Giới chuyên gia lạc quan thận trọng về dịch COVID-19 tại Canada
Các chuyên gia dịch tễ Canada mới đây đã cảnh báo rằng, trong bối cảnh thời tiết ở nước này đang bắt đầu chuyển lạnh, người dân sẽ có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn và điều này sẽ dẫn tới gia tăng nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 trong không gian hẹp.
Cùng với thời tiết lạnh, một đợt gia tăng khác của biến thể Delta hay một biến thể mới có thể xuất hiện sẽ làm thay đổi diễn biến tình hình đại dịch COVID-19 tại nước này.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Humber River ở Toronto, Ontario, Canada, ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, mặc dù một số chuyên gia về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm ở Canada đang bày tỏ lạc quan một cách thận trọng khi hy vọng rằng mức độ miễn dịch trong cộng đồng cao hơn có thể ngăn chặn biến thể Delta lây lan và nhiều khu vực có thể chứng kiến tỷ lệ nhập viện giảm, nhưng chuyên gia dịch tễ học Caroline Colijn (tỉnh British Columbia) tỏ ý hoài nghi. Theo vị chuyên gia này, mặc dù Canada đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác phòng chống dịch với tỷ lệ người dân tiêm chủng cao nhưng nước này sẽ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong ứng phó với dịch COVID-19 do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn, như đã từng chứng kiến trong mùa Thu 2020 và thậm chí cả mùa Xuân 2021.
Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Calgary, ông Craig Jenne cho biết hiện chưa thể đưa ra dự báo dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu tại Canada. Mặc dù có thể thấy đường cong dịch tễ đã ổn định và đi ngang hơn trong những ngày tới, nhưng câu hỏi thực sự là khi nào đường cong đó bắt đầu giảm vẫn. Cũng theo ông Craig, tại các tỉnh như Alberta và Saskatchewan, hệ thống y tế vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng vì số ca nhập viện do mắc COVID-19 tăng đột biến trong số những người chưa tiêm chủng.
Hiện nay, theo kết quả giám sát việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 của hãng truyền thông CBC, Canada đã đạt tỷ lệ 70% tổng dân số và 80% dân số đủ điều kiện đã tiêm đủ hai liều vaccine phòng COVID-19. Chuyên gia dịch tễ học Đại học Ottawa, ông Raywat Deonandan bày tỏ lạc quan về tình hình dịch bệnh, cho rằng Canada có đầy đủ các công cụ cần thiết để kiểm soát dịch, bao gồm tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt mức cao; có hệ thống xét nghiệm nhanh; hiểu biết sâu về dịch bệnh này và có cách ứng phó phù hợp, kịp thời. Chuyên gia Deonandan hy vọng khi đạt mức độ miễn dịch cộng đồng cao hơn sẽ làm giảm tỷ lệ người nhiễm bệnh phải nhập viện.
Theo ông Deonandan, một trong những ẩn số lớn là khả năng miễn dịch của vaccine sẽ suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn đánh giá cao khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19, tránh cho người nhiễm bệnh nguy cơ nhập viện và tử vong. Cùng quan điểm với ông Deonandan về việc hiệu quả của vaccine sẽ suy giảm theo thời gian, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc Mạng lưới Y tế đại học ở Toronto, bác sĩ Andrew Morris, cho rằng căn cứ vào thời điểm hầu hết người dân Canada được tiêm phòng, khả năng miễn dịch của những người đã tiêm chủng bắt đầu suy giảm khoảng từ cuối tháng 10/2021. Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia này đặt ra là liệu các địa phương có lường trước được điều này để tiêm phòng các mũi vaccine bổ sung cho người dân nhằm giải quyết nguy cơ tiềm ẩn này hay không.
Trong khi đó, một số giới chức y tế gợi ý về một khả năng khác là đợt bùng phát do biến thể Delta đã đạt đỉnh khi chỉ ra rằng phân tích của Trung tâm Mô hình hóa kịch bản COVID-19 có trụ sở tại Mỹ đã dự báo về việc suy giảm dần các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ, với khả năng không có sự gia tăng đáng kể vào mùa Đông. Chuyên gia Deonandan cho biết có thể một số nơi trên thế giới như Anh và một số bang của Mỹ đã chứng kiến làn sóng của biến thể Delta đạt đỉnh. Ông Deonandan dự báo khu vực Bắc bán cầu có thể sẽ chứng kiến xu hướng biến thể Delta suy giảm vào dịp cuối năm 2021.
Tuy nhiên, cả chuyên gia Deonandan và Trung tâm Mô hình hóa kịch bản COVID-19 của Mỹ cũng đưa ra dự đoán rằng tỷ lệ lây nhiễm giảm một phần là do biến thể delta lây lan nhanh đến mức không còn người để lây nhiễm, đạt tới mức độ miễn dịch cộng đồng.
Bác sĩ Christopher Labos ở Montreal (Canada) cho rằng các biến thể có thể sẽ tiếp tục xuất hiện, song liệu có biến thể nào vượt trội, nguy hiểm hay không thì còn cần có thời gian để xem xét. Ông Labos cho rằng khả năng ngăn chặn các biến thể của dịch bệnh COVID-19 phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực tiêm phòng mở rộng trên toàn thế giới. Ông cho rằng các biến thể mới có thể xuất hiện vì virus tiếp tục lây lan, thực hiện cơ chế tự sao chép, biến đổi, để trở thành biến thể khác có sức tấn công mạnh hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Labos cho rằng vẫn có thể tin tưởng hiệu quả của các loại vaccine phòng COVID-19 chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện cho đến nay.
Các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em
Mối đe dọa của biến chủng Delta và những biến chủng khác đang khiến nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng, trong đó việc mở rộng tiêm vắc xin cho trẻ em.
Video đang HOT
Một thiếu niên tiêm vắc xin Covid-19 ở Dublin, Ireland (Ảnh: BBC).
Cuộc chạy đua tiêm vắc xin Covid-19, mà trước đây tập trung vào việc bảo vệ người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương, đang dần chuyển sang phần còn lại của dân số là trẻ em, đặc biệt là nhóm tuổi từ 12 trở lên.
Theo số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), 77,7% dân số trưởng thành trong khối đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Vì vậy, mục tiêu của họ là chuyển sang tiêm chủng cho càng nhiều trẻ em càng tốt nhằm làm giảm sự lây lan trong cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm biến chủng nguy hiểm.
Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thừa nhận vẫn còn hạn chế trong các nghiên cứu của họ về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em. Tuy nhiên, họ kết luận việc tiêm vắc xin cho trẻ em, nhất là nhóm 12-17 tuổi, sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với mối lo ngại về tác dụng phụ.
Không chỉ các nước EU, nhiều nước khác như Mỹ, Cuba, Trung Quốc hay Ấn Độ cũng đang mở rộng chiến dịch tiêm chủng sang trẻ em.
Châu Âu đẩy mạnh tốc độ tiêm cho trẻ em
EMA đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi vào tháng 5, vắc xin Covid-19 đầu tiên được chấp thuận cho trẻ em ở EU. EMA cũng đã phê duyệt vắc xin Moderna sử dụng cho nhóm 12-17 tuổi vào tháng 10 tới.
Hiện nay, các nước EU đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em với tốc độ khác nhau.
Pháp là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm cho trẻ trên 12 tuổi, bắt đầu từ ngày 15/6. Theo số liệu do Cơ quan Y tế Công cộng Pháp công bố vào ngày 12/9, 68% trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 56% đã được tiêm đầy đủ. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình "thẻ xanh Covid-19", gồm chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Trong khi đó, tại Anh, tất cả thanh thiếu niên 16-17 tuổi ở Anh đã bắt đầu được tiêm vắc xin kể từ ngày 23/8, trong khi thiếu niên từ 12-15 tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin là những trẻ có nguy cơ cao nhiễm Covid-19 hoặc sống với người lớn có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nặng. Anh hiện cũng đang tính toán mở rộng tiêm chủng cho toàn bộ trẻ từ 12-15 tuổi với kỳ vọng một chương trình tiêm chủng hàng loạt cho trẻ em có thể giúp giảm số ca mắc mới Covid-19 trong mùa thu và mùa đông này nhưng vẫn chưa thống nhất.
Còn tại Italia, mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho càng nhiều thanh thiếu niên càng tốt khi các em quay trở lại trường học vào tháng 9. Kể từ ngày 16/8, trẻ 12-18 tuổi có thể đi tiêm vắc xin mà không cần đặt lịch trước. Hiện tại, 62,43% đã được tiêm mũi một và 44,95% được tiêm đầy đủ, theo báo cáo ngày 13/9 của nước này.
Đức ban đầu vắc xin chỉ được khuyến nghị cho trẻ em mắc các bệnh nền, nhưng trước sự lan rộng của chủng Delta, chính phủ nước này thay đổi chiến lược và quyết định tiêm cho tất cả trẻ em trên 12 tuổi.
Mỹ, Canada nhanh chóng tiêm cho thiếu niên từ 12 tuổi
Vào tháng 5, các cơ quan quản lý của Mỹ và Canada đã đi tiên phong phê duyệt vắc xin để tiêm cho thiếu niên từ 12 tuổi trở lên.
Việc triển khai được bắt đầu ngay lập tức tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ với hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần. Tính đến cuối tháng 7, 42% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm một mũi và 32% tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer hoặc Moderna. Nỗ lực tiêm vắc xin cho trẻ em diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải gồng mình đối phó với số ca mắc gia tăng do sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta. Các báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, số lượng trẻ em nhập viện cao gấp 3,4-3,7 lần tại các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Pfizer cũng đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp sớm hơn sau khi các cơ quan liên quan xem xét, đánh giá dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Cuba - quốc gia đầu tiên tiêm cho trẻ từ 2 tuổi
Tại Châu Mỹ, Cuba ngày 6/9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vắc xin Soberana 02 do nước này tự sản xuất. Chiến dịch này được Cuba thực hiện vào đúng ngày khai giảng năm học mới tại tỉnh miền Trung Cienfuegos.
Việc chủng ngừa cho nhóm đối tượng trẻ em từ 2-11 tuổi dự kiến kết thúc vào ngày 15/11 tới. Cuba trước đó cũng đã bắt đầu tiêm cho thiếu niên trên 12 tuổi, sau khi hoàn tất quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với hai loại vắc xin nội địa là Abdala và Soberana.
Trung Quốc tăng tốc tiêm cho thiếu niên 12-17 tuổi
Học sinh ở Nam Kinh, Trung Quốc xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh: Getty).
Vào tháng 6, Trung Quốc bắt đầu phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin nội địa Sinovac cho trẻ từ 3-17 tuổi, trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận tiêm vắc xin cho nhóm tuổi nhỏ như vậy.
Ngay sau đó, từ khoảng giữa tháng 7, thời điểm các trường học ở Trung Quốc nghỉ hè, họ bắt đầu tiêm cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Đầu tháng 8, một đợt dịch bùng nổ do chủng Delta gây ra khiến Trung Quốc buộc phải tăng tốc chiến dịch tiêm cho thanh thiếu niên trước khi bước vào năm học mới. Quốc gia này đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số 1,4 tỷ dân vào cuối năm nay, một con số không thể đạt được nếu không tiêm số lượng lớn người dưới 18 tuổi.
Dù đã cấp phép tiêm vắc xin cho trẻ 3-12 tuổi, trên thực tế, cơ quan y tế Trung Quốc vẫn chưa triển khai tiêm chủng Covid-19 với nhóm dân số này và đang chờ kết quả nghiên cứu. Tính đến ngày 6/9, Trung Quốc tiêm được hơn 160 triệu liều cho thiếu niên từ 12-17 tuổi, trong tổng số hơn 2,1 tỷ liều đã hoàn thành.
Nước này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành toàn bộ các mũi tiêm cho thiếu niên từ 12-17 tuổi vào cuối tháng 10.
Ấn Độ tiêm vắc xin cho nhóm 12-18 tuổi
Ấn Độ được cho là có dân số vị thành niên lớn nhất trên thế giới, ước tính khoảng 253 triệu người, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Dữ liệu mới nhất từ Viện Điều tra Huyết thanh học Quốc gia cho thấy khoảng 60% trẻ em đã tiếp xúc với virus bệnh Covid-19 kể từ đại dịch bùng phát và có khả năng đã phát triển khả năng miễn dịch.
Hồi tháng 8, cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp một loại vắc xin mới do công ty dược phẩm nội địa Zydus Cadila phát triển, dành cho tất cả những người từ 12 tuổi trở lên. Đây là sự chấp thuận sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em đầu tiên tại Ấn Độ. Zydus Cadila hy vọng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên.
Hồi đầu tháng 9, theo Nikkei Asia , chính phủ Ấn Độ lên kế hoạch tiêm ngừa cho 120 triệu thanh thiếu niên từ 12-18 bằng vắc xin công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới mà nước này phát triển. Chiến dịch tiêm quy mô lớn này sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.
Cá voi sát thủ đập đầu vào bể sau 10 năm cô độc Cá voi sát thủ cái 44 tuổi có hành vi tự làm hại sau thời gian dài sống một mình vì các con và đồng loại trong bể đều chết. Nhà hoạt động chống nuôi nhốt Phil Demers ghi lại cảnh tượng cá voi sát thủ Kiska tự đập đầu vào thành bể trong công viên nước MarineLand, thành phố Niagara Falls, bang...