Giáo hoàng Francis: Tự do ngôn luận cũng có giới hạn
Phát biểu về vụ tấn công khủng bố ở Paris, Giáo hoàng Francis hôm qua cho rằng tự do ngôn luận cũng có giới hạn, nhất là khi nó xúc phạm, chế giễu đức tin của người khác.
Giáo hoàng Francis cho rằng tự do ngôn luận cũng có giới hạn. Ảnh: AP.
Theo AP, Giáo hoàng Francis, phát biểu trên đường tới Philippines,cho rằng bảo vệ tự do ngôn luận không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ để nói lên suy nghĩ của mình vì lợi ích chung, nhưng điều gì cũng có giới hạn.
Để nêu ví dụ, ông nhắc đến Alberto Gasparri, người tổ chức các chuyến công du, và đang đứng cạnh chiếc máy bay chở ông.
“Nếu bằng hữu của tôi, ngài Gasparri đây nói lời nguyền rủa mẹ tôi, tôi sẽ đấm ông ta một cú”, giáo hoàng nửa đùa nửa thật nói, làm một cú đấm giả. “Có rất nhiều người nói xấu tôn giáo nói chung, hoặc nói xấu tôn giáo khác. Ta không được khiêu khích. Ta không được xúc phạm đức tin của người khác. Ta không thể lấy đức tin của người khác ra làm trò đùa. Điều gì cũng có giới hạn của nó”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, người đứng đầu tòa thánh Vatican cũng lên án cuộc tấn công bạo lực vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hôm 7/1 và cho rằng thực hiện hành vi bạo lực khủng khiếp như vậy nhân danh Chúa là “lầm lạc”.
Một ngày sau vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, 4 lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu nước Pháp và Vatican đã đưa ra tuyên bố chung, lên án vụ tàn sát ở Paris và cảnh báo thế giới sẽ là một nơi nguy hiểm nếu không có tự do báo chí, tuy nhiên cũng nhấn mạnh truyền thông cần tôn trọng tôn giáo.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trưởng họa sỹ của Charlie Hebdo bị chỉ trích "đẩy đồng nghiệp đến chỗ chết"
Một trong các thành viên sáng lập của tạp chí Charlie Hebdo đã đổ lỗi cho trưởng họa sỹ Stephane Charbonnier rằng chính ông đã đẩy các đồng nghiệp của mình vào chỗ chết khi nhiều lần đăng tải những bức tranh biếm hoạ đầy khiêu khích về đạo Hồi.
Stephane Charbonnier (bút danh Charb) là trưởng họa sỹ của Charlie Hebdo.(Ánh: Daily Mail)
Ngày 14/1, Henri Roussel, 80 tuổi, người từng góp cổ phần để tòa báo Charlie Hebdo xuất bản số báo đầu tiên năm 1970, khẳng định trên tờ báo Nouvel Obs: "Tôi thực sự phản đối họa sỹ Charb."
Charb là bút danh của Stephane Charbonnier, trưởng họa sỹ của Charlie Hebdo, đồng thời là một cây bút biếm họa có tiếng ở Pháp. Ông là một trong số 12 người thiệt mạng trong vụ thảm sát tòa báo Charlie Hebdo ở Paris tuần trước.
Charb từng nhiều lần đăng những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed. Ông đã nhiều lần bị dọa giết và phải thuê vệ sỹ riêng. Tuy nhiên, ông từng tuyên bố rằng "thà chết đứng còn hơn sống quỳ" và sẽ không lùi bước trước vũ lực.
Ông Roussel ngày 14/1 đã viết về Charb trên báo Nouvel Obs rằng Charb là "một người đàn ông tuyệt vời" nhưng lại là "kẻ ngoan cố và bướng bỉnh".
Ông Roussel bày tỏ: "Tôi không hiểu điều gì khiến ông ấy mạo hiểm đẩy cả đội vào chỗ chết chỉ để vẽ những bức tranh đầy khiêu khích ấy". Ông chỉ trích rằng sau khi Charb vẽ nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa tạp chí cuối năm 2011, văn phòng Charlie Hebdo đã bị những kẻ phá hoại ném bom cháy.
Roussel cũng lên tiếng phản đối hành động đăng tranh nhà tiên tri Hồi giáo một lần nữa trên tờ Charlie Hebdo vào tháng 9/ 2012.
Phản ứng trước những lời chỉ trích này, Richard Malka, luật sư của Charlie Hebdo trong suốt 22 năm qua đã gửi những thông điệp đầy giận dữ đến tờ Nouvel Obs rằng: "Charb thậm chí còn chưa được chôn cất, Obs không có việc gì tốt hơn để làm ngoài việc đăng tải một bài bút chiến độc ác về ông ấy hay sao".
Tuy nhiên, đại diện của tòa soạn Nouvel Obs phản hồi rằng họ đăng tải bài viết trên vì quyền tự do ngôn luận. Hơn nữa, Roussel lại là một trong những "công thần" của tòa báo Charlie Hebdo, lời nói của ông ấy mang những ý nghĩa nhất định.
Sau vụ xả súng đẫm máu vào tòa báo Charlie Hebdo, phần lớn người dân Pháp và thế giới đều lên tiếng ủng hộ các biên tập viên của tòa báo này, trong đó có trưởng họa sỹ Stephane Charbonnier (Charb). Đây là sự chỉ trích đầu tiên không đến từ các tổ chức Hồi giáo dành cho Charb vì đã đăng tải các tranh biếm họa vẽ nhà tiên tri Mohammed.
Thoa Phạm
Theo Dantri/Telegraph
Đi xa vì nhìn xa Trong chuyến đi châu Á lần thứ 2, Giáo hoàng Francis tới thăm Sri Lanka và Philippines. Cho tới nay, chưa có vị đứng đầu Giáo hội Công giáo nào khác tới thăm khu vực châu Á nhiều như vậy trong cùng khoảng thời gian chưa đầy 2 năm kể từ khi đăng quang. Giáo hoàng Francis chụp hình chung với tín đồ...