Gian nan đi mua iPhone 7 ở Singapore
Đến sớm và xếp hàng trước hai ngày, người Việt tại Singapore còn phải đối mặt với nhiều thử thách mới có thể mua được iPhone 7.
Ngày 16/9, iPhone 7 và 7 Plus sẽ chính thức lên kệ tại các thị trường lớn. Singapore nằm trong danh sách bán đợt đầu và là điểm đến ưa thích của nhiều người Việt muốn kinh doanh hoặc sở hữu máy sớm.
Trong vài năm qua, số lượng người Việt đổ về Singapore trong tuần đầu bán iPhone mới ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự hỗn loạn, mất trật tự khi có tranh chấp xảy ra.
Đến sớm, tranh cãi và bị giải tán
“Năm nay khó hơn năm trước”, Nguyễn Tiến Huân (ngụ quận 3, TP.HCM) nói với Zing.vn sau hơn hai ngày túc trực trước các điểm bán ở trung tâm Singapore.
Ngay từ đêm 13/9 và sáng 14/9, nhóm của Huân đã có mặt tại hai cửa hàng của Epi Centre và Nubox để giữ chỗ mua iPhone 7. “Người Việt Nam qua rất nhiều và đến từ sớm. Sau đó đến những người Trung Quốc, Indonesia và có cả Ấn Độ”, Huân cho biết.
Tuy nhiên theo anh này, dù người Việt chiếm số đông, người mua đến từ các nước khác không hề tỏ ra thua kém trong khoản tranh chấp.
Những người xếp hàng hợp lệ trước của hàng Nubox, thuộc trung tâm thương mại Bedok, Singapore. Ảnh: Duy Tín.
Nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn như năm ngoái, một số điểm bán ở trung tâm như Somerset, Bugis, Marina Bay Sands đã nói không với những người xếp hàng quá sớm.
Sáng 14/9 (2 ngày trước khi mở bán), hàng chục người đã có mặt và “phân vùng” rõ ràng, tự lập danh sách với nhau. Nhưng chỉ một giờ sau, lực lượng bảo vệ toà nhà và cảnh sát đã có mặt để giải tán tất cả.
“Họ không chấp nhận xếp hàng sớm, không cho tụ tập quá đông nên tụi mình phải tản ra xung quanh”, Loan Ngô (đến từ Hà Nội) cho biết.
Video đang HOT
Theo đó, những người này phải chờ đến khi cửa hàng chính thức cắm biển ‘Queue Starts Here’ (bắt đầu xếp hàng ở đây), họ mới nhảy vào chỗ cũ. “Tuy vậy, tranh cãi vẫn có thể xảy ra khi các nhóm tiếp tục bất đồng về thứ tự và số lượng thành viên”, Loan Ngô nói.
Theo Loan, năm ngoái, nhóm của cô đến trước hai ngày và đã xảy ra cãi vã giữa những người đến cùng lúc. “Họ cho rằng đã đến trước nhưng đi ăn trưa nên không ngồi ở vị trí đó, khi nhóm mình vào thì đến đòi lại chỗ, cãi vã đến mức suýt đánh nhau”.
Để tránh xung đột, người Việt xếp hàng ở Singapore tự quy ước với nhau bằng cách chụp hình từng nhóm với đầy đủ thành viên, lập danh sách, chốt số người…
Đối với các nhóm người đến từ Indonesia, Ấn Độ hay Trung Quốc, họ cũng làm cách này để tránh gian lận. Tuy nhiên, vào giờ chót, tranh cãi vẫn có thể xảy ra khi những nhóm xếp hàng đầu “âm thầm” cài cắm thêm thành viên, dẫn đến việc những người xếp hàng sau có nguy cơ không mua được máy.
Nhằm kiểm soát tình hình, ban quản lý một số trung tâm mua sắm tại Singapore chọn cách giải tán đám đông nếu có biểu hiện tụ tập, tranh chấp trước giờ đặt rào chắn. Thậm chí, lực lượng bảo vệ và cảnh sát địa phương cũng chụp hình lại hộ chiếu của những người xếp hàng sớm và cảnh báo “đưa vào sổ đen nhập cảnh” nếu gây rối.
Tìm đến những vùng xa hơn
Ngoài khu vực trung tâm, nhiều người Việt cũng tìm tới các cửa hàng ở vùng ven như Bedok, Jurong, Sairagoon… hay thậm chí Woodland. Những khu vực này ít người Việt biết đến và cũng bán máy vào ngày 16/9.
“Không đông như trung tâm, nhưng gặp khá nhiều người Indonesia và Trung Quốc. Nhiều nhóm xếp hàng rất lịch sự, nhưng cũng không ít người thích chen ngang hoặc tỏ vẻ côn đồ, doạ dẫm để được vị trí đẹp”, Nguyễn Thành Tài – một du học sinh trường Kaplan, Singapore – nói vớiZing.vn.
Theo Tài, các cửa hàng ở vùng ven không khó để tìm, nhưng cũng không có nhiều máy để lựa chọn. Mỗi người thường chỉ mua được một model và có thể không mua được hàng nếu đến trễ. An ninh tại những vùng này khá phức tạp, thường xuyên có lừa đảo hoặc mất cắp.
Cảnh báo lừa đảo ở bên ngoài cửa hàng bán iPhone tại Bedok, Singapore. Ảnh: Duy Tín.
Không chọn cách xếp hàng, Nguyễn Tiến Dũng – một người mê công nghệ đến từ TP.HCM – cho biết anh đi du lịch Singapore và chấp nhận mua máy với giá cao hơn một chút từ người bản xứ. Ngoại trừ ePi Centre và Nubox vốn bán máy cho khách vãng lai, các nhà mạng như Singtel hay M1 vẫn bán iPhone theo dạng hợp đồng cho những người thường trú tại Singapore.
Theo Dũng, nếu người Việt “cát cứ” tại các điểm bán lẻ, người Singapore lại đăng ký mua máy trước với các nhà mạng, đến sát giờ bán sẽ đến xếp hàng để lấy máy sớm.
“Chỉ cần có mối quen biết hoặc chịu khó vào các diễn đàn công nghệ ở Singapore, bạn có thể mua được máy từ dân bản xứ với mức chênh lệch khoảng 100-150 SGD, mắc hơn một chút nhưng không phải vạ vật xếp hàng thâu đêm suốt sáng”, Dũng chia sẻ.
Hiện một số cửa hàng ở khu vực trung tâm vẫn chưa chính thức cho người mua xếp hàng. Các nhóm người Việt vẫn tự tập hợp trước các khu trung tâm thương mại để chờ nhân viên cửa hàng chính thức giăng biển và lập rào chắn.
Dự kiến vào sáng mai (16/9), hệ thống đại lý của Apple ở Singapore và các cửa hàng của nhà mạng sẽ mở cửa lúc 8-9h sáng để chính thức bán ra iPhone 7. Zing.vn sẽ tường thuật trực tiếp không khí mua bán trong ngày đầu tại Singapore và một số quốc gia lân cận.
Duy Tín
Theo Zing
Người Việt xếp hàng mua iPhone 7 trước 2 ngày ở Singapore
Nhiều người Việt bắt đầu tập trung trước những khu mua sắm lớn, nơi có cửa hàng bán iPhone 7 tại Singapore, để xếp hàng giữ chỗ.
Đến 16/9, iPhone 7 và 7 Plus mới lên kệ tại các thị trường lớn, trong đó có Singapore. Tuy nhiên, từ sáng 14/9, nhiều nhóm khách nhỏ đến từ Việt Nam đã có mặt ở điểm bán. Tại trung tâm mua sắm Somerset trên đường Orchard, khu vực trống này được bố trí cho những người chờ mua iPhone.
Nguyễn Vĩ Minh, sinh viên trường ERC Institute, cho biết anh cùng nhóm bạn khoảng 15 người đã đến đây từ 9h sáng, thay phiên nhau giữ chỗ và ăn uống. Theo Minh, một số người đã đến đây từ đêm 13/9 nhưng đến sáng mới bắt đầu xếp hàng. Một số sinh viên người Việt được thuê với giá 120 SGD/ngày (khoảng 2 triệu đồng).
Khác với Minh, Trần Anh Đức (đến từ Hải Phòng) xếp hàng mua iPhone vì sở thích. Anh cùng với nhóm bạn đi du lịch Singapore và sẵn tiện mua iPhone. Ngoài hai nhóm người Việt đến sớm, một số người Indonesia và Trung Quốc cũng có mặt tại đây.
Trời đổ mưa, đôi khi mưa lớn, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến những người Việt đang túc trực ở Somerset nói riêng và hàng chục điểm bán khác tại Singapore nói chung. Theo Nguyễn Hạ Minh, hiện sống ở Kalang (Singapore), những khu vực trung tâm thường là điểm đến của nhiều người Việt Nam. "Từ khi Apple Store có mặt ở Bắc Kinh, Thẩm Quyến..., giới kinh doanh điện thoại xách tay Trung Quốc không qua Singapore nữa. Người Việt chỉ cạnh tranh với những nhóm nhỏ đến từ các nước lân cận như Indonesia, Philippines, nhưng số lượng này cũng không nhiều".
Cửa hàng của ePi Centre, một trong những nơi bán ra iPhone 7 và 7 Plus ở Singapore, nằm bên trong khu trung tâm thương mại Somerset.
Nhân viên tại đây cho biết vẫn chưa có iPhone 7 hàng trưng bày. Trên kệ chỉ có iPhone 6S và 6S Plus.
Một người chơi Pokemon Go trong lúc chờ đợi. Điện thoại, sách báo... là những thú vui ít ỏi giúp những người xếp hàng ở đây "giết thời gian".
Đây không phải năm đầu tiên người Việt đến đây xếp hàng, nhưng cảnh tượng khác ngày thường này vẫn gây tò mò cho những người bản xứ. Người dân Singapore thường không xếp hàng để mua iPhone. Họ được nhà mạng hỗ trợ để nâng cấp lên máy mới, cũng như có quyền đặt hàng qua mạng và nhận máy vào đúng ngày mở bán, có thể muộn hơn tuỳ theo độ hiếm của phiên bản đặt trước.
Duy Tín
Từ Singapore
Theo Zing
Một suất xếp hàng mua iPhone 7 tại Mỹ giá 300 USD Một số người đã bắt đầu dựng lều trước các cửa hàng Apple Store dù phải đến ngày 16/9, iPhone 7 và 7 Plus mới chính thức được bán ra. Theo Bloomberg News, người đầu tiên xếp hàng mua iPhone 7 là từ ngày 25/8 - trước cả khi sản phẩm được Apple công bố - tại Apple Store trên đại lộ Kurfuerstendamm...