Giải pháp lấy nhà tái định cư làm nhà ở xã hội
Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước nên lấy quỹ nhà này làm nhà ở xã hội, bán hoặc cho dân chưa có nhà thuê.
Liên quan đến dự án tái định cư Vĩnh Lộc B, mới đây UBND H.Bình Chánh, TP.HCM đã có văn bản đề xuất với UBND TP.HCM cho chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội nhằm giải quyết chỗ ở cho gần 1.000 hộ gia đình cán bộ, nhân viên, người thu nhập thấp trên địa bàn của huyện. Ngoài kiến nghị trên, UBND H.Bình Chánh cũng mong muốn UBND TP cần thanh tra làm rõ trách nhiệm những cán bộ, đơn vị đã gây ra sự lãng phí này.
TS Phạm Sỹ Liêm, cũng đồng tình với giải pháp này nhất bởi theo ông việc đem đấu giá nhà tái định cư hoặc chuyển sang nhà thương mại là vô cùng khó khăn trong bối cảnh các chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Do đó, đối với những dự án nhà đã xây rồi cần chuyển thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, cán bộ công chức, người dân khó khăn về nhà ở họ mua hoặc thuê giá rẻ.
“Hiện nay quỹ nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, trong khi quỹ nhà ở xã hội phục vụ cho các đối tượng này cũng khan hiếm. Do vậy giải pháp hiện nay là chuyển số nhà tái định cư không dùng đến làm nhà ở xã hội cho người dân là khả thi nhất, vừa giúp an dân vừa giúp giảm lãng phí”, TS Liêm phân tích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng đồng quan điểm trên khi cho rằng nhà nước nên chuyển quỹ nhà tái định cư trên sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khi người dân chê nhà tái định cư thì người dân mua, thuê nhà ở xã hội cũng e ngại loại nhà này. Muốn chuyển sang nhà ở xã hội cũng phải rà soát lại chất lượng, tiện ích chứ không phải như là của bố thí.
“Phải tăng thêm dịch vụ, tiện ích trong các dự án tái định cư để hút dân về ở chứ như ở Vĩnh Lộc B không có thang máy, hạ tầng nội khu chất lượng kém thì rất khó. Ngoài ra, tăng cường kết nối giao thông, các dịch vụ chuyên chở công cộng chứ các khu tái định cư quá xa, hiện nay mỗi khi vào trung tâm TP mất rất nhiều thời gian. Cũng cần giữ lại một số nhà đất để làm quỹ nhà tạm cư cho các dự án cấp bách, trong các trường hợp thiên tai, địch họa. Về lâu dài khi xây dựng các khu tái định cư phải thiết kế và quy hoạch đầy đủ các tiện ích, dịch vụ, kết nối hạ tầng. Nguyên tắc tái định cư tại chỗ sẽ là giải pháp tốt nhất. Người dân chọn tái định cư tại chỗ chủ yếu đối với các dự án chung cư cũ. Trường hợp bất khả kháng mới đưa ra các quận, huyện liền kề”, ông Châu khuyến nghị.
Theo Đình Sơn – Thanh niên
Video đang HOT
Chuyển đổi nhà tái định cư: Chủ đầu tư lợi lớn?
Tại TP HCM, nhiều dự án tái định cư không có người ở đã chuyển thành nhà thương mại và được bán với giá cao chót vót.
Khu tái định cư (TĐC) Bình Khánh (quận 2) - khu đất vàng ở TP HCM, có quy mô 12.500 căn hộ nhưng về đêm chỉ có vài phòng bật điện. Ước tính tại đây, mỗi block chỉ 20-40 hộ sinh sống, bãi xe trống trơn, ít người qua lại.
Lãi "khủng"?
Nơi được cho là đông vui nhất ở khu TĐC Bình Khánh chính là dãy nhà có quy mô hơn 1.200 căn hộ nằm giáp mặt tiền đường Mai Chí Thọ, hiện được gắn thêm cái tên "New City" và bắt đầu có một số cửa hàng tiện ích, thức ăn nhanh, cà phê vào thuê mướn mặt bằng. Cạnh đó, một số dãy chung cư được treo các tên Tiến Phước, Trần Thái, Thuận Việt, Đức Khải, Keppel Land...
Sở dĩ nơi đây "tươi tắn" nhất trong khu TĐC là vì nằm trong danh sách của "3.500 căn hộ TĐC đã hoàn thành thuộc sở hữu nhà nước chuyển sang nhà ở xã hội để giải quyết TĐC" do UBND TP ban hành.
Tiếp cận một sàn giao dịch bên trong tòa nhà, các nhân viên thông tin căn hộ ở đây có giá từ 2,1-3,5 tỉ đồng. Nếu như vậy, riêng phần dự án này, chuyển sang thương mại có thể thu về từ 3.600-4.200 tỉ đồng.
Khu tái định cư Bình Khánh hiện rơi vào cảnh hoang hóa vì không có người đến ở. Một phần số căn hộ được chuyển sang nhà ở thương mại Ảnh: Lê Phong
Ngoài ra, một phần căn hộ bỏ hoang ở khu TĐC Bình Khánh vào cuối năm 2017 được UBND TP HCM phê chuẩn chuyển đổi 50 căn hộ vắng chủ thuộc dự án chung cư 3A (phường Hiệp Phú, quận 9) và 1.000 căn hộ khu TĐC Vĩnh Lộc B, hiện đang đấu giá thu tiền.
Tránh xuống cấp?
Một nguyên lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM cho rằng chuyện "hóa kiếp" cho các khu TĐC đã từng xảy ra, lần này không phải là lần đầu tiên. "Việc tạo ra hàng loạt các dự án hoang phí này không phải là lỗi của một đơn vị mà rất nhiều sở, ngành, quận - huyện cùng cho ý kiến. Thời chúng tôi cũng tính toán, lường trước tình huống nhưng mục đích chính là giãn dân thôi" - vị nguyên lãnh đạo Sở Xây dựng TP nêu.
Tại quận 3 cũng từng triển khai nhiều dự án TĐC nhưng có giai đoạn người dân chưa vào ở nên chính quyền đành cho chủ đầu tư chuyển bán thương mại để phục hồi vốn. Về lần chuyển đổi mục đích nhà TĐC sang nhà ở thương mại này, một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP cho biết là có sự giám sát của nhiều đơn vị, có tổ chức đấu thầu công khai.
"Khu TĐC tại quận 2 được đầu tư theo phương thức nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện, sau đó sẽ thanh toán bằng quỹ đất ở khu vực khác cho chủ đầu tư. Số tiền bán ra được giám sát chặt và phải sớm chuyển đổi như thế để tránh xuống cấp" - vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP nêu.
Người dân thiệt thòi
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Tín, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng "việc bán đấu giá các căn TĐC với giá hiện tại có thể nhà nước chỉ hưởng phần đóng thuế, phần này không nhiều. Trong khi đó, các chủ đầu tư mới là người hưởng lợi lớn. Giá suất TĐC chắc chắn đã được nhà nước áp sẵn, khi chuyển sang nhà ở thương mại tôi cho rằng người dân đã thiệt hại. Chưa kể, bản chất của nhà TĐC là chất lượng sẽ không bằng nhà thương mại".
"Đó cũng là bài toán con gà và quả trứng trong việc thanh toán tiền giải tỏa cho dân hay xây nhà TĐC tại chỗ để bán mà nhà nước cần cân nhắc. Chủ đầu tư các dự án này chắc phải hưởng lợi thì mới làm. Việc thông qua cách tính thuế, các nội dung bên trong cần rõ ràng, minh bạch, tránh để một bên hưởng lợi còn dân và nhà nước thiệt thòi" - luật sư Bùi Quang Tín phân tích.
Mới đây, UBND TP HCM có kết luận về sai phạm của hàng loạt cán bộ liên quan đến những khuất tất trong việc "hô biến" đất TĐC thành đất thương mại tại quận 8. Năm 2005, thay vì đầu tư khu nhà ở chung cư phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị và một phần phục vụ TĐC thì chính quyền địa phương đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng.
Cư dân bị giải tỏa được "nhét" vào ở chung cư Tân Mỹ (quận 7) và chung cư An Sương (quận 12). Tại chung cư Tân Mỹ, trong số người từ quận 8 đến TĐC, chỉ 20% có công việc mới, thích nghi cuộc sống cao tầng. Số còn lại do bố trí xa nơi ở, không có đất để sản xuất, không hoạt động ngành nghề được như trước nên đã có hàng loạt người bán căn hộ rồi dựng chòi ở huyện Nhà Bè, quận 9 và ven nhiều rạch ở quận 8 để mưu sinh.
Chỗ thừa, chỗ thiếu
Ông Võ Ngọc Nhân, chuyên gia đô thị, cho rằng quỹ nhà, đất dành cho TĐC còn rất nhiều, thậm chí ở nhiều nơi rơi vào tình cảnh "khủng hoảng" thừa, như các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 2. Thế nhưng, thực tế ở một số chỗ vẫn thiếu trầm trọng, điển hình như các quận: 1, 8, 4, 5. Nguyên nhân dân chê nhà TĐC là do vị trí nơi TĐC không phù hợp công việc lao động chân tay, nơi họ đã gắn bó nhiều năm; diện tích căn hộ quá nhỏ so với số lượng người ở nhiều thế hệ; chưa tương xứng với mức bồi thường giá trị vị trí, căn nhà bị giải tỏa.
"Nếu chính quyền nhìn thấy những nhu cầu đó của người dân thì chắc chắn việc giải tỏa và bố trí nơi mới sẽ không gây lãng phí như hiện tại" - chuyên gia Võ Ngọc Nhân đánh giá.
Theo Lê Phong - Sơn Nhung
Người lao động
Hà Nội: Phấn đấu cuối năm 2017 sẽ có 2.100 căn nhà tái định cư Hiện nay, Thành phố đã thẩm định và đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch, lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Bên cạnh đó thành phố cũng đang quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (trong đó đã hoàn thành 10 khu), nghiên cứu một...