Giảng dạy Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm ở Mỹ
Sẽ lạc quan hơn khi nghe các nhà Việt Nam học (VNH) ở các nước khác nhau nói về việc nghiên cứu VN của họ, để biết VN vẫn là mối quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới và giới nghiên cứu VN vẫn đang có sự tiếp nối. Dự khai mạc hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyến khích giới nghiên cứu VN và quốc tế, xây dựng và phát triển bền vững ngành VNH trên thế giới.
Hội thảo quốc tế lần thứ tư về VNH, từ 26 -28.11 tại Hà Nội. Ảnh: Mỹ Hằng
Giới nghiên cứu đầu bạc
1.200 đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế lần thứ tư về VNH, từ 26 -28.11 tại Hà Nội, trong đó có gần 300 đại biểu nước ngoài. GS-TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội VN – nói rằng, cùng với sự phát triển và ảnh hưởng ngày càng tăng của VN, lực lượng các nhà VNH ngày càng đông đảo, tại nhiều quốc gia đã xuất hiện nhiều trung tâm nghiên cứu về VN. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, hầu hết những nhà VNH nước ngoài kỳ cựu nhất có mặt tại hội thảo lớn này tóc đều đã bạc và thế hệ nhà VNH mới chưa có nhiều tên tuổi như lớp trước.
Song, các nhà nghiên cứu VN từ các nơi trên thế giới vẫn khẳng định, mối quan tâm với một VN năng động đang dần trở lại. GS Quyên Di – người Mỹ gốc Việt, người giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Đại học UCLA (California, Mỹ) – cho biết, ở nhiều trường đại học lớn của Mỹ đã có chương trình tiếng Việt, và “tiếng Việt được xem như một trong những ngoại ngữ mà sinh viên ra trường phải học như là một trong những điều kiện để tốt nghiệp văn bằng cử nhân”.
Các trường nổi tiếng như Harvard, Yale, Cornell… đều có chương trình tiếng Việt hoặc các lớp tiếng Việt – song chưa có trường đại học nào thành lập được khoa VNH, hay khoa tiếng Việt, mà chương trình tiếng Việt chỉ là một phần trong ngành Đông Nam Á học. Tuy nhiên, GS Jack Harris thuộc trường Hosailt & William Smith College ở New York đưa ra con số, mỗi năm có hàng chục trường đại học ở Mỹ đưa các nhóm sinh viên tới VN để trao đổi văn hóa giáo dục và ông luôn động viên sinh viên tìm hiểu VN năng động trong bối cảnh mới.
GS Quyên Di cho biết, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, phim ảnh, lịch sử, chính trị đối chiếu của VN đang được giảng dạy tại UCLA. Các giờ giảng về VN của ông tại UCLA luôn thiếu chỗ, trong đó có rất nhiều sinh viên trẻ người gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. “Tôi rất sung sướng được giảng Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, truyện cổ VN trên đất Mỹ…” – ông nói.
Xu thế mới
Tại Trung Quốc, Phó GS-TS Hàm Man Tuyết thuộc ĐH Bắc Kinh cho biết: Gần đây, các giáo viên giỏi về tiếng Việt và VNH hết dần, số sinh viên giảm, việc đào tạo sau đại học trong chuyên ngành VNH ở Trung Quốc cũng giảm. Tuy nhiên có một xu thế mới trong nghiên cứu VN tại Trung Quốc: Nhiều sinh viên muốn đi sâu nghiên cứu những ngành liên quan đến VN, chẳng hạn như triết học, lịch sử, quan hệ quốc tế. Khoa tiếng Việt của ĐH Bắc Kinh đã liên kết với các khoa khác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu VN trong tương lai.
Video đang HOT
Còn tại Australia, ngành VNH có nền tảng khá vững chắc, số lượng nhà VNH đông đảo với nhiều người có tên tuổi trên thế giới như David Marr, Li Tana, Carl Thayer… TS Thái Duy Bảo – khoa Đông Nam Á của ĐH Quốc gia Australia (ANU) – cho biết, ngành Việt học đã được khẳng định từ lâu tại Australia, trong đó coi trọng việc giảng dạy và nghiên cứu về xã hội VN hiện đại trên tất cả các mặt văn hóa, lịch sử, kinh tế… Riêng nguồn tư liệu về VN của ANU chiếm 70% và cùng với tư liệu của Thư viện Quốc gia Australia làm thành nguồn tư liệu về VN ở Châu Úc. ANU có gần đầy đủ các số báo Nhân Dân, tạp chí Cộng sản, tạp chí Quê hương, gần đây là dưới dạng số hóa nên mới không đặt nữa – TS Bảo cho biết.
ANU đã đào tạo hơn 100 người có bằng tiến sĩ về VN, một con số khá lớn và là sự tiếp nối mạnh mẽ cho việc nghiên cứu VN tại Australia. Tuy nhiên, nghiên cứu VN tại Australia cũng gặp thách thức khi số giáo sư đầu ngành ít đi và nghiên cứu sinh ngày càng đi sâu vào lĩnh vực khác, mà trong đó VN chỉ là một đối tượng khảo sát. Theo ông Bảo, cách đây hai tuần, Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Australia nêu rõ, tất cả học sinh, sinh viên đều được tiếp xúc rộng rãi với các môn học về Châu Á, trong đó tiếng Việt cũng được nêu tên cụ thể trong Sách Trắng này. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành VNH tiếp tục phát triển.
Theo laodong
"In hộ chiếu đường lưỡi bò là sai lầm và thiếu hiểu biết"
"Đường lưỡi bò" của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở lịch sử và pháp lý. Việc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu của Trung Quốc là hành động "sai lầm và thiếu hiểu biết" - nhiều đánh giá được đưa ra sau hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4.
Đại diện các tiểu ban báo cáo kết quả thảo luận tại tiểu ban của mình.
Tổng kết của Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam - GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn tại phiên bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học hôm nay (28/11) thể hiện trong 3 ngày làm việc với 15 tiểu ban, hơn 800 tham luận được trình bày, trong đó có 200 tham luận của các học giả nước ngoài đã tập trung thảo luận về tất cả lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực...
Thông qua thảo luận, các học giả trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ những cứ liệu và tư liệu lịch sử mới tìm thấy, thảo luận về những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường...
Báo cáo trong phiên họp toàn thể về kết quả thảo luận tại biểu ban 13 - "Các vấn đề khu vực" - GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, có 57 báo cáo (trong đó có 10 học giả quốc tế) được chọn in, coi như báo cáo chính thức của hội thảo. 22 bản báo cáo trong số đó đã được trình bày tại tiểu ban này.
Là người phụ trách tiểu ban này qua các lần hội thảo, ông Ngọc nhận xét, chưa bao giờ tiểu ban có số người tham dự đông, thảo luận sôi nổi như lần này.
Trong đó, phiên họp về "Hợp tác và an ninh trên biển" có khoảng 80 người tham dự với 7 báo cáo được trình bày, 10 ý kiến tranh luận xung quanh các nguồn tư liệu khẳng định chủ quyền thật sự của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, đối chiếu với các nguyên tắc chiếm hữu quy định trong luật quốc tế.
Về hệ bản đồ truyền thống của Trung Quốc, tiểu ban xác nhận ranh giới cực nam của Trung Quốc là cực nam của đảo Hải Nam, hoàn toàn không có cơ sở lịch sự và pháp lý của đường "lưỡi bò" của Trung Quốc. Đối với việc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu của Trung Quốc, nhiều học giả khẳng định, đây là hành động "sai lầm và thiếu hiểu biết".
Vấn đề biển Đông trong bối cảnh hệ thống an ninh khu vực Đông Á cũng như vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột ở biển Đông cũng được chú trọng.
Các học giả trao đổi, thảo luận nhiều về các giải pháp giữ gìn hòa bình và bảo đảm an ninh trên biển.
Ngoài ra, GS Ngọc cho biết, nhiều người tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm đến Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong hợp tác vịnh Bắc Bộ mở rộng.
Hội thảo lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ các chuyên gia đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
"Dù đã chủ động khoanh gọn vấn đề vào hợp tác và an ninh trên biển nhưng những người tham dự hội thảo vẫn cho rằng hội thảo chỉ bố trí 1 phiên thảo luận về biển đảo là quá ít và hi vọng có nhiều hơn nữa những hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông đề cấp đến tất cả các lĩnh vực trong mối quan hệ tổng thể" - ông Ngọc khái quát.
Cũng có học giả đề xuất gia cố hơn nữa cơ sở lý thuyết và phương pháp khu vực học trong khi vận dụng nghiên cứu không gian biển. Cũng có người đặt vấn đề biển Đông có nhiều người nghiên cứu, nhiều người quan tâm, nhiều vấn đề cần phải trao đổi và thảo luận, cần phải tổ chức thành một tiểu ban riêng hoặc được tổ hợp thành nhiều phiên họp. Việc chỉ tổ chức 1 phiên họp lại để rải ra ở nhiều tiểu ban khác nhau khiến việc thảo luận vừa phân tán vừa thiếu hiệu quả.
Phiên họp về "Hà Nội và khu vực phía bắc" dành nhiều thời gian nhất cho báo cáo về tranh chấp biên giới nam Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam những năm 1720. Nguồn tư liệu nguyên gốc được đưa ra là các tập tấu của nhà Thanh (Trung Quốc) và nhà Lê (Việt Nam).
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa Thăng Long Hà Nội, đặc biệt là khu trung tâm Cấm thành Thăng Long, cũng được tập trung thảo luận. Các học giả tham gia đều có hướng khẳng định vị trí trung tâm không thay đổi của điện Càn Nguyên, Thiên An, Kính Thiên, trục chính tâm của Cấm thành. Các nghiên cứu về chế độ Thượng hoàng, các cung Thánh Từ và Quan Triều của Thăng Long thời Trần, khu phố cổ Hà Nội cũng được nhiều người quan tâm thảo luận.
Báo cáo kết quả từ tiểu ban 15 của GS Hồ Sỹ Quý nêu bật báo cáo nghiên cứu từ hơn 6000 di thư từ thời Nguyễn thể hiện chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, định xuất lương bổng cũng như quy chế giám sát hoạt động của quan lại trong bộ máy nhà nước. Tư liệu cổ cũng quy định cụ thể chế độ phụ cấp đặc biệt cho quan chức đi tuần du tại đảo Hoàng Sa.
"Các tư liệu về việc trị thủy sông Hồng, xây dựng nền văn minh sông nước ĐBSCL... không chỉ là những tư liệu lịch sử mà còn là những bài học hết sức thời sự, nóng hổi về việc khẳng định chủ quyền trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam" - GS Quý đánh giá.
Với chủ đề "Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững", các kết quả nghiên cứu tại Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 được đánh giá là có giá trị ứng dụng cao trong phát triển ngành Việt Nam học trên thế giới.
Các kết quả nghiên cứu tại hội thảo có giá trị ứng dụng cao trong phát triển ngành Việt Nam học và đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thê giới cũng như đưa thê giới đên với Viêt Nam. Đây cũng đồng thời là cơ hội để chúng ta thấy được sự lớn mạnh của mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.
Được tổ chức định kỳ 4 năm/lần và là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Việt Nam, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần này đã thu hút gần 1.000 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tới dự.
Theo Dantri
"Truyện Kiều" không thể là di sản văn hóa phi vật thể Đó là khẳng định của Bộ VH,TT&DL sau khi Hội Kiều học gửi công văn tới Bộ về việc đề nghị UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới. Truyện Kiều của Nguyễn Du Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, Truyện Kiều là một tác phẩm thi ca kiệt xuất của Việt Nam, nhưng theo định nghĩa của...