Giáo viên vi phạm thì xử lý tức thì, lãnh đạo vi phạm thì sao?
Giáo viên thời giờ mà sai phạm thì dễ kỷ luật vô cùng nhưng đối với lãnh đạo ngành giáo dục thì lại khó vô cùng.
Thời gian qua, chúng ta thấy một thực tế rất phũ phàng là nếu giáo viên vi phạm thì lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương vào cuộc rất nhanh, hình thức kỷ luật rất nặng. Có nhiều giáo viên đã bị buộc thôi việc một cách tức thì, không cho cơ hội sửa sai, không chuyển công tác khác.
Nhưng, lãnh đạo ngành giáo dục vi phạm kỷ luật thì cứ nhì nhằng mãi mà giải quyết vẫn không xong. Nhiều khi kỷ luật nhẹ hều như hiệu trưởng trường này vi phạm thì chuyển sang làm hiệu trưởng trường khác thì làm sao có tính răn đe?
Nhiều lãnh đạo của Sở, Phòng, Ban giám hiệu có con được nâng điểm ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình nhưng đa phần chỉ bị kỷ luật ở hình thức khiển trách, chỉ rất ít người bị cảnh cáo…Liệu xử lý kỷ luật như vậy đã thực sự khách quan và công bằng hay chưa?
Đa số lãnh đạo, chuyên viên ngành giáo dục ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có con được nâng điểm chỉ bị khiển trách (Ảnh minh họa: Trinh Phúc)
Kỷ luật giáo viên rất nhanh gọn
Thời gian qua, chúng ta thấy có nhiều giáo viên khi vi phạm thì bị kỷ luật rất nhanh, thậm chí còn thay đổi mức kỷ luật…theo áp lực của dư luận.
Sự việc cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đánh học trò lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vào sáng ngày 8/5/2019 trong lúc học sinh làm bài kiểm tra học kỳ.
Ngay sau đó, vào ngày 10/5, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quán Toan đã ban hành Quyết định xử lý kỷ luật cô Trang với hình thức cảnh cáo, đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí tham gia chủ nhiệm 1 năm học.
Nhưng, dưới áp lực của phụ huynh, dư luận xã hội, đến ngày 20/5, Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với cô Nguyễn Thị Thu Trang.
Trong ngày 5/10, trên mạng xã hội đã lan truyền một đoạn video clip mô tả cảnh một nữ giáo viên Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh liên tục đánh, mắng và nhéo học sinh trong lớp học của mình.
Chỉ sau 17 ngày, Trường tiểu học Phan Chu Trinh đã công bố quyết định buộc thôi việc đối với cô N.H.H. là giáo viên của trường này. Quyết định này được lãnh đạo trường ký và có hiệu lực ngay trong ngày 22/10.
Mới đây nhất, trên mạng xã hội xuất hiện một video clip, ghi lại cảnh một nữ giáo viên ném vở của học sinh xuống đất, rồi sau đó gọi cho học sinh đến nhặt lên.
Chỉ sau đó mấy ngày, Hội đồng kỷ luật của Trường tiểu học C Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã họp để xem xét vụ việc của cô giáo N.T.T.
Cuối cùng, hội đồng kỷ luật đã thống nhất, đề xuất mức kỷ luật ở mức “cảnh cáo” đối với cô T vì hành động ném vở của học sinh xuống đất…Trong buổi làm việc này, ngoài đại diện nhà trường còn có sự tham gia của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, lãnh đạo xã Vĩnh Thanh.
Chúng tôi không bình luận về hình thức kỷ luật, không bình luận về mức độ, quy mô của sự việc mà các giáo viên này gây ra. Chúng tôi chỉ thấy việc kỷ luật giáo viên được diễn ra tức thì, nhanh gọn.
Trong số họ, có người không bao giờ có cơ hội sửa sai bởi buộc thôi việc là hình thức kỷ luật cao nhất đối với viên chức hiện nay. Vậy nhưng, điều chúng tôi băn khoăn là tại sao giáo viên thì xử lý nhanh vậy, dứt khoát vậy còn lãnh đạo vi phạm lại xử lý nhẹ hều và chậm chạp?
Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành vi phạm lại xử lý quá chậm và quá nhẹ
Mới đây, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết Nhận nhiều án kỷ luật, bị cách chức Bí thư chi bộ nhưng vẫn là Hiệu trưởng của tác giả Minh Thảo phản ánh về trường hợp ông Lê Thanh Hải, hiện là hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).
Trong 6 năm trời, ông Lê Thanh Hải đã có 3 lần bị kỷ luật, trong đó có 2 lần bị khiển trách và 1 lần bị cảnh cáo.
Có điều, cứ sau mỗi lần bị kỷ luật thì ông Hải lại được điều chuyển sang làm hiệu trưởng trường khác và lần kỷ luật thứ 3 vẫn là sai phạm trong chi tiêu tài chính và mức độ vi phạm nặng hơn!
Tại sao một hiệu trưởng đã nhiều lần bị kỷ luật mà họ vẫn cứ ngồi ghế hiệu trưởng, tạo nên sự bức xúc của đồng nghiệp? Bởi vì những hình thức kỷ luật ấy chỉ có thời hạn tối đa 12 tháng, sau khoảng thời gian ấy thì mọi thứ lại trở lại bình thường.
Nhưng, hình thức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo mà họ vẫn làm hiệu trưởng thì thực ra nó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bởi, họ vẫn là thủ trưởng đơn vị, vẫn là người đưa ra mệnh lệnh mà tất cả các giáo viên trong trường phải tuyệt đối nghe lời!
Nhiều lãnh đạo, chuyên viên Sở, nhiều lãnh đạo Phòng, hiệu trưởng ở 3 địa phương có con được nâng điểm cũng chỉ mới có ông Phạm Văn Khuông bị truy tố trước pháp luật.Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đầy tai tiếng với 215 thí sinh được nâng khống điểm, dù kỳ thi này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhưng đến thời điểm này không có ai ở Bộ bị kỷ luật, cũng không có ai bị đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm!
Và, cũng chỉ có mình ông Nguyễn Ngọc Hà, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ 3 Phòng giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị cách tất cả các chức vụ trong đảng vì vừa có con được nâng điểm vừa là đối tượng trung gian trong vụ án này.
Những phụ huynh có con được nâng điểm là lãnh đạo ngành giáo dục của 3 địa phương này đa phần chỉ dừng lại ở mức khiển trách, trường hợp bị cảnh cáo hình như chỉ có mình ông Phan Ngọc Sơn- Chánh thanh tra Sở Giáo dục Sơn La.
Điều này cũng đồng nghĩa là đa số họ vẫn giữ nguyên vị trí lãnh đạo, giữ nguyên công việc của mình. Chỉ không được quy hoạch, bổ nhiệm, tăng lương trong khoảng thời gian tối đa là 12 tháng thì mọi chuyện lại trở lại bình thường…
Thế mới biết, giáo viên bây giờ mà sai phạm thì dễ kỷ luật vô cùng nhưng đối với lãnh đạo ngành giáo dục thì lại khó vô cùng. Nếu lãnh đạo có bị kỷ luật thì họ cũng chỉ bị kỷ luật bằng hình thức nhẹ nhàng và cơ hội công việc, thăng tiến vẫn còn nguyên vẹn.
Cùng công tác một ngành với nhau nhưng cứ nhìn vào cách kỷ luật, thời gian kỷ luật của giáo viên và lãnh đạo khi bị sai phạm thì dư luận cũng thấy một thực tế rất phũ phàng!
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Lãnh đạo TP Sơn La có con được nâng điểm: 'Tôi không nhờ vả ai'
Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho biết đang làm thủ tục để gửi Sở GD&ĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con và khẳng định không nhờ vả ai để nâng điểm cho con.
Danh sách các thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đang dần được hé lộ, trong đó, phát hiện hơn 10 thí sinh là con em cán bộ đang công tác trong ngành giáo dụctại Sơn La.
Một lãnh đạo có con trong danh sách nâng điểm, là ông Đ.V.Q - Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho biết ông đã làm thủ tục để gửi Sở GD&ĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con mình là thí sinh Đ.T.N.K.
"Tôi đang làm thủ tục để gửi Sở GD&ĐT Sơn La phúc khảo lại điểm cho con. Tôi không nhờ vả ai để nâng điểm cho con cả", ông Q. khẳng định.
Sở GD&ĐT Sơn La (Ảnh: Xuân Trường)
Thí sinh có số báo danh 14001319 là con của ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. Được biết, trước khi chấm thẩm định, con ông có điểm môn Lịch sử 9,5 và Địa lý 9,5. Sau chấm thẩm định điểm giảm xuống Lịch sử còn 7,75; Địa lý còn 8,25. Thí sinh này được nâng 3 điểm.
Ngày 18/4, ông Nguyễn Duy Hoàng cho biết có biết thông tin con mình nằm trong danh sách thí sinh được nâng điểm tại Sơn La.
Khi được hỏi ông có tự tin về sức học của con mình, ông Hoàng khẳng định: "Tôi quá tự tin về sức học của con ấy chứ, có vấn đề gì đâu, việc gì phải làm chuyện để mất uy tín như thế", ông cho biết.
Với cương vị là cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La, ông nói rất buồn trước thông tin trên. "Tôi đang đợi kết luận điều tra của công an, nên chưa thể nói được gì thêm về việc này", ông Hoàng nói.
Liên hệ với một số phụ huynh khác trong danh sách "chạy" điểm cho con, câu trả lời mà phóng viên nhận được đó là sự lảng tránh, phủ nhận việc đi mua, đi xin hay dùng quyền lực để tác động, nâng điểm cho con.
Bên cạnh đó, cũng có những phụ huynh bức xúc khi nhận được tin con mình nằm trong danh sách được nâng điểm.
Video: 44 thí sinh Sơn La được nâng điểm là con cháu của ai
TÙNG LÂM - LINH NHI
Theo VTC
Hà Nội xét giải thưởng nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm học 2018-2019 Có 84 cán bộ, giáo viên của Hà Nội đã tham gia xét giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2018-2019, trong đó có 46 nhà giáo được lọt vào vòng chung khảo. Lễ trao tặng giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ 2 năm 2018. Hôm nay, ngày 16/9, Sở Giáo dục...