Giáo viên vất vả với yêu cầu minh chứng của Bộ GD-ĐT: ‘Không rõ để làm gì’
Thời gian vừa qua, không ít giáo viên vừa lo dạy học vừa nhao nhác tìm minh chứng để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT đang triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng và được yêu cầu cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.
Khi tập huấn module 1, giáo viên được yêu cầu cập nhật nhiều thông tin cá nhân lên tài khoản của mình ở phần mềm tập huấn trực tuyến của Bộ. Trong đó, có cập nhật kết quả tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2019-2020. Sau khi tập huấn xong module 1 và module 2, để mở module 3, giáo viên được yêu cầu tập hợp minh chứng cho 15 tiêu chí và tải lên phần mềm.
Thời hạn cuối cùng phải tập huấn xong module 3 (phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh chương trình giáo dục mới) đối với giáo viên diện đại trà theo hình thức trực tuyến dự kiến là cuối tháng 3 này.
Giáo viên loay hoay tìm minh chứng
Với một số tiêu chí, để minh chứng, giáo viên thường chụp các biên bản họp tổ đánh giá – phân loại giáo viên, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kết quả học tập – rèn luyện của học sinh, biên bản họp phụ huynh, kế hoạch dạy học, bảng điểm học sinh… rồi tải lên phần mềm.
Bên cạnh đó, với các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chỉ cần chụp ảnh và đưa lên. Tuy nhiên, một số tiêu chí liên quan tiêu chuẩn nghề nghiệp rất chung chung khiến việc tìm minh chứng khá khó khăn.
Vừa lo dạy học, giáo viên vừa lo tìm minh chứng để được tập huấn trực tuyến
Theo một số giáo viên thì có những tiêu chí, giáo viên bộ môn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm minh chứng hơn giáo viên chủ nhiệm.
“Với một số tiêu chí có tính chất định tính, các giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chụp biên bản họp phụ huynh rồi tải lên, còn giáo viên bộ môn rất khó có minh chứng” – một giáo viên THCS ở TP.HCM chia sẻ.
“Chúng tôi còn lên mạng, tìm hướng dẫn ở một số trang để xem có thể dùng những minh chứng gì cho tiện, nhất là với những tiêu chí như Thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường (Tiêu chí 9), tạo mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ, xã hội để thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (tiêu chí 11)… Nhưng càng đọc hướng dẫn càng thấy rối.
Ví dụ như với Tiêu chí 9, để được mức khá thì phải có minh chứng là “Bản kế hoạch thực hiện quyền dân chủ trong nhà trường, trong đó thể hiện được biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, đồng nghiệp và sự phối hợp với cha mẹ học sinh trong thực hiện nhiệm vụ năm học; hoặc biên bản họp hoặc ý kiến ghi nhận, đánh giá từ đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên về việc giáo viên có đề xuất biện pháp phát huy quyền dân chủ của học sinh, của bản thân, cha mẹ học sinh và đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ năm học;
Hoặc Biên bản họp cha mẹ học sinh/ý kiến của đồng nghiệp/nhóm chuyên môn/tổ chuyên môn/ban giám hiệu/cấp trên ghi nhận giáo viên đã phát hiện, phản ánh, ngăn chặn, xử lí kịp thời các trường hợp vi phạm quy chế dân chủ của học sinh (nếu có)…” – một cô giáo ở Quận Tân Bình cho biết.
“Không rõ minh chứng để làm gì?”
Mặc dù vẫn tuân thủ các quy định do Bộ đặt ra, nhưng giáo viên vẫn băn khoăn về mục đích của việc làm này.
Video đang HOT
Thầy A.S., giáo viên một trường THCS ở Quận 3 cho biết để hoàn thành các tiêu chí: thực hiện dân chủ trong nhà trường (tiêu chí 9), thực hiện trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường (tiêu chí 10); ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ (tiêu chí 15)…, thầy và các giáo viên khác trong trường phải nhờ bộ phận khối văn phòng nhà trường trích lục các hồ sơ, kế hoạch, tài liệu của nhà trường để sao chụp lại.
“Thật tình, tôi không hiểu những minh chứng này có tác dụng gì đối với việc tập huấn. Trong khi đó, để làm xong chúng tôi phải mất quá nhiều thời gian, nhất là đang trong thời điểm kiểm tra giữa học kỳ II và còn ôn tập cho học sinh cuối cấp” – thầy A.S. nói.
Tại TP Biên Hòa, Ban giám hiệu một số trường học đã họp và thống nhất danh sách các tài liệu minh chứng cho các tiêu chí của Bộ đưa ra. Các trường này cũng tổ chức nhiều cuộc họp tổ chuyên môn, lập biên bản đánh giá phân loại, chỉ đạo bộ phận văn phòng tích cực hỗ trợ giáo viên trích lục, sao chụp hồ sơ…
Sở GD-ĐT Lạng Sơn yêu cầu 100% cán bộ quản lý, giáo viên rà soát lại toàn bộ việc cập nhật kết quả đánh giá chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 và đưa minh chứng lên hệ thống TEMIS trước ngày 17/3.
Tuy nhiên, sau đó Sở này phải “gia hạn” đến ngày 22/3.
Một cô giáo ở TP Lạng Sơn chia sẻ mặc dù có thể ghi “Không đạt” để khỏi phải tìm minh chứng ở một số tiêu chí quá khó tìm, nhưng đa phần giáo viên đều không muốn ghi như vậy vì sợ bị ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại cuối năm học nên “mọi người đều loay hoay tìm cách để bổ sung đủ”.
Một trong các tiêu chí mà nhiều giáo viên thắc mắc nhất là trong khi Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên đều đã bỏ tiêu chí về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng ở phần mềm tập huấn vẫn yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (tiêu chí 14) hoặc chứng chỉ tin học (tiêu chí 15).
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quận 10, TP.HCM cho rằng việc tìm minh chứng kiểu này chỉ khiến giáo viên tìm cách làm đối phó, bởi không khó để nhận thấy rằng với hàng triệu giáo viên tham gia tập huấn, Bộ GD-ĐT chẳng thể nào đủ nhân lực để kiểm tra cụ thể bản khai của từng người.
“Hàng năm, nhà trường và các tổ chuyên môn đều đã có đánh giá xếp loại giáo viên và lưu vào hồ sơ. Kết quả này đều được trường báo cáo lên phòng và Sở GD-ĐT nên việc Bộ yêu cầu minh chứng rồi mới ở tài khoản cho giáo viên tập huấn là không cần thiết”.
Đánh giá chuẩn nghề nghiệp đang hành giáo viên nhiều nhất
Mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo là mà thôi.
Câu chuyện Bộ yêu cầu giáo viên tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp lên phần mềm tập huấn trực tuyến một lần nữa cho thấy sự bất cập trong việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hàng năm. Những việc này được xem là thừa thãi, không phát huy được hiệu quả, tác dụng.
Bằng cấp, chứng chỉ thì khi giáo viên được tuyển dụng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đã nộp cho đơn vị; các loại kế hoạch, giáo án, phiếu dự giờ, biên bản hội họp....thì mỗi năm nhà trường, tổ chuyên phê duyệt, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra nội bộ và lưu giữ biên bản.
Vậy mà, cuối năm giáo viên lại phải sao chụp và kẹp vào hồ sơ đánh giá chuẩn nghề nghiệp để minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí để nhà trường lưu vào hồ sơ cá nhân.
Đối với năm học 2019-2020 giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên đến 2 lần. Cuối năm học trước một lần và bây giờ khi Bộ triển khai tập huấn trực tuyến thì phải làm lại thêm một lần nữa.
Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên là không cần thiết (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Chồng chéo chuẩn về việc đánh giá, xếp loại giáo viên
Hiện nay, giáo viên phổ thông đang được hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí.
Chung quy lại cũng chỉ đánh giá về trình độ, năng lực và đạo đức của người thầy trong 1 năm học. Trong đó, có những tiêu chí như: bằng cấp và chứng chỉ thì năm nào cũng giống năm nào, phô tô đi, phô tô lại để nộp cho nhà trường.
Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cũng quy định về chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông là đại học và những giáo viên nào chưa đủ chuẩn thì tổ trưởng và Ban giám hiệu nhà trường đều biết rất rõ.
Chùm Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học đến trung học phổ thông công lập ngày 02/2/2021 cũng quy định các tiêu chí về đạo đức, trình độ, năng lực của người thầy.
Đánh giá viên chức hàng năm của giáo viên cũng chủ yếu xoáy quanh trình độ, năng lực, đạo đức và sự chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Những giáo viên là đảng viên cũng được đánh giá chừng ấy nội dung vào thời điểm cuối năm.
Như vậy, chúng ta thấy rằng mỗi năm học giáo viên được đánh giá rất nhiều lần mà tựu trung lại cũng chỉ tập trung vào các mặt: đạo đức, trình độ, năng lực của nhà giáo là mà thôi.
Nhưng, nó chồng chéo lên nhau, cái này đã vậy, cái kia cũng thế, cũng chừng ấy nội dung nhưng được quy định ở nhiều văn bản, nhiều công đoạn khác nhau. Thành ra, nó thừa, có những loại giấy tờ không có tác dụng nhưng nhiều khi nó lại hành giáo viên khủng khiếp.
Chuẩn nghề nghiệp đang "hành" giáo viên nhiều nhất
Có lẽ, trong tất cả các ngành nghề hiện nay không có ngành nào có cách đánh giá cán bộ, viên chức của mình như ngành giáo dục.
Khi tuyển dụng giáo viên mỗi cấp học đã quy định về bằng cấp, chứng chỉ rồi mới tuyển dụng. Khi về trường công tác, giáo viên phải nộp toàn bộ hồ sơ về bằng cấp, chứng chỉ cho nhà trường và ký hợp đồng lao động.
Luật Giáo dục 2019 đã quy định về chuẩn trình độ của giáo viên. Thầy cô nào thiếu chuẩn trình độ thì sẽ được bố trí cho đi học nâng chuẩn.
Vậy, hàng năm giáo viên phải xét chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để làm gì? Những bằng cấp, chứng chỉ thì nhà trường đã lưu trong hồ sơ cá nhân. Trong một năm học thì giáo viên nào cũng được kiểm tra ít nhất 1-2 chuyên đề và hồ sơ này cũng được phó hiệu trưởng chuyên môn lưu giữ cẩn thận.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả hồ sơ cá nhân, chuyên môn của giáo viên trong từng năm đã được nhà trường lưu giữ.
Cuối năm học, mỗi giáo viên đều phải đánh giá viên chức theo hướng dẫn của Nghị định Chính phủ. Trong bản đánh giá, xếp loại viên chức này cũng đã bao hàm tất cả nhiệm vụ, thành tích mà giáo viên đã đạt được trong năm.
Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, tổ chuyên môn, nhà trường có nhất thiết phải họp và xét chuẩn nghề nghiệp của giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT nữa hay không?
Có cần thiết phải bắt buộc giáo viên đi phô tô các loại giấy tờ đã có sẵn trong hồ sơ cá nhân lưu ở nhà trường để làm minh chứng cho các tiêu chí rồi lại nộp lại cho nhà trường hay không?
Năm nào cũng 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí mà theo Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD gợi ý minh chứng thì chủ yếu tập trung từ các loại minh chứng: Phiếu đánh giá và phân loại viên chức; Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy; Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định.
Những minh chứng này được minh chứng cho nhiều tiêu chí.
Nhưng nó bất cập ở chỗ Phiếu đánh giá và phân loại viên chức trong năm thì cũng đánh giá, xếp loại cùng với thời điểm với chuẩn nghề nghiệp giáo viên (cuối năm học). Tuy nhiên, giáo viên lại phải sao chụp Phiếu đánh giá và phân loại viên chức để minh chứng cho chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp được phân công giảng dạy của giáo viên thì nằm ở số liệu thống kê trên phần mềm và sổ điểm của nhà trường. Hơn nữa, giáo viên nào cũng đã thống kê để điền vào Phiếu đánh giá và phân loại viên chức cuối năm.
Điểm học sinh thì giáo viên vào phần mềm, sổ điểm thì nhà trường in, học bạ thì giáo viên vào và ký tên...tất cả nhà trường lưu giữ và chỉ cần một vài click chuột là kiểm tra được hết.
Các văn bằng/chứng chỉ/giấy chứng nhận/giấy xác nhận hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo quy định thì lưu trong hồ sơ cá nhân và năm nào cũng phải bổ sung vào hồ sơ viên chức.
Vậy, có nhất thiết để giáo viên phải tự đánh giá trước và mỗi tiêu chí phải tìm đủ minh chứng cho mức độ tự xếp loại (tốt, khá, đạt, chưa đạt) của mình, sau đó đến tổ chuyên môn họp đánh giá, nhà trường họp đánh giá thêm một lần nữa.
Chúng tôi cho rằng nếu lãnh đạo ngành giáo dục mà lắng nghe dư luận, nhìn thấy sự bất cập và vô lý thì đã bỏ quy định xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên từ hàng chục năm trước chứ không phải đến năm 2018 lại tiếp tục ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông!
Việc đánh giá, xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong những năm qua gần như không phát huy được tác dụng mà chống chéo với nhau khi cùng một nội dung mà phải đánh giá nhiều lần, phải minh chứng nhiều lần.
Có lẽ, đã đến lúc lãnh đạo Bộ Giáo dục cần nghiên cứu việc xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên hiện nay một cách nghiêm túc để bỏ đi những loại giấy tờ vô bổ, không cần thiết.
Bởi vì, giáo viên đã được xếp loại viên chức hàng năm và bằng cấp, chứng chỉ thì đã được nhà trường lưu giữ, chuẩn trình độ đã được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Muốn thi (xét) thăng hạng đã được quy định tại các Thông tư 02,03,04/2021/TT-BGDĐT rồi.
Vậy, giáo viên có cần thiết phải tự đánh giá, xếp loại và đi tìm minh chứng về chuẩn nghề nghiệp cho mình hàng năm nữa hay thôi?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
1 triệu giáo viên, 2.500 tỷ đồng và hiệu quả chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Nhiều người mong mỏi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên bởi họ cho rằng học phí khá cao so với lương nhận được, trong khi hiệu quả chuyên môn lại thấp. Để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên tại nhiều địa phương phải bỏ số tiền từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Theo quy định của Bộ...