Giao dịch thẻ chịu cả “rừng phí”, các ngân hàng Việt Nam kiến nghị Visa, MasterCard hỗ trợ cắt giảm
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard – hai tổ chức thẻ quốc tế chiếm thị phần lớn, đề xuất miễn, giảm các loại phí cho ngân hàng Việt Nam.
Doanh số sử dụng thẻ giảm mạnh
Theo Hiệp hội, dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng.
Đối với mảng phát hành, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với mảng thanh toán, doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4/2020. Doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và giảm 93% so với tháng 3/2020.
Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3/2020 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4/2020 và các tháng tới.
Trong khi doanh số phát hành và thanh toán giảm mạnh, các ngân hàng lại chịu nhiều loại phí từ Visa và MasterCard. Do đó, các ngân hàng thành viên Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị với Visa và MasterCard cần xem lại chính sách phí phù hợp với thị trường thẻ Việt Nam.
Trước mắt, cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam (ít nhất áp dụng cho 12 tháng). Về lâu dài, cần xem xét có chính sách phí phù hợp để hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam phát triển ổn định và hiệu quả hơn.
Trong đó, đối với các giải pháp trước mắt cần giảm phí xử lý giao dịch, phí trao đổi.
Mỗi giao dịch chịu cả “rừng phí”
Cụ thể, đối với phí giao dịch, Hiệp hội cho biết, trong cơ cấu thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu, bao gồm rất nhiều loại phí: vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn tới tình trạng thu phí chồng phí với một giao dịch.
Video đang HOT
Đơn cử, với một giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như: phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Viêt Nam, phí dịch vụ… và nhiều loại phí khác.
Chính vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị, Visa và MasterCard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành.
Đồng thời, cần áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Mỗi giao dịch thẻ Visa, MasterCard tại Việt Nam đang chịu rất nhiều loại phí khác nhau
Đối với phí trao đổi (interchange) ngân hàng thanh toán phải trả ngân hàng phát hành, hiện nay, do mức phí trao đổi các tổ chức thẻ quốc tế thu cao nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng.
Dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, dẫn đến việc ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi – không có doanh thu từ phí thanh toán trong khi đó vẫn phải tiếp tục chịu chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán thẻ và trả phí trao đổi rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ quốc tế.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard giảm mức phí trao đổi cho các nhóm ngành nghề căn cứ theo mức độ dịch bệnh.
Cụ thể, đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, không phải là các đơn vị kinh doanh dịch vụ (nhóm ngành thiết bị y tế, bệnh viện, trường học, nhóm ngân sách, chi tiêu công, viễn thông), Hiệp hội đề nghị miễn phí interchange. Đối với nhóm đơn vị chấp nhận thẻ chịu tác động nhiều từ dịch bệnh, thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ và các nhóm ngành khác, đề nghị giảm 50% phí interchange.
Với phí trao đổi tại thị trường châu Âu, từ tháng 10/2019, các tổ chức thẻ quốc tế phân biệt đối xử việc thu phí trao đổi cho khu vực EU và UK (EEA), việc này thiếu công bằng giữa các nước trong khu vực EEA và Việt Nam. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Visa và MasterCard xem xét giảm 70% phí xử ký giao dịch mà các tổ chức thẻ quốc tế thu của các ngân hàng phát hành thẻ Visa, MasterCard tại Việt Nam để bù đắp thiệt hại do ảnh hưởng của chính sách giảm interchange tại khu vực này.
Hiệp hội ngân hàng cho rằng, hiện Visa và MasterCard đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu quá nhiều loại phí đối với một loại giao dịch. Theo thống kê trung bình, các ngân hàng thanh toán đang phải trải cho Visa, MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch. Trong khi đó, mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Chính vì vậy, Hiệp hội đề nghị, Visa và Master cần rà soát, điều chỉnh chính sách phí dài hạn nhằm hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam.
Cụ thể, đối với phí trả cổng thanh toán, đề nghị giảm 50% phí xử lý giao dịch (tương đương còn 0,015 USD/giao dịch) và miễn phí đối với các loại phí đăng ký và sử dụng dịch vụ cổng cho đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng thanh toán và phí bảo trì hàng tháng.
Đối với chính sách thu phí, Visa và MasterCard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng thu phí chồng phí, đồng thời, hỗ trợ các ngân hàng trong việc dễ dàng theo dõi tình hình thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế.
Đồng thời, có chính sách phí ưu đãi đối với các giao dịch trong nước, giảm bớt mức phí để phù hợp với mức phí của tổ chức chuyển mạch thẻ.
Linh Nhật
Tuần 20-24/4: Khối ngoại bán mạnh VNM và nhóm ngân hàng, tranh thủ mua HPG, FPT
Khối ngoại bán ròng tuần thứ 13 liên tiếp trên HoSE và HNX.
VNM bị dòng vốn ngoại rút ròng mạnh nhất thị trường.
HPG và FPT được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại.
Tuần giao dịch 20-24/4 đánh dấu tuần bán ròng thứ 13 liên tiếp trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, . Tính riêng tuần này, tổng giá trị rút ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khoảng 82,8 triệu cổ phiếu, tăng 30,65% về giá trị và hơn 53% về khối lượng giao dịch.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua vào xấp xỉ 90 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 2.527 tỷ đồng, trong khi bán ra 172,5 triệu cổ phiếu với trị giá tương ứng 4.236,6 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số có sự rung lắc mạnh, VN-Index có một phiên giảm sâu với gần 30 điểm và 4 phiên hồi phục. Chỉ số dừng ở mức 776,66 điêm, giam 12,94 điêm so với phiên cuối tuần trước, tương đương giam 1,64%. HNX-Index cũng có diễn biến tương tự khi giảm 3,16%, đóng cửa tuần ở mức 106,97 điêm.
Trên HoSE, khối ngoại bán trọn vẹn 5 phiên trong tuần này với tổng giá trị hơn 1.525 tỷ đồng, tăng 31,8% so với tuần trước. Tính rộng ra thì nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19 phiên liên tiếp.
Đứng đầu trong danh sách bán ròng HoSE là VNM với 291,2 tỷ đồng bất chấp việc cổ phiếu này đóng góp không nhỏ giúp VN-Index hồi phục trở lại. Tiếp theo sau là cổ phiếu VRE với giá trị hơn 152,2 tỷ đồng, VIC khoảng 134,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong danh sách 10 cổ phiếu có giá trị bán ròng mạnh nhất HoSE thì có sự góp mặt của 5 mã ngân hàng là VCB, STB, BID, VPB và HDB.
Ở chiều ngược lại, HPG và FPT là 2 cổ phiếu được dòng vốn ngoại hướng đến với giá trị lần lượt là 89,75 tỷ đồng và 88,23 tỷ đồng. FPT được mua ròng chủ yếu trong phiên giao dịch ngày 22/4 khi cổ phiếu này được hở room do công ty phát hành gần 3,4 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên có thành tính nổi bật trong năm 2019. Lượng cổ phiếu khối ngoại được phép mua sau khi FPT hở room do phát hành ESOP là 1,66 triệu đơn vị. VHM cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 69 tỷ đồng trong tuần này.
Đối với HNX, khối ngoại tăng bán ròng 15,6% so với tuần trước, đạt 105,7 tỷ đồng, khối lượng tương ứng hơn 15 triệu cổ phiếu. PVS là cổ phiếu bị rút ròng mạnh nhất với 40,55 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác cũng có giá trị khá lớn là SHB với 27,8 tỷ đồng. HUT và LAS có diễn tương tự với giá trị bán ròng lần lượt là 12,6 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.
Ngược lại, ART được dòng vốn ngoại mua vào gần 2,3 tỷ đồng. 2 cổ phiếu khác cũng có giá trị mua ròng hơn 1 tỷ là HDA và VCS.
Tại UPCoM cũng ghi nhận sự gia tăng về giá trị bán ròng so với tuần trước với 31,2%, đạt 78,5 tỷ đồng. BSR tiếp tục là bị bán ròng mạnh nhất với 32,6 tỷ đồng. Theo sau là ACV và VEA với giá trị là 31,5 tỷ đồng và 15,75 tỷ đồng. Trong khi đó, VTP tiếp tục được nhóm này mua vào gần 12,9 tỷ đồng. MCH và QNS cũng được khối ngoại hướng đến với 1,39 tỷ đồng và 950 triệu đồng.
Hải Triệu
Tín dụng sụt giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh Tín dụng tăng trưởng chậm lại khiến thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa, dẫn đến doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng tuần từ ngày 13-17/4. Theo đó, lãi suất huy động VND không có nhiều biến...