Giới buôn bán dầu mỏ loay hoay giải mã biện pháp áp giá trần dầu Nga
Những thương nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ thế giới đang gặp khó khăn khi tuân thủ biện pháp áp trần giá dầu Nga, vì chưa bao giờ họ phải mua bán dầu với mức giá trần cố định.
Một cơ sở khai thác dầu ở ngoài khơi Astrakhan, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang oilprice.com, cơ chế giá trần áp lên dầu Nga vận chuyển qua đường biển có hiệu lực từ ngày 5/12. Cơ chế này có hiệu lực cùng với lệnh cấm vận gần như hoàn toàn dầu nhập khẩu từ Nga vào Liên minh châu Âu (EU). Cơ chế mang lại cho các thương nhân ở châu Âu ít nhất một cơ hội về mặt lý thuyết để mua và bán dầu thô Nga với giá thấp. Nhưng những người soạn ra cơ chế trần giá đã không nghĩ về cách hoạt động của các thương nhân buôn bán dầu.
Trước hết trong nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), có Mỹ, Canada và Anh đã cấm nhập khẩu dầu Nga, vì vậy, mức trần giá sẽ không dẫn tới thay đổi gì. Nhật Bản mặc dù ủng hộ áp giá trần nhưng đã được miễn trừ thực hiện vì nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hydrocarbon nhập khẩu.
Tiếp đó là một vấn đề lớn hơn: dầu thô không được giao dịch theo giá cố định và đây là điều vốn đã gây đau đầu trong lĩnh vực này. Trên thực tế, dầu được giao dịch theo cách mà các bên thường không thể tuân thủ mức trần giá, ngay cả khi giả định rằng Nga sẽ bán dầu cho những nước áp mức trần giá.
Tuần trước, phát biểu với Bloomberg, các thương nhân nói rằng rất nhiều người trong số họ có nguy cơ mắc kẹt với các lô dầu thô Nga có giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng, không thể mua bảo hiểm và thuê tàu chở dầu của phương Tây. Tình trạng này sẽ đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu.
Ông John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại công ty JTD Energy Services, nói với Bloomberg: “Các nhà giao dịch hiếm khi giao dịch ở một mức giá cố định. Đó là một không gian phức tạp hơn nhiều”.
Ba loại dầu hàng đầu của Nga là Urals, Sokol và ESPO được định giá theo các hợp đồng kỳ hạn hoặc thả nổi, có nghĩa là giá chốt của lô hàng chỉ được xác định vài tuần sau khi mua lô hàng đó.
Một ví dụ về các mô hình định giá này là trường hợp liên quan Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã mua một lô hàng ESPO của Nga. Giá lô dầu này theo hợp đồng là mức chiết khấu so với mức trung bình của hợp đồng tương lai dầu thô Brent của tháng trước và mức trung bình này sẽ chỉ được tính vào cuối tháng này.
Video đang HOT
Điều này khiến rắc rối đủ loại nảy sinh đối với các thương nhân muốn tuân thủ giá trần. Đơn giản là không có cách nào để biết liệu giá của lô dầu có duy trì dưới mức trần vào thời điểm cần thanh toán hay không.
Thêm nữa, hàng hóa có thể bị giao chậm hoặc không bao giờ đến đích vì giao dịch bị hủy do vi phạm trần giá.
Trong thực tế, đã xảy ra gián đoạn ở khâu liên quan Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi các nước phương Tây áp đặt mức trần giá, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu yêu cầu bằng chứng về bảo hiểm cho tất cả các tàu chở dầu đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Bởi vì các công ty bảo hiểm cho đến nay vẫn từ chối cung cấp các giấy tờ và tuyên bố rằng họ chưa bao giờ cần làm như vậy trước đây. Do đó, có trên 20 tàu chở dầu mang theo hơn 20 triệu thùng dầu thô bị mắc kẹt ở eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, LB Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Chỉ có một tàu chở dầu thô của Kazakhstan được đi qua eo biển. Tàu này vận chuyển dầu mà họ nhận qua đường ống dẫn từ các cảng của Nga.
Một quan chức chính phủ Mỹ phát biểu: “Những lô hàng như vậy sẽ không bị áp trần giá trong bất kỳ tình huống nào và sẽ không có thay đổi về tình trạng bảo hiểm đối với các lô hàng của Kazakhstan trong những tuần hoặc tháng trước đó”.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dường như nhất định đòi xem bằng chứng về bảo hiểm, và nhóm các công ty bảo hiểm lớn khẳng định họ không thể cung cấp bảo đảm về bảo hiểm trong trường hợp một con tàu có bảo hiểm như vậy vi phạm trần giá và khiến công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng theo.
Các quan chức phương Tây đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì đã yêu cầu bổ sung bằng chứng bảo hiểm. Một người nói: “Chính sách trần giá không yêu cầu các tàu phải tìm kiếm các bảo đảm bảo hiểm riêng cho mỗi chuyến đi riêng lẻ như Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu. Tình trạng gián đoạn này là do Thổ Nhĩ Kỳ, không phải do chính sách giá trần”.
Theo các nhà phân tích, nếu những tàu chở dầu đó vẫn bị mắc kẹt trong một tuần nữa, thì thị trường sẽ chịu tác động khi thiếu hụt 20 triệu thùng dầu này. Nếu tình trạng loay hoay về giá trên thị trường vẫn tiếp diễn thì sẽ có nhiều dầu hơn có thể bị kẹt và không được giao. Đây là điều sẽ xảy ra trên một thị trường mà cung vẫn chưa theo kịp cầu.
Phương Tây áp trần giá dầu: Mục đích không đơn thuần là làm giảm ngân sách nhà nước Nga
Áp trần giá dầu Nga được nhìn nhận là một bằng chứng quan trọng cho thấy quyết tâm không suy giảm của liên minh phương Tây trong làm suy yếu Nga sau xung đột ở Ukraine.
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Các nhận định trước đây thường cho rằng áp trần giá dầu Nga sẽ kém hiệu quả, chỉ là biện pháp tượng trưng. Tuy nhiên, có một số nhận định ngược lại.
Theo trang oilprice.com, biện pháp áp giá trần đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12 không có gì ngạc nhiên, vì biện pháp này đã được Mỹ và các đối tác chính thảo luận ngay từ tháng 9/2022.
Tuy nhiên, đây là bằng chứng quan trọng cho thấy quyết tâm không suy giảm của liên minh phương Tây trong làm suy yếu Nga sau xung đột ở Ukraine.
Các nhà bình luận ở Nga theo dõi sát sao các cuộc tranh luận kéo dài ở Liên minh châu Âu (EU) về mức trần giá, hy vọng rằng giá sẽ đủ cao để khiến cho biện pháp này chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, những hy vọng này đã bị dập tắt vì mức 60 USD/thùng thấp hơn nhiều so với giá trung bình dầu Urals của Nga năm 2022. Phương Tây cho rằng mức 60 USD là nhằm ngăn chặn giá dầu tăng đột vọt lên 100 USD/thùng, như trường hợp vào giữa năm.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Nga đã tuân theo hướng dẫn do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra. Ông Putin đã tuyên bố rằng sẽ không xuất khẩu dầu mỏ sang các quốc gia áp trần giá dầu Nga.
Theo các chuyên gia, chỉ thị của ông Putin sẽ không có mấy tác dụng vì quyết định của EU đã được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chấm dứt tất cả hoạt động nhập khẩu dầu thô, dầu diesel và các sản phẩm khác của Nga.
Các công ty Nga đã chuyển khoảng một nửa hoạt động giao hàng sang châu Âu từ các trạm gần St. Petersburg sang Ấn Độ, nhưng chi phí vận chuyển cao và bên mua ngày càng muốn giảm giá đã cản trở Nga bán dầu cho người mua mới.
Cơ hội bán dầu Nga vượt giá trần vẫn có thể xuất hiện, nhưng chỉ có đội tàu chở dầu bí mật mà công ty vận chuyển Sovcomflot vừa hình thành mới có thể chở được lượng dầu này. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến việc vận hành những con tàu cũ này mà không có bảo hiểm phù hợp là quá cao đối với hầu hết khách hàng.
Nga cho rằng gián đoạn hoạt động xuất khẩu và cảnh báo cắt giảm sản lượng sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đến mức các nền kinh tế phương Tây sẽ phải chịu một áp lực mới và không thể duy trì đoàn kết chống Nga.
Tuy nhiên, nhờ đã lường trước các lệnh trừng phạt mới đối với dầu Nga, những lo lắng trên thị trường có xu hướng giảm hơn là tăng.
Nga có lý do để kỳ vọng rằng sụt giảm nhu cầu dầu, nhất là ở Trung Quốc, sẽ thúc đẩy OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác) cắt giảm hạn ngạch sản xuất để đẩy giá lên. Nhưng Saudi Arabia, bên có ảnh hưởng nhất trong liên minh OPEC , có thể có xu hướng giảm hỗ trợ Nga vì nước này không hài lòng khi Nga và Iran mở rộng hợp tác quân sự.
Khối lượng và doanh thu xuất khẩu ngày càng giảm sẽ có tác động sâu sắc đến ngành dầu mỏ Nga. Ngành này đã phải đóng cửa nhiều tài sản sản xuất trong mùa đông này và mất khả năng tiếp cận các công nghệ và dịch vụ cần thiết để khôi phục các mỏ dầu cũ, thăm dò các mỏ dầu mới.
Tác động trung hạn của các biện pháp trừng phạt có thể làm suy giảm nghiêm trọng ngành năng lượng của Nga, nhưng tác động ngay lập tức của các biện pháp mới sẽ là làm giảm ngân sách nhà nước Nga, vốn tính toán dựa trên giả định giá dầu ở mức 70 USD/thùng vào năm 2023.
Sụt giảm không thể tránh khỏi từ doanh thu từ dầu mỏ đã thúc đẩy giới lãnh đạo Nga tìm kiếm các kênh xuất khẩu mới. Tổng thống Putin đã đề xuất thành lập một liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan. Tháng trước, ông Putin cũng đề xuất tổ chức một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, hiệu quả của các ý tưởng trên sẽ không sớm đến với Nga. Trong khi đó, phương Tây đang thực hiện mọi biện pháp trừng phạt để đảm bảo rằng Nga sẽ không thể xây dựng lại các khả năng cần thiết để duy trì tấn công Ukraine.
Trước giờ phê duyệt, EU nới lỏng kế hoạch áp trần giá dầu Nga Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng kế hoạch áp giá trần dầu mỏ Nga khi họ lùi thời gian thực hiện đầy đủ lệnh trừng phạt và giảm nhẹ các điều khoản vận chuyển quan trọng. Trạm bơm tại giếng dầu Gremikhinskoye ở phía Đông Izhevsk, LB Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN Theo Bloomberg ngày 23/11, EU đã đề xuất khoảng thời gian...