Giang còi và nghề “tay trái” chăn nuôi kiêm bác sĩ thú y ít ai ngờ
Biết anh rời phố về làng từ lâu nhưng giờ tôi mới có dịp tới thăm cơ ngơi của người nghệ sĩ có biệt danh “ Giang còi”. Nói là ở Mê Linh (Hà Nội) nhưng quả thực đường vào nhà anh sâu và xa tít tắp mấy cánh đồng.
Con đường dẫn vào nhà nghệ sĩ Lê Hồng Giang.
Dừng xe, nhìn ngắm xung quanh, tôi không khỏi giật mình vì nhà nghệ sĩ Lê Hồng Giang (nghệ danh Giang còi) nằm trơ vơ ở giữa đồng, phía sau lưng nhà là một bãi tha ma. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh cười bảo: Dân ở đây hiền lắm! Mấy năm trước mới chuyển về chỉ có gia đình anh, bây giờ phía trước đã có thêm nhiều nhà thì đâu có gì lo ngại. Anh tâm sự: “Ngày ấy, các con tôi đứa nào cũng bảo sợ ma. Tôi trấn an chúng rằng: Ba rất muốn nhìn thấy ma mà chưa được thấy bao giờ. Nếu ba đi diễn, ở nhà các con nhìn thấy thì cố giữ chúng lại để gặp ba nhé! Lâu dần các con tôi cũng quen”.
Không gian làng quê nguồn năng lượng tái tạo sức lao động
Vẫn biết về quê để tìm sự tĩnh tại trong tâm hồn sau những chuỗi ngày lăn lộn với phim trường, với ánh đèn sân khấu và cũng là để vui thú điền viên lúc tuổi già, nhưng với nghệ sĩ Giang còi, mọi chuyện không đơn giản là vậy.
Trên diện tích rộng hơn 10.000m2, nghệ sĩ Giang cứ miệt mài tự làm tất cả từ đóng gạch lát lối đi, làm khuôn viên, trồng cây, tự đào ao nhỏ thả cá trồng sen, nuôi đủ các loại gia súc, gia cầm. Thậm chí, anh còn tự mua khung nhôm về hàn làm xích đu cho các con.
Nghệ sĩ Giang còi tâm sự: “Là nghệ sĩ, đáng lẽ ra chỉ dành tâm lực của mình cống cho nghệ thuật, chứ đâu cần phải vất vả, vật lộn với cuộc sống như thế này, song có lẽ cuộc đời đâu đơn giản thế. Cuộc sống đối với văn nghệ sĩ, càng những ngày nghỉ lễ, Tết là những ngày chúng tôi bận rộn với guồng quay công việc, rời sân khấu về nhà thì lo đủ chuyện từ thực phẩm bẩn, đến ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn… làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người. Về nông thôn tự tay trồng cũng là cách làm tiêu cực vì mỗi người sinh ra đều có một công việc. Song thực tế, về quê, tự tay trồng cây rau, nuôi con cá, con gà mới dám chắc là thực phẩm sạch, còn đi mua, kể cả vào siêu thị cũng không ai dám chắc đó là thực phẩm sạch 100% như quảng cáo.
Bạn có hiểu thực phẩm sạch là thế nào không? Nghệ sĩ Hồng Giang giảng giải cho tôi như một kỹ sư nông nghiệp giàu kinh nghiệm. Anh bảo: “Không phải cứ cây trồng, vật nuôi tự nhiên là sạch đâu nhé, mà rất cần phương pháp, khoa học, kỹ thuật để phòng trách sâu, dịch bệnh, để cây trồng, vật nuôi phát triển bình thường. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch cũng sẽ phải được kiểm soát chắc chắn rằng lượng thuốc bảo vệ thực vật, hay thuộc tiêm phòng cho động vật đã được đào thải, đảm bảo an toàn với người thì mình mới thu hoạch”.
Chiếc xích đu tự tay nghệ sĩ Hồng Giang làm cho các con. Bạn bè đến chơi nhà nam nghệ sĩ ai cũng muốn ra vườn thưởng lãm vẻ đẹp của thiên nhiên.
Video đang HOT
Nói là vậy nhưng để nuôi được bầy vịt đẻ đâu dễ. Thời gian đầu anh cũng nuôi, nhưng rồi kết quả cũng không khả quan do nhiều khi lịch diễn dày đặc, phải nhờ hàng xóm trợ giúp nên việc chăm sóc không theo như mong muốn. Nghệ sĩ Hồng Giang cho rằng: “Đối với vật nuôi, cho ăn là chuyện đơn giản, dọn vệ sinh chuồng trại mới là điều đáng nói. Phải giữ vệ sinh sạch sẽ thì vật nuôi mới không nhiễm bệnh và bản thân mình sống cùng với nó mới đảm bảo có một bầu không khí trong lành cho sức khỏe. Thậm chí khi cho chúng ăn mình còn hiểu tính từng con, con nào ăn ít, con nào phàm ăn và điều chỉnh để chúng không bị đói, hay không quá no. Cho chúng ăn, quan sát chúng thật thú vị. Tôi có thể nhớ con gà nào đẻ sáng, con nào đẻ chiều, con nào có hiện tượng khô mũi muốn ốm là mình đã cho uống thuốc phòng bệnh ngay”.
Trị bệnh cho vật nuôi cũng là một nghệ thuật
Thời gian đầu mới nuôi chó, mèo, gà, vịt, bồ câu, khỉ… gặp lúc dịch bệnh cũng mệt, song chưa khi nào nghệ sĩ Giang còi cảm thấy nản. Anh luôn cố gắng dành thời gian nhiều hơn bên những con vật mà mình yêu thích.
Vật nuôi trong nhà được nghệ sĩ Hồng Giang cưng chiều như những thành viên trong gia đình.
Ngày đầu, không may gia súc, gia cầm bị bệnh, nam nghệ sĩ phải mời bác sĩ thú y về nhà điều trị, nhưng rồi thấy đường xá xa xôi cách trở, có những khi đêm khuya cần thì không thể gọi được ai, nên anh mày mò tìm hiểu và trở thành bác sĩ thú y gia đình từ khi nào không hay. Anh còn cẩn thận ngăn 2 phòng nhỏ ở tầng 1 làm nơi điều trị bệnh cho các loại gia súc, gia cầm để khoanh vùng và tránh lây lan dịch bệnh. Anh học cách lấy ven của chó, của mèo làm sao để tiêm cho chúng mỗi khi bị ốm hay phòng bệnh dịch theo mùa. Đến nay, nghệ sĩ Giang còi có thể sang tiêm giúp hoặc chỉ cho hàng xóm cách điều trị các loại bệnh ở gia súc, gia cầm.
Tiêm ven cho gia súc, gia cầm cũng là một nghệ thuật và có lẽ sự nhạy cảm của người nghệ sĩ đã khiến cho Giang còi thành thạo công việc của một bác sĩ thú ý đến từng chi tiết nhỏ.
Như một bác sĩ thú y thực thụ, nghệ sĩ Giang còi kể: “Bạn có thể hình dung con chó Nhật nó chỉ bé bằng nắm tay, khoảng 8 lạng, khi bị tiêu chảy, nếu không nhanh sẽ cướp đi sinh mạng của nó. Không chỉ tiêm thuốc trị bệnh mà còn phải truyền nước và sữa, sưởi đèn hồng ngoại cho nó để bảo toàn tính mạng. Những lúc như thế, thương chúng nó lắm nên mình càng chăm sóc kỹ càng, tỷ mỉ hơn. Lâu dần thành quen và thêm yêu cả công việc này.
Có những giống chó hiếm lên đến cả trăm triệu một con, nếu mình không chăm sóc tốt, không cẩn thận mà tiêm chệch ven vào gân thì què. Thời gian đầu mới làm quen, sợ chệch ven thì phải cạo lông để trích cho đúng ven, nhưng giờ thì không cần vẫn lấy ven chính xác”.
Nghệ sĩ Giang còi tâm sự:”Mỗi con vật nuôi trong nhà, các con anh đều đặt tên, cho nên, những năm trước, muốn làm thịt phải mang sang hàng xóm thịt giấu bọn trẻ. Thế rồi, anh quyết định chỉ nuôi bồ câu, thả cá và trồng cây, còn gà và vịt anh gửi hàng xóm nuôi và trả tiền. Đến khi đủ lớn, anh mang về nuôi trong khoảng 20 ngày và chỉ cho chúng ăn rau sạch, uống nước sạch thanh lọc cơ thể chúng. Trước khi làm thịt cũng vẫn phải mang sang nhờ nhà hàng xóm hoặc làm thịt giấu trẻ con vì con anh rất sợ sát sinh”.
Mỗi người có một cách để yêu thương và bày tỏ tình yêu thương của mình với mọi người và vạn vật xung quanh. Với nghệ sĩ Hồng Giang, tình yêu thương không chỉ là tình cảm của những người thân trong gia đình mà còn là tình cảm bạn bè, tình yêu nghề với những khát vọng sống nhân văn. Lý do bỏ phố về làng không chỉ thỏa mãn niềm vui sống giữa thiên nhiên, có thêm những giây phút tĩnh lặng để tái tạo sức lao động và là cơ hội để người nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo Danviet
Vì sao Giang Còi lại quyết tâm dứt áo bỏ phố về quê?
Chuyện nghệ sĩ Lê Hồng Giang (tức Giang "còi") rời phố về quê sống đã ít nhiều được biết bấy nay. Gần đây, được chứng kiến cuộc gặp giữa họa sĩ Văn Thao (con trai cố nhạc sĩ Văn Cao), một người cũng rời phố về quê tới thăm Lê Hồng Giang, tôi có dịp hiểu thêm về nghệ sĩ Giang "còi"...
Suýt trượt từ vòng gửi xe
Trước tết, tôi nhận được điện thoại gọi từ số của một người bạn ở huyện Mê Linh (Hà Nội), đến khi bắt máy lại nghe một giọng nói khác, nhưng vẫn thấy quen quen. Chưa kịp đoán ra, người nói đã giới thiệu: "Bạn học cũ Giang còi đây. Tôi bây giờ chuyển về Mê Linh ở, trò chuyện thế nào mới biết hàng xóm cũng là bạn của ông. Lâu rồi không gặp, số điện thoại của nhau chả có. Lúc nào có dịp gặp nhau nhé...".
Giang Còi-Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Hơn ba chục năm trước, Hồng Giang và tôi cùng học tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Giang vào trường trước tôi một năm, học diễn viên, còn tôi học biên kịch, cùng ngành điện ảnh. Hồi đó, lần đầu gặp Giang, tôi thấy anh nhỏ bé, hình thức có phần thua sút nếu so với các bạn cùng lớp diễn viên thời bấy giờ như Phạm Cường, Nguyễn Chiều Xuân, Bùi Thạc Chuyên, Trần Yến Chi (người đẹp từng đoạt giải "Cô gái thanh lịch" khi tham gia cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong lần đầu tổ chức vào năm 1988- PV), nhưng Giang "còi" lại rất có duyên. Sau đó, tôi mới biết khi thi tuyển vào trường, Hồng Giang suýt trượt từ vòng đầu cũng chính vì hình thể "còi" của mình. Số là hồi đó, một trong những tiêu chuẩn để thi tuyển diễn viên phải có chiều cao từ 1,65 mét trở lên, nhưng Giang "còi" lại thiếu khoảng 2 phân, thế là bị loại ngay từ vòng "gửi xe". Tuy nhiên, khi cuộc sơ tuyển tạm kết thúc, thấy Hồng Giang vẫn quanh quẩn bên ngoài nên một thầy trong ban tuyển sinh hỏi: "Bạn này, đo chiều cao hỏng rồi sao không về còn ngồi đây làm gì?". Hồng Giang nhanh nhảu: "Ở nhà em đo chiều cao đủ thầy ạ, không hiểu sao đến đây lại thiếu. Nhưng em nghĩ, làm diễn viên để thể hiện cuộc đời, nên cũng có người nọ người kia", Hồng Giang nói với giọng khẩn khoản, nét mặt vừa bi vừa hài. Không rõ có phải do câu nói trên hay vì phát hiện ra tiềm năng diễn xuất ở Hồng Giang mà thầy giáo này đã tạo cho anh cơ hội vào thi. Hồng Giang lọt qua sơ tuyển, đỗ trung tuyển và trở thành trưởng lớp kiêm Bí thư Chi đoàn của lớp diễn viên điện ảnh hệ đại học đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.
Hồi ức về Văn Cao
... Ít lâu cuộc điện thoại nói trên với tôi, gần đây tôi nhận được lời mời lên nhà Hồng Giang chơi. Hôm đó, khi đang cùng anh bạn quê Mê Linh đến nhà Giang, chúng tôi lại được anh gọi điện lại để mời ra quán. Tới nơi, tay bắt mặt mừng, Giang "còi" cho biết hôm nay anh còn mời thêm mấy người bạn nữa nên ra đây cho tiện. Anh vừa nói xong, đã thấy họa sĩ Văn Thao tay chống ba toong cùng một số người nữa lại gần chỗ chúng tôi. Hồng Giang giới thiệu họa sĩ Văn Thao và vợ ông với chúng tôi, rồi nói rất duyên: "Hôm nay một người rời phố về quê mới được tiếp đón người rời phố về núi đến chơi". Lát sau, qua nói chuyện, tôi mới biết vợ chồng họa sĩ Văn Thao đã rời Hà Nội lên mua đất dựng nhà tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Hòa Bình) được hơn chục năm nay. Đây là một khu đất có địa thế đẹp, rộng vài héc-ta, khiến sau lần được giới thiệu đến xem họa sĩ Văn Thao đã nhất quyết mua mảnh đất này để rời phố về vùng núi ở. Tại đây, ông dựng nhà, sống trong cảnh non nước hữu tình, và có những khoảng lặng để viết cuốn hồi ức về cha với tên gọi "Văn Cao-Đời và nghiệp". Họa sĩ Văn Thao chia sẻ: "Tôi là con đầu của nhạc sĩ, từng có không ít thời gian được ở bên cha trong sinh hoạt cũng như công việc nên có dịp chứng kiến nhiều buồn vui trong cuộc đời của nhạc sĩ Văn Cao. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi đã thu thập tư liệu, ghi chép của cha để nay có thể viết hồi ức về ông".
Nghe họa sĩ Văn Thao nhắc đến cha, Lê Hồng Giang cho biết anh được gặp nhạc sĩ Văn Cao lần đầu cũng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Anh kể, năm 1984, trước khi thi tuyển diễn viên Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội chừng một năm, Hồng Giang là diễn viên của Đoàn kịch nói Hải Phòng. Năm đó, Đoàn kịch nói Hải Phòng đã dựng vở kịch nổi tiếng "Lịch sử và nhân chứng" với hình tượng Bác Hồ, nên đã mời nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao về đảm nhận giúp công việc thiết kế mỹ thuật sân khấu. Bấy giờ, là diễn viên trẻ mới được nhận vào đoàn kịch nên Hồng Giang chỉ được tham gia vài vai phụ, ngoài ra làm một số công việc khác của nhà hát. Vì vậy, khi nhạc sĩ Văn Cao về Hải Phòng tham gia vở kịch "Lịch sử và nhân chứng", Hồng Giang luôn có dịp ở gần ông để phục vụ và hầu chuyện.
Anh cho biết: "Có một chuyện khiến tôi nhớ mãi khi được chứng kiến tài năng của nhạc sĩ-họa sĩ Văn Cao. Hôm đó, trước khi vở kịch diễn ra vào buổi tối, ban ngày nhạc sĩ Văn Cao chợt thấy một tấm gỗ dán to đã cũ để như đồ bỏ đi. Ông bèn dựng tấm ván lên ngắm nghía, sau đó vào khu vực bếp rút ra một thanh củi đang cháy dở đem dụi tắt, rồi dùng than củi để bôi và vẽ lên tấm ván một số đường nét. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao yêu cầu đem cắt tấm ván theo đường mà ông đã vạch. Khi yêu cầu được hoàn thành, mọi người ngỡ ngàng khi thấy đó là hình một gốc cây cổ thụ rất đẹp, và đó chính là một trong những đạo cụ mỹ thuật để đưa lên sân khấu trong vở diễn sau đó".
Tiếp câu chuyện trên của nghệ sĩ Giang "còi", họa sĩ Văn Thao cho biết trong thời gian dựng vở "Lịch sử và nhân chứng" ông cũng từng về Hải Phòng để thăm cha. Lê Hồng Giang qua đó đã quen biết họa sĩ Văn Thao, và tình bạn vong niên giữa họ đến nay đã vài chục năm. Do chân yếu, bấy nay lại sống trên Hòa Bình nên giờ họa sĩ Văn Thao mới có dịp tới chỗ Hồng Giang chơi.
Từ phải sang: Họa sĩ Văn Thao, diễn viên Giang "còi" và những người bạn tại nhà vườn của gia đình.
Trai phố thích thôn quê
Sau cuộc gặp trên, Hồng Giang mời chúng tôi về nhà. Lúc này, anh buồn rầu nói với họa sĩ Văn Thao: "Con chó quý của gia đình anh gửi tặng, gần đây lỡ ra ngoài bị bắt mất rồi. Bao năm con chó như người thân trong gia đình, nay bị mất khiến nhà thêm vắng vẻ".
Con chó mà Lê Hồng Giang nói tôi từng được thấy trên một clip quay về cảnh sinh hoạt của gia đình anh được đưa lên mạng. Trong clip, tôi ấn tượng với hình ảnh cậu con trai nhỏ tuổi của anh bơi dưới ao cùng với con chó rất đẹp. Giờ tôi mới biết con chó này được họa sĩ Văn Thao tặng cho gia đình Giang đã lâu. Còn khi nghe Hồng Giang thông báo, họa sĩ Văn Thao cũng buồn, nhưng đã an ủi chó lỡ mất thì đành chịu, sau sẽ kiếm con khác.
Nhà của diễn viên Giang "còi" là khu đất rộng mười ngàn mét vuông, có đủ vườn cây, ao cá và cả chuồng nuôi thú cảnh. Giờ Hồng Giang đang một mình nuôi con nên có cảm giác nhà càng thêm rộng. Chủ nhân tự vào vườn hái khế, rồi mời khách chấm ăn với muối hạt to mà người nông thôn hay dùng. Bên chiếc bàn kê ngoài sân vườn, anh kể chúng tôi nghe mình đã mua mảnh đất này từ hơn hai chục năm trước, giá thời đó chỉ bằng chiếc xe máy Dream. Dăm năm sau, Hồng Giang quyết định rời phố, đưa gia đình về quê sống. Tại đây, mỗi khi có thời gian rỗi là Hồng Giang lại cuốc đất trồng cây, đào ao thả cá, nuôi gà, gia súc..., làm việc như một nông dân thứ thiệt, trong khi anh vốn là người thành phố.Sau nhiều năm, người nghệ sĩ với biệt danh "còi" đã biến mảnh đất từng được coi là chỗ "đồng không mông quạnh" thành một khu nhà vườn đẹp. "Nhiều hôm đi diễn mệt lả, đêm về được nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rích kêu trong không gian tĩnh mịch thấy mình như được lấy lại sức, tinh thần sáng láng hẳn lên"- diễn viên Hồng Giang chia sẻ.
Không chỉ đóng vai hài
Đề cập tới nghề diễn, đến nay không ít người vẫn nghĩ diễn viên Giang "còi" chỉ chuyên đóng những vai hài. Nhưng trước đây, anh từng là diễn viên chính kịch, được nhiều đạo diễn mời vào các vai như: Nhân vật Toán trong phim "Người chiếu bóng", Hậu trong phim "Cựu chiến binh", Hạ trong phim "Khi đàn chim trở về", Minh trong phim "Chuyện vặt gia đình", Người buôn ma túy trong seri phim "Cảnh sát hình sự"... Tuy vậy, phải thừa nhận, để có được thương hiệu Giang "còi" như hiện nay là nhờ việc anh tham gia chương trình "Gặp nhau cuối tuần" của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong chương trình này, Giang "còi" đã đóng cùng Quang "tèo" khiến cả hai trở thành một cặp "song kiếm hợp bích", đem lại những tiếng cười vui cho khán giả màn ảnh nhỏ cả nước vào mỗi dịp thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Thành công của vai diễn khiến đến nay mọi người cứ gọi anh là Giang "còi". "Và cũng nhờ đóng vai nông dân trong "Gặp nhau cuối tuần", mà Giang "còi" ngoài đời có thêm kinh nghiệm để nuôi gà, vịt trong khu nhà của mình" - Hồng Giang cười, chia sẻ.
Gần đây, khi chương trình "Gặp nhau cuối tuần" tạm ngừng, diễn viên Giang "còi" ít xuất hiện trên truyền hình hơn, nhưng vẫn đi diễn ở nhiều nơi. Tuy nhiên, trong anh vẫn luôn đau đáu đợi chờ một vai diễn "nặng cân" mới, đủ để mọi người nhắc đến tên nhân vật này, chứ không phải lúc nào cũng gọi mình là Giang "còi".
Theo Kiến Nghĩa (Tiền phong)
Lời thề của Trường Giang và hàng loạt sao Việt Có nghệ sĩ vẫn cương quyết giữ vững lời thề nhưng có người đã phải phá bỏ... Trường Giang: Thề không thanh minh, than vãn Trong suốt 6 năm từ ngày nổi tiếng, dù rất nhiều lần gặp phải scandal với những tin đồn thất thiệt bủa vây mình nhưng Trường Giang gần như im lặng hoàn toàn. Thậm chí, Trường Giang còn...