Giáo sư Carlyle Thayer: Trung Quốc thực hiện ngoại giao pháo hạm
Bên lề Đối thoại Shangri-La 2014 (diễn ra 30/5-1/6), GS.Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Úc, một diễn giả uy tín tại nhiều kỳ Shangri-La, đã trao đổi về tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay và phản ứng của các bên liên quan.
GS Carlyle Thayer trao đổi với phóng viên bên lề Đối thoại Shangri-La 2014 tại Singapore. (Ảnh: Ngọc Quang)
PV: Theo ông, tại sao Trung Quốc lại dịch chuyển giàn khoan dầu Hải Dương-981? Bước tiếp theo của họ sẽ là gì?
Giáo sư Carlyle Thayer: Đầu tháng 5/2014, CNOCC đưa giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phải nói rằng, đây là hành động phi pháp, cực kỳ khiêu khích chưa có tiền lệ, không chỉ gây căng thẳng với Việt Nam mà còn với các nước Đông Nam Á khác. Từ đó, nhiều tàu Trung Quốc các loại, có lúc hơn 100 chiếc, trong đó có cả tàu quân sự, liên tục hiện diện quanh giàn khoan để đẩy đuổi, đâm va, tấn công bằng vòi rồng các tàu chấp pháp của Việt Nam, tàu dân sự, thậm chí đâm chìm cả tàu cá, bỏ mặc sự sống chết của ngư dân Việt Nam trên biển…
Vừa mới đây, phía Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981, nhưng vị trí mới vẫn nằm trong vùng biển Việt Nam. Nhiều nguồn tin Trung Quốc và nguồn tin trong ngành dầu khí nói rằng, việc di chuyển giàn khoan là một hoạt động bình thường trong lĩnh vực thăm dò dầu khí.
Theo các nguồn này, Trung Quốc di chuyển giàn khoan để tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở khu vực mới và việc này sẽ kéo dài đến giữa tháng 8 năm nay. Nếu tìm thấy dầu hoặc khí tự nhiên, Trung Quốc có thể mang một giàn khoan nhỏ hơn Hải Dương-981 tới để hiện diện thường xuyên, duy trì hoạt động liên tục. Họ cũng sẽ cử đội tàu đến để bảo vệ giàn khoan này. Sang năm, Trung Quốc có thể sẽ làm điều tương tự cho đến khi họ đòi được quyền kiểm soát Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò phi lý.
Trung Quốc đang trong quá trình làm sống dậy chính sách ngoại giao pháo hạm và chính trị sức mạnh.
Video đang HOT
Việt Nam khó đương đầu với Trung Quốc một cách trực diện trên thực tế để buộc nước này rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc sẽ hoan nghênh bất kỳ một phản ứng mạnh của phía Việt Nam, bởi vì việc làm này sẽ cho Trung Quốc một cái cớ để họ vin vào để có những hành động gây tổn hại nghiêm trọng cho Việt Nam.
Như vậy, theo ông, Việt Nam phải làm gì để đối phó tình hình hiện nay, cũng như ngăn chặn các động thái tương tự của Trung Quốc trong tương lai?
Việt Nam phải tiếp tục phản đối ngoại giao, trong khi tìm cách thảo luận tình hình ở cấp cao. Việt Nam đã đúng khi đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, bởi vì sự gây hấn, khiêu khích của Trung Quốc không có lý lẽ gì cả, không có gì là đúng, mà là sự coi thường, miệt thị luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã đặt mình lên trên luật pháp quốc tế. Giờ đây, nước này hành động với tư cách vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trên sân đấu chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông, Việt Nam có nên có hành động pháp lý đối với Trung Quốc. Nếu kiện thì nên kiện ra tòa án nào, kiện đối tượng nào, vì sao?
Việt Nam không có nhiều lựa chọn pháp lý, Trung Quốc sẽ từ chối tham gia bất kỳ sự can thiệp của bên thứ ba nào (tòa án). Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn với một vụ kiện độc lập tại tòa án trọng tài quốc tế.
Theo tôi, cách tốt nhất hiện nay là ủng hộ vụ kiện mà Philippines đang kiện Trung Quốc. Nếu Philippines thắng kiện thì áp dụng quyết định của tòa. Nếu Philippines thành công trong vụ kiện thì đường lưỡi bò của Trung Quốc có thể bị tòa tuyên là phi pháp. Điều này có lợi cho Việt Nam. Các phiên tòa của tòa trọng tài sẽ giúp vấn đề này được dư luận quốc tế để ý, ủng hộ.
Đó là về phía Việt Nam, thế còn với ASEAN, ông có lời khuyên nào cho khối này?
ASEAN đã làm tất cả những gì mà khối này có thể làm, như ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại trầm trọng trước các động thái đơn phương khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã, đang và sẽ phớt lờ. Trung Quốc sẽ tìm cách tiếp tục chia rẽ ASEAN. Việt Nam phải có hoạt động ngoại giao cả với khối ASEAN và với từng thành viên riêng rẽ, như với Philippines. Tuy nhiên, không có triển vọng về một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc có đủ sức nặng để tạo sự khác biệt.
Theo quan điểm cá nhân của ông, Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan dầu Hải Dương 981 trên biển Đông, không rút khỏi thềm lục địa của Việt Nam?
Mỹ sẽ tiếp tục ra các tuyên bố chính trị lên án các hành động của Trung Quốc. Mỹ sẽ kêu gọi các bên kiềm chế. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không có các biện pháp thực tế.
Anh Phương
(Từ Singapore)
Theo Dantri
Lập trường Biển Đông của Việt Nam được hoan nghênh tại Shangri-La
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Đại tướng - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam dự Đối thoại này, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc Đối thoại Shangri La lần thứ 13, ngày 1/6. Ảnh: Lê Hải/TTXVN
Về ý nghĩa của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, bên cạnh những mặt thuận lợi lớn, cơ hội lớn, cũng đã xuất hiện nhiều điểm nóng ở Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine, ở khu vực châu Á -Thái Dình Dương là Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các cường quốc có chiến lược toàn cầu, chiến lược khu vực. Về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực này cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, có nước cho đó là sự cần thiết nhưng cũng có nước cho rằng sẽ gây ra tranh cãi, tranh chấp về mặt chiến lược, tranh chấp về ảnh hưởng địa chiến lược ở khu vực.
Do đó, Đối thoại Shangri-La lần này rất quan trọng, đó là nơi để các nước bày tỏ, chia sẻ quan điểm, thông tin về tình hình, chính sách của mình, xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp hợp tác, nhất là hợp tác về lĩnh vực quốc phòng để duy trì hòa bình, ổn định, tránh đối đầu, giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác, hết sức tránh hiểu lầm, đối đầu để xây dựng môi trường chung hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 bởi đây là khu vực có đường hàng hải quốc tế tạo sự giao lưu, hoạt động thông thương rất quan trọng đối với các nền kinh tế. Nếu an ninh ở đây không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera, sáng 1/6. Ảnh: Lê Hải/TTXVN
Hiện nay khi tình hình tại Biển Đông đang bất ổn, các nước đều bày tỏ quan ngại mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế, công ước luật biển, DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định các nước phải tôn trọng luật pháp, không được có các hành động đơn phương, tạo ra việc đã rồi hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về mặt chủ quyền lãnh thổ.
Về đóng góp của đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: "Trong đối thoại lần này, đoàn Việt Nam được ban tổ chức mời phát biểu với chủ đề "Quản lý căng thẳng chiến lược", chúng ta đã chia sẻ những nhận thức chung về vấn đề quản lý căng thẳng chiến lược như thế nào".
Theo Bộ trưởng, "Chúng ta đã thông tin một cách chính thống, một cách khách quan, trung thực, kịp thời để các chính khách, học giả, cơ quan truyền thông quốc tế biết tình hình hiện nay ở Biển Đông sau khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ trương nhất quán của chúng ta là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, bằng biện pháp hòa bình, nhất là luật pháp quốc tế, Công ước luật biển năm 1982 cũng như DOC. Chúng ta hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng tàu cá phối hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và chúng ta đang cố gắng thông qua con đường đối thoại với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để tìm kiếm giải quyết căng thẳng này. Nói chung, lập trường của Việt Nam được các nước chia sẻ, hoan nghênh, đồng tình, đó là phải tự kiềm chế, phải dùng luật pháp quốc tế, luật biển và DOC, chứ không được dùng vũ lực, xung đột, vì nếu xảy ra xung đột thì nó là thảm họa cho cả khu vực, ảnh đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước, điều mà nhiều nước rất quan ngại".
Theo TTXVN/Tin tức
Nhiều nước muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Việt Nam Tại các cuộc tiếp xúc song phương diễn ra bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore, đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết nhiều nước bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel - Ảnh: TTXVN Đại tướng Phùng Quang...