Giải tỏa nỗi lo của công nhân
Đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng bởi nạn tín dụng đen, giật hụi, tình hình kẹt xe, mất an ninh trật tự… ở địa phương
“Hiện nay, lo lắng lớn nhất của anh chị em công nhân (CN) là nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành khắp nơi. Đối tượng cho vay tìm đủ cách tiếp cận CN, nhất là những người đang gặp khó khăn về tài chính để dụ dỗ cho vay tiền với lãi suất cắt cổ. Khi trở thành con nợ và không có khả năng thanh toán, họ bị hăm dọa, đánh đập, xiết tài sản, thậm chí dọa giết, phải bỏ trốn đi nơi khác. Ở công ty tôi đã có 3 CN phải bỏ việc đi trốn nợ”. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH TM&DV Siêu thị Big C An Lạc, tại hội nghị giao ban dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Quận ủy và LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM phối hợp tổ chức mới đây.
Công nhân khó tiếp cận vốn vay
Ông Dương cho biết trước đây, để hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn về tài chính, CĐ công ty có phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP cho người lao động (NLĐ) vay vốn, trả dần trong thời hạn 12 tháng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà CN chỉ trả lãi được vài tháng rồi bỏ, buộc CĐ phải sử dụng nhiều khoản thu khác để trả thay, đến khi không kham nổi phải dừng triển khai chương trình. Sau đó, ban giám đốc công ty cũng cho CN vay tối đa 2 tháng lương (không lãi suất) và trả dần từng tháng nhưng nhiều người ngại không dám vay mà tìm đến tín dụng đen.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân. Ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết do không thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thống nên khi gặp khó khăn đột xuất nhiều CN phải “vay nóng” bên ngoài. Theo ông Tâm, do thủ tục vay tiền qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống phức tạp, đôi khi đòi thế chấp tài sản nên CN nghèo ít tìm đến. “CN muốn vay vốn CEP thì phải được công ty bảo lãnh và điều này có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Do vậy, lãnh đạo công ty không chịu bảo lãnh, dẫn đến NLĐ không thể tiếp cận nguồn vay” – ông Tâm cho biết.
Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị giao ban
Ông Phạm Đình Quý, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Dinsen Việt Nam, cũng cho hay lãi suất vay từ CEP khá thấp nên có nhiều CN có nhu cầu vay vốn từ nguồn này. Thế nhưng nhiều năm qua, công ty vẫn chưa thể phối hợp với CEP để triển khai. Nguyên nhân do số lượng CN vay đông thì CĐ không thể thu nợ xuể, trong khi CEP không có người thu hộ.
Phản hồi ý kiến của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở về tình trạng tín dụng đen, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết Công an quận đã khởi tố và bắt giam một số đối tượng cho vay nặng lãi. Thời gian tới, Công an quận sẽ phối hợp với CĐ quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp CN nhận biết và tránh xa các đối tượng cho vay nặng lãi. “Anh chị em CN thường nghĩ rằng nếu vay mà không trả được thì trốn. Đây là suy nghĩ sai lầm bởi các đối tượng cho vay rất hung dữ và lắm thủ đoạn. Do vậy, anh chị em CN nên có ý thức phòng ngừa để bảo vệ bản thân” – ông Phong khuyến cáo.
Lo lắng nạn cướp giật
Cùng với sự bùng nổ của tín dụng đen, tình trạng chơi hụi, vỡ hụi tại các DN cũng xảy ra phổ biến và gây bất an cho NLĐ.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, cho biết thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi ở DN, gây thiệt hại cho CN hàng tỉ đồng. Hiện công ty vẫn tồn tại một số đường dây hụi và người đứng đầu chủ yếu là các cán bộ quản lý. “Thời gian qua, không chỉ khuyến cáo anh chị em CN, chúng tôi còn theo dõi hoạt động các đường dây này để có biện pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, hành động của người đứng đầu đường dây hụi rất tinh vi nên không thể xử lý triệt để” – ông Nghiệp thông tin thêm.
Không chỉ bị bủa vây bởi hụi, tín dụng đen, tình trạng trộm cắp tại các khu nhà trọ, cướp giật, trấn lột CN đi làm về ban đêm, nạn buôn bán lấn chiếm vỉa hè, kẹt xe… cũng gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống, việc làm của cả CN lẫn DN. Bà Đinh Thị Hoa – chủ tịch CĐ một DN đóng ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân – cho hay đã có một số CN của công ty bị cướp trấn lột khi đi làm về vào ban đêm ở khu vực gần giao lộ Hồ Học Lãm – Võ Văn Kiệt. Sau những vụ việc này, tâm lý CN lo lắng, bất an.
Còn bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong, cho hay tình trạng buôn bán hàng rong gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của DN lẫn đời sống, việc làm của CN. “Xe hàng rong bày bán tràn lan trước cổng công ty, bít luôn cả lối vào đã nhiều năm nhưng không dẹp được dù chúng tôi đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp, xử lý. Nhiều khách hàng khi đến công ty thương thảo hợp đồng không thể vào bên trong nên đành quay về, dẫn đến việc DN mất luôn hợp đồng. Chúng tôi mong mỏi chính quyền sớm xử lý dứt điểm tình trạng này” – bà Thu bức xúc.
Tạo thuận lợi cho công nhân vay vốn
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Giám đốc Chi nhánh CEP Bình Tân, cho biết so với các tổ chức tín dụng – ngân hàng khác, thủ tục cho vay vốn từ CEP khá đơn giản, chỉ cần phiếu đăng ký và giấy xác nhận của công ty về việc NLĐ có nhu cầu vay vốn đang làm việc tại đơn vị. CEP không yêu cầu NLĐ phải có giấy bảo lãnh từ giám đốc công ty như phản ánh. Hiện nay, CEP cũng đã thực hiện việc thu nợ hằng tháng thông qua tài khoản ngân hàng, chi phí chuyển tiền do CEP thanh toán.
Sắp tới, CEP sẽ phối hợp với VietinBank hỗ trợ vốn cho NLĐ tại một số DN trả lương cho NLĐ qua thẻ ATM. Khi đó, nếu NLĐ có nhu cầu vay vốn chỉ cần chuyển đổi tài khoản nhận lương hằng tháng qua VietinBank sẽ được CEP giải quyết vay.
Video đang HOT
Bài và ảnh: MAI CHI
Theo nld.com.vn
Nạn giật hụi, bể hụi nở rộ khắp nước
Việc chơi hụi (họ, biêu, phường) đang tiềm ẩn nhiều rủi ro mà khi chủ hụi tuyên bố vỡ nợ, hụi viên chỉ biết khóc!
Thời gian qua, rất nhiều vụ giật hụi, bể hụi gây bất ổn xã hội. Nơi nhiều thì hàng triệu, chục triệu, có chủ hụi ôm hàng trăm tỉ đồng bỏ trốn hoặc ngồi chịu trận.
Quá nhiều bất ổn và ranh giới của chuyện cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đang xảy ra nhan nhản ở khắp nước, từ thành thị tới vùng quê... vì hụi viên không biết nhau, chủ hụi huy động bao nhiêu người, làm chủ bao nhiêu đường dây không ai biết cho đến khi họ tuyên bố vỡ nợ.
Làm chủ hàng chục dây hụi
Mới đây, Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Thị Nhân (ngụ xã Long Đức, TP Trà Vinh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, Nhân làm chủ 19 dây hụi cho cả trăm người chơi. Tuy nhiên, người này đã dùng tên hụi viên không có thật để hốt hụi, chiếm đoạt tiền của các hụi viên.
Đầu năm nay, người dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) điêu đứng vì chủ hụi Dương Thị Mỹ Trang (ngụ xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A) tuyên bố vỡ hụi hàng tỉ đồng.
Công an xác định bà Trang làm chủ 24 dây hụi mà các hụi viên đủ mọi thành phần, từ người làm nông đến tiểu thương, viên chức... nên khi nghe tin bà Trang tuyên bố vỡ hụi, cả huyện nháo nhác vì hàng tỉ đồng có nguy cơ mất trắng.
Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trang để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 16-11, sau gần một năm điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở xã Giao Thạnh và chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Bến Tre điều tra tiếp việc chủ hụi Nguyễn Thị Duyên (ngụ xã Giao Thạnh) tuyên bố vỡ nợ.
Trước đó, cận Tết nguyên đán 2018, hàng chục người dân ở huyện Thạnh Phú điêu đứng vì bà Duyên tuyên bố vỡ nợ.
Điều tra theo đơn tố giác, công an xác định bà Duyên kêu gọi nhiều người chơi hụi, do bà làm chủ. Bà khai nhận đã dùng tiền của các hụi viên để chơi hụi tháng trong một dây hụi khác nhưng sau đó thì vỡ trận...
Hàng chục người dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) điêu đứng khi nghe tin chủ hụi Dương Thị Mỹ Trang vỡ nợ. Ảnh: H.NHUNG
Hụi viên không hề biết nhau
Trong các vụ vỡ hụi trên, công thức chung là các hụi viên không hề biết nhau, không hề biết chủ hụi làm chủ bao nhiêu đường dây mà chỉ dựa vào niềm tin là chủ hụi đàng hoàng, uy tín rồi giao tiền.
Trong vụ vỡ hụi ở Thạnh Phú (Bến Tre), bà Duyên chỉ viết giấy hụi với nội dung: Thời gian khui hụi, số tiền hụi, số phần hụi tham gia trong dây hụi và mỗi hụi viên chỉ biết chừng ấy thông tin. Vì điều này mà bà tự ghi thêm hụi viên ma để chiếm đoạt tiền của các hụi viên.
Ngoài vụ vỡ hụi trên, trong năm 2018 ở huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) xảy ra hai vụ vỡ hụi chấn động dư luận với số tiền hàng chục tỉ đồng. Cả hai chủ hụi này đã bỏ trốn khỏi địa phương khiến hàng trăm hụi viên điêu đứng, có người đã ngất xỉu khi biết chủ hụi bỏ trốn. Công an huyện Mỏ Cày Bắc cũng đang tiếp nhận đơn của người dân trong hai vụ vỡ hụi này.
Người chơi hụi chủ yếu dựa vào niềm tin. Trong vụ vỡ hụi ở huyện Châu Thành A, bà NTG buồn rầu cho biết: "Gần 250 triệu đồng tôi dành dụm bao năm đều bỏ hết vào đó. Khi hay tin vỡ hụi, tôi bỏ ăn, bỏ ngủ vì nó là tài sản tích cóp cả đời".
Còn vụ vỡ hụi ở huyện Mỏ Cày Bắc, nhiều nạn nhân đã dùng tiền tích góp tham gia các dây hụi để mong lấy lãi. Thậm chí có người còn vay mượn, dùng tiền học bổng của con để đóng hụi. Bà Đỗ Thị Thành (56 tuổi, xã Hòa Lộc) bị chiếm đoạt 120 triệu đồng cho hay: Thấy chủ hụi hiền lành nên tin tưởng, trao hết số tiền dành dụm để kiếm tí lãi mong dưỡng già nhưng không ngờ bị lừa.
Còn bà Trần Thị Hoa (làm nghề chở nước đá, nuôi heo) cho biết là gán giấy đỏ vào ngân hàng lấy 200 triệu đồng. Số tiền còn dư sau khi mua thức ăn chăn nuôi, bà mang chơi hụi kiếm lãi. "Nhiều dây hụi đến đợt nhưng tôi góp lại để đến Tết sẽ lấy ra trả ngân hàng, thức ăn, nào ngờ giờ bị giật sạch" - bà Hoa nói trong nước mắt. Theo người dân, số tiền mà chủ hụi giật của hàng trăm người lên đến hàng chục tỉ đồng.
Cũng ở huyện Mỏ Cày Bắc, 350 hụi viên điêu đứng vì bà Đặng Thị Y tuyên bố vỡ hụi. Người này làm chủ 45 dây hụi cho các hụi viên là người buôn bán nhỏ, bán vé số, nông dân và có cả cán bộ, viên chức, họ bị giật từ 100 triệu cho đến hơn 1 tỉ đồng.
Đăng ký với ủy ban, giao dịch qua ngân hàng
Nên buộc công chứng, chứng thực
Theo một lãnh đạo VKSND tỉnh Đồng Tháp, hiện cơ quan tố tụng chỉ xử lý hình sự chủ hụi một tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các trường hợp: Lập danh sách khống hụi viên để hốt hụi, chiếm đoạt tiền của hụi viên khác; bán hụi khống, tức không có hụi viên nhưng dùng nó "bán" cho người có nhu cầu mua hụi chót để lấy tiền.
Ngoài các trường hợp trên bị xử lý hình sự thì còn lại là xử lý bằng con đường dân sự và thường sau khi tòa tuyên, khả năng thu hồi lại tiền không quá 30% vì một khi bể hụi, tài sản người chơi, chủ hụi đã không còn gì, không có khả năng thi hành bản án.
Cái khó cho cơ quan chức năng khi xử lý, giải quyết tranh chấp là bà con thỏa thuận miệng. Danh sách hụi viên do chủ hụi đưa ra, người chơi không rõ địa chỉ. Vì vậy, dự thảo quy định: "Thỏa thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu chủ họ và các thành viên có yêu cầu" là cần thiết, ngăn ngừa tình trạng hụi khống, hụi ma, cũng là bằng chứng để tòa án, cơ quan chức năng xử lý.
Vị này cũng ủng hộ phương án dây hụi mà kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận phải được công chứng, chứng thực chứ không thả nổi như hiện nay.
Cần mẫu thỏa thuận, mở tài khoản ngân hàng
Theo luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM),so với quy định hiện hành (NĐ144/2006), dự thảo buộc các thỏa thuận phải bằng văn bản là rất cần thiết, tạo sự rõ ràng cho các bên tham gia khi chơi hụi.
Tuy nhiên, dự thảo còn một số nội dung gây khó khăn cho các hụi viên trong việc lập thỏa thuận. Bởi lẽ hiểu biết luật pháp của các hụi viên đa phần hạn chế, nếu để họ thỏa thuận, bàn cãi sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, không phù hợp pháp luật, thậm chí rất khác biệt, gây khó cho việc giải quyết tranh chấp.
Vì vậy, ban soạn thảo cần ban hành mẫu văn bản thỏa thuận về chơi hụi theo từng loại không có lãi, có lãi (hụi đầu thảo, hụi hưởng hoa hồng...). Có như vậy, việc áp dụng sẽ thống nhất, rõ ràng, nhanh chóng và thuận tiện cho các hội viên, họ không phải mất quá nhiều thời gian để họp, bàn cãi các thỏa thuận không thuộc kiến thức, chuyên môn mang tính pháp lý này. Khi xảy ra tranh chấp cần giải quyết thì tòa án, UBND cấp phường, xã cũng dễ dàng trong phân xử.
Tôi cho là nên chọn phương án công chứng, chứng thực hoặc vi bằng về thỏa thuận nếu giá trị dây hụi lớn. Tuy nhiên, dù văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực hoặc không chứng thực thì cũng phải quy định thêm: Các thỏa thuận về hụi giữa các thành viên phải được đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của chủ hụi hoặc của đa số các thành viên chơi họ.
Thực tế nhiều vụ vỡ hụi, giật hụi hiện nay cho thấy có nhiều kẽ hở và chưa bảo vệ quyền lợi các thành viên. Chủ hụi hầu như nắm giữ danh sách hụi viên, nhận và giao tiền cho các thành viên mà không ai kiểm soát nên mới có chuyện hụi viên ma. Phía người chơi vì không rõ ràng địa chỉ nên sau khi nhận tiền, họ chây ì, thậm chí bỏ trốn.
Thực tế là có nhiều vụ án "thắng trên giấy", đa số các bản án tranh chấp về hụi rất khó thi hành án vì một khi vỡ hụi, giật hụi thì người trong cuộc hầu như không còn tài sản.
Nếu dự thảo đưa thêm quy định tiền chơi hụi phải được chủ hụi mở tài khoản tại ngân hàng (chính sách hoặc Agribank). Tài khoản này phải đăng ký ít nhất hai chữ ký đồng chủ tài khoản gồm chủ hụi và một thành viên kiểm soát là một trong các thành viên chơi hụi để biết số dư cùng cách thức nhận tiền, đóng tiền (bằng ủy nhiệm chi; chủ hụi không tự rút tiền khi chưa có sự đồng ý của các hụi viên...). Mỗi lần rút, giao nhận tiền cho từng hụi viên, chủ hụi phải thông báo, kèm giấy tờ giao dịch gửi UBND cấp xã nơi đăng ký văn bản thỏa thuận...
Nếu làm được như vậy sẽ phát huy tối đa tính tương thân, tương ái của hụi và hạn chế tối đa tình trạng vỡ hụi, giật hụi như hiện nay.
Theo một lãnh đạo của một tòa chuyên trách TAND TP.HCM, để điều kiện giao dịch có hiệu lực thì phải quy định cụ thể trong luật, nghị định không được trái với luật. Có thể những người tham gia chơi hụi, chủ hụi không thỏa thuận bằng văn bản, không công chứng thì giao dịch ấy vẫn không bị tòa tuyên vô hiệu nếu như họ chứng minh được có tồn tại giao dịch đó.
Do đó nghị định chỉ mang tính chất hướng dẫn người dân nên có giao dịch bằng văn bản để có chứng cứ chứng minh vì hụi viên đưa tiền cho chủ hụi hiếm ai ra công chứng, viết tờ giao nhận tiền.
Tốt nhất tuyên truyền cho người dân thay đổi tập quán chơi hụi không an toàn này mà nên tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các quỹ cho vay không lãi của ngân hàng...
Án tuyên nhưng không thi hành được
- Ngày 3-7, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Bình Phước, huyện Mang Thít) chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuấn làm chủ 21 dây hụi gồm hụi tháng, hụi mùa và hụi vàng. Trong quá trình làm chủ hụi, Tuấn đã điền tên hụi viên ma để hốt hụi, chiếm đoạt tiền của các hụi viên rồi tuyên bố vỡ nợ.
Sau khi tòa tuyên án, nhiều hụi viên không lấy lại được tiền vì tài sản không còn!
- Ngày 8-6, bà Trần Thị Thu Thủy (trú thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) không có mặt ở địa phương, hàng chục người chơi hụi đã kéo đến vây nhà bà này đòi nợ. Công an phải cử lực lượng đến đảm bảo an ninh trật tự. Công an vẫn đang tiếp tục điều tra.
- Công an tỉnh Gia Lai đang điều tra bị can Nguyễn Thị Tuyết Nhung (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, từ tháng 10-2016 đến tháng 9-2017, dù không có hụi viên nào nhưng Nhung nói với mọi người là có 12 hụi viên góp hụi nên huy động mọi người tham gia. Tổng cộng có 10 cá nhân sa bẫy của Nhung với số tiền hàng tỉ đồng.
- Cũng tại Gia Lai, nhiều vụ giật hụi, trốn nợ làm nhiều hụi viên điêu đứng, công an phải ra quyết định truy nã...
N.LINH - H.DƯƠNG
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo PLO
Vùng đất dân thoát nghèo nhanh, thành khấm khá nhờ hoa kiểng Xác định nguồn vốn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (ND) ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã làm tốt công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua nguồn vốn Ngân hàng Chính...