Giải tỏa hành lang đường sắt trên toàn quốc cần 50 nghìn tỷ đồng
Lãnh đạo Cục đường sắt Việt Nam cho biết, việc hình thành các khu đô thị, dân cư dọc đường sắt đã có từ rất lâu đời, nên lấy lại hành lang an toàn là cực kỳ khó khăn. .
Ngày 13/4, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị cho ý kiến vào dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi).
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đề nghị quy định rõ hơn việc đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt, vì vừa qua “quá nhiều tai nạn, mất mát xảy ra liên quan đến khu vực này”.
Phó cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam Khương Thế Duy phân tích, việc hình thành các khu đô thị, dân cư dọc đường sắt đã có từ rất lâu đời, nên lấy lại hành lang an toàn là cực kỳ khó khăn.
“Giả sử lấy 15 m dọc hai bên đường sắt để làm hành lang an toàn thì có hơn 9 triệu mét vuông đất, tính giá trị đền bù giải toả (thời điểm năm 2013) khoảng gần 50 nghìn tỷ đồng”, ông Duy nói và cho rằng đây là số tiền “không dễ gì một lúc giải quyết được”.
Theo lãnh đạo Cục đường sắt, nên quy định hành lang an toàn cho từng vị trí cụ thể. “Ví dụ, đoạn nào có tốc độ chạy tàu cao thì hành lang an toàn sẽ khác với đoạn tốc độ chậm”, ông Duy đề xuất.
Đoàn tàu phải dừng lại khi có tai nạn xảy ra. Ảnh minh hoạ: Giang Chinh
Video đang HOT
Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật còn thiếu cụ thể. Đơn cử, Luật đường sắt 2005 giao cho đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, khi xảy ra vấn đề gì thì nêu rõ trách nhiệm các của bên liên quan, còn dự thảo Luật “chỉ ghi chung chung là các bên có trách nhiệm gồm Bộ Giao thông vận tải, UBND, các bộ, ban ngành”.
“Nếu ghi như vậy không quy được trách nhiệm, nhất là với sự cố mà hậu quả có thể phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hùng nói.
Dẫn chứng vụ tai nạn giao thông đường sắt gần đây khiến 6 người chết, ông Hùng cho rằng cần xem xét xử lý hình sự một số người vận hành nút giao đường sắt này, tuy nhiên do chưa quy định rõ nên còn vướng mắc. “Sự việc vì vậy xử lý chưa đủ tính răn đe”, ông nêu quan điểm.
Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5/2017.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
Còn hơn 182 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, cần được xóa bỏ
Theo thống kê của Công ty CP đường sắt Nghệ Tĩnh, trên địa bàn Nghệ An có 51 đường ngang, trong đó có 21 đường ngang có gác, 14 đường ngang có biển báo tự động và 16 đường ngang có biển báo.
Lực lượng CSGT đường sắt đường bộ Nghệ An kiểm tra các địa điểm đường ngang dân sinh bất hợp pháp.
Và trong thời gian qua, những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại những đường ngang dân sinh, biến những "lối đi" này thành những điểm đen về tai nạn. Phần lớn những vụ tai nạn đều bắt nguồn từ tuyến những đường ngang bất hợp pháp và ý thức của người tham gia giao thông. Vậy nên, việc đề xuất "đóng lối" những đường ngang bất hợp pháp là một cách giảm đi những vụ tai nạn chết người.
Theo số liệu từ Phòng CSGT (Công an Nghệ An), trong năm 2016 trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 19 vụ, làm chết 14 người, bị thương 6 người, hư hỏng 3 ô tô, 6 mô tô, 2 xe đạp, 2 đầu máy. So với năm 2015 giảm 2 vụ, tăng 1 người chết, giảm 4 người bị thương.
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất thì riêng những ngày đầu tháng 2/2017, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 5 vụ TNGT, chủ yếu tại các điểm giao cắt. Điển hình, ngày 1/2, trong lúc băng qua điểm giao với đường sắt ở huyện Quỳnh Lưu, một ô tô đã bị tàu hỏa tông khiến 4 người nguy kịch.
Vào khoảng 8h sáng cùng ngày 20/1/2017, trên đường ngang dân sinh tại km 242 500 tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng thuộc địa phận phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai xảy ra vụ tai nạn đường sắt khiến 1 người phụ nữ nguy kịch.
Nghệ An, đang có một thực trạng đáng báo động hơn đó là tại các điểm đường không có rào chắn, thiết bị báo hiệu và chưa được đầu tư tấm lát bê tông phẳng lòng đường sắt nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông khi đi qua đây.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 126 km. Trong đó tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 99,5 km đi qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn và TP Vinh, có tới 233 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Đặc biệt, hiện vẫn còn 15/51 đường ngang chưa có gác chắn và biển cảnh báo tự động, 182 đường dân sinh bất hợp pháp, chủ yếu do người dân tự mở... Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc tồn tại nhiều đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, nhất là trên tuyến đường sắt Bắc - Nam có nhiều điểm giao cắt bị che khuất bởi tầm nhìn, nhiều đoạn song song với quốc lộ 1, khu đông dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Bởi trên thực tế ý thức tham gia giao thông của người dân khi đi qua các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt còn hạn chế.
Nghệ An hiện còn rất nhiều đường ngang cắt đường sắt bất hợp pháp, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.
Đứng trước thực trạng đó, ngày 4/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có Công điện yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục đường sắt và VNR phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương.
Tại Nghệ An, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, những giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông tại các điểm đường ngang dân sinh đã được UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 2607/UBND.NC ngày 22/4/2016 đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Cục đường sắt Việt Nam thực hiện nâng cấp đường ngang hợp pháp (chưa có gác chắn, rào chắn) thành đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động và lắp đặt cần chắn tự động.
Riêng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Nghệ An) đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí xử lý những trường hợp các vi phạm về chỉ giới, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, tổ chức lập kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra các đường ngang dân sinh để các tuyến đường này được an toàn.
"Ngoài ra, theo đề xuất của chúng tôi, cần có biện pháp đóng những đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Bởi đây, là những địa điểm rất không an toàn khi không có một biển báo nào cảnh báo", Thiếu tá Nguyễn Văn Đường - Đội trưởng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Nghệ An) cho biết.
Nguyễn Duy
Theo Dantri
Trắng đêm cứu hộ vụ tàu hỏa tông xe ben Khoảng 8h ngày 21/2, hai toa tàu bị lật trong vụ xe lửa đâm ôtô ở Huế đã được đưa ra khỏi ray, để thông tuyến đường sắt Bắc Nam. 80 công nhân và 3 cần cẩu 100 tấn đã tham gia cứu hộ vụ tai nạn tàu hỏa tông xe ben ở Huế trong suốt đêm qua. Trước đó 14h40, đoàn tàu...