Giải ngân vốn đầu tư công – Bài cuối: Tạo sự chuyển biến
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế – xã hội nhưng kể từ trước khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm.
Các nguyên nhân được chỉ rõ, giải pháp cũng đưa ra, nhưng việc chậm vẫn hoàn chậm.
Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư ( Bộ Tài chính) Mai Thị Thùy Dương đã trao đổi xung quanh vấn đề này với phóng viên TTXVN.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế – xã hội nhưng kể từ trước khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm. Ảnh (tư liệu): TTXVN
Trong 3 năm gần đây, giải ngân đầu tư công luôn chậm dù hàng năm Chính phủ đều ban hành các nghị quyết để thúc đẩy giải ngân. Vậy Bộ Tài chính gặp vướng mắc gì trong quá trình thực hiện và chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công?
Với chức năng quản lý, thanh toán vốn đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đã xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán và quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công trình Chính phủ ban hành.
Trong số đó, quy định thống nhất về quy trình “thanh toán trước, kiểm soát sau”, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuống chỉ từ 1 – 3 ngày làm việc. Qua đó đã tạo cơ sở để Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của chủ đầu tư và công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia; trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay đã đạt tỷ lệ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt trên 99,6%.
Mặc dù đã thực hiện nhiều cải cách trong quy trình giải ngân vốn đầu tư như trên, về phía cơ quan kiểm soát thanh toán Kho bạc Nhà nước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, hệ thống để tiếp nhận và xử lý ngay các hồ sơ giải ngân vốn cho các dự án, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay là các chủ đầu tư gửi hồ sơ đề nghị tạm ứng, thanh toán rất ít. Số lượng hồ sơ thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước ít chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng… thuộc giai đoạn thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Các vướng mắc này đã được Tổ công tác của Chính phủ chỉ rõ và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ qua các đợt kiểm tra.
Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 có yêu cầu các cơ quan chỉ ra những bất cập trong thực tiễn. Bộ Tài chính là tổ trưởng một trong 6 Tổ công tác của Chính phủ có thể chỉ ra những bất cập này?
Thực hiện Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, cơ quan, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì kiểm tra, tổng hợp và có 3 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân; trong đó đã chỉ ra một số bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án.
Qua kết quả 3 đợt kiểm tra của 6 Tổ công tác của Chính phủ; trong đó có Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Tài chính là tổ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và xác định có 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau làm chậm tiến độ và đã phân thành 3 nhóm.
Nhóm liên quan đến thể chế, cơ chế chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, lĩnh vực đấu thầu, lĩnh vực đầu tư công.
Nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện.
Video đang HOT
Nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Trong các nhóm tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện là ảnh hưởng nhất đến quá trình triển khai các dự án, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư các dự án) hoặc thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định, kéo dài thời gian bố trí vốn đối với dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Cùng với đó, việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Việc tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng. Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu… còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt, hiệu quả; vẫn còn tình trạng phiền hà, xách nhiễu trong việc cấp phép các thủ tục để triển khai thi công và để nghiệm thu công trình.
Thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo tình hình giải ngân cũng như triển khai kiểm tra của Bộ Tài chính cho thấy, trong cùng hệ thống pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về dịch bệnh, tăng giá vật liệu…nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Đó là do các bộ, địa phương này đã chủ động đề ra các giải pháp triển khai kế hoạch ngay từ khi xây dựng kế hoạch hàng năm. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quán triệt nhiệm vụ tới từng cán bộ triển khai dự án, chú trọng đến kiểm tra, giám sát để chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực, kinh nghiệm,…
Bộ Tài chính có đề xuất giải pháp gì khắc phục các bất cập để giải ngân vốn đầu tư công không trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?
Trên cơ sở xác định có 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc 3 nhóm vấn đề bất cập cản trở giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, ngày 15/9/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP. Tại Nghị quyết trên Chính phủ đã quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ quản lý ngành cũng như các công việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện.
Về phía Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán đã thực hiện đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán đến mức tối đa.
Vì vậy, để giải ngân vốn đầu tư công không trở thành điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP. Các nhiệm vụ nêu trên nếu được triển khai đảm bảo đúng, đủ và kịp thời sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn để khắc phục những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.
Xin cảm ơn bà!
Giải ngân vốn đầu tư công - Bài 1: Chặng 'Nước rút'
Vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan toả thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.
Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho suy giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chậm so với kế hoạch.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài Giải ngân vốn đầu tư công nhằm nhìn nhận các nguyên nhân cũng như giải pháp then chốt đẩy nhanh tiến độ trong những tháng còn lại của năm 2022.
Bài 1: Chặng 'Nước rút'
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại điểm cầu Chính phủ, sáng 26/9/2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sốt ruột với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm từ đầu năm đến nay, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thủ tướng chỉ đạo: "Làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh chia cắt, dàn trải, manh mún, kéo dài..."
Chưa như kỳ vọng
Qua thống kê, thực hiện 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là trên 253.148 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là trên 34.597 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.
Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89.911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13.664 tỷ đồng và về tỉ lệ giải ngân.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2022, chưa như kỳ vọng, ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng đã phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư; đó là, đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%); trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhận diện và phân tích khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có khoảng 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó, phân thành 3 nhóm chính. Đó là: về thể chế, chính sách, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, xây dựng, đấu thầu...; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.
Bên cạnh bất cập về môi trường pháp lý và thể chế, có nhiều nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, năng lực lập dự án, chủ đầu tư chưa chuẩn bị tốt để thực hiện đầu tư và năng lực nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khách quan đã làm chậm tiến độ giải ngân như: giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng.
Trong 9 tháng năm 2022, giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 48,87% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lắp đặt hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước tăng 13,37%; sản phẩm gang, sắt, thép tăng 11,08%. Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng. Bên cạnh đó, đơn giá định mức quá lạc hậu, bất cập. Có những đơn giá nhà nước đưa ra chỉ bằng 30% so với giá thực tế thi công.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam phản ánh, hiện đang có khá nhiều nhà thầu mạnh e ngại, không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một nghịch lý, bởi vì không có nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, giá, định mức rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn rất cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn cũng là nguyên nhân và điểm nghẽn làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng các nguyên do trên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là công tác tổ chức triển khai thực hiện."Đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thúc đẩy để tăng trưởng
Dự án mở rộng đường ĐT 849 trên địa bàn huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Nhựt An/TTXVN
Để khắc phục các bất cập chủ quan và khách quan, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp và giao cụ thể cho các bộ, ngành thực hiện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; giải pháp tổ chức triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm soát giá, chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đầu tư công.
Cho rằng các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần phải nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư các dự án. Đồng thời kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công bố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.
Ngoài việc 6 Tổ công tác của Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần rà soát tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong giải ngân. Khẩn trương ban hành cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.
Theo ông Phạm Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành, thị phải rà soát lại từng nội dung, phần việc cụ thể, xem nội dung nào có thể làm được trước thì tiến hành làm ngay, không cứng nhắc. Các chủ đầu tư, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị nơi triển khai dự án đầu tư công phải chỉ đạo, tính toán từng phần việc và cam kết mốc thời gian cụ thể thực hiện để đảm bảo tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho rằng, tỉnh kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 của những dự án giải ngân chậm, hoặc không có khả năng giải ngân hết vốn được giao sang các dự án có tiến độ tốt, các dự án giải ngân hết kế hoạch vốn được giao có nhu cầu bổ sung vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành dự án; đồng thời, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm trễ thi công...
Một trong những giải pháp được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương đưa ra, đó là thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Tổ công tác nhằm cập nhật, nắm bắt tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn của các dự án; hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất giải pháp với cấp trên để giải quyết những vấn đề còn tồn tại vượt thẩm quyền...
Nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, 9 tháng qua, Tiền Giang đạt 75,1% kế hoạch và tăng 29,5% so cùng kỳ năm trước. Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông cho biết, từ cuối năm 2021, địa phương giao ngay kế hoạch vốn năm 2022 cho các chủ đầu tư, ưu tiên các công trình chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022; các công trình trọng điểm có tính chất lan tỏa gắn với các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đầu tư có chất lượng, đảm bảo đúng trình tự, quy định pháp luật, có trọng tâm, không đầu tư dàn trải gắn với kiểm tra, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ kịp thời vướng mắc và giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Mặt khác, tỉnh chú trọng phân cấp, phân quyền cho các sở, ngành và địa phương trên lĩnh vực đầu tư công.
"Kinh nghiệm cho thấy, khi được phân cấp, phân quyền, các chủ đầu tư nâng cao vai trò, trách nhiệm; nâng cao trình độ đội ngũ tham mưu; tăng cường tập huấn, hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai hiệu quả...", ông Nguyễn Đình Thông cho hay.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương động viên các nhà thầu, doanh nghiệp chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi giá cả nguyên vật liệu có nhiều biến động.
"Về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập với một số dự án lớn, Thủ tướng giao các cơ quan tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền với các dự án khác...", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thúc đẩy thực hiện giải ngân nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công sẽ nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong quý cuối năm. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi kinh tế thế giới đang diễn ra trong bối cảnh nhiều biến động.
Giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Kinh nghiệm từ Thái Bình Trong khi nhiều bộ, ngành và địa phương khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thì thời gian gần đây, Thái Bình lại là điểm sáng khi liên tục nằm trong tốp đầu thực hiện nhiệm vụ này. Riêng 9 tháng năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn đã đạt 83,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...