Giải quyết kịp thời ùn tắc tại các cảng biển khi thực hiện giãn cách xã hội
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng tình với quan điểm, cần thiết phải xây dựng Thông tư này, VCCI cho rằng, đây cũng là một trong những biện pháp cấp bách nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc tại các cảng biển.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Tuy nhiên về lâu dài, sau thời gian giãn cách, VCCI cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp các cảng biển bị ùn tắc để có tính áp dụng chung trong mọi thời điểm, cho các trường hợp tương tự xảy ra.
Theo ý kiến của đại diện Ban Pháp chế (VCCI), dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể. Vì vậy, cần phải được thiết kế cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và thuận lợi khi triển khai trên thực tế.
Một số quy định tại dự thảo chưa đáp ứng được nguyên tắc này, cụ thể như: cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển; quy định về sức chứa của cảng biển, hay việc xác nhận của cảng vụ hàng hải, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, hoặc trách nhiệm của chủ hàng…
Video đang HOT
Theo dự thảo, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển là một trong những cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. Quy định này là chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận hàng, giải phóng hàng từ cảng hoặc hoạt động khai thác cảng.
Riêng về quy định, phải có sự xác nhận của cảng vụ hàng hải về sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển theo như dự thảo, nhưng lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được sự xác nhận này.
Ngoài ra, việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh. Vì vậy, các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế theo hướng: hoặc cho phép doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tự chịu trách nhiệm trong việc xác định sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển. Đồng thời, thông báo tới cảng vụ hàng hải mà không cần phải có sự xác nhận của đơn vị này, Hoặc, thiết kế thủ tục tương tự như thủ tục phê duyệt kế hoạch vận chuyển hàng hóa của cơ quan hải quan quy định
Liên quan tới nội dung vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, khi có sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt. Hãng tàu, đại lý hãng tàu có trách nhiệm tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 2 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi…
Những quy định này chưa rõ ở các điểm như: chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu do bên nào chi trả. Hai bên là doanh nghiệp cảng biển và hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng có được thỏa thuận về vấn đề này trong quá trình để đạt được sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng hay không. Đây là những nội dung cần được làm rõ, chi tiết và cụ thể hơn nữa để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Việc quyết toán tình hình thực hiện vận chuyển hàng hóa theo quy định trong dự thảo cũng không rõ ràng. Dự thảo quy định doanh nghiệp cảng biển trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện Thông tư này, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, thời điểm nào là phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình. Bởi, sau thời gian thực hiện Thông tư này là không biết thời gian nào. Hay, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo cho Chi cục hải quan nào (nơi hàng đi hay nơi hàng đến). Cơ quan sọan soạn thảo nên tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho cụ thể hơn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo cũng đề cập tới việc chủ hàng sẽ là một trong các chủ thể chấp thuận việc thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu. Các chủ thể có liên quan đến vận chuyển hàng như doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hãng tàu, đại lý hãng tàu, chi cục hải quan đều được quy định về trách nhiệm. Trong khi đó chủ hàng thì ngoài quy định trên không có quy định nào liên quan đến chủ thể này. Mẫu thông báo kế hoạch vận chuyển và một số giấy tờ thủ tục khác cũng chưa được xây dựng, thiết kế phù hợp với tinh thần đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Xuất phát từ những nội dung trên, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có sự nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh kịp thời để dự thảo sớm được hoàn thiện và nhanh chóng ban hành.
Ninh Thuận kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 7 ngày
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại các huyện, thành phố thêm 7 ngày, bắt đầu từ ngày 31/7 đến hết ngày 6/8.
Lực lượng xung kích tình nguyện huyện Ninh Phước ngày đêm trực chốt kiểm soát dịch tại thị trấn Phước Dân, nơi có nhiều điểm phong tỏa.
Mặc dù đã qua 15 ngày thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bước đầu đã đạt những kết quả quan trọng, tuy nhiên do nguy cơ dịch bệnh trong tỉnh vẫn còn cao, đặc biệt tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại các huyện, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh thêm 7 ngày, bắt đầu từ ngày 31/7 đến hết ngày 6/8 tới.
Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Thuận, ngoài việc kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại các huyện, thành phố, UBND tỉnh còn bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác này trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo đó, đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước (địa phương thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg) sẽ áp dụng bổ sung giải pháp đó là: Yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Việc này được thực hiện từ 18 giờ ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới.
Trong thời điểm trên, việc ra đường chỉ áp dụng đối với các trường hợp: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài của tỉnh và của các cơ quan thường trú của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu và các cửa hàng xăng dầu, các nhà thuốc.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các Sở, ngành, chính quyền các địa phương thống nhất hướng dẫn cụ thể về nhận diện lực lượng, phương tiện được phép lưu thông sau 18 giờ hằng ngày; đồng thời tăng cường lực lượng và tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục 24/24 giờ các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạm giữ hành chính trong trường hợp chống đối người thi hành công vụ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có trường hợp vi phạm không bị xử lý.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Y tế, các ngành và các địa phương liên quan tận dụng tối đa thời gian "vàng" khi thực hiện giãn cách để tăng tốc làm sạch các vùng dịch, ổ dịch, phát hiện tối đa các ổ dịch trên địa bàn, dứt khoát không để phát sinh ổ dịch mới, hình thành vùng an toàn, vững chắc, nhanh nhất có thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận, tính đến sáng 31/7, toàn tỉnh ghi nhận 194 trường hợp mắc COVID-19; ngành y tế đã kiểm soát và ngăn chặn được nguồn lây nhiễm, hiện không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Một số địa phương chưa thực hiện đúng chỉ đạo về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa Sau ngày đầu thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp cho thấy một số địa phương vẫn chưa tuân thủ đúng. Lực lượng chức năng hướng dẫn các phương tiện quay đầu tại trạm thu phí...