Giải phóng ‘kẹt gân’ ngón tay cái hai bên cho bé trai 8 tháng tuổi
Bệnh lý ngón tay cò súng ( trigger finger) hay còn gọi là ngón tay lò xo, ngón tay bật là hiện tượng ngón tay cử động không linh hoạt, bị khựng lại hoặc nặng hơn là ngón tay của bé không thể tự duỗi ra được mà ở tư thế như hình ảnh “cò súng”.
Mẹ của bé T.N.A, 8 tháng tuổi, ở huyện Kỳ Anh ( Hà Tĩnh) thường xuyên quan sát thấy ngón cái 2 tay của bé A cử động khó khăn khi cố gắng nắm một đồ vật nào đó. Ngón tay cái hai bên không thể trở về duỗi thẳng được bình thường mà cần phải sự hỗ trợ của ba mẹ để mở ra. Thỉnh thoảng gia đình phải dùng lực mới duỗi ngón tay ra được, đôi khi gây đau cho bé.
Hình ảnh ngón tay cò súng.Ảnh: Kim Chung
Nhận thấy những dấu hiệu không bình thường từ ngón tay của con mình, gia đình đã đưa bé tới Bệnh viện Quốc tế Vinh để kiểm tra. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ngón cái bàn tay hai bên của bé A mắc bệnh ngón tay cò súng (Trigger thumb). Đánh giá về tình trạng, phương pháp tập vật lý trị liệu không còn hiệu quả, bé A cần được phẫu thuật giải phóng ròng rọc A1 vị trí gân bị kẹt.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi BSCKI Trần Văn Thuyên – Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp. Người bệnh được tiến hành gây mê, bác sĩ rạch da một đoạn nhỏ từ 0,5 – 1cm để giải phóng hoạt động của gân gấp ngón cái nằm tại ròng rọc A1 tại khớp bàn ngón của ngón cái, giúp cho gân gấp trượt dễ dàng hơn. Kết thúc cuộc phẫu thuật, 2 ngón tay cái của bé đã cử động bình thường như các ngón tay khác.
Ê-kip các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh lý ngón tay cò súng. Ảnh: Kim Chung
Video đang HOT
Ngón tay cò súng đa số gặp ở người lớn, tuy nhiên, bệnh lý cũng thường được phát hiện ở trẻ em với tỉ lệ 3/1000 trẻ dưới 1 tuổi; xuất hiện nhiều ở ngón tay cái và có thể ở cả hai bàn tay chiếm 25%. Tỉ lệ mắc phải ở nam nữ như nhau 1:1.
Theo BSCKI Trần Văn Thuyên – Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp, Bệnh viện Quốc tế Vinh có 2 phương pháp điều trị bệnh lý ngón tay cò súng này:
Nội khoa – Vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Tập duỗi ngón tay kèm theo nẹp duỗi ngón, phương pháp này thưởng có tác dụng đối với trẻ dưới 1 tuổi.
Phẫu thuật: Được thực hiện đối với những trường hợp ngón tay đã tập vật lý trị liệu nhưng không có kết quả. Phương pháp này áp dụng ở mọi lứa tuổi tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Bệnh lý ngón tay cò súng tuy không nguy hiểm nhưng sẽ gây hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc, đắp các loại thuốc lá. Trường hợp điều trị không khoa học có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có các biểu hiện bệnh như ngón tay gập cứng lại, co rút, không thể duỗi ra được nên tới bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyệt Minh
Theo Báo Nghệ An
Hiện thực hóa giấc mơ đôi chân lành lặn cho người đàn ông 30 năm đi tập tễnh
Với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước, vừa qua, Bệnh viện Quốc tế Vinh đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị trật khớp háng bẩm sinh, 30 năm phải đi trên đôi chân tập tễnh.
Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân N.Đ.T. Ảnh: Kim Chung
Trật khớp háng bẩm sinh là hiện tượng ổ cối xương chậu hay chỏm xương đùi phát triển không bình thường, từ lúc trẻ còn trong bào thai. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể bị trật khớp háng do sốt bại liệt, do bại não dẫn đến co thắt cơ... Nếu không được điều trị kịp sớm, trật khớp háng bẩm sinh sẽ dẫn đến tình trạng vẹo cột sống, lệch khung chậu, thoái hóa khớp, đi khập khiễng suốt đời.
Suốt hơn 30 năm bước đi trên đôi chân tập tễnh do chân trái ngắn hơn chân phải 5cm, anh N.Đ.T (Nam Đàn, Nghệ An) không những mặc cảm trong giao tiếp, gặp bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày mà gần đây anh còn bị cơn đau khớp háng trái liên tục tái phát, dày vò.
Anh T đến Bệnh viện Quốc tế Vinh thăm khám và được tiến hành chụp X-Quang, CT Scanner dựng hình 3D; cho thấy hình ảnh thoái triển khớp háng trái do trật khớp háng bẩm sinh độ 4 theo phân loại CROWE (chỏm xương đùi teo nhỏ và trượt hoàn toàn khỏi ổ cối, ổ cối phẳng, xương đùi teo nhỏ, lỏng tủy teo nhỏ so với bên đối diện).
Đây là một ca khó, phức tạp đòi hỏi các bác sĩ hội chẩn, đo lường, thảo luận kỹ với các chuyên gia cũng như với gia đình và người bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật.
Phẫu thuật viên cần chọn những bộ khớp đặc thù, phù hợp với kích thước nhỏ của lòng tủy xương đùi và có thể phải cắt ngắn xương đùi, ghép xương ổ cối. Bên cạnh đó, bác sĩ phải tạo hình ổ cối đúng vị trí giải phẫu vốn có của người bệnh, đặt chỏm xương đùi khớp với ổ cối, phục hồi hai chân bằng nhau sao cho cân bằng phần mềm xung quanh khớp háng, nhất là mạch máu và thần kinh vốn đã quen với tình trạng co rút ngắn. Vì vậy, nguy cơ người bệnh liệt thần kinh ngồi (tọa) sau phẫu thuật rất cao.
Hình ảnh chụp X-Quang của bệnh nhân T trước và sau phẫu thuật.
Nhưng nhờ sự phối hợp hội chẩn liên hoàn với các chuyên gia Ngoại chấn thương - Cơ xương khớp tại các bệnh viện lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Giáo sư Miguel Cabanela - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thay khớp Hoa Kỳ - Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật viên chỉnh hình (bậc thầy của các chuyên gia về tạo hình khớp háng, gối của Việt Nam), ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh do bác sỹ CKI Trần Văn Thuyên trực tiếp thực hiện tạo hình ổ cối, đặt lại khớp háng, giải phóng phần mềm cho bệnh nhân.
Sau khi kiểm tra thần kinh tọa không căng, bác sĩ quyết định không cắt ngắn xương đùi. Sau 90 phút, ca phẫu thuật diễn ra thành công, hai chân bằng nhau, mạch máu và thần kinh bình thường. Sau phẫu thuật người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng để làm quen với khớp hàng mới.
Hình ảnh đôi chân anh T trước và sau khi đã được phẫu thuật thành công. Ảnh: Kim Chung
Sau khi được phẫu thuật thành công, anh T phấn khởi chia sẻ: " 30 năm qua "sống chung" với đôi chân tập tễnh, tôi tưởng đành phải chấp nhận số phận. Nhưng tôi thực sự may mắn được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh tận tình giúp đỡ, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Ban đầu tôi hơi hồi hộp nhưng nhờ những kỹ thuật cao trong y học mà trong quá trình phẫu thuật diễn ra khá nhanh và không quá đau đớn, vật vã, không phải tiêm kháng sinh. Tôi thực sự biết ơn các bác sĩ rất nhiều, đã mang lại cho mình đôi chân lành lặn, vững chãi; để tự tin, vui sống".
Với các y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Vinh, những người luôn lặng thầm thực hiện "sứ mệnh" chăm sóc sức khỏe nhân dân, có hạnh phúc nào hơn khi góp phần biến ước mơ về một đôi chân lành lặn suốt 30 năm qua của người đàn ông ấy trở thành hiện thực./.
Nguyệt Minh
Theo baonghean
Phẫu thuật giải ép vi phẫu điều trị thoát vị đĩa đệm thành công cho bệnh nhân 30 tuổi Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý tương đối phổ biến và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, do ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Vừa qua, bệnh nhân nam 30 tuổi, đã được điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thành công bằng phương pháp phẫu thuật giải ép vi phẫu, tại Bệnh viện Quốc tế Vinh....