Giới chuyên gia nói gì về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên?
Giới chuyên gia nhận định, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy Triều Tiên đang mất dần kiên nhẫn trong đàm phán với Mỹ.
Triều Tiên hôm nay (4/5) đã phóng một số vật thể bay tầm ngắn chưa xác định với tầm bắn từ 70 đến 200 km. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về bước đi mới nhất của Triều Tiên.
Pháo phản lực Triều Tiên trong một cuộc tập trận. Ảnh: Chaplain News.
Giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định, vụ phóng của Triều Tiên cho thấy sự mất kiên nhẫn gia tăng của Triều Tiên trong cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ với Mỹ, cũng như thiếu bước tiến trong các dự án hợp tác kinh tế liên Triều.
Giáo sư Park Won-gon thuộc trường Đại học Toàn cầu Handong tại Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng cũng là bước đi nhằm gia tăng sức ép lên Mỹ để nước này thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, vào thời điểm hiện nay, Triều Tiên sẽ không làm căng thẳng gia tăng vượt mức kiểm soát và sớm quay trở lại các cuộc đối thoại. Vụ phóng của Triều Tiên cũng được đánh giá là không gây ra bất cứ mối đe dọa nào đối với an ninh Mỹ, cho thấy mong muốn của Triều Tiên vẫn muốn tiếp tục đối thoại.Triều Tiên hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ kết quả chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tới Hàn Quốc vào tuần tới. Dự kiến các quan chức Hàn Quốc và Mỹ sẽ thảo luận những biện pháp để tháo gỡ thế bế tắc đàm phán hạt nhân hiện nay, bao gồm khả năng viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên./.
Theo Phạm Hà/VOV1
Video đang HOT
Yonhap
Hàn Quốc nói vụ phóng vũ khí của Triều Tiên vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều
Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vũ khí mới đây của Triều Tiên vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều được 2 bên ký kết năm 2018.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành vi làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và tham gia vào nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân. Seoul cũng cho biết đang cùng Mỹ phân tích chi tiết về vụ phóng vũ khí mới đây của Bình Nhưỡng.
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp khẩn giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Cơ quan tình báo và một số quan chức khác sau vụ phóng vũ khí của Triều Tiên sáng 4/5.
Hàn Quốc cáo buộc vụ phóng vũ khí mới của Triều Tiên vi phạm thỏa thuận quân sự liên Triều Tiên được 2 bên ký kết vào năm 2018. (Ảnh: ABC News)
Sáng 4/5, Triều Tiên phóng một số vật thể bay không xác định với tầm bay vào khoảng 70-200 km từ khu vực gần thành phố Wonsan hướng về phía biển Nhật Bản nhưng không rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) ban đầu nói rằng Triều Tiên phóng nhiều "tên lửa" tầm ngắn nhưng sau đó cải chính là "vật thể bay" tầm ngắn.
Ngay trong sáng 4/5, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm về động thái mới nhất của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm, 2 Ngoại trưởng cho rằng cần khẩn trương phân tích thêm về vụ phóng, đồng thời thận trọng đối phó, duy trì trao đổi thông tin trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo.
"Về vụ phóng hôm nay, hai bên đã đồng ý xử lý một cách thận trọng và giữ liên lạc trong khi tiếp tục phân tích bổ sung", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tin nhắn văn bản gửi cho các phóng viên.
Ông Lee Do-hoon, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh bán đảo Triều Tiên, và ông Stephen Biegun, đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, cũng đã có cuộc trao đổi qua điện thoại. Ông Biegun sẽ đến Seoul vào ngày 6-7/5 tới sau hai ngày làm việc với các nhà ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo, thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ngoại trưởng Kang cũng có cuộc trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono về động thái của Bình Nhưỡng, cam kết sẽ phản ứng "một cách thận trọng" với diễn biến mới này và tiếp tục liên lạc.
Theo các chuyên gia, đợt thử vũ khí mới đây của Bình Nhưỡng cho thấy quốc gia Đông Bắc Á vẫn chưa hết bất mãn với thái độ của Mỹ trong và sau hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội.
Triều Tiên đang muốn gây áp lực lên Mỹ, thúc giục Washington có những bước đi cần thiết trong bối cảnh đàm phán hạt nhân đang lâm vào thế bế tắc.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng chỉ đang định dùng "đòn gió" với Mỹ và chưa có ý định cắt đứt hoàn toàn đối thoại với Washington bởi nếu không họ đã phóng tên lửa đạn đạo thay vì các vật thể bay tầm ngắn vốn không bị coi là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.
Thỏa thuận quân sự toàn diện được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh lần 3 giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9/2018, kêu gọi một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ khí theo một kế hoạch rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn mọi hành vi thù địch giữa 2 miền Triều Tiên.
(Nguồn: AP, Yonhap)
SONG HY - PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Ngoại trưởng Hàn thừa nhận bất đồng với Mỹ về vấn đề Triều Tiên Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ngày 2.5 thừa nhận giữa nước này và Mỹ còn tồn tại bất đồng quanh vấn đề CHDCND Triều Tiên. Bà còn cho biết đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun sắp đến làm việc. Hàn - Mỹ vẫn cần đối thoại nhằm thu hẹp khác biệt xung quanh vấn đề Triều Tiên - Ảnh: East Asia Research...