Giáo sư Mỹ xin lỗi khi viết sai về VN
Cuối cùng thì vị giáo sư đang “nổi như cồn” Joel Brinkley, hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ), cũng đã lên tiếng xin lỗi trước làn sóng chỉ trích dữ dội của độc giả trong lẫn ngoài nước nhắm vào bài viết chứa đựng nhiều thông tin sai lệch về VN của ông.
Sau khi bài viết “Despite increasing prosperity, Vietnam’s appetites remain unique” (Dù ngày càng thịnh vượng, thú ẩm thực ở VN vẫn khác thường) đăng tải cuối tháng 1/2013 trên tờ Chicago Tribune (Mỹ), cái tên Joel Brinkley trở thành mục tiêu công kích của bạn đọc khắp thế giới.
Trong bài viết gây tranh cãi của mình, GS Joel Brinkley tạo cho người đọc cảm giác người VN dường như đã ăn thịt hết mọi loài động vật. Cựu phóng viên tờ New York Times còn lớn tiếng quy kết VN là “một quốc gia hung hăng” do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Vị giáo sư từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer sau đó còn biện giải rằng tính cách “hung hăng” của người Việt là do họ thích ăn thịt, đặc biệt là thịt chó, thịt chuột và chim chóc.
Hàng ngàn người đã ký tên ủng hộ lời kêu gọi yêu cầu ĐH Stanford sa thải GS Joel Brinkley vì đã có bài viết xuyên tạc văn hóa VN.
Trước phản ứng mạnh mẽ của bạn đọc, tờ Chicago Tribune phải cho đăng một thông báo thừa nhận bài viết của GS Joel Brinkley “không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của chúng tôi” và “các bước biên tập cần thiết đã không được tuân thủ” dù rằng “chúng tôi có cả một quá trình biên tập tin bài cẩn thận”.
Báo đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với GS Joel Brinkley.
* Ông đã đến VN được bao nhiêu lần? Ông đã ở VN bao lâu trước khi viết bài báo gây tranh cãi này?
- GS Joel Brinkley: Tôi đã đến VN 4-5 lần rồi và bài viết của tôi là kết quả của chuyến tham quan kéo dài mười ngày trong khoảng từ cuối tháng 12-2012 đến đầu tháng 1-2013.
* Ông nghĩ gì về phản ứng giận dữ của độc giả VN lẫn quốc tế khi đọc bài viết của mình? Có khi nào họ hiểu lầm ý ông không?
Video đang HOT
- Tôi đã viết bài về các quốc gia khác nhau trong suốt gần 40 năm nay, trong đó tôi có 25 năm làm phóng viên thường trú ở nước ngoài cho tờ New York Times và sáu năm sắm vai là một nhà báo phụ trách các chuyên mục.
Rất nhiều người không thích một số bài tôi viết. Là một nhà báo, đặc biệt là người viết cho mục ý kiến cá nhân, đó là điều mà tôi mong đợi. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp phải những phản ứng gay gắt trong suốt quá trình làm báo lâu năm của mình như lần này.
* Ông có gặp gỡ hay phỏng vấn ai ở VN trước khi viết bài báo đó không? Nếu có thì bao nhiêu người?
- Tôi đi từ TP.HCM ra Hà Nội trong chuyến du lịch vào tháng trước và đã nói chuyện với nhiều người, phần lớn là dân thường. Tôi không đếm số người tôi đã gặp gỡ.
Tôi biết chuyện ăn thịt động vật hoang dã không phải là một thói quen phổ biến khắp VN, nhưng tôi biết rõ những gì tôi đã tận mắt chứng kiến từ những người mà tôi đã trò chuyện. Tôi đi cùng với vài người và tất cả chúng tôi đều có cùng nhận xét như nhau.
* Dựa vào đâu mà ông lập luận rằng ăn thịt khiến người ta trở nên hung hăng hơn?
- Lập luận đó đã được viết không đúng và tôi xin lỗi về điều đó. Bản thân thịt không làm cho người ta trở nên hung hăng. Tuy vậy, khẩu phần ăn của người Việt thật sự khiến họ cường tráng hơn người dân ở các nước láng giềng. Tôi biết rõ điều này vì tôi đã có thời gian dài ở Campuchia và Lào.
* Từ đâu mà ông có thông tin khẳng định rằng ở VN “món ăn khoái khẩu là thịt chó”? Ông có thực hiện cuộc thăm dò nào chưa?
- Tôi không có thực hiện cuộc thăm dò nào cả. Nhưng nhiều người đã nói với tôi như thế và những người khác cũng đã viết như thế.
* Nếu có cơ hội thì ông có muốn thay đổi nội dung của bài viết trước sức ép của làn sóng phê phán gay gắt hiện nay không?
- Tôi sẽ sửa nội dung về thói quen ăn thịt và tính hung hăng. Tôi đã viết không chính xác phần đó. Tôi sẽ viết rằng người VN cường tráng hơn người dân các quốc gia láng giềng vốn chỉ ăn cơm chứ không có nhiều thứ khác trong khẩu phần của họ.
* “GS Joel Brinkley lẽ ra phải tìm hiểu nhiều hơn nữa trước khi viết bài này nhưng hình như ông ta chỉ biết vừa đủ để tỏ ra nguy hiểm mà thôi. Bài viết của ông đã khiến tờ báo cho khởi đăng phải xấu hổ mà thừa nhận rằng nó “không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí” rồi đổ thừa cho sơ sót trong “quá trình biên tập tin bài”. Đồng nghiệp trước đây của vị giáo sư này tại tờ New York Times và hiện nay ở Đại học Stanford chắc là đang lắc đầu ngao ngán” – Scott Duke Harris (nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer)
* “Hội Sinh viên VN tại Đại học Stanford nhận thấy bài viết này là một sự xuyên tạc hình ảnh văn hóa VN… Bài báo của GS Joel Brinkley là một sự tấn công được ngụy trang sơ sài vào nền văn hóa VN, đặc biệt là thú ẩm thực. Những phát biểu xúc phạm của vị giáo sư này, như khẳng định người Việt đã tiêu thụ gần hết động vật hoang dã/thuần hóa, là không chính xác và chỉ mang tính giật gân. Tất cả chỉ dựa trên số liệu thống kê xuất phát từ những hoàn cảnh không rõ ràng… Ông ấy đã khiến chúng tôi thất vọng” – Trích từ bài viết của Hội Sinh viên VN tại Đại học Stanford đăng trên tờ The Stanford Daily, tờ báo do sinh viên trường này điều hành.
Theo 24h
Giáo sư Mỹ bị phê dữ dội vì chê người Việt
Bài báo của một giáo sư ở ĐH Stanford (Mỹ) nói rằng người Việt Nam "có xu hướng hung hăng" và thích ăn thịt, đặc biệt là "ăn hết" thịt chuột, chim và chó... đang gây phẫn nộ trên khắp thế giới.
Bài báo "Dù ngày càng giàu có, nhưng khẩu vị của người Việt chẳng giống ai" của tác giả Joel Brinkley, cựu phóng viên mảng đối ngoại Thời báo New York, và từng giành giải báo chí danh tiếng Pulitzer, được đăng trên trang Chicago Tribune hôm 3/2. Kể lại chuyến đi của mình tới Việt Nam, nhà báo này nói rằng ông thấy nhiều sóc, chim và chuột bị giết lấy thịt. Brinkley còn nói "Việt Nam bị Quỹ động thực vật hoang dã quốc tế coi là nước tiêu diệt động vật hoang dã nhiều nhất thế giới".
Brinkley bắt đầu câu chuyện như sau: "Khi ở Việt Nam, bạn không cần mất nhiều thời gian mới có thể nhìn thấy điều gì đó bất thường. Bạn không nghe được tiếng chim hót, không thấy sóc nhảy nhót trên cây hay chuột rúc rích trong thùng rác. Không có con chó nào đi dạo".
"Thực tế là, bạn gần như không thể nhìn thấy động vật hoang dã hay động vật được thuần hóa nào. Chúng đi đâu hết cả rồi. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng: Hầu hết chúng đã bị ăn thịt".
Bài báo bị chỉ trích vì nói quá việc ăn thịt động vật ở Việt Nam, cũng như gắn vấn đề ăn thịt động vật thông thường với chuyện bảo tồn động vật hoang dã. (Ảnh tác giả sử dụng trong bài viêt)
Bài báo gây ra phản ứng giận dữ từ rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài, nhiều người nói rằng bài viết này mang tư tưởng phân biệt chủng tộc. Thứ 6 tuần qua, ban dịch vụ truyền thông của Chicago Tribine phải đưa ra thông báo xin lỗi, nói rằng bài viết này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn báo chí cần thiết và cần phải qua nhiều bước biên tập".
"Chúng tôi lấy làm tiếc vì điều này, và chúng tôi sẽ chú ý để bảo đảm quá trình biên tập chặt chẽ hơn trong tương lai".
Gwen Uyen Nguyen, đồng sáng lập mạng lưới trực tuyến OneVietnam Network có trụ sở tại Mỹ với mục đích hỗ trợ các nước Đông Nam Á, nói rằng bài báo này là một sự "sỉ nhục".
"Đó là sự tấn công trực diện vào nền văn hóa của chúng tôi. Tôi không tin rằng nó lại được viết bởi một người từng giành giải Pulitzer và là giáo sư ĐH Stanford".
Quỹ động thực vật hoang dã thế giới (WWF) chỉ trích chính sách bảo tồn của Việt Nam đối với hổ, tê giác và voi, nhưng nỗ lực không mấy hiệu quả của chính phủ không liên quan gì đến việc tiêu thụ các loài động vật khác như chuột và chó. Đó là nhận xét của Pamela McElwee, trợ lý giáo sư về lĩnh vực hệ sinh thái con người tại ĐH Rutgers và là chuyên gia về bảo tồn hoang dã ở Việt Nam. Buôn bán động vật hoang dã là vấn đề ở rất nhiều nước.
"Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại gắn việc không thích người ăn thịt chó và chuột với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam", McElwee nhận xét.
McElwee, người đã sống ở Việt Nam 5 năm, cũng chỉ trích việc Brinkley suy luận thói quen ăn thịt của người Việt với tính hung hăng. "Lịch sử của Đông Nam Á là hầu hết mọi quốc gia đều đã trải qua chiến tranh. Nước Mỹ có dân số ăn thịt lớn thứ hai thế giới tính theo trung bình đầu người", McElwee nói.
Trong một bài phỏng vấn, Brinkley nói ông viết bài báo nói trên sau chuyến đi 10 ngày tới Việt Nam. Trong suốt 6 năm viết thể loại bài này, Brinkley cho biết ông ta chưa từng vấp phải sự phản ứng nào dữ dội như vậy.
Theo 24h
Kinh nghiệm lấy học bổng VEF Các giáo sư Mỹ và cựu nghiên cứu sinh của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chia sẻ các yếu tố giúp ứng viên nhận được học bổng này. Để nộp đơn xin học bổng VEF, ứng viên phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu: điểm trung bình bậc ĐH ít nhất 7/10; 500 điểm TOEFL PBT hoặc 6,5 điểm IELTS và...