng Nhất lên V-League".
Ông Hiền cho rằng công tác tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, kiểm tra và sử dụng trọng tài là vấn đề xuyên suốt chứ không phải chỉ làm theo từng giai đoạn.
Ông nói: "Khi những anh em có năng lực, nhiều kinh nghiệm phải nghỉ vì quá tuổi chúng tôi phải chấp nhận. Do đó, việc đôn xen, cài cắm và sử dụng các bạn trọng tài trẻ đã được chúng tôi thực hiện từ nhiều mùa giải vừa qua. Chỉ có được sử dụng, được ra sân làm nghề thì mới có thêm kinh nghiệm, trui rèn bản lĩnh và có thêm những thử thách, giúp anh em càng ngày càng cứng cáp hơn khi được giao nhiệm vụ".
Tóm lại, vào lúc này, cũng như cầu thủ, đội ngũ trọng tài trong nước cũng tự rèn luyện với những bài tập cá nhân hàng ngày. "Vua sân cỏ" Việt ở trong tâm thế, nếu bóng được lăn thì lập tức sẽ ra sân cầm còi, cầm cờ trở lại.
Trần Tuấn
Chuyện trọng tài trượt thể lực và những mối lo ở V.League Trước thềm mùa giải 2020, có đến 118 trọng tài và trợ lý trọng tài đã tham gia bài kiểm tra về thể lực. Kết quả, có đến 10 trọng tài và trợ lý trọng tài đã không đạt yêu cầu. Đây là con số đáng báo động đối với Ban Trọng tài VFF. Điều đáng nói là nhìn vào danh sách này...