Giải pháp để Ninh Thuận ứng phó với khô hạn hiệu quả
Ngày 24/5, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã làm việc UBND tỉnh Ninh Thuận về công tác ứng phó hạn hán.
Hồ đập cạn kiệt
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Mùa mưa năm 2019 trên địa bàn tỉnh kết thúc sớm, lượng mưa thấp, kết hợp nắng nóng nên lượng nước tích trữ tại các hồ rất thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình ứng phó với hạn hán. Ảnh: Kim Sơ.
Tính đến ngày 22/5 dung tích của 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 23,94/194,49 triệu m3 (chiếm 12,31%). Đáng chú ý, trong 21 hồ chưa trên địa bàn có 9 hồ chứa nước có dung tích trên mực nước chết và xấp xỉ mực nước chết. 11 hồ chứa nước dưới mực nước chết và 1 hồ chứa hết nước (hồ Ông Kinh). Bên cạnh đó, dung tích hồ Đơn Dương còn 50,26/165 triệu m3 (chiếm 30,46%).
Từ đầu tháng 5/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh có 180hộ/703 khẩu có khó khăn về nước sinh hoạt và đã được chính quyền địa phương, lực lượng quân đội,… chở nước cung cấp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không để nhân dân thiếu nước.
Tuy nhiên nếu từ nay đến tháng 6/2020 trên địa bàn không mưa, các khu vực có khả năng thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước phục vụ cho người dân khoảng 12.156 hộ với 49.475 khẩu.
Cũng theo ông Cương, do hạn hán thiếu nước nên vụ ĐX 2019-2020, toàn tỉnh phải dừng sản xuất khoảng 7.873 ha gồm hơn 4.556 ha lúa, hơn 3.317 ha màu. Diện tích bị thiệt hại hơn 204 ha.
Video đang HOT
Về kế hoạch sản xuất Hè Thu, tỉnh chỉ bố trí sản xuất các khu tưới của hệ thống Sông Pha, Lâm Cấm, vùng đầu kênh Nam, kênh Chàm, kênh Bắc của đập Nha Trinh và một số vùng thuộc khu tưới hồ, đập nhỏ do huyện quản lý, với tổng diện tích vụ hơn 17.159 ha gồm lúa, màu và thủy sản. Còn diện tích dừng sản xuất do thiếu nước tưới khoảng 15.360 ha, trong đó diện tích lúa 10.837 ha; màu 4.523 ha.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra đập dâng Tân Mỹ. Ảnh: Kim Sơ.
Đối với chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động xây dựng và thực hiện tốt các giải pháp nên đến nay tình hình cơ bản ổn định…
Giải pháp để Ninh Thuận ứng phó với khô hạn
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận cùng các Sở ngành, trong đó có ngành nông nghiệp đã có chủ động xây dựng kịch bản ứng phó ngay từ đầu vụ ĐX 2019-2020, từ đó đã giảm mức thiệt hại thấp nhất cho người dân.
“Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta chuyển ngay hàng nghìn ha ngừng sản xuất vụ ĐX. Cũng như lên kế hoạch giải quyết nước sạch cho dân như thế nào, giải quyết nước uống cho đàn gia súc ra sao, rất căn cơ bài bản. Đó là nhờ chúng ta đã sớm có kịch bản, kế hoạch, hành động rất kịp thời, chủ động mang tính ứng phó với đại hạn.
Chính vì thế cho đến giờ phút này, tỉnh Ninh Thuận đã hạn chế đến mức thấp thiệt hại. Còn vụ ĐX, tỉnh đã thu hoạch xong 25.000 ha cho năng suất tốt tới 6,2 tấn/ha. Việc giải quyết nước sinh hoạt cho người dân trong toàn tỉnh cũng được đảm bảo. Cụ thể, như nhà máy nước Phan Rang này đến giờ phút này chưa có vấn đề gì, kể cả cho một phần nội đô và một phần ở Ninh Hải. Bên cạnh đó, 40 nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn quản lý, khai thác, đến nay đã hoạt động, khai thác, tận dụng mọi nguồn, đảm bảo cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đi kiểm tra cụm đầu mối Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Ảnh: Kim Sơ.
Hiện nay chỉ còn 180 hộ với 703 khẩu thiếu nước sinh hoạt, nhưng địa phương đã có kịch bản cụ thể đến từng đơn vị phải có trách nhiệm cung cấp nước sạch cho dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động cân đối nguồn nước để phục vụ sản xuất vụ hè thu, để tránh thiệt hại”, Bộ trưởng đánh giá cao công tác chỉ đạo ứng phó, phòng chống hạn bằng các nhóm giải pháp tổng thể của tỉnh Ninh Thuận trong năm 2020.
Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý địa phương trong thời gian tới tiếp tục rà soát số hộ thiếu nước sinh hoạt tại cũng như xây dựng kịch bản việc cấp nước sinh hoạt cho người dân nếu hạn hán kéo dài đến tháng 8.
“Chúng ta không để người dân khát, thiếu nước sinh hoạt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phải đảm bảo nước cho chăn nuôi gia súc bằng mọi giá”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận mạnh, khi hồ Tân Mỹ hoàn thiện vào tháng 3/2021, chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ nhu cầu sản xuất ở trong vùng để hoạch định lại chiến lược. Bộ NN-PTNT sẽ bàn với tỉnh Ninh Thuận tái cơ cấu lại toàn bộ các đối tượng sản xuất.
Bởi không phải có hồ để giúp chúng ta tăng diện tích cây lúa mà chúng ta phải bố trí lại cơ cấu sản xuất với các đối tượng tham gia sản xuất theo hướng vẫn tiết kiệm tài nguyên nước một cách triệt để nhất, nhưng cho ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao nhất.
“Chúng tôi sẽ bàn với tỉnh về chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đưa vào các đối tượng cây trồng mà tiêu thụ nước ít nhất nhưng cho giá trị cao nhất. Đồng thời bố trí những cây con, vật nuôi một cách phù hợp và gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch và các dạng hình kinh tế khác. Ví dụ như kinh tế năng lượng- một năng lượng tái tạo ở vùng này rất tốt. Do đó, chúng ta sẽ tổng hòa hết các lợi thế về kinh tế để triệt để tận dụng tài nguyên nước của công trình đại thủy lợi này, nhằm tham gia chuỗi giá trị dài nhất, cao nhất cho vùng này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Nhiều địa phương ở Quãng Ngãi thiếu nước tưới trầm trọng
Tỉnh Quảng Ngãi đang có chủ trương hực hiện đồng bộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chủ động đối phó hạn hán.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hạn hán đang diễn ra gay gắt, cả ngàn ha cây trồng bị bỏ hoang do thiếu nước tưới. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Vụ Hè Thu năm nay, bà Nguyễn Thị Em, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 1 sào bắp. Mấy ngày qua, bà phải túc trực bên đồng, thuê máy bơm tưới nước cho ruộng bắp. Chi phí thuê máy mỗi tuần 2 lần khoảng 500.000 đồng nhưng cũng chả thấm vào đâu khi thời tiết nắng nóng khô hạn như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Em cho biết, mình còn may mắn hơn nhiều nông dân ở huyện Sơn Tịnh không tìm ra nguồn nước đành chấp nhận nhìn cây trồng chết khô. "Tôi túc trực luôn ở ruộng từ sáng đến chiều mới lên bờ để canh nước tưới bắp. Nhưng bây giờ muốn thuê máy bơm cũng không có", bà Em than thở.
Nông dân Quảng Ngãi túc trực trên đồng bơm nước cứu cây trồng.
Tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, từ đầu vụ đến nay, nhiều diện tích lúa của nông dân phải bỏ hoang, không gieo sạ do không có nước tưới. Nhiều sông, suối tại địa phương này trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ. Đến nay, hơn 700 ha lúa Hè Thu của người dân xã Phổ Cường không có nguồn nước tưới. Ruộng đồng đã vậy, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt còn nghiêm trọng hơn.
"Năm nay thời tiết quá nắng nóng đến cỏ cũng chết khô. Các máy bơm đã chạy hết công suất mà vẫn không đủ nước tưới", ông Nguyễn Bổi, ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thở dài.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện tại lượng nước trữ của hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp, chỉ đạt hơn 50% dung tích thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25%. Một số hồ chứa có lượng nước dự trữ đạt thấp, chỉ từ 7% đến 20% như hồ Hóc Dọc, Thới Lới, Liệt Sơn... Trong khi cả tỉnh hiện có gần 1.200 ha đất nông nghiệp bỏ hoang do không có nước tưới.
Dự báo, vụ Hè Thu năm nay, lượng mưa tiếp tục thấp hơn và nền nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước, hạn hán và mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng trên diện rộng. Để ứng phó với hạn hán, giản thiểu thiệt hại, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương khẩn trương nạo vét, sửa chữa cửa lấy nước, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng, chống thất thoát nước và nạo vét, đắp ao hồ để thực hiện dự trữ nước cho sản xuất.
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích các loại cây trồng chịu hạn tốt.
"Những vùng canh tác xa công trình thủy lợi Thạch Nham như huyện Đức Phổ...cần phải mạnh dạn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ. Vấn đề này, các huyện đang tập trung tích cực triển khai", ông Văn cho biết.
Nắng hạn hoành hành, người dân ở 'chảo lửa' Ninh Thuận loay hoay tìm nước uống Chưa hết điêu đứng khi hàng trăm ha đất nông nghiệp ngưng sản xuất vì nắng hạn, giờ bà con lại phải chật vật mang can xuống suối chắt từng giọt nước về sinh hoạt. Chắt từng giọt nước Từ nhiều tuần nay, người dân ở thôn Tà Nôi (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) phải dùng chai, can nhựa...