Giảm lãi suất cho vay ngoại tệ còn hạn chế
Các gói tín dụng hiện mới tập trung giảm lãi suất đối với các khoản vay vốn bằng tiền đồng, trong khi giảm lãi suất ngoại tệ còn hạn chế…
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đề xuất giảm lãi vay USD thêm 2-3 điểm phần trăm, sau mức giảm 0,5%/năm trước đó.
Lãi suất vay ngoại tệ phụ thuộc vào doanh nghiệp
BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 100 triệu USD với lãi suất thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay USD thông thường dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tương tự, Vietcombank cũng đã thông báo giảm 0,5%/năm lãi suất đối với dư nợ cho vay bằng USD.
Tuy nhiên, mức giảm trên có lẽ chưa đáp ứng được nhu cầu, nên Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cùng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ký vào bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề nghị giảm lãi suất thêm 2-3 điểm phần trăm đối với khoản vay USD.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, nhìn lại từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương giảm tình trạng “đô-la hóa” trên thị trường cho thấy, chủ trương này đã hỗ trợ tích cực cho việc điều hành tỷ giá của NHNN, giảm bớt được rủi ro trong việc đầu cơ tỷ giá của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, kể cả những khủng hoảng hay những lần giảm lãi suất trên thị trường thế giới khiến USD tăng giá, nhưng đồng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, thanh khoản USD trên thị trường luôn ổn định.
Gần đây nhất, theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, sẽ chỉ còn các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là được vay ngoại tệ.
Liên quan đến việc doanh nghiệp được vay USD, ông Trung chia sẻ thêm, giá vay sẽ tùy thuộc vào sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.
Ở nước ngoài có những tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhưng ở Việt Nam chưa có, nên các ngân hàng sẽ tổ chức xếp hạng doanh nghiệp theo thang điểm nội bộ của ngân hàng.
“Để ra được mức lãi suất cho doanh nghiệp vay USD, ngân hàng sẽ đánh giá sức khỏe tài chính trên cơ sở phương án kinh doanh của doanh nghiệp (ví dụ, nếu là ngành dệt may thì nguyên liệu đầu vào có ổn định hay không, đầu ra bán hàng cho ai… để đánh giá cả người mua), có tài sản thế chấp hay không, rồi tài sản tốt đến mức nào. Nói đơn giản hơn, mức lãi suất cho vay ngoại tệ như thế nào phụ thuộc lớn vào chính doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu đều đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, không chỉ thiếu nguyên liệu để sản xuất vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mà cả đầu ra của sản phẩm cũng gặp khó do nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu… cũng đang bị dịch bệnh hoành hành.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam nhận định, về mặt định hướng, NHNN đã rất rõ ràng trong việc giảm cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang hình thức mua bán ngoại tệ và cho vay bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc cho phép và hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu bằng ngoại tệ có thể được cân nhắc cho vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn. Việc ấn định mức lãi vay hay chính sách hỗ trợ tùy thuộc vào chính sách của NHNN và nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng.
Video đang HOT
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Các ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh vốn, nên không thể làm gì vượt quá quy định. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên lập ra quỹ để bảo lãnh doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định thời gian tới
Diễn biến thị trường ngoại hối trong tháng 4 cho thấy xu hướng hạ nhiệt khá nhanh sau giai đoạn căng thẳng vào cuối tháng 3. Tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh khoảng 150 điểm trong một vài phiên đầu tháng, sau đó chủ yếu đi ngang trong biên độ khoảng 23.450-23.500 đồng/USD ở phần còn lại của tháng.
Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch cũng giảm mạnh về mức khoảng 23.500-23.550 đồng/USD, thu hẹp mức chênh lệch giữa 2 thị trường còn khoảng 40-50 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã giảm giá khoảng 1,2% so với USD và ở mức khá thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực như THB (-8,8%), MYR (-5,2%), SGD (-5,1%), KRW (-5,7%), CNY (-1,5%)…
Nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV dự báo, trong tháng 5, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì sự ổn định trong biên độ 23.450-23.550 đồng/USD khi các nhóm yếu tố hỗ trợ và gây áp lực ở trạng thái giằng co: Thứ nhất, cán cân thương mại tiếp tục duy trì nhập siêu ở mức khoảng 1 tỷ USD khi hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm, đồng thời nhu cầu nhập khẩu gia tăng khi các hoạt động sản xuất bình thường trở lại;
Thứ hai, nguồn giải ngân FDI và kiều hối dự kiến kém dồi dào do tình hình dịch bệnh kéo dài; thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục duy trì bán ròng và rút vốn theo xu hướng chung tại các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Theo đó, dự báo chênh lệch cung – cầu ngoại tệ sẽ có thể thu hẹp về mức cân bằng, hoặc thâm hụt nhẹ trong tháng 5.
Bên cạnh đó, môi trường quốc tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù giai đoạn căng thẳng nhất của thị trường tài chính quốc tế đã đi qua, tâm lý chủ đạo của nhà đầu tư trong thời gian tới sẽ là tương đối thận trọng.
Tăng trưởng GDP của Mỹ và các nước EU được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn trong quý II do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Thêm vào đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể leo thang trở lại sau phát biểu đe dọa của Tổng thống Trump mới đây cũng sẽ là một rủi ro mà thị trường quốc tế phải đối mặt.
“Thị trường thế giới còn nhiều biến động trong thời gian sắp tới, nhất là khi quan hệ Mỹ -Trung có những dấu hiệu căng thẳng trở lại thời gian gần đây. Điều này có thể dẫn đến những biến động của thị trường tài chính và tỷ giá của những dòng tiền trong khu vực và thế giới, từ đó tác động lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, ngoại trừ những biến động mạnh nói trên, tình hình kinh tế và vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định và tích cực hơn các nước trong khu vực là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho tỷ giá thời gian tới”, ông Khoa nêu quan điểm.
Thị trường tài chính 24h: Nhà đầu tư nội mạnh tay mua cổ phiếu
VN-Index tăng gần 15 điểm phiên đầu tuần; Tiếp tục giảm lãi suất điều hành hỗ trợ nền kinh tế; Cổ phiếu thủy sản nổi sóng; Chứng khoán phái sinh: Bên mua nghi ngờ, bên bán thận trọng; Trái phiếu doanh nghiệp, thực hư lãi suất 19,5%/năm; Chứng khoán châu Á phân hóa; Nhiều quốc gia ngập trong nợ do tham gia dự án "Vành đai và Con đường"....là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 11/5 giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng không đổi chiều bán ra so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 47,80 - 48,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 15,1 USD xuống 1.702,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và lui về gần 1.694 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York giảm 17,4 USD xuống 1.696,5 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,35% lên 100,09 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.252 đồng, giảm 10 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.240 - 23.420 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,65 USD (-2,63%), xuống 24,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,88 USD (-2,84%), xuống 30,09 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
Nhà đầu tư mua mạnh, VN-Index tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Trong phiên sáng, dòng tiền chảy mạnh đã nhanh chóng giúp VN-Index duy trì đà tăng và tiến gần 825 điểm.
Bước sang chiều, dòng tiền nội vẫn chảy mạnh cùng các trụ đỡ tiếp tục nới rộng biên độ và dù có chút rung lắc sau đó, nhưng lực cầu tự tin đã tiếp sức thị trường, kéo VN-Index tiến gần 830 điểm khi đóng cửa, ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp và 4 phiên gần nhất đều tăng trên dưới 15 điểm/phiên.
Giao dịch đáng chú ý có TCB, khi tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 20.200 đồng, khớp 4,77 triệu đơn vị.
Nhiều trụ lớn khác cũng tăng khá mạnh như VHM 3,7%, VNM 3,3%, GAS 4,9%, MSN 3,4%, HPG 2,4% ...
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HAG và HNG bảo toàn sắc tím.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 34 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 479,17 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 11/5: VN-Index tăng 14,6 điểm ( 1,79%), lên 828,33 điểm; HNX-Index tăng 1,55 điểm ( 1,41%), lên 111,57 điểm; UpCoM-Index tăng 0,59 điểm ( 1,11%), lên 53,49 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, số việc làm của Mỹ mất tới 20,5 triệu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 17,4%. Dù là con số lớn trong lịch sử, nhưng vẫn thấp hơn so với con số dự báo của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters là 22 triệu.
Trong khi đó, thông tin cho biết, lãnh đạo thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc điện đàm làm giảm căng thẳng thương mại giữ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau lời đe dọa trước đó của ông Trump về việc hủy thỏa thuận giai đoạn 1 và đánh thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những thông tin trên giúp giới đầu tư bớt đi nỗi lo sợ, qua đó giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
Trong tuần Dow Jones tăng 2,56%, S&P tăng 3,5% và Nasdaq tăng 6%.
Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Dow Jones tăng 455,43 điểm ( 1,91%), lên 24.331,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,61 điểm ( 1,69%), lên 2.929,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 141,66 điểm ( 1,58%), lên 9.121,32 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng, khi nhận hiệu ứng tích cực từ việc nhiều quốc gia chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,05% lên 20.390,66 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 6/3.
Chỉ số Topix tăng 1,53% lên 1.480,62 điểm với 28 trên 33 chỉ số phụ đóng cửa tăng điểm, trong đó, vận tải hàng không, vận tải biển và sắt thép là ba lĩnh vực tăng cao nhất nhờ kỳ vọng vào việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và sản xuất sẽ tăng trở lại khi nhiều nước đang có kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế.
Điển hình là 2 ông lớn ngành hàng không Japan Airlines và ANA Holdings đã tăng vọt lần lượt 9,8% và 10,6%.
Đáng chú ý, Miraca Holdings Inc tăng 19,7% với hy vọng Chính phủ Nhật có thể phê duyệt bộ dụng cụ xét nghiệm của Công ty có thể phát hiện kháng nguyên virus corona chỉ trong khoảng 15 phút.
Bên cạnh đó, thông tin thúc đẩy thêm thị trường là việc Chính phủ Nhật sẽ xem xét dỡ tình trạng khẩn cấp với 34 tỉnh không bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tuần này, theo Bộ trưởng Kinh tế Nishimura.
Chứng khoán Trung Quốc tăng khá vào phiên sáng nhưng đã dần hạ nhiệt và thủng tham chiếu về cuối phiên do bất ngờ nhận tin có thêm ca nhiễm Covid-19 từ Vũ Hán.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,02% xuống 2.894,80 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip giảm 0,09% xuống 3.960,18 điểm.
Thị trường bị kéo lùi bở tin tức, Vũ Hán - nơi khởi phát dịch Covid-19, hôm 11/5 ghi nhận đã có 5 ca nhiễm mới được xác nhận sau khi thành phố này được dỡ bỏ lệnh phong tỏa hồi tháng trước. Đáng chú ý, các ca nhiễm đều sống ở cùng một khu dân cư.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi cũng nhận hiệu ứng từ việc nhiều quốc gia tìm cách khởi động lại nền kinh tế, mặc dù đà tăng bị chặn lại do số ca nhiễm virus corona tại Đại lục bất ngờ gia tăng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,53% lên 24.602,06 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,24% lên 9.990,48 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi dữ liệu xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đi xuống, cùng lo ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai sau có sự gia tăng các ca nhiễm mới trong nước.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc đã suy giảm trong 10 ngày đầu tháng 5, trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận 35 ca nhiễm mới, nâng ca nhiễm cả nước lên 10.909 sau nhiều ngày chỉ ghi nhận ca nhiễm mới dưới 10.
Kết thúc phiên 11/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 211,57 điểm ( 1,05%), lên 20.390,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,54 điểm (-0,02%), xuống 2.894,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 371,89 điểm ( 1,53%), lên 24.602,06 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 10,42 điểm (-0,54%), xuống 1.935,40 điểm.
Thị trường tài chính 24h: Giữ tiền mặt không hẳn là phương án tốt nhất VN-Index thêm một phiên tăng khá tốt; Người gửi tiền xoay phương án do lãi suất huy động giảm; Gọi dòng tiền vào thị trường chứng khoán, giải pháp phải vì nhà đầu tư; Quý I lãi tốt, chưa hẳn đáng mừng; Cổ đông nội bộ đăng ký mua cổ phiếu rồi... để đó; Chứng khoán châu Á chững lại; Đối phó với...