Giới phân tích: Tiền cứu trợ có thể chảy vào thị trường chứng khoán và tiền điện tử
Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức được giải ngân từ cuối tuần qua và theo một số chuyên gia phân tích, phần lớn khoản tiền này có thể chảy vào thị trường chứng khoán, thậm chí tiền điện tử.
Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kế hoạch phân bổ gói kích thích, sẽ có tổng cộng 400 tỷ USD cấp trực tiếp 1.400 USD/người cho hầu hết người dân Mỹ, các hộ gia đình, các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng nuôi con có tổng thu nhập dưới 150.000 USD/năm.
Tuy nhiên, theo kết quả cuộc khảo sát do Ngân hàng Mỹ thực hiện với sự tham gia của 3.000 người, hầu hết người được hỏi đều cho biết thay vì chi tiêu, họ sẽ dùng khoản tiền này để thanh toán các khoản nợ, bổ sung vào tiền tiết kiệm hoặc đầu tư. Cụ thể, có 30% người cho biết họ sẽ dùng tiền trả nợ, 25% có ý kiến sẽ dồn tiền tiết kiệm và 9% ý kiến đổ vốn đầu tư. Chỉ có 36% người được hỏi cho biết họ sẽ tiêu khoản tiền này.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của công ty chứng khoán Mizuho cho thấy khoảng 10% gói kích thích kích thích kinh tế phân bổ trực tiếp cho các gia đình và cá nhân, tương ứng 40 tỷ USD sẽ chảy vào thị trường chứng khoán và tiền điện tử như Bitcoin.
Cụ thể, có 35 đến 40% trong số 235 người được hỏi cho biết họ sẽ dành khoản cứu trợ của chính phủ để đầu tư vào chứng khoán và tiền điện tử. Trong đó, có 61% người có ý định đầu tư mua Bitcoin. Ngày 14/3, Bitcoin đã tăng lên mức giá kỷ lục 60.000 USD.
Một cuộc khảo sát khác của Deutsche Bank với 430 người tham gia cho thấy có 37% người có kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu.
Trong hai gói kích thích kinh tế trước đó giải ngân vào năm 2020 – thời điểm đại dịch khiến nền kinh tế ngưng trệ, chỉ có 8% khoản tiền hỗ trợ của chính phủ được người dân đổ vào thị trường chứng khoán ở Mỹ.
Trong khi đó, Goldman Sachs ước tính rằng với kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Tổng thống Biden, các hộ gia đình sẽ chiếm nguồn cầu lớn nhất đối với cổ phiếu Mỹ trong năm 2021. Nhà kinh tế David Kostin của Goldman Sachs cho biết ngân hàng ước tính giá trị cổ phiếu mà các hộ gia đình Mỹ có nhu cầu thu mua trong năm nay sẽ tăng từ 100 tỷ USD lên 350 tỷ USD. Thực tế này phản ánh tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ nhanh hơn, và tỷ lệ lãi suất cao hơn so với giả định trước đây.
Video đang HOT
Ngoài khoản hỗ trợ 400 tỷ USD giải ngân theo kế hoạch nói trên, gói cứu trợ khổng lồ này còn bao gồm 350 tỷ USD phân bổ cho chính quyền các bang và địa phương… cùng với các khoản hỗ trợ những người thất nghiệp, mở rộng chăm sóc y tế công cộng và tăng thêm quỹ dành cho kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ đạt 2 mục tiêu quan trọng trong 10 ngày tới: 100 triệu liều vaccine được tiêm chủng cho người dân và 100 triệu tấm séc sẽ được chuyển đến tay người dân hoặc tài khoản ngân hàng.
Ứng dụng Robinhood tạo cơn sốt chứng khoán mùa đại dịch: Liệu có còn "cướp của người giàu chia cho người nghèo"
Robinhood nổi lên như là một kênh giao dịch đơn giản, tiện lợi, miễn phí và thu hút hàng chục triệu người tham gia vào thị trường chứng khoán
Hơn một năm qua, tình hình dịch Covid diễn ra phức tạp khiến nhiều người trên toàn thế giới phải làm việc từ xa, chủ yếu là ở nhà đã dẫn đến việc một số lượng lớn tham gia vào thị trường chứng khoán. Nhờ đó, những nền tảng giao dịch online đã thu hút được một số lượng người dùng lớn và có sự phát triển vượt bậc.
Trong số các ứng dụng này, Robinhood nổi lên như là một kênh giao dịch đơn giản, tiện lợi, miễn phí và thu hút hàng chục triệu người tham gia vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Robinhood cũng chính là nguyên nhân khiến một chàng trai 20 tuổi tự tử và tham gia vào việc chặn người dùng giao dịch cổ phiếu Gamestop trong thời gian qua. Mặc dù chịu tai tiếng, tuy nhiên nền tảng này vẫn tiếp tục phát triển và tới đây sẽ chính thức trở thành một công ty đại chúng thông qua việc IPO.
Robinhood Markets là một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ có trụ sở chính tại Menlo Park, California được thành lập từ năm 2013 bởi Vladimir Tenev và Baiju Bhatt, những người trước đó đã xây dựng nhiều nền tảng giao dịch tần suất cao cho các tổ chức tài chính ở New York.
Với sứ mệnh cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người thay vì chỉ những người giàu có, hai nhà sáng lập đã chọn cái tên Robinhood, một tên cướp nổi tiếng về việc cướp của người giàu chia cho người nghèo tại Anh nhiều thế kỷ trước.
Ứng dụng Robinhood của công ty lần đầu tiên được giới thiệu tới người dùng vào cuối năm 2014 trên nền tảng iOS thông qua AppStore trước khi chính thức ra mắt vào tháng 3 năm 2015. Robinhood Markets trở thành công ty môi giới phát triển nhanh nhất và ứng dụng của họ là phần mềm tài chính đầu tiên trong lịch sử có được giải thưởng Apple Design Award.
Hai nhà sáng lập ra ứng dụng Robinhood - Vladimir Tenev và Baiju Bhatt
Công ty được biết đến nhờ việc cung cấp miễn phí (không thu phí mua - bán) các giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (ETF) thông qua ứng dụng di động của mình. Tới quý 3 năm 2016, Robinhood tung ra gói đăng ký trả phí Robinhood Gold với tính năng nhận tiền mặt lên tới 50,000 USD vào tài khoản ngay lập tức (mà không phải chờ tới 3 ngày), giao dịch ký quỹ và các phân tích chuyên sâu hơn về thị trường từ MorningStars hay NASDAQ.
Tuy nhiên, mảng đem lại nhiều doanh thu nhất cho Robinhood tới từ việc họ chuyển hướng các dòng lệnh tới các bên môi giới thứ ba và hưởng hoa hồng. Việc làm này bị nhiều nhà phân tích đánh giá là bán thông tin người dùng cho bên thứ ba, dù rằng nhà sáng lập Bahtt liên tục phủ nhận. Tới hết quý 1/ 2020, đây vẫn là mảng đem lại lợi nhuận cao nhất cho công ty (chiếm 70% doanh thu); mảng cho vay ký quỹ và gói dịch vụ trả phí chỉ đem lại tổng cộng 30% doanh thu cho công ty.
Chi tiết doanh thu của Robinhood
Số lượng người dùng Robinhood bắt đầu tăng phi mã khi công ty đưa ra chương trình giới thiệu ứng dụng tới người dùng mới. Khi một người dùng giới thiệu cho một người bạn đăng ký sử dụng Robinhood, cả hai đều nhận được một cổ phiếu của một trong những công ty bao gồm Facebook, Apple, Rite Aid, Ford và General Electric - đây đều là các tập đoàn và công ty hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Điều này đã thu hút thêm rất nhiều người sử dụng mới cho Robinhood. Tính đến tháng 2 năm 2017, Robinhood đã có tới hơn 2 triệu người dùng và thực hiện nhiều giao dịch với tổng giá trị lên tới hơn 30 tỷ USD. Trong nỗ lực mở rộng của mình, Robinhood đã hợp tác với Baidu's để tìm kiếm cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Thông qua việc tích hợp vào ứng dụng Stock Master của Baidu's, Robinhood có thể giúp nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phiếu tại thị trường Mỹ, điều mà nhà sáng lập Tenev đánh giá là tương tự với việc "nhà đầu tư tới Mỹ và mở tài khoản chứng khoán".
Chỉ 2 tháng sau cột mốc lịch sử, Robinhood thành công trong việc gọi được 110 triệu USD vốn đầu tư từ một số quỹ lớn; bản thân công ty cũng được định giá tới 1.3 tỷ USD. Tháng 5/ 2018, công ty tiếp tục gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm với số tiền gấp 5 lần 1 năm trước đó; giá trị công ty cũng được xác định lên tới 5.6 tỷ USD.
Mức độ phủ sóng của Robinhood ngày một lớn; và dịch Covid - 19 đem lại cho họ cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn. Số lượng người dùng của họ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong các ứng dụng giao dịch trực tuyến. Từ quý 1 tới quý 2 / 2020, thời điểm mà các nước bắt đầu hạn chế di chuyển và ban hành các lệnh cách ly xã hội, số người sử dụng Robinhood đã tăng lên tới 139%, gần gấp đôi so với mức tăng của ứng dụng đứng thứ hai là TD Ameritrade. Số lượng giao dịch bằng ứng dụng này tăng đột biến, tuy nhiên không quá ảnh hưởng tới các cổ phiếu lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Lượng người dùng Robinhood tăng đột biến trong giai đoạn cách ly xã hội
Cuối năm 2020, Robinhood công bố họ có tới 13 triệu người dùng, và công ty được định giá lên tới 8.3 tỷ USD. Song song với sự phát triển của mình, công ty cũng chịu nhiều tai tiếng. Đầu tiên là việc sinh viên Đại học Nebraska Alexander E. Kearns tự tử sau khi thấy số dư tiền mặt âm 730.000 USD trong tài khoản giao dịch ký quỹ Robinhood của mình, mặc dù đây chỉ là con số tạm thời và không phản ánh đúng bản chất tài khoản của anh này.
Điều này khiến Robinhood phải ra thông cáo báo chí về việc sẽ xem xét nhiều tiêu chí bổ sung trong việc giao dịch, trong đó có cung cấp kiến thức nền tảng đối với người dùng.
Kearns ra đi ở tuổi 20 sau khi thấy số dư tiền mặt âm tới hơn 700,000 USD ở tài khoản Robinhood đã dấy lên nhiều câu hỏi về nền tảng giao dịch Robinhood
Không dừng lại ở đó, Robinhood còn là nhân vật chính trong thương vụ WallStreetBets nổi tiếng đầu năm nay. Nền tảng giao dịch trực tuyến này đã không cho người dùng giao dịch 13 mã chứng khoán, trong đó nổi bật nhất là cổ phiếu của Gamestop (GME), vốn được những người dùng ở r/WallStreetBets đẩy giá lên gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.
Với những người chơi sử dụng tiền vay margin, thậm chí nền tảng này còn buộc họ phải bán cổ phiếu. Trong khi các quỹ vẫn có thể giao dịch bình thường thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ lại bị đóng băng giao dịch. Việc làm của Robinhood được cho là hỗ trợ các quỹ đầu tư lớn gây sức ép với nhà đầu tư cá nhân, và cũng có thể coi là một hành động ngang nhiên thao túng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, dưới sự ủng hộ của Elon Musk và một số chính trị gia cũng như sự phẫn nộ của nhiều nhà đầu tư với lời đe dọa sẽ đưa vụ việc ra tòa, Robinhood đã phải cho giao dịch trở lại một khối lượng rất hạn chế những cổ phiếu nói trên.
Thêm vào đó, Robinhood đã rút bớt các hạn mức tín dụng (credit lines) khỏi nhiều ngân hàng, với lý do được đưa ra là để đảm bảo có đủ tiền mặt để chi trả cho nhiều giao dịch cũng như có đủ tiền ký quỹ tại các Trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing houses). Tuy nhiên giữa tâm bão, công ty dự kiến sẽ thực hiện thương vụ IPO trong tháng 3/ 2021. Theo nhiều nguồn tin, thương vụ này sẽ được thực hiện bởi Goldman Sachs với giá trị có thể lên tới 20 tỷ USD. Mặc dù vậy, cả Goldman Sach và Robinhood đều chưa đưa ra bình luận về việc này.
Như vậy, có thể thấy Robinhood đã có bước phát triển thần tốc, đặc biệt trong giai đoạn cách ly vì Covid, về cả số lượng người dùng và giao dịch phát sinh. Mặc dù vậy, những hành động của công ty này, đặc biệt là trong vụ việc tự sát của sinh viên Alexander E. Kearns và chặn giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi họ cố gắng mua vào cổ phiếu Gamestop cho thấy công ty đang không đi đúng với mục tiêu mà họ đặt ra ban đầu. Những hành động mà họ làm gần đây đều giúp cho các quỹ và những nhà đầu tư tổ chức tăng thêm quyền lực đối với thị trường và với cả những nhà đầu tư cá nhân. Câu hỏi đặt ra là, liệu sau khi IPO thành công, liệu Robinhood có tiếp tục xa rời chiến lược "tất cả mọi người đều có thể giao dịch" của họ?
Thị trường chứng khoán 15/1: Gặp khó trước vùng 1.200-1.220 điểm? Cập nhật thị trường chứng khoán hôm nay 15/1: VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thử thách vùng kháng cự 1.200-1.220 điểm. Thị trường chứng khoán 15/1 (ảnh minh họa) Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1, VN-Index tăng 1,35 điểm (tương đương 0,11%) lên 1.187,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 779,343 triệu đơn vị,...