Giám đốc lãnh 16 năm tù vì cấp 2.600 chứng chỉ trái luật
Trung tâm đã bị đình chỉ hoạt động vì có nhiều sai phạm và chưa được phép trú đóng nhưng vẫn móc nối với một cơ sở tin học, ngoại ngữ chui tổ chức kiểm tra, cấp hơn 2.600 chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trái pháp luật.
Chiều 31-8, sau hai ngày xét xử và nghị án, TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Đặng Minh Tiến (60 tuổi, ngụ TP.HCM) 16 năm tù và Võ Văn Hoàng (38 tuổi, ngụ Cần Thơ) 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Danh sách bị hại được tòa triệu tập hơn 500 người.
Bị cáo Hoàng (bìa trái) và Tiến tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: N.NAM
Tại tòa bị cáo Hoàng thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Theo đó, Hoàng tốt nghiệp trung cấp công nghệ thông tin và đi dạy học. Sau đó nghỉ rồi mở trung tâm vào năm 2003, có liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tin học nhưng thường bị lỗ nên duy trì được đến năm 2010.
Sau đó Hoàng mới liên kết với trung tâm của bị cáo Tiến. Lúc đầu thỏa thuận là Hoàng chỉ tìm người thi, còn việc tổ chức thi do trung tâm của bị cáo Tiến lo. Nhưng đến lúc thi thì bị cáo Tiến giao cho Hoàng làm tất, còn mình chỉ ký, cấp chứng chỉ. Do trung tâm của Hoàng không xin phép cơ quan nào nên mọi hoạt động đều là chui.
Video đang HOT
Bị cáo Tiến cho rằng bị cáo là giám đốc trung tâm nên không nhận văn bản của trường mà do bộ phận văn phòng nhận. “Bị cáo không nhận văn bản nên bị cáo không biết!”. Bị cáo cũng cho rằng việc xin giấy phép trú đóng và hoạt động của trung tâm là trách nhiệm của Trường ĐH Hòa Bình, không phải trách nhiệm của bị cáo!
Như PLO đã đưa tin, theo cáo trạng, Trung tâm Bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực (tên viết tắt là TDC, thuộc Trường ĐH Hòa Bình có trụ sở tại Hà Nội) được thành lập năm 2009. TDC có nhiệm vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ cho sinh viên và được quyền cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ các chương trình đào tạo trong phạm vi hoạt động của trung tâm.
Năm 2011, Trường ĐH Hòa Bình bổ nhiệm Đặng Minh Tiến làm giám đốc TDC và dời trụ sở vào TP.HCM. Do TDC có nhiều sai phạm và không được phép trú đóng và hoạt động tại địa điểm mới ở TP.HCM nên tháng 3-2013, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hòa Bình ra quyết định đình chỉ hoạt động TDC. Đến tháng 3-2015, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Hòa Bình ra quyết định giải thể TDC.
Năm 2011, qua tìm hiểu trên mạng, Hoàng gặp Tiến bàn bạc và thống nhất, Hoàng lấy danh nghĩa chủ cơ sở tin học, ngoại ngữ Hoàng Thắng (cơ sở hoạt động không xin phép Sở GD&ĐT Hậu Giang – hoạt động chui) để tổ chức thi kiểm tra rồi giao cho Tiến ký, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho học viên có nhu cầu.
Hoàng tổ chức cho các học viên thi ngoại ngữ chỉ có phần viết, không có phần nghe, vấn đáp; thi tin học chỉ thi lý thuyết mà không thi thực hành. Học viên vắng thi thì Hoàng thuê người thi giùm. Tiến thỏa thuận với Hoàng trung bình giá mỗi chứng chỉ ngoại ngữ là 350.000 đồng, tin học là 250.000 đồng. Các trung gian trả cho Hoàng trung bình giá mỗi chứng chỉ ngoại ngữ là 725.000 đồng, tin học là 500.000 đồng, còn các trung gian lấy của học viên thêm bao nhiêu thì tùy…
Theo đó, từ tháng 3-2013 đến 6-2014 là khoảng thời gian TDC bị đình chỉ hoạt động nhưng Hoàng và Tiến đã tổ chức kiểm tra, ký, cấp tổng cộng 2.652 chứng chỉ các loại trái pháp luật, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.
NHẪN NAM
Theo PLO
Hoãn phiên tòa xét xử mì Hảo Hảo 'đấu' Hảo Hạng
Thấy sản phẩm mì gói Hảo Hạng quá giống với mình nên công ty nhãn hiệu mì gói Hảo Hảo đã kiện ra tòa.
Ngày 26-8, theo dự kiến TAND tỉnh Bình Dương sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam còn bị đơn Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (Asia foods). Theo HĐXX phía bị đơn xin hoãn xét xử. Xét thấy đơn xin hoãn chính đáng, hợp lý nên được chấp thuận.
Vào đầu năm 2015, sản phẩm mì gói Hảo Hạng của Asia Foods xuất hiện trên thị trường với kiểu dáng tương tự nhãn hiệu mì gói Hảo Hảo của Acecook Việt Nam. Vì thấy quá bất lợi, Acecook đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm của Asia Foods.
Mì Hảo Hảo (bên trái) cho rằng Hảo Hạng đã quá giống với mình.
Theo biên bản làm việc do Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương vào giữa tháng 3-2015, đại diện Asia Foods vẫn khẳng định "mì Hảo Hạng của công ty này không hề sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo". Thời điểm này phía Asia Foods cũng xác nhận đã ngừng sản xuất sản phẩm.
Đây là lý do mà Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương quyết định không tiến hành kiểm tra hành chính Công ty Asia Foods và đề nghị hai bên nếu không thống nhất thì khởi kiện ở tòa án.
Đại diện phía Acecook, khi ngừng sản xuất mẫu bao bì Asia Foods không tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm còn lưu hành trên thị trường. Vừa qua, sản phẩm mì gói Hảo Hạng với bao bì như vậy vẫn còn xuất hiện trên thị trường gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Acecook Việt Nam yêu cầu tòa án xác định hành vi sử dụng mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu "Mì Hảo Hạng, tôm chua cay và hình" của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu Hảo Hảo của Acecook Việt Nam đã được bảo hộ.
Bên cạnh đó, Acecook Việt Nam yêu cầu Asia Foods phải bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 817,5 triệu đồng, trong đó 637,5 triệu đồng là số tiền thu lợi bất chính, đồng thời chấm dứt hành vi vi phạm và phải xin lỗi, cải chính công khai.
VŨ HỘI
Theo PLO
Không tuyên được án treo, quan tòa rơi lệ Bị cáo là người từng cưu mang các nạn nhân, khi các nạn nhân qua đời, bị cáo lại nuôi con của họ. Thế nhưng do vướng luật, tòa không thể xử án treo cho bị cáo... Sau nhiều ngày nghị án, mới đây TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Hải ba năm tù về tội vi phạm quy định...