Giáo sư Mỹ gọi sinh viên là ‘vật trung gian truyền bệnh’
Hiệu trưởng ĐH bang Ferris (Mỹ) đánh giá việc giáo sư gọi sinh viên là “vật trung gian truyền bệnh” đã xúc phạm đến người học và quyết định đình chỉ giảng viên này.
Trong video giới thiệu cho lớp Lịch sử tại ĐH bang Ferris, GS Barry Mehler đội mũ bảo hiểm kiểu phi hành gia với bộ lọc không khí. Video chứa nhiều ngôn ngữ tục tĩu.
Thậm chí, ông Mehler còn gọi sinh viên là “ vật trung gian truyền bệnh”. Điểm của họ đã được xác định trước bất kể họ nỗ lực học hành ra sao.
“Tôi sẽ không trả lời câu hỏi nào trong lớp vì đang đội ‘chiếc mũ bảo hiểm’ này để duy trì sự sống. Vì thế, hãy đến lớp, tận hưởng tiết học. Tôi ở đây thường xuyên vì không có lựa chọn nào khác”, GS Barry Mehler, 74 tuổi, nói.
GS Mehler có nhiều lời lẽ bị đánh giá là xúc phạm sinh viên. Ảnh: YouTube/Barry Mehler.
Video giới thiệu dài 14 phút, được ông đăng lên YouTube cá nhân ngày 9/1, đã thu hút hơn 360.000 lượt xem. Sau đó, ĐH bang Ferris ra quyết định đình chỉ công tác đối với GS Mehler trong lúc chờ trường tiến hành xem xét video giới thiệu, mở đầu học kỳ mới của ông, New York Times cho hay.
Ông David Eisler, Hiệu trưởng ĐH bang Ferris, cho biết ông cảm thấy “sốc và kinh hoàng trước video đó”.
“Nó thô tục, đáng lo ngại là xúc phạm người khác và không phản ánh giá trị của trường chúng tôi’, ông Eisler viết trong thông báo chung.
Theo thông tin trên trang LinkedIn cá nhân, GS Barry Mehler là người sáng lập Viện Nghiên cứu Phân biệt chủng tộc trong học thuật tại ĐH bang Ferris, dạy các lớp Lịch sử Khoa học, Mối liên hệ giữa Khoa học và Phân biệt chủng tộc. Trả lời trên AP, GS Mehler cho biết video đó chỉ là “một buổi biểu diễn”.
Video đang HOT
Trong khi đó, ông Charles Bacon, Chủ tịch Hiệp hội Giảng viên Ferris, cho rằng việc trường đình chỉ GS Mehler là “hành động đe dọa, nhắm tới tất cả giảng viên, không riêng gì TS Mehler”. Ông nói thêm hiệp hội coi quyết định của ĐH bang Ferris là “cuộc tấn công vào tự do học thuật”.
Không rõ sinh viên có cảm thấy video hài hước không nhưng những sinh viên mới vào lớp đều phải nghe GS Mehler nói: “Hôm nay, tôi đứng đây trước các bạn mà không thấy con người nào”.
Tiếp đến, ông bảo sinh viên cứ việc khiếu nại lên trưởng khoa nếu muốn vì ông “sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay” và không quan tâm.
GS Mehler còn chia sẻ màn hình với sinh viên để họ thấy tài liệu gồm 1.687 từ phát biểu của ông, trong đó, cụm từ “thêm tin tức xấu” được in đậm.
Đến phần thảo luận về điểm số, giảng viên 74 tuổi cho biết sinh viên không kiểm soát được điểm của mình.
“Dù các bạn học hành chăm chỉ đến đâu, điểm số tốt như thế nào, tôi cho điểm theo thuyết tiền định của người Calvin (thuyết do nhà thần học ở thế kỷ 16 John Calvin, nói về việc lối vào địa ngục hay thiên đàng đều đã được định trước, bất kể người đó sống ra sao trên Trái Đất – PV)”, GS Mehler nói.
Cũng trong video, ông cho biết ngay trước ngày sinh viên bắt đầu môn học, ông đã chấm điểm ngẫu nhiên cho từng người. Tuy nhiên, ở đoạn sau, ông lại nói mọi thứ sinh viên cần để đạt điểm A đều có trên trang học trực tuyến.
GS Barry Mehler còn liên tục nhắc đến đại dịch Covid-19 cùng lo lắng của ông về dạy học trực tiếp. “Các bạn chỉ là vật trung gian truyền bệnh cho tôi. Tôi không muốn ở đâu gần các bạn”, ông nói.
Ông bổ sung người học chỉ nên liên hệ với mình qua Zoom và nói rằng “dù các bạn nghĩ sao về nguy cơ từ Covid-19, tôi đang sống ở thế giới rất khác. Nguy cơ của tôi cao hơn nhiều”.
Trong khi đó, ĐH bang Ferris không yêu cầu sinh viên phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 mới có thể đến lớp học trực tiếp. GS Mehler cho biết ông già, đáng tuổi ông của sinh viên. Nếu sinh viên lo lắng cho ông của họ, thì nên cách xa ông ra, còn nếu sinh viên “không bận tâm việc ông các bạn sống hay chết, cứ đến lớp đi”.
Ông Bacon nói thêm các lớp học do GS Mehler giảng dạy “rất nổi tiếng, đặc biệt vì ông thường phản biện, bàn luận về các giả định sinh viên đưa ra, biến lớp học trở nên rất thú vị”.
“Thực tế, tôi nghe kể ban giám hiệu từng dự lớp của GS Mehler và ước gì có giáo sư như vậy dạy họ hồi đại học”, ông Bacon nói.
Bài thi đánh giá năng lực năm 2022: Phù hợp chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông
Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục tổ chức.
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2021.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, bài thi được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Theo chuẩn từ cấu trúc, nội dung đến mức độ khó dễ, cùng số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian sao cho phù hợp nhất với thí sinh. Lời khuyên của các chuyên gia với thí sinh tham gia kỳ thi này là nắm thật chắc kiến thức, bình tĩnh tự tin làm bài sẽ đạt kết quả tốt.
Đánh giá toàn diện người học
Những năm gần đây, trong lộ trình đổi mới thi, kiểm tra đánh giá năng lực (ĐGNL) của thí sinh, ĐHQGHN đã tổ chức kỳ thi ĐGNL để xét tuyển sinh vào các đơn vị trực thuộc. Chỉ tính riêng năm 2021, kỳ thi ĐGNL được đón nhận với số lượng đáng kể thí sinh dự thi trong điều kiện giãn cách xã hội. Phổ điểm thi ĐGNL năm 2021 có độ phân hóa cao, đặc biệt thích hợp cho công tác xét tuyển vào các chương trình đào tạo đại học đòi hỏi đầu vào cao.
Đa dạng hoá các nguồn tuyển, đánh giá năng lực người học một cách toàn diện là xu thế chung trong bối cảnh các nhà trường tăng cường tự chủ tuyển sinh. Bài thi ĐGNL đã thể hiện tính ưu việt đáp ứng tốt các yêu cầu chất lượng đặt ra nên được nhiều trường lựa chọn.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban Đào tạo ĐHQGHN cho rằng: Xu hướng các trường đại học trong thời gian tới sẽ sử dụng các phương thức khác nhau để tuyển được thí sinh chất lượng là điều có thể dự báo trước. Đến nay có gần 50 trường thông tin sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN, dự báo số lượng thí sinh sẽ tăng mạnh (so với 10 nghìn thí sinh năm 2021). Đây là niềm vui nhưng cũng là thách thức đối với ĐHQGHN trong việc thực hiện trách nhiệm với xã hội khi tổ chức kỳ thi này.
Khẳng định đặt niềm tin vào kỳ thi này, PGS.TS Nguyễn Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: "Qua khảo sát cho thấy trong tốp những sinh viên xuất sắc nhất của trường luôn có mặt các thí sinh trúng tuyển từ kết quả kỳ thi ĐGNL. Là trường tốp đầu tuyển sinh các ngành học kinh tế, tôi đánh giá cao kỳ thi này.
Nội dung bài thi ĐGNL được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình GD phổ thông, đảm báo đánh giá chính xác năng lực người học. Thêm nữa, cấu trúc, nội dung, mức độ khó dễ, số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian... đảm bảo phân loại thí sinh để các trường thuận lợi xét tuyển sinh".
Quang cảnh một phòng thi ĐGNL với những yếu tố kỹ thuật được bảo đảm.
Chia sẻ kết quả
Nhận xét về kỳ thi này, PGS.TS Lê Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở (nay là Trường ĐH Mở) cho rằng: Sau 4 năm tạm dừng, năm 2021 kỳ thi được tổ chức lại thể hiện tính ưu việt. Với cấu trúc gồm 150 câu chia làm ba phần, gồm tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút) là phù hợp để đánh giá năng lực toàn diện người học.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án, tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150... Như vậy bảo đảm yếu tố kỹ thuật đầy đủ của một kỳ thi lấy kết quả đánh giá năng lực người học chính xác, khách quan nhất.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã liên hệ với các trường đại học phía Nam để đặt địa điểm và tổ chức các đợt thi tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 5 và tháng 7 - 8/2022 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đã và đang phối hợp với Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo - ĐHQG TP Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng bộ công cụ chuyển đổi thang điểm giữa hai bài thi ĐGNL của 2 đơn vị trong thời gian tới.
Kỳ thi ĐGNL năm 2022 sẽ được ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới được thử nghiệm trên thí sinh đã dự thi vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đã hoàn thành kế hoạch tổ chức thi trên diện rộng tại nhiều điểm thi trên cả nước. Việc tổ chức thi năm nay có sự kết hợp với một số trường đại học tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Bài thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2022 được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo khẳng định: Bài thi sẽ có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo 3 nhóm năng lực của chuẩn đầu ra của chương trình GDPT. Bài thi hướng tới tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng có độ khó, tính phân loại cao hơn; sẵn sàng phục vụ công tác tuyển sinh đại học và xét tuyển nhiều đợt.
Mùa tuyển sinh đại học 2022 đang đến gần. Xu hướng tự chủ tuyển sinh diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các trường đại học sẽ sử dụng nhiều nguồn tuyển khác nhau và giảm sự lệ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi ĐGNL dự báo tiếp tục được nhiều trường lấy kết quả để xét tuyển sinh. Các bài thi cũng có cấu trúc, nội dung, kiến thức trải rộng giúp đánh giá năng lực người học hết sức toàn diện. Theo kế hoạch, ĐHQGHN sẽ tổ chức 7 - 8 đợt thi đánh giá năng lực, dự kiến từ tháng 2 - 8/2022. Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, ĐHQGHN cho biết đã xây dựng nhiều kịch bản tổ chức kỳ thi, theo cấp độ phân loại vùng dịch mà đặt địa điểm thi, thời gian thích hợp, yêu cầu về dịch tễ khắt khe hơn.
COVID-19: Tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thế nào? Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đánh giá đúng chất lượng học tập của người học phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch COVID-19. Theo hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu các...