Gian nan nghề trồng đào Thất thốn
Đào Thất thốt đặc biệt quý bởi vẻ đẹp khác biệt so với mọi loại đào khác ở Việt Nam. Người Nhật Tân không chọn trồng loại đào này vì khó gây, tỷ lệ thành công thấp. Tuy nhiên, vài vườn đào Thất thốn nằm lẻ loi trầm lắng vẫn tồn tại nhiều chục năm nay trong sự nâng niu của những chủ nhân kiên nhẫn muốn tìm sự khác biệt.
So với giống đào phổ thông, đào Thất thốn luôn bán ít hơn nhiều lần trong khi công chăm sóc không hề thua kém. Bù lại, mỗi cây đào Thất thốn có giá hàng chục triệu đồng là nguồn động viên và là động lực giúp người trồng tiếp tục theo đuổi nó.
Vườn đào Thất thốn của ông Lê Hàm ở Nhật Tân là một khu lán chia làm nhiều ô, được quây tôn rộng vài trăm mét vuông. Việc này để chăm sóc cho cây được tốt hơn và tránh mưa nắng.
Ông Hàm không phải người Nhật Tân nhưng ông sống ở đây đã lâu và thâm niên trồng đào Thất thốn cũng được 26 năm. Đào Thất thốn không phải là giống ngắn hạn có thể “ăn” ngay được, nhiều gốc đào trồng hơn mười năm mới mang bán. Kỹ thuật trồng so với cây đào Nhật Tân cũng có khác biệt và trải qua rất nhiều giai đoạn với khả “năng năm ăn năm thua”.
Ông Hàm cho biết, vì là giống đào khác lạ với thổ nhưỡng nơi đây nên vừa trồng vừa phải nghe ngóng, nương theo cây mà điều chỉnh cách chăm sóc. Khi mới trồng ông phải tự mày mò, dựa vào kinh nghiệm bản thân chứ không được ai truyền lại, ông mong rằng sau này sẽ nghiên cứu để áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn vào việc trồng đào.
Việc đem cây đào Thất thốn về trồng đối với ông Hàm là sự run rủi, song đã theo cây đào này đã 26 năm và hiện tại đang rất chí thú với công việc của mình.
Đào Thất thốn phải trồng bằng hạt mới chuẩn, thời gian vì thế rất lâu mới cho thành quả. Đào gieo một năm mới lớn bằng đầu đũa, tiếp tục chăm trồng ngót chục năm sau mới có thể đem bán.
Video đang HOT
Khu lán trồng đào được xây dựng khá tốn kém với các vật liệu như tôn cách nhiệt, máy sưởi, mái che cơ động, điều hòa công suất lớn để… điều tiết nhiệt độ phù hợp với cây.
Toàn bộ khu nhà trồng đào được dán phủ một lớp vật liệu phản quang. Ông Hàm cho biết nó có tác dụng tăng ánh sáng và giữ nhiệt. Những khi thời tiết chuyển gió nồm hoặc gió mùa đông bắc tràn về, đó là lúc rất vất vả để điều chỉnh nhiệt độ nhà trồng đào sao cho càng ít thay đổi càng tốt, tránh việc đào nở sớm cũng như thui chột bông hoa.
Ở Nhật Tân hiện tại chỉ có khoảng gần chục hộ trồng đào Thất thốn kinh doanh, nhưng để thành công với giống đào này thì không nhiều, tỷ lệ rủi ro là 50 -50. Cây đào nào cũng phải sửa để tạo thế, việc này chính là đem lại khác biệt cho vườn đào của mỗi chủ nhân.
Người trồng không nhiều, khách chơi cũng hiếm. Có hộ mỗi năm chỉ bán được vài cây, nhưng bù lại là giá cao. Vài năm lại phải thay đổi dáng cây một lần, mỗi lần thay đổi như vậy cũng mất đến 3 năm ươm trồng.
Một cây đào Thất thốn lâu năm với gốc cực lớn, giá lên đến vài chục triệu đồng. Tỷ lệ tăng trưởng số lượng đào khá chậm vì số lượng đào chết cao, có thể đến vài chục phần trăm. Hiện tại nhà ông Hàm có khoảng 70 cây đào.
Ông Hàm nói răng, không thúc không ép cây mà chỉ dùng các biện pháp này để tạo ra môi trường ổn định, giảm sự thay đổi ở mức thấp nhất có thể, việc này đem lại sự sinh trưởng tự nhiên cho cây đào Thất thốn.
Những cây đào được mang bán đều có tuổi từ 10 năm trở lên, dáng đẹp, tay dưới tay trên tương đồng, tổng thể cây đào toát lên vể đẹp thuận mắt.
Các giống đào Thất thốn thường được chủ nhân trao đổi cho nhau từ mọi vùng miền của đất nước. Ông Hàm cũng chính là người cung cấp khá nhiều giống cho các đồng nghiệp của mình.
Hữu Nghị
Theo Dantri
Đào, quất chơi Tết đang ngóng chờ... thời tiết
Đào Nhật Tân vừa tuốt lá, quất Quảng An tỉ lệ cây hỏng rễ cao đang khiến người nông dân trên địa bàn Hà Nội đứng ngồi không yên.
Người trồng quất ở Quảng An gần 2 tháng nay phải chứng kiến những cây quất đang xanh tốt mơn mởn bỗng chốc lụi tàn, vàng úa, còi cọc mà không hiểu nguyên nhân vì sao?
Thiệt hại cả tỷ đồng vào mùa đào năm ngoái nên năm nay ông chủ vườn đào thế nổi tiếng ở Nhật Tân anh Tuấn Việt vẫn không giấu được lo lắng bởi tỷ lệ đào bán đúng Tết thắng hay thua đều phụ thuộc vào thời tiết.
Tiếp quản nghề trồng đào gia truyền từ vài chục năm nay, không chỉ riêng về kỹ thuật lai ghép cho hoa đẹp, mà anh Tuấn Việt còn có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tính toán làm sao để đào thu hoạch đúng vào Tết Nguyên đán. Thế nhưng năm ngoái, anh đã thua hơn 1 tỷ đồng bởi đào nở rộ trước Tết cả chục ngày. Vì thế mà năm nay những người trồng đào như anh đặc biệt cẩn thận, theo dõi diễn biến thời tiết để tính ngày tuốt lá, chăm bón cây sao cho hoa nở vào đúng Tết.
Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, anh Tuấn Việt thở dài cho biết: "Người tính không bằng trời tính. Được mùa hay không đều phụ thuộc vào ông trời, đến thời điểm này chưa đưa ra được một đánh giá nào".
Có mặt ở phường Nhật Tân vào ngày 19/12, chúng tôi thấy vườn đào thế ngoài bãi đã xong công đoạn tuốt lá, chỉ còn đào cành là chưa tuốt. Đứng bên 200 gốc bích đào còn xum xuê lá của gia đình ông Đỗ Văn Môn, chúng tôi thấy ông đang lật từng mắt đào ra xem.
Ông Đỗ Văn Môn bên vườn bích đào vài hôm nữa mới tuốt lá.
Ông cho biết: "Rút kinh nghiệm năm ngoái tuốt lá sớm, gặp thời tiết nắng ấm nên 26 Tết đào đã nở hết, bán tống bán tháo tiền thu về chỉ bằng nửa năm kia. Năm nay tôi tuốt lá muộn hơn khoảng một tuần".
Ông Môn năm nay 73 tuổi, là người trồng đào lão làng ở Nhật Tân, thế nhưng ông cho biết: "Tính toán tốt chỉ chênh nhau về kỹ thuật, còn được hay không phải phụ thuộc vào thời tiết. Nếu đào mà có gió Đông Nam thì bật lên nhanh lắm, chỉ một vài ngày là khác ngay".
Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm ở đây thì từ đầu vụ rét đến nay, thời tiết chủ yếu là nắng ấm, chưa có rét đậm. Chính vì vậy mà việc tuốt lá được họ lùi lại vài ngày. Và nếu như từ nay đến Tết có vài đợt rét đậm thì khả năng còn thắng, nếu cứ nắng ấm thì lại "công toi". Ông Môn cho biết, năm nay, do đợt mưa muối vừa rồi và nắng ấm kéo dài, tỷ lệ đào chết cũng chiếm tới 20%.
Đến vườn quất Quảng An những ngày này chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc của người dân khi họ phải chứng kiến những cây quất đầu tư từ 1,5 đến 3 triệu đồng tiền giống (chưa kể công chăm bón) lá bỗng vàng rực, quả ngày càng nhỏ, cây cằn cỗi, còi cọc dần đi.
Bà Thảnh, chủ vườn quất Hường Thủy cho biết: "Từ tháng 9 trở về trước quất rất đẹp, cây nào cây ấy xanh mơn mởn, nhưng giờ cứ lụi dần đi mà không hiểu vì sao".
Gia đình bà Thảnh có 2 vườn quất, một vườn trên đường vào khách sạn Tây Hồ, vườn còn lại trồng ngoài bãi. Vườn ngoài bãi có hơn 100 gốc thì hai tháng nay bỗng nhiên 20 gốc lăn đùng ra hỏng. "Chị xem, gốc này mua giống đã 1,5 triệu, gốc kia 3 triệu, thế mà giờ này nó như thế, chỉ có vứt đi thôi, bán ai mua".
Theo lời bà Thảnh thì thời tiết năm nay không hề khắc nghiệt, duy chỉ lúc quất ra hoa gặp nắng 40 độ làm hoa không nở đẹp như mọi năm. Nhưng không hiểu sao từ tháng 9 đến giờ, những cây quất đầu tư cả giống và công tới tiền triệu lại lăn đùng ra vàng lá, quả nhỏ dần đi không lớn được.
"Đào lên thì thấy rễ bị cụt đi, chúng tôi không hiểu làm sao, chỉ nhờ các nhà nông nghiệp xem cho thế nào, chứ thế này thì người nông dân chỉ có nước đói", bà Thảnh cho biết.
Cách vườn của bà Thảnh không xa là vườn quất của anh Lợi cũng trong cảnh một số cây quất đầu tư cao bỗng úa vàng. Bế đứa con nhỏ trên tay, vợ anh cho biết: "Tiền giống, tiền công, phân bón đầu tư ngày một đắt. Một xe đất chúng tôi phải mua tới 400.000 đồng, thế mà sắp đến ngày hái quả thì nó lại thế kia". Chỉ tay vào cây quất khi mua giống giá tới 1,5 triệu đang vàng rũ, vợ anh thở dài. "Thế không tìm ra nguyên nhân gì sao?", tôi hỏi. Anh Lợi lắc đầu: "Bây giờ chỉ có đào đất lên mang đi xét nghiệm thì mới biết nguyên nhân vì sao".
Trong khi chờ lý giải nguyên nhân thì người trồng quất Quảng An vẫn đang kỳ vọng thời tiết ủng hộ để họ có nguồn thu nhập từ sự vất vả của cả một năm chăm bón.
Theo_VnMedia
Đào rừng thế "long quấn thủy" giá hơn trăm triệu đồng Hai gốc đào rừng Mộc Châu có tuổi đời khoảng 80 năm, đã ghép cành đào Nhật Tân và tạo thế "long quấn thủy", được chủ nhân định giá cho thuê vụ Tết trên 80 triệu đồng mỗi cây. Nếu người chơi muốn mua đứt, số tiền phải bỏ ra sẽ lên tới 120 triệu đồng. Hai cây đào thế "long quấn thủy"...