Giải pháp nào gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp?
Theo các chuyên gia kinh tế, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn quá chậm so với kế hoạch đặt ra. Điều này đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Mới đạt 28% kế hoạch
Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 – 2020 là 128 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2020 mới chỉ cổ phần hóa được 37 doanh nghiệp đạt 28% kế hoạch. Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong tháng 12/2020 là 91 doanh nghiệp (trong đó triển khai xác định và công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 90 doanh nghiệp).
Về thoái vốn, lũy kế trong 11 tháng cả nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng. Tổng số thoái vốn từ năm 2016 – tháng 11/2020 thoái 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng.
Dây chuyền sản xuất bia của Sabeco. Ảnh: PV/Vietnam
Đánh giá về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn từ 2016 đến tháng 11/2020, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, việc cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, cổ phần hóa vượt kế hoạch về số lượng, giá trị cổ phần nhà nước bán được đạt 11% nhiều hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 (8%); thoái vốn đạt kết quả tốt, có nhiều thương vụ thoái vốn hiệu quả cao ( Vinamilk, Sabeco…).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016 – 2020 không phát sinh tiêu cực thất thoát vốn, tài sản nhà nước, doanh nghiệp; doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hiệu quả hoạt động được nâng cao…
Song ông Đặng Quyết Tiến cũng phải thừa nhận tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm,nhiều đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020.
Cụ thể, Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm nghiêm túc. Mặc dù số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã vượt kế hoạch đề ra tuy nhiên số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành (140 doanh nghiệp ngoài kế hoạch, 37 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa 128 doanh nghiệp của Chính phủ).
Vướng mắc ở nhiều khâu
Theo Bộ Tài chính, một trong những khó khăn làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua được dư luận đề cập đến có liên quan đến việc xử lý tài sản, công nợ của các doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng vướng mắc về đất đai đã làm cản trở đến tiến trình cổ phần hóa có thể kể đến là tình trạng nhiều doanh nghiệp chỉ đến khi cổ phần hóa mới sắp xếp, xử lý đất đai; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên liên quan, giữa chủ sở hữu với các địa phương trong việc rà soát, sắp xếp, xử lý đất đai; nhiều vướng mắc phát sinh liên quan đến đất đai chậm được giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh trách nhiệm trong xem xét, xử lý tồn tại, thiếu sót trong thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước
Ngoài ra, diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 khiến cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ khiến cho việc cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới phát triển, nâng cao doanh nghiệp nhà nước theo chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt trước thực tế tiến độ cổ phần hóa không hoàn thành kế hoạch, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP để đẩy mạnh cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025.
Một số vấn đề liên quan đến đất đai cũng được sửa đổi như liên quan đến phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Theo đó, dự thảo nghị định quy định, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì giải pháp chống thất thoát đất công cần tập trung xem xét các quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho doanh nghiệp để xem xét tính hiệu quả.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị gửi tới Chính phủ lưu ý cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai thoái vốn theo quy định; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cũng đề nghị, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Sabeco sắp chi 1.282 tỷ tạm ứng cổ tức đợt 1/2020 với tỷ lệ 20%
Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là SCIC (nhận 36% vốn từ Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Vietnam Beverage nắm 53,59% vốn; tương ứng thu về lần lượt là 461 tỷ và 687 tỷ cổ tức đợt này.
Tổng CTCP Bia - Rư ợu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông nhằm ngày 1/12/2020, thời gian thực hiện vào ngày 18/12/2020.
Động thái tạm ứng cổ tức thực hiện sau khi Bộ Công Thương chính thức chuyển giao vốn cho SCIC, chuẩn bị kế hoạch thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco. Với hơn 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Sabeco sẽ chi hơn 1.282 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là SCIC (nhận 36% vốn từ Bộ Công Thương) và Công ty TNHH Vietnam Beverage nắm 53,59% vốn; tương ứng thu về lần lượt là 461 tỷ và 687 tỷ cổ tức đợt này.
Theo kế hoạch, năm 2020 Sabeco sẽ chi trả cổ tức tỷ lệ 35%, tương đương kế hoạch năm 2019.
Riêng cổ đông lớn khác là Heineken, tại phiên giao dịch trung tuần tháng 10, SAB xuất hiện giao dịch thỏa thuận 26,37 triệu cổ phiếu giữa các nhà đầu tư nước ngoài. Mức giá thỏa thuận Sabeco là 184.000 đồng/cp (giá tham chiếu), tương ứng tổng giá trị giao dịch 4.852 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng cổ đông thoái vốn là Heineken, khi trước đó nguồn tin từ Bloomberg cho hay "đại gia" ngành bia này muốn bán 25,2 triệu cổ phần Sabeco với mức giá 184.000 đồng/cp.
Heineken được biết đến là cổ đông lớn của Sabeco từ sau khi doanh nghiệp này tiến hành IPO năm 2008, đồng thời Heineken cũng thể hiện kế hoạch trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco khi Nhà nước thoái vốn. Tuy nhiên, trong cuộc đấu giá cổ phần vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage, một thành viên thuộc ThaiBev đã giành quyền kiểm soát Sabeco sau khi chi ra số tiền lên tới 5 tỷ USD.
Về Sabeco, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi khó khăn kép từ Nghị định 100 cùng dịch Covid-19, doanh thu thuần quý 3 giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Tuy nhiên, những động thái nỗ lực tái cấu trúc đã cải thiện biên lợi nhuận, lợi nhuận ròng theo đó giữ được mức ngang cùng kỳ với 1.470 đồng. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần Công ty đạt 20.096 tỷ đồng, giảm 29%; lợi nhuận ròng 3.403 tỷ đồng, giảm 20%. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 3.258 tỷ đồng.
Heineken thu hàng ngàn tỉ từ...bia Sài Gòn Với thương vụ thoái vốn khỏi Sabeco, Heineken sẽ không còn tận hưởng những khoản cổ tức đầy giá trị từ chính đối thủ lớn của mình trên thị trường bia Việt Nam. Sáng 14-10, thị trường chứng khoán chứng kiến khối lượng giao dịch thoả thuận khủng của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn...