Gìn giữ nét đẹp chợ phiên Hà Lâu
Tiên Yên gây ấn tượng với du khách không chỉ bởi những nét đẹp của cổ trấn hàng trăm năm tuổi, những nét văn hóa độc đáo, thiên nhiên hữu tình mà còn có những phiên chợ vùng cao riêng có hấp dẫn du khách, tiêu biểu như chợ phiên Hà Lâu.
Nằm cách TP Hạ Long 70km, Tiên Yên là vùng đất ngã ba sông, ngã ba đường giàu bản sắc văn hóa với phong cảnh hoang sơ, thơ mộng. Từ trung tâm thị trấn Tiên Yên đi chừng hơn 30km theo Quốc lộ 4C, chúng ta sẽ đến với vùng cao Hà Lâu, giáp với huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Các loại sản vật, nông sản của bà con dân tộc Tày tại phiên chợ.
So với những chợ ở phố huyện hay chợ phiên vùng cao khác, chợ phiên Hà Lâu của Tiên Yên vẫn có những đặc trưng riêng, mang hơi thở văn hóa của đồng bào dân tộc các vùng, miền. Chợ họp vào Chủ nhật hàng tuần, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa đẹp, điểm đến hấp dẫn, một sản phẩm du lịch, từng bước kết nối với các tuyến, điểm du lịch tạo thêm nét ấn tượng thu hút khách du lịch xa gần.
Theo các cụ già bản địa ở Hà Lâu kể thì chợ phiên Hà Lâu hình thành tự phát từ quãng năm 1965. Trước đây, khi giao thông chưa phát triển thuận lợi như hiện nay, chợ phiên là điểm tụ họp, nơi giao thương hàng hóa và cả giao lưu đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Dao Thanh Y, Sán Chỉ, Tày… cùng sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận như huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Với bề dày truyền thống, chợ phiên ngày nay được khôi phục và giữ được những nét đẹp xưa. Nay mỗi dịp chợ phiên là bà con dân tộc thiểu số ở các vùng xa từ Bình Liêu, Ba Chẽ cũng vượt đồi núi về họp chợ. Họ mang tới đây lâm sản, các loại hoa quả thu hái trên rừng, các loại nông sản, thực phẩm sạch như: Gừng, địa liền, mật ong, gà Tiên Yên, ngan, ốc khe, cá khe, măng rừng, thuốc tắm, rượu men lá…
Bà con dân tộc Dao xã Hà Lâu với các loại bánh đặc trưng, các vuông thổ cẩm hấp dẫn du khách.
Bà con dân tộc Dao, Tày các huyện lân cận thuộc tỉnh Lạng Sơn mang tới phiên chợ các mặt hàng vải vóc, thuốc nam, hoa quả, đồ trang sức… Tất cả những sản vật được trao đổi, buôn bán tại chợ phiên là kết tinh của lao động, sự cần cù, khéo léo của người dân vùng cao, thể hiện những nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Các mặt hàng được bán với giá thật, không mặc cả.
Video đang HOT
Tới chợ phiên, điều thú vị không chỉ là sắc màu các trang phục của bà con các dân tộc, du khách dạo chợ còn có thể được thưởng thức các chương trình ca nhạc, biểu diễn trò chơi dân gian, các phong tục tập quán đẹp của bà con dân tộc được phục dựng nguyên gốc.
Để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Tiên Yên thời gian qua cũng quan tâm, đầu tư phát triển, khắc phục những nhược điểm của điểm đến này nhằm thu hút du khách. Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Huyện chú trọng lấy văn hóa làm nền tảng, đặc biệt là nét văn hóa của người dân tộc thiểu số, là một trong những cơ sở gìn giữ bản sắc dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; trong số đó có chợ phiên Hà Lâu.
Các gian hàng của bà con các dân tộc Ba Chẽ và vùng lân cận mang về chợ phiên, thu hút người mua.
Theo đó, thời gian qua, Tiên Yên cũng đã quan tâm xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Tháng 10/2018, huyện Tiên Yên đã chính thức khôi phục, khởi động lại chợ phiên Hà Lâu một cách quy củ. Huyện Tiên Yên và xã Hà Lâu đã vận động, khuyến khích các tổ chức, người dân trên địa bàn tăng cường sản xuất các sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng vùng, miền đưa đến bán tại chợ.
Huyện cũng chỉ đạo các phòng chức năng cải tạo, nâng cấp chợ phiên Hà Lâu thành điểm du lịch độc đáo, tái hiện các tiết mục biểu diễn văn hóa truyền thống, thể thao dân tộc… làm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm tại đây.
Với nhịp sống hiện đại, hối hả của hôm nay, có lẽ nhiều nét đẹp yên bình của chợ quê sẽ phần nào được tái hiện và đánh thức kỷ niệm trong mỗi du khách khi tới đây trải nghiệm chợ phiên Hà Lâu…
Về Tiên Yên, đi chợ phiên Hà Lâu, tắm thác Pạc Sủi giữa lưng chừng trời
'Tiên Yên - điểm đến an toàn, thân thiện', đây là thông điệp của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) mang đến du khách nhân sự kiện hoạt động 'Chào hè 2020' được tổ chức ở phố đi bộ Tiên Yên vào tối thứ bảy (6-6) vừa qua.
Với các hoạt động điểm nhấn ở sân khấu phố đi bộ, hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian đường phố, các dịch vụ ăn uống, giải trí tại thị trấn được giảm giá, các chương trình khuyến mại, minigame quà tặng, Tiên Yên thu hút du khách khám phá kiến trúc độc đáo của phố cổ và chiêm ngưỡng nét đẹp kiêu sa, kín đáo của đập tràn cùng dòng sông Tiên Yên luôn rì rầm chảy về đêm.
Cũng trong tháng 6, dự kiến vào tuần cuối tháng sẽ là Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Dao gắn với chợ phiên vùng cao Hà Lâu. Tại đây, du khách có cơ hội được đắm mình trọn vẹn vào không gian mới lạ, khác biệt của các sắc màu kỳ bí về một phiên chợ vùng cao. Được thưởng ngoạn nét đặc sắc của ẩm thực địa phương như món ốc khe, cá suối, thịt quay, gà nướng, các loại bánh như cốc mò, bánh dài, phở Hà Lâu và nhiều sản vật địa phương.
Cuối tháng 8 là dịp Tiên Yên được chọn làm địa danh tổ chức Tuần Văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, năm 2020. Tiên Yên những ngày này là nơi hội tụ của hàng trăm nghệ nhân dân gian, giọng ca, diễn viên, tài năng trong hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu cho sắc màu các dân tộc từ 6 huyện, thành phố miền Đông trong tỉnh Quảng Ninh cũng hẹn về.
Tháng 10 là Hội thi Người giới thiệu hay nhất về Tiên Yên lần thứ 2 năm 2020, gồm nội dung: Thi thuyết minh viên, hướng dẫn viên về điểm du lịch của Tiên Yên; thi năng khiếu và trình diễn trang phục dân tộc. Đây cũng là mùa lúa chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang xã Đại Dực và Lễ hội Văn hóa thể thao dân tộc Sán Chỉ được tổ chức.
Cuối tháng 11 (ngày 28 - 29) là Lễ hội đền đức ông Hoàng Cần và Ngày hội Văn hóa thể thao dân tộc Sán Dìu, với các hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu, các hoạt động nghi lễ tại đền đức ông Hoàng Cần do xã Hải Lạng chủ trì tổ chức.
Đến với Tiên Yên dịp này, giữa những ngày hè nắng nóng, du khách không thể không muốn một lần lên với thác Pạc Sủi để đắm mình giữa dòng suối mát lạnh, trong vắt và mơ màng thả hồn giữa mênh mang núi rừng, ngắm 7 tầng thác hùng vĩ chảy vắt ngang trời.
Tiên Yên có rừng, có biển, nên nếu dừng ở đó du khách mới chỉ khám phá được một nửa về vùng đất này. Nửa còn lại cần về với rừng ngập mặn Đồng Rui và bãi cát Mũi Lòng Vàng. Đây là 2 kỳ quan thiên nhiên ở Tiên Yên mà ít nơi có được. Tại 2 thắng cảnh này, không chỉ có những cảm xúc luôn ngập tràn sửng sốt, thú vị, mà còn có những bộ ảnh để đời có một không hai.
Đó là những hình ảnh về biển xanh, cát trắng, nắng vàng,.. về những loài cây, hải sản vô cùng phong phú ở trong rừng ngập mặn cùng những món hải sản đặc biệt tươi ngon, đậm đà mà chỉ ở đây mới có như: ruốc, ngán, sá sùng... Ngoài ra, về với Tiên Yên chớ quên thưởng thức những sản vật nổi tiếng đã làm nên tên tuổi cho vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của khu vực miền Đông Quảng Ninh như gà Tiên Yên, khâu nhục, bánh gật gù...
Không khí rộn ràng hòa với hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố. Ảnh: D. Hậu
Chợ phiên vùng cao Hà Lâu. Ảnh: H. Vinh
Đồng bào Dao xuống hội. Ảnh: Cấn Đình Loan
Chớ quên thưởng thức sản vật nổi tiếng gà Tiên Yên. Ảnh: ST
Khâu nhục - món ngon đặc trưng của người miền Đông. Ảnh: D. Hậu
Ảnh: P. Quỳnh
Đắm mình giữa dòng suối mát lạnh, trong ngần, và mơ màng thả hồn giữa mênh mang núi rừng, ngắm 7 tầng thác hùng vĩ chảy vắt ngang trời.
Miền đất ngã ba sông Tiên Yên đa sắc màu văn hóa Nằm trên huyết mạch giao thông một ngả từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vào nội địa. Ngả kia từ tỉnh Lạng Sơn sang và hướng chính bờ biển với cảng Mũi Chùa đầy tiềm năng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh hội tụ tinh hoa đa sắc màu văn hóa, là địa phương đã từng tổ chức nhiều...