Giải ngân vốn đầu tư công – Bài 2: Vướng mắc từ cơ sở
Cà Mau xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên ngay từ khi được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, địa phương đã ban hành quyết định chi tiết từng danh mục, dự án công trình cho các chủ đầu tư để chủ động thực hiện.
Đến nay, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Cà Mau mặc dù cao hơn so với bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Trong những tháng còn lại của năm 2022, Cà Mau sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng hiệu quả theo kế hoạch.
Nhiều nút thắt được nhận diện
Công trình xây dựng tuyến đường kết nối bờ Nam Sông Đốc với Đầm Thị Tường là công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến nay, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (bao gồm năm 2021 chuyển sang năm 2022) đạt trên 1.831 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch vốn được phân bổ chi tiết. Cùng kỳ năm 2021, kết quả giải ngân của tỉnh đạt gần 1.645 tỷ đồng, bằng 39,3% kế hoạch vốn. Tỉnh đang có nhiều nguồn vốn tỷ lệ giải ngân thấp như: Vốn vay lại ngân sách địa phương đạt 23,1% kế hoạch vốn; vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh đạt 31,4%; vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 25,4%; vốn nước ngoài đạt 12,4%;…
Năm 2022, tỉnh có 2 danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công do Trung ương quản lý đang triển khai thực hiện được xác định là dự án trọng điểm bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Cà Mau, tổng mức đầu tư gần 1.726 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 – 2022, do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Cho đến nay, kế hoạch vốn đã bố trí gần 1.264 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 889 tỷ đồng, đạt 70,4% kế hoạch vốn; trong đó, năm 2022 được bố trí 800 tỷ đồng, đã giải ngân trên 425 tỷ đồng, đạt 53,2% kế hoạch vốn.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 có tổng mức đầu tư gần 17.153 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 – 2027, do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Hiện nay, Trung tâm Phát triển Quỹ đất đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, tỉnh có 11 danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý được xác định là dự án trọng điểm. Đến thời gian này, tỷ lệ giải ngân cũng đạt từ 50 – 60% kế hoạch. Riêng dự án ODA (Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp) chưa bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, do đang thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dự án theo quy định.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, mặc dù kết quả giải ngân tuy có cao hơn về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2021, nhưng trên thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do một số nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh được bố trí chủ yếu cho các dự án, công trình khởi công mới nên các tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư tập trung thực hiện hồ sơ, thủ tục theo quy định. Do đó đến khoảng quý II/2022 mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân.
Bên cạnh đó, giá vật liệu, xăng dầu tăng trong những tháng đầu năm nên đối với các gói thầu thi công xây dựng quy mô nhỏ (có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng) thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, không được điều chỉnh, nhà thầu gặp khó khăn.
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2021 chuyển sang năm 2022 đến ngày 19/5/2022 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022. Còn đối với kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đến ngày 28/5/2022 mới được Thủ tướng Chính phủ giao, được HĐND tỉnh thông qua. Sau đó, UBND tỉnh mới có quyết định phân bổ kinh phí.
Video đang HOT
Đối với một số dự án trọng điểm của tỉnh, dự kiến quý IV năm 2022 mới đủ điều kiện khởi công, nên chưa giải ngân được kế hoạch vốn đã giao đầu năm. Một số dự án sử dụng vốn ODA đang ở bước điều chỉnh dự án hoặc đang ở bước điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công – dự toán. Không chỉ vậy, khan hiếm một số nguồn vật liệu xây dựng; một số dự án, công trình còn vướng giải phóng mặt bằng nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, hàng tuần Sở đều có kiểm tra, làm việc để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh, của trung ương. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng hiện nay còn vướng ở khâu xác định giá đất cụ thể, do thiếu đơn vị tư vấn khi hiện nay chỉ có 2 đơn vị.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá, trong điều kiện giá vật liệu, giá xăng tăng cao, đặc biệt khan hiếm một số nguồn vật liệu xây dựng kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các công trình. Bên cạnh đó tiến độ của một vài dự án còn chậm, đặc biệt là vướng trong khâu hồ sơ, thủ tục…
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (đoạn từ ngã tư Vòng Xoay đến Vàm Xáng Cái Ngay) hiện gặp tình trạng “thổi” giá đất tại khu vực dự án dẫn đến vượt tổng mức đầu tư của dự án được duyệt. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN
Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, trong những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tháo đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, phân công lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 và dự án đầu tư trọng điểm ngoài ngân sách.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư, đặc biệt là 4 Ban Quản lý các dự án chuyên ngành tỉnh rà soát các dự án, làm việc trực tiếp với nhà thầu, các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, tập trung quyết liệt tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh như: Cầu bắc qua sông Ông Đốc, cầu Gành Hào, Bệnh viện đa khoa 1.200 giường, các tuyến đường: trục Đông – Tây, Cà Mau – Đầm Dơi, Cái Nước – Cái Đôi Vàm, U Minh – Khánh Hội… Ông Huỳnh Quốc Việt cũng yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu để chậm tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ rà soát, nghiên cứu, công bố kịp thời giá vật tư, chỉ số giá vật tư, làm cơ sở điều chỉnh giá vật liệu phù hợp với tình hình thực tế. Kho Bạc Nhà nước phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến giải ngân các nguồn vốn. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân, đáp ứng tiến độ thực hiện và giải ngân theo yêu cầu, đảm bảo tiêu chí, chất lượng hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư cần quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng .
UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 khẩn trương thực hiện các bước thủ tục tiếp theo, sớm giải ngân hết kế hoạch vốn đúng theo thời gian quy định.
Để khắc phục bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các địa phương có các công trình đi qua, tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, bám sát thiết kế của từng công trình, dự án; rà soát từng hộ, từng đối tượng để làm tốt đo đạc, kiểm đếm bảo đảm chặt chẽ, chính xác, từ đó nếu phát sinh vướng hộ nào thì đến ngay từng hộ để nắm tình hình, có giải pháp khắc phục ngay.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải quyết liệt trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đảm bảo chặt chẽ, chính xác, kịp thời các bước quy trình, thủ tục, nhất là khâu khảo sát, thiết kế tránh việc chất lượng công trình không đảm bảo. Đề nghị từng ngành, từng chủ đầu tư chủ động kiểm tra tiến độ các công trình, dự án; báo cáo tiến độ hằng tuần cho Thường trực Tỉnh ủy, nhất là các công trình, dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án này vào khai thác, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội để tránh lãng phí.
“Rà soát chặt chẽ từ hộ, từng đối tượng để hỗ trợ theo quy định, tránh sai sót và khiếu nại kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm. Chủ đầu tư phải quyết liệt hoàn thành hồ sơ, thủ tục, những công trình nào mới phải quyết liệt làm ngay nhưng phải đảm bảo chính xác. UBND tỉnh yêu cầu các ngành kiểm tra tiến độ hàng tuần, phát hiện vướng mắc thì phải giải quyết ngay”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, đồng thời nhấn mạnh, vốn đầu tư công ở tỉnh hiện không thiếu, vấn đề là phải có quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm.
“Phải thấy được trách nhiệm trước nhân dân, vì công trình sớm hoàn thành ngày nào sẽ tạo điều kiện rất lớn, tạo thêm cơ hội và động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công - Bài 3: Kinh nghiệm từ Thái Bình
Trong khi nhiều bộ, ngành và địa phương khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thì thời gian gần đây, Thái Bình lại là điểm sáng khi liên tục nằm trong tốp đầu thực hiện nhiệm vụ này.
Riêng 9 tháng năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn đã đạt 83,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đứng thứ 4 toàn quốc) và đạt 41% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ. Đây là kết quả quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình với nhiều biện pháp điều hành sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, xây dựng các công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Sớm tháo gỡ những điểm nghẽn
Thi công công trình cầu sông Hồng nối liền hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) thuộc Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: TTXVN phát
Từ nhiều năm nay, giải phóng mặt bằng luôn là điểm nghẽn trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, bởi theo quy định dự án phải được phê duyệt mới được bố trí vốn và khi có vốn mới tiến hành giải phóng mặt bằng. Từ đó dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai vì đã có vốn nhưng chưa có mặt bằng sạch.
Để tháo gỡ nút thắt này, năm 2021 là năm đầu tiên Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chỉ thị riêng về công tác giải phóng mặt bằng, sau đó UBND tỉnh phát động phong trào thi đua "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh". Theo đó, tỉnh Thái Bình xác định giải phóng mặt bằng là "điều kiện đảm bảo cơ bản tiên quyết, là thước đo của sự sẵn sàng, là quyết tâm của tỉnh". Do vậy, đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền nơi có dự án, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện nhanh gọn nhất, trong thời gian ngắn nhất triển khai thành công dự án, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá, thu hút đầu tư.
Sau 1 năm thực hiện phong trào này, huyện Quỳnh Phụ là địa phương đi đầu với cách làm sáng tạo, hiệu quả. Tháng 7/2021 Huyện ủy Quỳnh Phụ đã ban hành Thông báo 220/TB-HU về vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã; trong đó, huy động các tổ chức chính trị, xã hội, địa phương tuyên truyền, vận động người dân hiến đất thực hiện các dự án giao thông và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội khác trên địa bàn.
Địa phương nào có 100% hộ dân đồng thuận, tự nguyện góp đất để mở rộng đường huyện, đường liên xã sẽ được ưu tiên xây dựng. Huyện sẽ hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên đất góp và thực hiện tái định cư cho người dân có nhu cầu nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện góp đất không đảm bảo điều kiện xây dựng nhà ở (dưới 30 m2 ở đô thị và dưới 40 m2 ở nông thôn).
Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Quỳnh Phụ cho biết, đến nay toàn huyện đã có 16 tuyến đường ở 30 xã, thị trấn với gần 3.300 hộ tự nguyện hiến 27,7 ha đất; trong đó, đất ở 4,3 ha; đất nông nghiệp 23,4 ha, tổng giá trị đất hiến trên 405 tỷ đồng. Trong đó tuyến đường huyện ĐH.78 đến đường tỉnh ĐT.452 đoạn qua xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm có thời gian giải phóng mặt bằng nhanh nhất chỉ trong 4 ngày, trong khi trung bình công việc này sẽ phải mất gần 1 năm. Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng với sự đồng thuận của người dân giúp dự án sớm được triển khai và tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Hiện tuyến đường ĐH.78 đã hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn nhiều.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, năm 2022 kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho Thái Bình là 3.907 tỷ đồng; trong đó kế hoạch vốn giao đầu năm gần 3.681 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 226 tỷ đồng; kế hoạch vốn của tỉnh đã phân bổ bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2022 và vốn kéo dài từ năm 2021 sang hơn 7.102 tỷ đồng.
Với sự quyết liệt trong điều hành, đến tháng 9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thái Bình đạt 83,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân chung cả nước (46,7%) và đạt 41% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ. Một số dự án đã giải ngân hết vốn ngân sách Trung ương như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (130 tỷ đồng), dự án đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên (40 tỷ đồng). Một số dự án đã giải ngân hết vốn ngân sách địa phương như: dự án xây dựng cống Muối xã Đông Minh (huyện Tiền Hải); dự án ổn định dân cư cấp bách vùng thiên tai xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) và xã Đông Trà (huyện Tiền Hải)...
Kiên quyết điều chuyển vốn dự án giải ngân chậm
Thi công Dự án xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài. Ảnh: TTXVN phát
Ông Nguyễn Thế Hồng, Trưởng phòng Tổng hợp - Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình) cho biết, việc giao kế hoạch vốn đầu tư công được tỉnh thực hiện theo các mục tiêu phát triển; trong đó, tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế trong vùng; các tuyến đường huyết mạch trong tỉnh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công, ngay từ quý I/2022 tỉnh Thái Bình đã thực hiện phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 đồng thời tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; quyết liệt giải phóng mặt bằng...Đây cũng là kinh nghiệm giúp Thái Bình là địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt trong thời gian gần đây.
Để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 100%, thời gian tới tỉnh Thái Bình tiếp tục các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, sớm khởi công công trình; hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Tỉnh thực hiện theo dõi sát tiến độ, rà soát tình hình giải ngân; kiên quyết cắt giảm quy mô các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, đặc biệt là chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng; kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tiến độ để bố trí cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Bình cho biết, để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới Kho bạc Nhà nước Thái Bình tiếp tục rà soát, nắm bắt tiến độ triển khai, tiến độ giải ngân để đôn đốc kịp thời; định kỳ báo cáo tình hình giải ngân, trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn 'ì ạch' Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công trở thành động lực quan trọng cần được thúc đẩy, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn "ì ạch". Đặc biệt, nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân. Vì sao chậm? Xăng...