Giới phân tích hoài nghi về khả năng đột phá của Windows 8.1
Các hãng nghiên cứu thị trường tiên đoán tương lai của thị trường PC vẫn sẽ tiếp tục suy giảm ngay cả khi các sản phẩm mới như vi xử lý Haswell hay hệ điều hành Windows 8.1 được tung ra phổ biến.
Đầu tháng 6, công ty nghiên cứu thị trường Citi Research đã dự đoán mức tăng trưởng của thị trường máy tính sẽ giảm xuống mức -10% trong quý II năm nay, thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó là -4%. Đây bị coi là “điềm gở” cho thị trường.
Giới công nghệ lo lắng về tương lai ảm đạm của thị trường PC. Ảnh: The Verge.
Bên cạnh đó, Citi Research cũng không hi vọng nhiều vào việc phiên bản Windows 8.1 mới nhất sẽ tạo được lực đẩy lớn để cải thiện tình hình thị trường máy tính đang ảm đạm. “Chúng tôi không hi vọng số lượng PC bán ra sẽ tăng bởi nguồn cầu đang có dấu hiệu giảm mà lợi nhuận thu được từ chip Haswell và Windows Blue (hay Windows 8.1) vẫn chưa thấy đâu”, đại diện của hãng nhận định.
“Kết quả kinh doanh tháng 5 cho thấy thị trường có sự đi xuống và sẽ không đat được mức tăng trưởng như mong đợi trong quý II”, Loren Loverde, một nhà phân tích của IDC, cho biết.
Video đang HOT
Theo dự đoán, mức tăng trưởng của thị trường máy tính trong năm 2013 sẽ là -7,8%. Tuy vậy, IDC cho biết con số này vẫn có khả năng được cải thiện bởi sẽ có ngày một nhiều sản phẩm mới được giới thiệu đồng thời các nhà cung cấp cũng tận dụng được hai mùa tựu trường và nghỉ lễ để bán được nhiều máy tính hơn.
Trước đó, Citi Research từng dự đoán số lượng laptop bán ra trong năm 2013 sẽ là 179 triệu đơn vị còn máy tính để bàn là 137 triệu máy. Cả hai con số này đều ít hơn so với năm 2012 với lần lượt là 201 triệu và 148 triệu máy.
Theo VNE
Thị trường PC chỉ thấy sụt giảm
Chẳng những vậy, đà tụt dốc vẫn chưa thấy dấu hiệu dừng lại, dù Intel đã ra mắt Haswell, Microsoft phát hành Windows 8 đã hơn nửa năm.
Vẫn còn nhiều tranh cãi về cái gọi là "thời kỳ hậu PC" nhưng có một thực tế không thể chối cãi là, những năm gần đây người dùng không mấy quan tâm tới việc nâng cấp máy tính. Mặc cho Intel vẫn giữ được nhịp điệu "tik - tok", đều đặn tung ra các con chip Core i thế hệ mới, mặc cho Microsoft tuyên bố Windows 8 là nền tảng được làm mới hoàn toàn cho kỷ nguyên di động, thì thị trường PC vẫn cứ ảm đạm.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường IDC, quí 1/2013 là quí thứ 4 liên tiếp doanh số PC truyền thống (gồm máy tính để bàn và laptop) trên toàn cầu sụt giảm. Đây cũng là quí có mức giảm sâu nhất trên thị trường PC toàn cầu, doanh số chỉ đạt 76,3 triệu máy, giảm 13,9% so với mức 88,6 triệu máy của cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn nhiều mức giảm kỳ vọng 7,7% của IDC.
Theo IDC, quí 1/2013 lập kỷ lục về sụt giảm doanh số trên thị trường PC. Đồ họa: IDG News Service
Intel đổ lỗi thị trường PC èo uột là do các nhà sản xuất PC quá thiếu ý tưởng trong thiết kế. Phó Chủ tịch Intel kiêm Tổng giám đốc mảng các nền tảng di động thừa nhận, thiết kế PC vẫn chưa có gì đột phá, kiểu dáng còn đơn điệu, thời lượng pin chưa tốt, tính sẵn sàng chưa cao, nên không đủ sức hấp dẫn người dùng để họ chịu chi tiền nâng cấp.
Thực tế là thị trường PC đã tiếp nhận khá nhiều mẫu có thiết kế sáng tạo từ ultrabook cho tới các thiết bị lai - dạng laptop có thể chuyển đổi (convertible) hay tháo rời màn hình để dùng như máy tính bảng. Nhưng giá cao và thời lượng pin thấp đang là những trở ngại khiến những nhóm máy này chưa chinh phục được thị trường.
Acer Aspire P3-171 là chiếc ultrabook lai máy tính bảng chạy Windows 8 có cấu hình khá tốt với màn hình 11,6 inch, CPU Core i5 điện áp thấp (LV) và lưu trữ SSD. Acer cho biết máy sử dụng pin 4-cell 5280-mAh chạy được 6 giờ. Tuy nhiên, theo trang công nghệ LaptopMag, thời lượng pin thực tế của máy chỉ đạt khoảng từ 4 đến 5 giờ. Máy có giá 899 USD, và ở thời điểm hiện tại, khó có thể nói nhiều người sẵn sàng chấp nhận bỏ ra số tiền chừng đó để rồi dùng chưa được nửa ngày đã phải kiếm ổ cắm điện. Nhiều mẫu ultrabook có thời lượng pin cao hơn, nhưng thực tế rất ít ultrabook giá dưới 1.000 USD mà có thời lượng pin cho phép máy hoạt động được cả ngày.
PC cũng như các thiết bị di động đã có hiệu năng đủ mạnh và người dùng không còn tâm lý chờ đợi nâng cấp lên nền tảng mới như trước đây. Tính thuận tiện, dùng cả ngày không lo hết pin của thiết bị mới là điều người dùng quan tâm nhất, để thường xuyên lướt web, duyệt email, truy cập mạng xã hội, chia sẻ nội dung, xem video, nghe nhạc trực tuyến... Đó đang là thế mạnh của smartphone và máy tính bảng dùng chip xử lý nền ARM - những thiết bị điện toán di động thực sự.
Intel đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ chip Haswell sẽ tạo được cú hích mới cho thị trường PC. Vi xử lý Core thế hệ thứ tư được giới thiệu là sẽ giúp thiết bị tiết kiệm 50% lượng điện năng tiêu thụ. Hãng cũng cho biết các bộ vi xử lý thế hệ mới sẽ có giá rất cạnh tranh, tạo động lực để ultrabook phát triển mạnh trong thời gian tới, với thiết kế mỏng hơn, nhẹ hơn, trong khi giá sẽ thấp hơn nhiều, có thể hình dung ở mức dưới 500 USD.
Triển lãm Computex 2013 cho thấy, ultrabook thế hệ mới sẽ được phát triển mạnh theo hướng "2-trong-1" (laptop lai máy tính bảng, trước đây thường gọi là thiết bị lai, hay chuyển đổi) với giá rẻ. Acer giới thiệu Iconia W3 giá 379 USD, là máy tính bảng 8 inch đầu tiên chạy Windows 8. Acer cũng đã công bố laptop dòng Aspire V5 màn hình cảm ứng, giá khởi điểm dưới 400 USD cho phiên bản dùng chip Temash của AMD.
Dù vậy, trước sự bùng nổ của các thiết bị di động trong xã hội người dùng liên tục di chuyển và cần có thiết bị điện toán di động luôn sẵn sàng bên mình, các hãng nghiên cứu thị trường lại chưa thấy "cửa" phục hồi cho PC. Theo dự báo của Gartner, doanh số bán PC truyền thống trên toàn cầu sẽ chỉ đạt mức 305 triệu máy trong năm 2013, giảm 10,6% so với 341 triệu máy của năm 2012. IDC cũng nhận định thị trường PC sẽ tiếp tục sụt giảm trong những năm tới.
Theo IDC thì Windows 8 không những chưa thúc đẩy mà còn khiến doanh số bán PC bị chậm lại trong quí I vừa qua. Số liệu của hãng nghiên cứu Net Applications ghi nhận đến hết tháng 5/2013, lượng PC để bàn chạy Windows 8 thậm chí còn thấp hơn Windows Vista, với tương quan thị phần là 4,27% so với 4,51%. Trong khi đó người dùng vẫn gắn bó với Windows 7 (44,85%) và Windows XP (37,74%).
Một điều dễ nhận thấy là để khai thác hiệu quả Windows 8, PC cần có màn hình cảm ứng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc làm tăng giá máy. Trong khi chức năng nhập liệu hiệu quả nhất vẫn là bàn phím và chuột.
Chưa rõ thế nào, nhưng các nhà sản xuất Qualcomm, Nvidia, Samsung vẫn không ngừng tung ra các thế hệ vi xử lí mới dựa trên kiến trúc ARM, liên tục được cải tiến. Các ứng dụng chạy trên nền tảng đám mây ngày càng đáp ứng hữu hiệu cho người dùng di động. Trong khi Intel dường như đang mắc kẹt với kiến trúc x86 lấy hiệu năng làm trọng, còn Microsoft vẫn khiến khách hàng tốn bộn tiền với phần mềm của hãng.
Theo VNE
Computex 2013: Intel sẵn sàng cho năm của chip Haswell Từ các máy tính "biến hình" đến ultrabook, laptop hay máy tính để bàn tại triển lãm Computex 2013 đều sử dụng vi xử lý nền tảng Core i thế hệ thứ 4 của Intel. Đúng như dự đoán của các nhà phân tích, Intel đã chọn triển lãm Computex 2013 tại Đài Loan làm nơi "đổ bộ" của dòng vi xử lý...