Giáo viên không ngại làm 8 tiếng ở trường, vấn đề là điều kiện đảm bảo
Ngành giáo dục đang hướng tới họp trực tuyến, dạy và học trực tuyến, tập huấn trực tuyến… thì cớ gì giáo viên lại phải vào trường làm việc theo giờ hành chính?
Thời gian qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có một số bài viết của tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng tại trường và những bài viết này đã nhận được khá nhiều ý kiến từ độc giả cả nước.
Theo dõi các bài viết, chúng tôi nhận thấy chỉ có một số rất ít ý kiến đồng tình với quan điểm này còn đa số những phản hồi của độc giả sau mỗi bài viết được đăng tải trên tạp chí và một số trang facebook của giáo viên chia sẻ lại thì thấy các ý kiến đều phản đối đề xuất này.
Sự phản đối của đa phần đội ngũ giáo viên không phải là họ ngại khó, ngại khổ mà với thực tế công việc ở các nhà trường phổ thông hiện nay, cùng với thực tế phòng ốc làm việc, điều kiện đi lại của các giáo viên…không dễ gì thực hiện được đề xuất này.
Đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng/ ngày tại trường trong bối cảnh hiện nay khó phù hợp – (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Theo tác giả Bùi Nam tổng hợp 3 luồng ý kiến của độc giả sau bài viết Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường thì luồng ý kiến thứ 3 cho rằng :
” Những ý kiến đồng tình hoan nghênh với đề xuất trên cho là ý kiến khá hay, sẽ hạn chế được phần nào vi phạm dạy thêm trái phép tràn lan tốn nhiều thời gian, tiền bạc của nhân dân, bạo lực học đường, vi phạm trật tự giao thông, vi phạm khác ,…”.
Vấn đề này thì tác giả Nhật Khoa cũng đã nêu trong bài viết của mình và tác giả Nhật Duy cũng đã phản biện lại bằng bài viết Giáo viên bức xúc với so sánh viên chức làm 8 tiếng/ngày! nên chúng tôi không đề cập lại tất cả các nội dung.
Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một số vấn đề như sau:
Thứ nhất : tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam cũng là giáo viên phổ thông nên chắc tác giả sẽ hiểu vấn nạn dạy thêm, học thêm không nằm ở chỗ giáo viên dạy theo định mức số tiết/ tuần hay làm việc hành chính 8 tiếng/ ngày.
Cho dù giáo viên làm việc theo giờ hành chính 8 tiếng/ ngày thì sau giờ làm việc hành chính mà họ muốn mở lớp dạy thêm thì vẫn cứ dạy như thường, thậm chí còn dạy thêm nhiều hơn.
Bởi, làm việc theo định mực tiết/ tuần thì Ban giám hiệu còn có thể triệu tập giáo viên hội họp, tham gia các hoạt động của nhà trường vào các ngày trong tuần, có thể tham gia hội họp, ngoại khóa vào ngày Chủ nhật.
Nhưng, một khi làm việc theo giờ hành chính từ thứ Hai đến hết ngày thứ Sáu thì sẽ còn nguyên 2 ngày cuối tuần sẽ là cơ hội tốt để bố trí lịch dạy thêm cố định.
Đó là chưa kể hết giờ hành chính thì từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, giáo viên có dư dả thời gian để dạy được 2 ca vì mỗi ca dạy thêm hiện nay đều có thời gian là 90 phút.
Vì vậy, nói giáo viên làm việc hành chính 8 tiếng ở trường để hạn chế tình trạng dạy thêm sẽ không khả thi mà còn tạo cơ hội cho những giáo viên dạy thêm có thêm lịch cố định để dạy thêm.
Suy cho cùng, mấu chốt của việc dạy thêm, học thêm không nằm ở chỗ dạy theo tiết hay làm việc hành chính mà nó nằm ở chương trình, sách giáo khoa và lợi ích từ việc dạy thêm của giáo viên, nhà trường và một phần nhu cầu của phụ huynh, học sinh hiện nay.
Hơn nữa, việc dạy thêm hiện nay chỉ tập trung vào một số môn chính, tập trung vào các trường ở khu vực đô thị và những lớp học cuối cấp. Đa phần học sinh nông thôn cấp tiểu học và trung học cơ sở (trừ lớp 9) rất ít học thêm.
Video đang HOT
Nhiều trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phụ đạo miễn phí mà học sinh còn không vào học thì nói gì đến chuyện dạy thêm thu tiền. Điều này, chắc tác giả Bùi Nam, Nhật Khoa hiểu hơn ai hết…
Thứ hai : khi bàn về việc giáo viên làm việc theo giờ hành chính thì cũng đồng nghĩa với việc nhà nước phải đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất đi kèm. Bởi, chẳng lẽ một khi giáo viên làm việc hành chính tại trường mà nhà trường lại không trang bị máy tính, bàn ghế làm việc cho giáo viên đầy đủ hay sao?
Nhưng, nếu đầu tư phòng ốc cho khoảng 1,5 triệu giáo viên phổ thông làm việc, nghỉ ngơi tại trường giống như những công chức, viên chức ở các ngành nghề khác trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay là không thể.
Như bây giờ dạy theo số tiết thì giáo viên có thể ngồi tạm ở ghế đá hay phòng giáo viên để chờ đợi đến tiết dạy hoặc ngồi họp ở phòng giáo viên. Tuy nhiên, một khi đã áp dụng luật làm việc hành chính chẳng lẽ giáo viên lại không được trang bị những điều kiện tối thiểu nhất cho một viên chức nhà nước?
Hơn nữa, để so sánh tính hiệu quả công việc giữa ở nhà và ở trường thì giáo viên chấm bài, soạn giáo án ở đâu tốt hơn?
Bây giờ, chỉ khi kiểm tra học kỳ, một số trường tổ chức chấm tại trường mà còn không có nơi để giáo viên ngồi chấm thì một khi toàn bộ giáo viên làm việc ở trường sẽ kéo theo rất nhiều thứ phải đầu tư đi kèm.
Giáo viên trường tư làm tại trường được nhưng hãy nhìn về cơ sở vật chất giữa hai loại trường này xem thế nào, đa số trường công hiện nay không có nhà công vụ, không có hội trường, thậm chí các phòng chức năng còn chưa có.
Thứ ba : là người trong ngành giáo dục, chắc tác giả Bùi Nam, Nhật Khoa cũng nhìn ra vấn đề là tại mỗi trường học hiện nay có bao nhiêu phần trăm giáo viên là người địa phương? Đa phần giáo viên các trường phổ thông hiện nay là người từ các xã, huyện khác đến công tác.
Chúng ta thử hình dung mỗi trường chỉ cần một nửa giáo viên là người địa phương khác đến công tác thì hết giờ hành chính họ ở lại sẽ ăn uống, nghỉ ngơi ở đâu?
Hiện nay, mỗi buổi chỉ vài giáo viên ở lại còn có thể vào nghỉ ngơi tạm trong phòng thư viện hoặc ra ngoài quán ăn cơm rồi ngồi vạ vật ở các quán nước chờ đến buổi chiều để dạy.
Một khi cả trường làm việc theo giờ hành chính kéo theo việc ăn uống, nghỉ ngơi nữa chứ. Chỉ riêng chuyện phòng ốc cho giáo viên nghỉ trưa cũng đã là chuyện rất đáng bàn rồi.
Đối với các cán bộ, công chức, viên chức thì họ có phòng nghỉ ngơi riêng, hoặc có phòng làm việc riêng, hết giờ hành chính họ có thể đóng cửa nghỉ ngơi, đến giờ hành chính lại là phòng làm việc bình thường.
Còn giáo viên thì sao? Cả trường có 1 phòng giáo viên được lấy từ 1 phòng học để chuyển thành phòng chức năng, trong khi học sinh buổi sáng chưa tan thì học sinh buổi chiều đã có em vào. Vậy, giáo viên sẽ nghỉ ngơi ở đâu bởi hiện nay chỉ có những trường chuẩn quốc gia mới trường có hội trường.
Mà nếu không có nơi nghỉ trưa, liệu giáo viên nhà xa trường có đủ sức để ở trường vừa làm việc hành chính, vừa lên lớp đi dạy suốt đời được hay không?
Còn rất nhiều những bất cập chứ không hề đơn giản như tác giả Nhật Khoa, Bùi Nam thể hiện trong bài viết của mình và điều này cũng đã được hàng trăm độc giả cả nước phản hồi sau bài viết.
Bản thân người viết bài này không ngại khó, ngại làm việc hành chính và có lẽ hàng triệu thầy cô trên cả nước cũng vậy bởi những áp lực công việc, những vất vả của nghề giáo thì những ai trong nghề đều thấu hiểu.
Vì thế, nếu làm việc 8 tiếng /ngày tại trường mà trường học vẫn còn điểm phụ, học sinh vẫn còn bỏ học, áp lực về hồ sơ sổ sách vẫn còn thì đề xuất này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Những năm tới đây, chỉ riêng việc soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà Bộ vừa ban hành ngày 18/12/2020 và việc tập huấn chương trình mới cũng đủ cho giáo viên mệt mỏi.
Hơn nữa, ngành giáo dục cũng đang hướng tới họp trực tuyến, dạy và học trực tuyến, tập huấn trực tuyến, hồ sơ sổ sách điện tử thì cớ gì giáo viên lại phải kéo nhau vào trường làm việc theo giờ hành chính?
Nhà giáo bị mặc định không được giàu, phải nghèo mới "thanh cao"?
Chuyện giáo viên đi dạy thêm không phải là hiếm, thế nhưng cứ mỗi khi nhắc đến chuyện dạy thêm là nhiều người chỉ nhìn vào các mặt tiêu cực.
Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Với nhiều giáo viên, ít có công việc nào thu nhập cao như dạy thêm", nhiều bạn đọc đã đưa ra những ý kiến trái chiều.
Cụ thể, bài viết cho rằng ít có nghề nào thu nhập bằng giáo viên dạy thêm. Chuyện giáo viên dạy thêm, thu nhập ngoài lương hàng trăm, hàng chục triệu đồng một tháng không hiếm.
Để tiện cho việc so sánh, bài viết đã lấy ví dụ về một kỹ sư du học tại Pháp về, đi làm cho một công ty lớn lương cũng chỉ được hơn 20 triệu đồng một tháng.
Vị kỹ sư này còn chia sẻ: "Dù có chọn lại, tôi cũng không chọn sư phạm, vì thu nhập do dạy thêm cao cũng kèm theo đó những điều không trong sáng.
Làm thầy giáo, có thể ít tiền nhưng phải giàu trong mắt học trò mới hạnh phúc. Có những thầy giáo của tôi ít tiền, nhưng với chúng tôi thầy ấy mới thực sự giàu có".
Đồng tình với quan điểm của bài viết, một bạn đọc cho rằng nhiều giáo viên dạy thêm không phải vì nhu cầu bồi dưỡng cho học sinh mà chỉ vì thu nhập khủng.
Một bạn đọc khác thì cho rằng bài viết quá phiến diện, làm kỹ sư mới ra trường lương 20 triệu đồng một tháng trong khi làm giáo viên 10 năm lương có 6,5 triệu đồng một tháng thôi.
Từ đó, đặt ra câu hỏi là phải chăng giáo viên chỉ được phép giàu có về mặt tâm hồn còn giàu có về vật chất thì là cái tội?
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với những giáo viên dạy thêm, thu nhập của họ tăng lên, nhưng mức thu nhập đó chưa thể giúp họ "giàu có về vật chất":
"Để hoàn thành định mức công việc trên trường, giáo viên đã bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực. Việc dạy thêm chỉ được thực hiện vào buổi tối và cuối tuần.
Vì thế, đối những giáo viên dạy thêm, họ đã phải đánh đổi thời gian chăm lo gia đình, thư giãn cho bản thân, sức khoẻ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống".
Về bản chất của việc dạy thêm, cô Hiền cho rằng việc dạy thêm phụ thuộc vào quy luật cung - cầu trong xã hội:
"Dạy thêm là một trong những loại hình cung ứng dịch vụ giáo dục. Bản chất của loại hình cung ứng dịch vụ giáo dục này khác so với các loại hình kinh doanh khác.
Ông cha ta thường nói "tiền nào của nấy", nếu bạn bỏ ra 5 triệu sẽ mua được chiếc điện thoại có giá trị tương ứng 5 triệu, nếu bạn bỏ ra 10 triệu sẽ mua được chiếc điện thoại có giá trị tương ứng 10 triệu.
Trong giáo dục, chất lượng giáo dục không thể tính như vậy được. Khó có thể so sánh giá trị đồng tiền với giá trị chất lượng giáo dục như mong muốn.
Có thể người dạy cho đi nhiều hoặc ít kiến thức, cũng có thể người học có chủ động tiếp nhận kiến thức ấy hay không.
Trong cùng 1 lớp, có em học sinh rất ham học, kết quả học tập rất tốt, nhưng ngược lại, có những em học sinh không tập trung học nên kết quả học tập không tiến triển, chẳng khác nào "bỏ tiền ra nhưng không lấy hàng về".
"Đối với tôi, khi được mời dạy cho các cơ sở giáo dục khác, có cơ sở trả phí nhiều hơn, có cơ sở trả phí ít hơn, nhưng không vì thế mà chất lượng giờ dạy tăng - giảm cùng với mức phí mình nhận được.
Khi mình đứng trên bục giảng là mình phải cố gắng dạy tốt nhất có thể. Điều đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà nó còn là lòng tự trọng của một người làm giáo dục.
Có thể bạn chỉ dạy những học sinh đó 1 lần, nhưng bạn để lại dấu ấn như thế nào, học sinh học được gì và sau này còn nhớ gì về bạn, điều đó quan trọng hơn tất cả.
Bản chất của dạy học nói chung và dạy thêm nói riêng là "cho đi vô điều kiện". Nếu việc học thêm là tự nguyện và người dạy sẵn sàng "cho đi vô điều kiện" hết những kiến thức mình có, dẫn dắt người học tiếp thu được nhiều kiến thức nhất có thể thì việc dạy thêm là điều tích cực.
Chất lượng giáo dục của thầy sẽ được đền đáp bằng uy tín giáo dục, tạo tiếng tăm giúp nhiều người có như cầu học thêm tìm đến thầy. Công việc cứ thế tiếp nối giúp người thầy vừa "giàu có" hơn về vật chất, vừa giàu có về tâm hồn.
Ngược lại, nếu việc học thêm là không tự nguyện và người dạy đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của người học thì hoạt động giáo dục ấy sự "cho đi" đã kèm theo "điều kiện" rồi.
Trong trường hợp này, người thầy có thể "giàu có" lên nhờ dạy thêm nhưng rõ ràng sự giàu có về mặt tâm hồn là không còn nữa.
Vì vậy, khi nhìn nhận một sự việc cần phải nhìn vào bản chất và suy xét theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Không thể lúc nào cũng chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của việc dạy thêm, gắn việc dạy thêm với những điều xấu xa mà quên mất rằng nó cũng đem lại lợi ích và xuất phát từ nhu cầu thực của xã hội.
Dù có đổi mới chương trình, đưa ra những điều luật mới thì việc dạy thêm, học thêm vẫn âm thầm diễn ra", cô Hiền cho biết.
Để hoạt động dạy thêm đạt được những điều tích cực, theo cô Hiền cần phải có cơ chế để các nhà quản lý có thể quản lý được hoạt động này.
Thu nhập giáo viên có được từ hoạt động dạy thêm, giáo viên cũng cần đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, với những học sinh không có nhu cầu học thêm thì không "ép" được:
"Theo tôi trước tiên cần phải có các quy định mới về hoạt động dạy thêm, học thêm từ Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung cho Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Những quy định mới này cần phải thỏa mãn 2 điều kiện: 1 là người dạy thêm phải đóng thuế thu nhập cá nhân đầy đủ cho nhà nước, 2 là học sinh không muốn học thêm sẽ không thể bị ép buộc được.
Bên cạnh đó cần phải xem xét tăng lương cho giáo viên để họ yên tâm công tác, tránh việc tìm cách ép học sinh đi học thêm để tăng thu nhập.
Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ việc dạy thêm, học thêm sẽ phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực."
Rất nhiều giáo viên phổ thông làm việc không đủ 8 giờ/ngày tại trường Mọi cán bộ, công chức viên chức có thể làm thêm nhưng hầu hết đều phải làm ngoài giờ, còn việc giáo viên làm thêm giờ hành chính để thu tiền là vấn đề đáng bàn. Thời gian làm việc của giáo viên theo tiết dạy hay theo giờ hành chính như các cán bộ, công viên chức khác là một vấn đề...