Giới chuyên gia đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam
Trang Asian Investor đăng bài viết đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Bài viết dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết nhờ quá trình công nghiệp hóa tốc độ cao và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, Việt Nam sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và từng bước trở thành điểm đến được quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hàng hóa được thông qua Cảng quốc tế Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Theo bài viết được đăng tải ngày 14/3, đánh giá lạc quan được đưa ra dựa trên nền tảng kinh tế vững chắc nhờ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng ổn định, trung bình 6% mỗi năm cho đến năm 2019. Bất chấp những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra trong hai năm qua và các mối đe dọa mới từ cuộc khủng hoảng và lạm phát ở Ukraine, các chuyên gia vẫn tin tưởng triển vọng là tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2022, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn là 6,6%, so với mức tăng trưởng 2,6% của năm 2021.
Ông Jason Ng, Giám đốc điều hành VCG Partners (công ty con tại Singapore của VinaCapital, một trong những công ty quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam), dự báo GDP của Việt Nam tăng hơn 7% trong năm nay với các yếu tố gồm sự phục hồi của tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu trị giá 15,3 tỷ USD vừa được thông qua vào tháng 1/2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng đại dịch.
Bài viết nhấn mạnh một trong những động lực kinh tế quan trọng là công nghiệp hóa với sự hỗ trợ của các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI không sụt giảm nhiều dù bị ảnh hưởng của đại dịch. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 15,8 tỷ USD vốn nước ngoài đã đổ vào Việt Nam trong năm 2020, giảm nhẹ so với 16,1 tỷ USD của năm 2019. Con số chính thức cho năm 2021 dự kiến duy trì ở mức này do sức hấp dẫn của lao động giá rẻ, lực lượng lao động trẻ và có trình độ của Việt Nam, đồng tiền ổn định và các ưu đãi cho doanh nghiệp. Bài viết lưu ý Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam nâng cao vị thế như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu.
Video đang HOT
Cũng theo bài viết, một động lực chính khác là tiêu dùng gia tăng trong nước. Đầu tư nước ngoài gia tăng trong những năm gần đây đã tạo ra việc làm và tầng lớp trung lưu đông đảo cũng như “nuôi dưỡng” nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương trở thành nhà cung cấp cho các nhà sản xuất lớn. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu – những người kiếm được 700 USD/tháng – sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ông Jason Ng cho biết tầng lớp trung lưu trẻ tuổi hiểu biết về kỹ thuật số, do vậy thương mại điện tử và các lĩnh vực phân phối cũng như logistics dự kiến được hưởng lợi. Dịch vụ tài chính, bất động sản nhà ở, công nghệ kỹ thuật số và các sản phẩm “xanh” là những cơ hội đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Jason Ng nêu nhận định rủi ro lớn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư nước ngoài là lạm phát bùng phát trở lại và đồng Việt Nam có thể mất giá so với USD. Mặc dù vậy, theo ông, với dự trữ ngoại hối hơn 100 tỷ USD và thặng dư thương mại tốt, Việt Nam vẫn có thể trụ vững.
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ bắt đầu từ cuối quý I/2022
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông tin tại buổi Toạ đàm "Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh" do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức ngày 18/2, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I.
"Nhà máy có thể trở lại hoạt động hoàn toàn (sau khi đóng cửa từ quý III/2021) và nhờ sự khuyến khích của Chính phủ, sự phục hồi dự kiến sẽ diễn ra rõ ràng hơn vào tháng 3/2022. Đặc biệt, khi Việt Nam dự kiến mở cửa trở lại cho khách du lịch được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 6 trong bối cảnh du lịch chiếm 10% GDP", ông Tim nói.
Trong ngắn hạn, ông Tim cho rằng, Covid vẫn là một rủi ro chính. Mặc dù nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi kể từ tháng 10/2021, nhưng sự phục hồi vẫn chưa diễn ra trên diện rộng và hoạt động trong nước bị đình trệ. Số trường hợp mắc Covid của Việt Nam đã giảm gần đây với 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nhưng đại dịch vẫn là một nguy cơ.
Thậm chí, ông Tim khuyến cáo, Covid có thể tạm thời làm chậm sự phát triển trung hạn, tăng lạm phát. Cụ thể, ngày càng nhiều công ty toàn cầu đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam thay vì Trung Quốc như trước kia, nhưng Covid đã khiến quá trình này bị tạm dừng. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc vào đầu vào sản xuất và nguyên liệu thô từ nước ngoài tạo ra những rủi ro và có thể trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của Covid.
Đặc biệt, nếu làn sóng hiện tại tiếp tục (nghiêm trọng hơn do biến thể Omicron), nguồn tài chính có thể được phân bổ lại cho những khoản chi tiêu liên quan đến đại dịch thay vì chi tiêu cho phát triển. Lo ngại lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh các yếu tố từ phía cung do sự gián đoạn liên quan đến Covid, áp lực nhu cầu.
"Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023 là mức trong tầm tay. Đối với câu chuyện lạm phát năm 2022 không phải là điều quá quan ngại với dự báo 4,2%, nhưng năm 2023 là điều cần chú ý với dự báo hơn 5,5% khi giá dầu, lương thực, hậu cần... tăng giá", ông Tim nói.
Liên quan đến vấn đề tỷ giá, ông Tim cho rằng, tốc độ tăng giá VND sẽ chậm lại,USD-VND đang tiến gần đến giới hạn của biên độ tỷ giá hối đoái và dự báo USD-VND ở mức 22.500 vào giữa năm 2022 và 22.300 vào cuối năm 2022.
Ông Tim nhấn mạnh: "Sự phục hồi có thể tăng lên rõ rệt vào năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I và triển vọng trung hạn tích cực vẫn giữ nguyên. Việt Nam vẫn là trung tâm của khu vực ASEAN trong việc sản xuất hàng hoá điện tử và chuyển từ sản xuất công nghệ thấp sang công nghệ cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cho biết thêm, chi phí lương gia tăng ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc sử dụng chiến lược "Trung Quốc 1". Quá trình này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn và Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là một một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Ben Hung, Tổng giám đốc, khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh: "Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực châu Á, là thị trường tiềm năng, chiến lược của Ngân hàng Standard Chartered vốn 70% địa bàn kinh doanh ở khu vực châu Á dù hội sở tại Anh".
Về kinh tế thế giới, ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin được thúc đẩy và các gói kích thích của chính phủ. Tuy nhiên, mức nền cao trong năm ngoái, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Động lực mới giúp các hợp tác xã chuyển mình Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát triển hợp tác xã, làm bàn đạp kinh tế cho người dân nông thôn là tiêu chí luôn được chính quyền địa phương và người dân chú trọng. Bởi xuất phát từ nền tảng kinh tế và thu nhập vững chắc, công cuộc xây...