Giám sát chất lượng bữa ăn bán trú ở Đà Nẵng: Vai trò của phụ huynh được đề cao
Ngoài công khai thực đơn, nhiều trường học đã xây dựng cơ chế để phụ huynh cùng tham gia giám sát chất lượng bữa ăn bán trú, từ khâu tiếp phẩm, chế biến cho đến chia khẩu phần ăn, chất lượng nguồn nước uống… Mọi phụ huynh đều có thể đến trường xem xét quá trình từ bếp đến bàn ăn của HS và không cần phải báo trước với nhà trường.
Bữa ăn bán trú của HS Trường Tiểu học Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng).
Cùng chăm chút từng bữa ăn
Nằm trong Ban đại diện Hội phụ huynh của Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), chị Võ Thị Thúy Vân tham gia vào bộ bận giám sát công tác tiếp phẩm, giám sát bữa ăn bán trú. Qua 2 năm tham gia công tác này, chị Thúy Vân nhận xét: “Nhà trường rất cởi mở trong việc phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn bán trú.
Phụ huynh dù không nằm trong ban giám sát của Ban đại diện Hội phụ huynh vẫn có thể tiếp cận để kiểm tra các khâu có liên quan đến công tác bán trú như lưu mẫu thực phẩm, quá trình sơ chế, chế biến thức ăn, phân chia khẩu phần ăn… Ban giám hiệu sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của phụ huynh như việc cân đối dinh dưỡng…”.
Cho dù chưa có một quy định nào bắt buộc phụ huynh phải tham gia vào tổ tiếp phẩm hoặc giám sát chất lượng các dịch vụ giáo dục nhưng nếu phụ huynh có nguyện vọng tham gia giám sát là điều bình thường vì liên quan đến quyền lợi của HS. Ngoài ra, những dịch vụ này cũng dựa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường nên việc đại diện phụ huynh tham gia giám sát cũng là điều dễ hiểu.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành
Như đợt nước sinh hoạt tại Đà Nẵng bị nhiễm bẩn vào cuối tháng 2/2019. Cô Thu Nguyệt cho biết, từ phản ảnh của đại diện phụ huynh trong Ban giám sát chất lượng bán trú về chất lượng nước nhiễm bẩn, nhà trường đã cho tổ cấp dưỡng vệ sinh toàn bộ bình nước ở các lớp, đường ống đấu nối nước dùng để uống cho HS và GV đã qua sục bóng đèn cũng được xịt nước với áp lực mạnh để làm sạch. Riêng tổ cấp dưỡng đã được lưu ý phải để nước lắng qua đêm trước khi dùng rửa thực phẩm và nấu nướng.
Mặc dù gần như các trường có tổ chức bán trú ở Đà Nẵng chưa xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể nào, nhưng đã có không ít trường hợp chất lượng bữa ăn bán trú của HS quá sơ sài, đạm bạc, các món ăn thay đổi không giống như thực đơn nhà trường công khai… là từ những phát hiện của phụ huynh học sinh. Chính vì vậy, việc phụ huynh cử đại diện cùng tham gia giám sát với Ban an toàn thực phẩm của nhà trường, giám sát chất lượng bữa ăn cũng như thực đơn, giá cả là rất cần thiết.
Tuy nhiên, ý kiến của bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu (TP Đà Nẵng) về vấn đề này cũng rất đáng lưu tâm: “Phụ huynh có thể đến trường vào giờ ăn của các cháu để giám sát chất lượng bữa ăn. Nhưng chúng ta cũng lưu ý đến thời điểm phụ huynh có mặt, ví dụ như khi HS gần kết thúc bữa ăn rồi mà lại chụp ảnh rồi cho rằng bữa ăn đạm bạc quá thì không mang tính xây dựng”.
Video đang HOT
Có nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh rất dè dặt trong việc tham gia kiểm soát chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học vì rất nhiều nguyên nhân: Không sắp xếp được thời gian, tâm lý ngại va chạm… Thế nhưng, chị Võ Thị Thúy Vân cho rằng, đó là quyền lợi chính đáng của phụ huynh và cũng vì là vì bảo đảm sức khỏe cũng như sự phát triển về thể chất cho HS. “Hơn nữa, phụ huyh cũng có thể luân phiên nhau để tham gia giám sát nên không quá khó trong việc sắp xếp, bố trí thời gian” – chị Vân khẳng định.
Chính vì vậy, một phụ huynh cho biết, khi chọn trường mầm non để gửi con, ngoài cơ sở vật chất, thì chị ưu tiên chọn trường nào mà chủ trường cởi mở, phụ huynh có thể thoải mái quan sát giờ ăn của bé, miễn sao không ảnh hưởng đến tâm lý của bé.
An toàn từ nhà bếp đến bàn ăn
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Qua công tác kiểm tra cho thấy một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thực hiện các khoản phí dịch vụ rất cao nhưng chất lượng không bảo đảm, chưa tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT, có trang bị phần mềm kiểm tra dưỡng chất bữa ăn bán trú cho trẻ nhưng không sử dụng.
Chất lượng các bữa ăn trong ngày chưa tương xứng với số tiền mà phụ huynh đóng góp. Nhưng cũng có những cơ sở tự xây dựng quá chế độ ăn nhiều bữa trong ngày, tạo áp lực cho GV dẫn đến cường độ lao động quá cao”.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã yêu cầu các trường có tổ chức bán trú đều phải có bản ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp với nhà trường, thực hiện nghiêm quy định sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Ngay như các trường ở vùng miền núi của huyện Hòa Vang thì thực phẩm cũng được cung ứng qua các công ty chứ không mua từ các chợ.
Các loại thực phẩm, hàng hóa cung ứng cho các đơn vị trường học phải có bao bì, nhãn mác quy định hạn sử dụng, cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy kiểm dịch. Ngành GD cũng đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, nhân viên chế biến tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú, tổ chức hội thi bếp ăn tập thể trường học an toàn…
Hiện nay, ở Đà Nẵng, UBND quận, huyện ban hành mức khung về thu tiền ăn bán trú, trên cơ sở đó, các trường và phụ huynh thỏa thuận nhưng không được vượt mức khung này. Mức thu cũng tùy thuộc vào từng trường và điều kiện kinh tế từng nơi. Ở một số trường mầm non, các cô cấp dưỡng tự làm một số món ăn đơn giản như sữa chua, sữa đậu nành, kem… ngoài ra còn có thêm rau củ được trồng ở vườn trường để bảo đảm chất lượng bữa ăn trong khuôn khổ số tiền thu được.
Dù thực phẩm tự chế biến hay tiếp nhận từ công ty cung ứng thì các trường học luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bảo đảm khâu an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ đối với trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Chính vì vậy, rất nhiều trường học ở Đà Nẵng, Ban giám hiệu đã có yêu cầu rất rõ ràng với công ty cung ứng thực phẩm như thịt phải nguyên miếng, không nhận thịt vụn hoặc xay sẵn, khoai tây mọc mầm sẽ bị trả lại, rau củ dập cũng sẽ bị đổi trả.
Hà Nguyên
Theo giaoducthoidai
Bị tố bạo hành, bỏ đói trẻ, trường mầm non ở Đà Nẵng lên tiếng
Phụ huynh ở Đà Nẵng tố cô giáo trường Mầm non Ngôi Sao Việt đánh và bỏ đói cháu mình. Hiệu trưởng nhà trường đã phủ nhận thông tin trên.
Bà Nguyễn Thị Kim Quy (ngụ tổ 70, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gửi đơn đến Phòng GD&ĐT quận Hải Châu, phản ánh việc giáo viên trường Mầm non Ngôi Sao Việt trụ sở phường Hòa Cường Bắc bỏ đói và có hành vi đánh cháu mình.
Phụ huynh tố cô giáo đánh, bỏ đói bé 3 tuổi
Theo bà Quy, ngày 21/8, bà đón cháu mình là Đ.N.L.(3 tuổi) về nhà. Trong lúc tắm bà Quy phát hiện ở mông bé có 2 vết bầm tím nên tra hỏi. Cháu bé kể bị cô giáo đánh và nhiều hôm bị bỏ đói.
Vị phụ huynh này đã chụp ảnh lại vết bầm tím, sau đó gọi điện cho giáo viên phụ trách lớp để hỏi nhưng cô này không nghe điện thoại.
Trường Mầm non Ngôi Sao Việt nơi bà Quy tố cô giáo bỏ đói, bạo hành cháu mình
"Tôi gọi điện cho cô giáo phụ trách lớp cháu để hỏi rõ sự việc như thế nào nhưng cô giáo không bắt máy. Thấy vậy tôi chụp lại hình vết bầm và ghi âm lại lời cháu nói bị cô giáo đánh", bà Quy cho hay.
Đến sáng 22/8, gia đình đưa cháu L. đến trường, gặp cô giáo để hỏi về sự việc nhưng giáo phụ trách lớp phủ nhận không đánh và cho rằng không biết vì sao cháu lại bị như vậy.
Bà Quy bức xúc cho biết, ngoài việc không trả lời rõ ràng, cô giáo phụ trách còn có dấu hiệu bỏ đói cháu L. (cho ăn trễ hơn quy định) khiến sức khỏe cháu giảm sút.
Lo lắng cho tình trạng sức khỏe và tâm lý của cháu mình nên gia đình quyết định rút hồ sơ học tập tại trường này và đăng ký cho L. sang học trường khác.
"Không có chuyện cô giáo đánh cháu"
Liên quan đến vụ việc, bà Lê Thị Bích Kiều, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Sao Việt cho biết không có việc giáo viên đánh, bỏ đói cháu L. như phụ huynh phản ánh.
Theo bà Kiều, hiện nay có 130 trẻ đang theo học tại trường. Cháu L. học lớp Sơn Ca (dành cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi) do 2 giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Dung (SN 1979, có hơn 10 năm kinh nghiệm) và Trần Thị Cẩm Nhung (hơn 2 năm kinh nghiệm) phụ trách.
"Ngày 22/8, khi bà Quy yêu cầu làm rõ vụ việc, nhà trường đã cho xem camera và không có hình ảnh cô giáo bạo hành trẻ. Có thể cháu L. tự gây thương tích cho nhau trong các tiết thể dục", bà Lê Thị Bích Kiều thông tin.
Hình ảnh 2 vết bầm tím phụ huynh chụp lại
Nữ hiệu trưởng này cho biết thêm, cháu L. thuộc dạng ăn chậm, khó ăn nhất trong lớp. Trưa 21/8, cháu L. vẫn ăn chậm như thường lệ và là người ở lại cuối cùng. Cô giáo cho 18 cháu còn lại đi ngủ rồi mới quay lại cho cháu L. ăn tiếp. Đây cũng là cách làm thường xuyên của trường. Không có chuyện phân biệt đối xử.
Khi PV đề nghị xem hình ảnh camera bà Kiều cho biết, do dữ liệu tự động bị xóa khỏi hệ thống sau 10 ngày nên hình ảnh không còn.
"Tại trường camrera sẽ liên kết với điện thoại của phụ huynh để theo dõi con mình bất cứ lúc nào. Sau sự việc, chúng tôi đã yêu cầu 2 cô giáo viết tường trình. Nhà trường đã nhận lỗi với phụ huynh về việc quản sinh chưa chu đáo dẫn đến xảy ra thương tích cho trẻ.", bà Kiều nói và mong cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, trường Mầm non Ngôi Sao Việt đã gửi báo sự việc và phòng vừa báo tình hình với Sở GD-ĐT.
Hồ Giáp
Theo vietnamnet
Đà Nẵng: Trồng hoa chậu mini công nghệ cao, kiếm bộn tiền Nhận thấy mô hình trồng hoa chậu mini đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thái Văn Công (SN 1981, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, trang trại hoa mini công nghệ cao của anh Công được xem là mô hình trồng hoa điển hình nhất tại địa phương. Không khó...