Gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Điều tra hành vi đưa nhận tiền
Chánh Văn phòng Bộ Công an, trung tướng Lương Tam Quang cho hay, Bộ Công an và công an các tỉnh sẽ tiếp tục điều tra nhiều hành vi liên quan đến vụ gian lận điểm thi, trong đó có việc đưa nhận tiền để sửa điểm.
Trung tướng Lương Quang Tam cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra các hành vi liên quan vụ gian lận điểm thi. ẢNH THÁI SƠN
Tại cuộc họp báo của Bộ Công an về kết quả công tác quý 1 năm 2019, phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi việc điều tra vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT 2018 tại Hòa Bình có sơ sài hay không, khi cơ quan điều tra xác định có hành vi nhận tiền để sửa điểm, song không làm rõ cụ thể những ai đã đưa và nhận, phương thức như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Chánh Văn phòng Bộ Công an, trung tướng Lương Tam Quang nói, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa công bố mới đây và chuyển đến Viện KSND tối cao chỉ là kết quả điều tra bước đầu, nhằm đảm bảo thời hiệu điều tra và sự công bằng cho các thí sinh. “Cơ quan an ninh điều tra cũng đang tiếp tục làm rõ. Nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Chứ không kết luận sơ sài, đó là bước đầu”, trung tướng Lương Tam Quang khẳng định.
Hồi đầu tháng 3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia tại Hòa Bình, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
Cơ quan công an xác định các bị can nêu trên đã câu kết bàn bạc với nhau mở cửa phòng để bài chấm thi, bóc niêm phong các bài thi rồi sửa lại đáp án, mục đích nâng điểm cao hơn thực tế cho thí sinh.
Kết quả giám định của Bộ Công an đối với 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm đã xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người tô ra. Kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/1 môn thi.
Đáng chú ý, bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng khi nâng điểm cho thí sinh và đã mang đến nộp lại cho cơ quan công an.
Theo Thái Sơn (Thanh Niên)
Gian lận điểm thi tại Hòa Bình: Vì sao không tuyển bổ sung?
Các thí sinh Hòa Bình trúng tuyển vào trường công an do gian lận điểm thi sẽ bị hủy kết quả và buộc thôi học. Ngoài ra, việc xét bổ sung để bù vào những thí sinh gian lận điểm thi ở Hòa Bình (nếu có) sẽ không phù hợp.
Đó là chia sẻ của GS.TS Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục đào tạo (Bộ Công an) liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hòa Bình.
Cụ thể, GS.TS Bùi Minh Giám cho biết: "Trong trường hợp có thí sinh Hòa Bình trúng tuyển vào các trường CAND do gian lận điểm thi, ngoài việc xử lý theo đúng quy chế là hủy kết quả đối với thí sinh đó và buộc thôi học thì Bộ sẽ không xét bổ sung để bù vào những thí sinh này vì không phù hợp quy định hiện hành".
Cụ thể, theo Điều 2, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được tuyển sinh nhiều đợt trong năm và báo cáo Bộ GD&ĐT trước tháng 12. Xét về thời gian, việc bổ sung là không thể vì bây giờ đã là tháng ba. Hiện nay, các trường đại học sắp kết thúc năm học và chuẩn bị cho việc tuyển sinh năm mới.
Điều 13 quy chế thi tuyển đại học hệ chính quy của Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt xét tuyển đợt 1. Khi vào trường công an, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 nên có điểm trúng tuyển cao nhất. Vì vậy, những thí sinh không trúng tuyển đương nhiên sẽ có điểm thấp hơn điểm xét tuyển.
Từ dữ liệu kết quả điểm thi bất thường, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm ra nhiều sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hoà Bình. Ảnh: Lao động
Được biết, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã chuyển cho Cục Đào tạo (Bộ Công an) danh sách 64 thí sinh liên quan đến vụ tiêu cực thi THPT quốc gia 2018 ở cụm thi Hòa Bình. Theo Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, sau khi có danh sách các thí sinh, các trường khối công an sẽ tiến hành rà soát xem có thí sinh nào nhập học tại trường hay không. Khi có kết quả rà soát chính thức, Bộ Công an sẽ xác định những thí sinh không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn vào các trường công an và sẽ hủy kết quả trúng tuyển.
Cũng theo Thiếu tướng Giám, hiện Bộ Công an đang chờ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cập nhật lại điểm thi của các thí sinh sau kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT.
Khi có kết quả rà soát chính thức, Bộ Công an sẽ xác định những thí sinh không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn vào các trường Công an nhân dân và sẽ hủy kết quả trúng tuyển.
"Đương nhiên là các thí sinh đó không đủ điều kiện, không đủ phẩm chất đạo đức để học tại các trường CAND. Và đương nhiên là công bố công khai minh bạch những thí sinh không đủ điều kiện (nếu có). Công khai hết theo đúng quy chế" - Thiếu tướng Bùi Minh Giám khẳng định.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi cập nhật điểm thật của 64 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, có 1 thí sinh đã không đủ điều kiện tốt nghiệp.
Ông Đắc cũng cho biết, sau khi cập nhật xong điểm thi thật cho các thí sinh, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình sẽ công bố danh sách thí sinh được can thiệp về điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 cho các trường đại học biết để xử lý theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đã khảo sát hết thí sinh Hòa Bình đạt điểm cao đỗ vào trường (từ 22 điểm trở lên) và có khoảng 16, 17 sinh viên. Học kỳ vừa qua, những sinh viên này đều đạt học lực từ B, B và A, tức là học lực từ trung bình đến giỏi. Ông Điền cho rằng, theo quy chế, thí sinh thuộc danh sách được nâng điểm do cơ quan điều tra công bố đều liệt vào hành vi gian dối trong thi cử và phải đình chỉ học tập.
Ông Nguyễn Phong Điền cho rằng Sở, Bộ không công bố danh sách nhưng khi sinh viên bị hủy kết quả, trả về địa phương thì sớm muộn cũng bị "lộ". Không riêng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các trường cũng đang mong sớm có danh sách để xử lý.
Trước đó, ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã phối hợp làm việc với tinh thần nghiêm túc, xử lý nghiêm đúng người, đúng việc, để ngăn chặn sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và các kỳ thi khác nói chung.
Theo Danviet
Gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Có liên quan đến con ông cháu cha? Các chuyên gia cho rằng việc công khai danh tính thí sinh được nâng điểm ở Hòa Bình cần được cân nhắc cẩn thận nhưng nhất thiết phải làm rõ có "con ông cháu cha" trong đó không. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hòa Bình, đơn vị này đã tiếp nhận danh sách thí sinh được cơ quan điều tra xác định...