Giải pháp nào cho điểm trường xuống cấp tại huyện Phù Yên?
4 dãy nhà cấp 4 tại Trường Tiểu học và THCS Đá Đỏ, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.
Thiếu cơ sở vật chất, thầy và trò nơi đây phải tận dụng 4 căn nhà này để làm nhà công vụ, nhà bán trú và cả nhà kho.
Điểm trường trung tâm xã Đá Đỏ với nhiều dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng
Tại điểm trường trung tâm xã Đá Đỏ nơi mà 370 học sinh đang theo học hàng ngày thầy cô và các em lại lên lớp dạy và học trong căn nhà 2 tầng khang trang. Nhưng hết giờ học thầy và trò lại quay về với những căn nhà cấp 4 sập sệ, xuống cấp để sinh hoạt và ăn uống, đây cũng là nơi ở của 50 em học sinh đang ở bán trú tại trường.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan cơ sở vật chất của trường anh Đoàn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường hiện có 1 điểm trường trung tâm và 04 điểm trường lẻ, với 10 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Tại điểm trường Trung tâm khối cấp 2 hiện có 4 dãy nhà cấp 4 đang sử dụng đều đã xuống cấp, trong đó có 3 nhà sử dụng làm nhà hiệu bộ, nhà công vụ cho giáo viên, khu bán trú cho học sinh và 1 nhà hư hỏng hoàn toàn sử dụng làm nhà kho.
Video đang HOT
Để có nơi làm việc, hiện tại nhà trường đang trưng dụng dãy nhà lớp học cấp 4, ngăn vách làm phòng làm việc của ban giám hiệu, phòng hội đồng và thư viện nhà trường. Ngoài ra, nhà trường còn thiếu một số trang thiết bị phục vụ công tác dạy học như: Máy tính phục vụ môn Tin học, bàn ghế, thiết bị thí nghiệm, sách tham khảo…
Dãy nhà cấp 4 với diện tích 172m2 hiện là nơi ở của 10 giáo viên, được xây dựng từ năm 2003 đến nay đã gần 20 năm đưa vào sử dụng. Thời gian đã bào mòn các bức tường, mái nhà ngay cả nền nhà cũng bị sụt lún. Để ở được các thầy cô đã tự bỏ công, bỏ sức đổ lại nền nhà, gia cố mái nhưng mỗi khi đến mùa mưa bão thì nhà vẫn dột, tường vẫn bong.
Cô Đỗ Thị Trúc, giáo viên bộ môn Âm nhạc chia sẻ: Gia đình tôi ở thị trấn Phù Yên khi lên đây công tác tôi phải ở tại trường. Tôi mới ở nhà công vụ 3 năm nhưng thấy rất vất vả. Phòng ở chật hẹp, nhà bếp giáo viên xuống cấp không thể nấu nướng nên các thầy cô đều nấu bằng bếp điện.
Không có nhà vệ sinh riêng nên thầy cô phải dùng chung nhà vệ sinh với các em học sinh bán trú. Chúng tôi chỉ mong được Nhà nước quan tâm sớm nâng cấp, xây dựng nhà ở công vụ đảm bảo để các thầy cô giáo trong trường yên tâm công tác.
Phòng ở của các em học sinh bán trú
Ngay bên cạnh dãy nhà công vụ là khu ở bán trú của 50 học sinh với 3 phòng ở nhưng hiện tại chỉ sử dụng được 2 phòng, trung bình mỗi phòng sẽ là nơi ở của 25 học sinh.
Căn nhà được lợp mái ngói phủ đầy rêu, mốc, bậc tam cấp cũng bị bục nhiều chỗ, trong phòng các phần tường bị bong tróc thành từng mảng. Ngoài ra, số giường tầng, giường đơn đã cũ lại thiếu giường nên hầu hết học sinh phải ngủ ghép 2 em 1 giường.
Mỗi chiếc giường là nơi ngủ, nghỉ của 2 em học sinh
Em Bàn Thị Chi, lớp 9 cho biết: Nhà em ở bản Suối Tiếu, cách trường 15km nên được ở tại trường để đảm bảo việc học tập. Phòng em hiện có 21 bạn học sinh. Cửa sổ phòng em bị hỏng nên phải dùng chăn để che chắn, cửa chính không có thanh chốt nên chúng e sử dụng dây thép để buộc. Mùa đông thì lạnh, mùa hè nóng bức trong khi cả phòng chỉ có 1 chiếc quạt trần đã cũ. Do không có bàn học nên mỗi tối chúng em sử dụng hòm đựng đồ để thay bàn học.
Không chỉ vậy trường còn không có hệ thống tường bao, lượng giáo viên lại ít, các em học sinh ở bán trú đông nên việc các em ra ngoài vào ban đêm hoặc có người lạ đến khu bán trú là rất khó quản lí, tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo.
Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, UBND huyện Phù Yên, chính quyền địa phương đề nghị có phương án nâng cấp, tu sửa, xây mới các công trình như nhà hiệu bộ, phòng học chức năng, khu vệ sinh, nhà công vụ, bếp ăn. Tuy đã có nhiều đoàn công tác của huyện về khảo sát, đo đạc và đánh giá thực trạng nhưng đến nay, chỉ mới được xây dựng tường rào phần cổng trường học, các hạng mục còn lại vẫn chưa được được đầu tư xây dựng.
Trước những khó khăn của thầy và trò nơi đây khiến chúng tôi thêm trăn trở, suy nghĩ về sự nghiệp trồng người ở xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn này. Vậy giải pháp nào để đội ngũ giáo viên yên tâm giảng dạy, các em học sinh tập trung học tập. Câu hỏi ấy xin giành cho các cơ quan chức năng của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Hàng trăm điểm trường ở Kon Tum bỏ hoang
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên , có hàng trăm điểm trường ở tỉnh Kon Tum đang bị bỏ hoang, xuống cấp.
Tỉnh Kon Tum có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ hoang - ẢNH: ĐỨC NHẬT
Như tại điểm Trường tiểu học thôn Đăk Giá 2 (xã Đăk Ang, H.Ngọc Hồi) có 3 phòng học bị xuống cấp, dột nát từ nhiều năm nay. Tương tự, điểm trường mầm non thôn 4 (xã Đăk Tơ Lung, H.Kon Rẫy) cũng đang trong tình trạng bỏ hoang. Điểm trường này có 2 phòng học nhưng hơn 3 năm qua không hoạt động.
Theo chị Y Hoan (ở thôn 4, xã Đăk Tơ Lung), điểm trường này được xây dựng từ năm 2015, sau khi hoạt động được vài năm thì đóng cửa. Lý do được đưa ra là trẻ em trong thôn ít, không đủ để mở lớp.
"Điểm trường bỏ hoang đã hơn 3 năm nay. Từ khi điểm trường đóng cửa, gia đình tôi phải đưa các cháu ra gửi tại trường chính cách nhà hơn 2 km", chị Hoan cho biết.
Theo Phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện có 13 điểm trường mầm non, tiểu học và THCS không còn sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng học sinh quá ít, không thể mở lớp theo quy định nên phải dồn học sinh về điểm trung tâm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như điểm trường hư hỏng, dột nát, xuống cấp, nằm trong khu vực sạt lở hoặc đi lại khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, thời gian trước đây do đường sá khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ nên việc xây dựng các điểm trường lẻ ở các bậc học nhằm phổ cập giáo dục đến từng thôn bản. Thời gian gần đây khi cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng nên UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành sáp nhập quy mô mạng lưới trường lớp, giảm các điểm lẻ để nâng cao chất lượng học sinh.
"Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ trống. Hiện việc quản lý những phòng học này thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố. Chính quyền địa phương sẽ sử dụng những trường học này làm nhà văn hóa của các thôn, làng", bà Trung cho biết.
Khánh thành bàn giao phòng học tại Trường Tiểu học Mường Lống 2 (Kỳ Sơn) Sáng 16/4, tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Công ty CP Trung Đô phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khánh thành và bàn giao phòng bán trú cho Trường Tiểu học Mường Lống 2. Dự và chứng kiến lễ khánh thành có đại diện UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã và hơn 200 thầy và trò...