Giảm lãi suất điều hành tác động ra sao đến mặt bằng lãi vay?
Nếu nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh còn yếu thì dù lãi suất cho vay thấp, doanh nghiệp cũng không vay và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng cho vay.
Việc giảm lãi suất điều hành chưa tác động ngay và cũng không có nhiều tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay
Vừa qua, NHNN đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành (LSĐH) có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua NHNN có động thái như vậy. Đây cũng là xu hướng của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế ứng phó với tác động của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng việc hạ LSĐH lần này của NHNN có tác động tích cực nhiều hơn đối với hệ thống ngân hàng so với đợt giảm LSĐH vào tháng 3 vừa qua.
Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức dồi dào, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp (trung bình khoảng 2%) kể từ đầu năm nay, và lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm chỉ ở khoảng 3% – thấp hơn rất nhiều so với lợi suất của các nước cận biên. Do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, nay lại càng dồi dào hơn sau động thái giảm LSĐH của NHNN.
Video đang HOT
Đối với các doanh nghiệp, việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5% có thể sẽ không thực sự thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng từ phía doanh nghiệp. Bởi tình hình dịch bệnh khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang ở mức thấp. Hơn nữa, do khó khăn vì dịch bệnh, nên doanh nghiệp cũng không đủ điều kiện vay vốn mới.
“Nếu nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu thì dù lãi suất có thấp, doanh nghiệp cũng không vay và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc giải ngân vì lo ngại nợ xấu”, ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh và nhận định, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 khó đạt mức mục tiêu 14% mà NHNN đã đặt ra. Chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm nay vào khoảng 9%-10% nếu thực hiện tốt hoạt động đầu tư công.
Trong khi đó, việc hạ lãi suất mua kỳ hạn (reverse repo) từ 3,5% xuống 3,0%/năm và các lãi suất chính sách khác như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 ở thời điểm hiện tại do hoạt động này của NHNN đa phần được thực hiện để hỗ trợ cho các NHTM giảm chi phí vốn để có điều kiện hạ lãi suất cho vay cho các đối tượng ưu đãi.
Đối với việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng, trong thời gian trước mắt cũng không tác động nhiều tới mặt bằng lãi suất huy động, bởi lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được nhiều ngân hàng neo ở mức cao, thậm chí trên 8%/năm. Tuy nhiên KBSV cho rằng, xu hướng giảm từ 50 – 100 điểm phần trăm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng đã diễn ra sau thời điểm NHNN hạ lãi suất điều hành vào tháng 3 vừa qua.
“Đây là cơ sở chúng tôi tiếp tục kỳ vọng lãi suất huy động trung hạn trong thời gian tới sẽ tiếp tục xu hướng giảm, qua đó các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay”, KBSV nhận định và cho rằng kỳ vọng này là có cơ sở trong bối cảnh các NHTM sẽ tăng cường cắt giảm chi phi huy động để có thể bù đắp cho sự sụt giảm NIM do tác động của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19, bên cạnh việc thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động khác.
Theo KBSV, xu hướng hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp còn ở mức yếu, kết hợp với các nỗ lực của NHNN nhằm hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, theo NHNN, tính đến 28/4/2020, nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng chỉ còn 1,32% (so với mức tăng trưởng 4,5% cùng kỳ năm trước), cũng là mức thấp nhất trong vòng 6 năm, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại – dịch vụ – du lịch, tiêu dùng,… đều giảm mạnh.
Các chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, bởi nếu doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng thì dù lãi vay giảm, cũng không có ý nghĩa gì.
Giảm lãi suất điều hành từ 0,5% - 1%
Tối 16/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành 6 quyết định điều chỉnh lãi suất, bao gồm lãi suất điều hành, lãi suất đầu vào và đầu ra, có hiệu lực từ hôm nay với mức giảm từ 0,25% đến 1%.
Quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 17/3/2020
Đó là Quyết định số 418/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm.
Quyết định số 419/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Quyết định số 420/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.
Quyết định số 421/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của TCTD tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm.
Quyết định số 422/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 1,0%/năm.
Quyết định số 423/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước là 0,05%/năm, lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 1,0%/năm.
Theo NHNN, việc giảm lãi suất là để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Xuân Yến (Baodauthau.vn)
Hoạt động ngân hàng bước vào cuộc tái định vị lớn Hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đang và sẽ phải định vị lại, thậm chí cả về chiến lược, sau loạt điều chính chính sách. Ảnh minh họa. Trong một dự báo nội bộ đưa ra tuần này, một số cán bộ chuyên trách lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại ngân hàng thương mại có cùng dự tính: kết thúc năm...