Giải nhiệt mùa hè với mơ Hương Tích
Mơ Hương Tích – loại mơ được gọi với cái tên ưu ái “nhị độ mai” đang vào mùa thu hoạch. Bạn hãy nhanh tay giữ lại sản vật này bằng những bình siro tuyệt ngon cho mùa hè năm nay nhé.
Sở dĩ mơ Hương Tích được gọi là “nhị độ mai” bởi đó là loài mơ duy nhất một năm hai lần nở, hai lần cho quả. Lần đầu, trong khi những cây khác còn lưu luyến với gió mây thì loài mơ Hương Tích ( Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội) đã chăm chỉ rụng lá, trơ lại cái thân xù xì, im lìm ngủ sớm.
Đến khi cái se lạnh về, vạn vật chìm vào giấc ngủ đông, còn mơ lại vươn mình đầy sức sống, nở bung một màu trắng tinh khiết phủ khắp miền núi đá vôi Hương Tích. Đến tiết đại Hàn, nó lại trổ bông một lần nữa đón xuân sang.
Sáng sớm trên các chợ lớn, chợ nhỏ ở Thủ đô đã bày bán loại mơ rừng Hương Tích. Ảnh: Phan Dương.
Không ít du khách thắc mắc có phải mùa mơ kéo dài 3 tháng mà hội chùa Hương cũng dài đến vậy hay bởi vì hội Chùa Hương dài mà mơ Hương Tích cho hai lần quả. Chỉ biết, “Nhị độ mai” cùng với rau sắng, củ mài đã trở thành 3 sản vật được tạo hóa ưu ái ban cho vùng đất chùa Hương.
Để rồi, đến đây vãn cảnh vào mùa mơ nở thì ngay đến người cục mịch cũng mang tâm hồn dậy ý thơ. Nếu chậm chân đi hội vào mùa này, thì bạn cũng mang được chút mơ rừng sót lại – thứ quà của đất trời đó giải nhiệt cả năm.
Video đang HOT
Vào mùa này khắp các chợ lớn, chợ nhỏ ở Hà Nội đều thấp thoáng gánh hàng mơ. Đừng tham mua những quả mơ to bởi đó là giống mơ đồng bằng, ít chua, không thơm, hạt rất to. Hãy chọn những gánh hàng mơ quả nhỏ, màu vàng au, hay chấm đỏ. Đó đích thực là mơ Hương Tích. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt của vùng núi đá vôi nên mơ nơi đây nổi tiếng khắp miền Bắc bởi hạt nhỏ, cùi dày, mọng nước, vị chua nhẹ, đặc biệt có mùi thơm dịu thoang thoảng trong gió.
Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn như hạt thóc cho quả sai, chua, hạt nhỏ, có mùi thơm đặc biệt, được bán nhiều ở các chợ. Ảnh: Phan Dương.
Một bình mơ ngon quan trọng nhất ở khâu chọn mơ. Hãy mua những quả mơ tươi vừa hái, đầu nhọn như hạt thóc. Cuống sâu sẽ cho thịt dày. Có thể ăn thử, nếu thấy đắng thì đừng mua.
Sau khi mua mơ về đem rửa sạch qua nước muối, loại bỏ hết cuống. Rửa qua một ít nước ấm, để mơ thật ráo. Bí quyết để quả mơ không bị tóp khi ngâm là bạn hãy chọc tăm vào quả mơ. Sau đó, cứ một lớp mơ, đổ một lớp đường theo tỷ lệ 1kg mơ với 1 kg đường. Lớp cuối cùng bạn có thể cho thêm một lạng muối tinh. Vặn kín lọ, để vào chỗ mát. Khoảng 2 tháng sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.
Theo Vnexpress
Giòn tan bánh rán xứ Thanh
Ở Thanh Hóa quê tôi ngoài đặc sản bánh gai, nem chua còn có một món bánh rán mà ai đã ăn một lần rồi sẽ nhớ hương vị thơm, bùi, béo, ngọt giòn tan nơi đầu lưỡi.
Vào những dịp đặc biệt như lễ, tết, nhà có thượng khách mẹ tôi hay làm món bánh rán. Một loại bánh làm từ bột nếp, qua rất nhiều công đoạn như nhào bột, nặn, vo bánh, rán mới thành.
Bột viên thành những chiếc bánh nhỏ xinh - Ảnh: Đoàn Xuân
Bột để làm bánh rán có thể là bột nước hoặc bột khô. Bột nước thì khâu làm bột cực hơn rất nhiều, nhưng bánh rán sẽ giòn và ngon hơn so với bột nghiền khô. Gạo để xay thành bột nước phải là gạo nếp ngon, vo sạch ngâm trong nước khoảng 3 giờ, vớt ra xay thật nhỏ, rồi trút bột vào trong một cái túi vải, ép cho hết nước chỉ còn tinh bột, lấy ra, nhồi với trứng gà, gấc chín, chút bột đậu nành cho thật nhuyễn.
Đây cũng là bí quyết riêng của mẹ tôi vì đậu nành giúp bánh rán thơm mùi đặc trưng riêng, gấc làm bánh nhanh vàng và có màu sắc đẹp, trứng gà giúp bánh xốp giòn hơn.
Bánh rán phải dùng mỡ heo mới ngon, khi bánh có màu vàng nổi lên trên là đã chín - Ảnh: Đoàn Xuân
Bột nhồi nhuyễn ủ lại khoảng 1 giờ sau mới nặn bánh, nặn bánh thành hình tròn nhỏ như viên bi, hay hạt nhãn sau đó lăn trên dĩa có rắc vừng. Làm sao cho lớp bột bên ngoài phải dính một lớp vừng thật chắc...
Bánh rán ngon hay không còn phụ thuộc ở khâu rán, nếu rán quá tay hay non tay đều hỏng. Rán bánh không dùng dầu mà phải rán bằng mỡ heo mới ngon. Mỡ phải đổ ngập nồi, đợi mỡ thật sôi mới thả bánh vào. Bánh khi mới cho vào nặng nên chìm ngay xuống đáy, khi nào chín bánh sẽ nổi lên trên. Đây cũng là cách để nhận biết để vớt bánh đúng thời điểm chín vàng.
Bánh rán chín vàng, ăn thơm, bùi, béo, ngọt tan nơi đầu lưỡi - Ảnh: Đoàn Xuân
Bánh rán có thể ăn nhạt hay ăn ngọt đều đựơc, thông thường thì người ta vẫn cho mật mía hay đường thắng vàng lên trên mặt bánh mỗi khi thắp nhang cúng tổ tiên vào ngày lễ tết, hay mời khách.
Nếu ai đó đã từng thử ăn bánh rán quê tôi hẳn sẽ chẳng thể nào quên được cái hương vị thơm béo từ vừng, ngọt giòn của bánh, ngậy của trứng và gấc... bởi thế mà tuổi thơ của lũ trẻ con chúng tôi chẳng thể nào quên được hương vị cũng như cảm giác khi mỗi mùa đông về ngôi bên bếp củi, tay viên vo những miếng bột trắng dễ thương chờ mẹ rán chỉ để nếm sản phẩm tự tay mình làm...
Theo SGAT
Khi cá chép hóa... giòn! Truyền thuyết cá chép hóa rồng từng là ước mơ cháy bỏng của bao cô cậu học trò nhà quê - đỗ đạt. Chuyện cá chép bỗng ... giòn cũng ly kỳ không kém. Ngọt bùi săn chắc, giòn giòn vui tai - Ảnh: Tạ Tri Thú thật, lần đầu trông con cá chép lai vểnh râu, nhép miệng, người viết không tin...