Giải mã thiết giáp hạm “bỏ túi” Deutschland của Đức (2)
Thiết giáp hạm lớp Deutschland có lượng giãn nước khoảng 16.000 tấn, được trang bị cỗ đại pháo 280mm cùng dàn pháo phòng không đủ kích cỡ.
Thiết giáp hạm lớp Deutschland có lượng giãn nước khoảng 16.000 tấn, được trang bị cỗ đại pháo 280mm cùng dàn pháo phòng không đủ kích cỡ.
Kì 2: Đặc điểm thiết kế – trang bị lớp Deutschland
Động cơ diesel hay tuốc bin khí
Một đặc điểm nổi bật của thiết giáp hạm lớp Deutschland là ở hệ thống động lực. Người Đức nghĩ rằng động cơ diesel sẽ phù hợp với Deutschland hơn là các turbine hơi nước thường thấy trên các tàu chủ lực thời đó. Mỗi chiếc Deutschland được trang bị 4 động cơ hai kì tác động kép do MAN chế tạo, truyền động hai trục thông qua hộp số Vulcan.
Các động cơ này cho công suất thiết kế 54.000 mã lực và cho tốc độ tối đa 26 hải lí mỗi giờ (trên thực tế trong quá trình chạy thử, cả ba tàu đều vượt tốc độ 28 hải lí trên giờ).
Tàu Deutschland (góc trên bên phải ảnh) tại cảng Naples, Ý năm 1938. Đậu bên cầu cảng là bốn tàu phóng lôi Type 1923 hoặc Type 1924.
Lựa chọn đặc biệt này dựa trên cơ sở kì vọng rằng hệ thống động lực của tàu sẽ nhẹ hơn và nhỏ hơn. Giả định này đã được chứng minh dựa trên những thông tin đã cũ. Các turbine cổ điển thời Chiến tranh thế giới thứ nhất cồng kềnh và nặng nề hơn, nhưng tiêu chuẩn thiết kế và chế tạo của thập niên 1920 sẽ cho phép các turbine nhỏ hơn và có áp suất cao hơn. Điều này sẽ cho phép động cơ turbine sẽ nhẹ hơn và nhỏ gọn hơn so với động cơ diesel trên tàu Deutschland, mà vẫn đạt được công suất như nhau.
Tuy vậy, các động cơ diesel lại có ưu thế là khả năng sẵn sàng trong thời gian ngắn (một turbine hơi nước có thể mất đến hàng giờ để đạt tốc độ tối đa, trong khi với động cơ diesel sẽ chỉ mất vài phút). Động cơ diesel cũng có nhiều nhược điểm cố hữu, bao gồm sự thiếu tin cậy so với turbine hơi nước. Thêm vào đó, động cơ diesel khi hoạt động cũng liên tục tạo ra những rung động, khiến cuộc sống trên tàu trở nên cực kì khó chịu.
Do những hạn chế của động cơ diesel đã khiến cho thiết kế của chiếc tàu thứ ba trong loạt tàu – chiếc Đô đốc Graf Spee – được xem xét để thay thế động cơ diesel bằng turbine hơi nước, và do đó sẽ có điều kiện để tăng cường giáp cho tàu dày hơn.
Tuy nhiên, cuối cùng thì con tàu vẫn được đóng với động cơ diesel như hai chiếc tàu thiết giáp hạm Deutschland trước đó. Ưu điểm chính của động cơ diesel chính là khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Các tàu lớp Deutschland có thể thực hiện hải trình xấp xỉ 20.000 hải lí (37.062km) mà không cần tái nạp nhiên liệu, gấp hơn hai lần so với các tàu chiến sử dụng động cơ turbine hơi nước có cùng kích cỡ và tốc độ.
Có thể thấy rằng: Ưu thế về khả năng tăng tốc và dự trữ hành trình là hai đặc điểm tối quan trọng đối với các tàu chiến làm nhiệm vụ ngăn chặn thương mại, săn tàu buôn trên biển. Với quan điểm thực dụng, người Đức đã đưa ra lựa chọn chính xác.
Bí mật vi phạm hiệp ước Versailles
Các tàu lớp Deutschland được đóng với lượng giãn nước lớn hơn khoảng 10% so với giới hạn của hiệp ước Versailles, nằm trong khoảng 11 đến 12.000 tấn. Đây là một “điều bí mật mà ai cũng biết”, cho đến khi nó không còn trở nên quan trọng nữa. Không một nước Đồng minh nào phản ứng về điều này, một phần vì tất cả bọn họ – với ngoại lệ duy nhất là Anh quốc – đều đã vượt quá giới hạn hiệp ước ở một mức độ nhất định.
Lượng giãn nước toàn tải của lớp Deutschland trong thời chiến là khoảng 16.000 tấn. Khi được hạ thủy, chúng có chiều dài 181,7m ở ngang mực mớn nước, và chiều dài tổng thể 186m, chiều rộng 20,6m, mớn nước của tàu là 5,8m ở mức lượng giãn nước tiêu chuẩn, và 7,2m ở mức lượng giãn nước toàn tải.
Ở điều kiện khi hạ thủy, tàu Đô đốc Scheer có chiều rộng 21,3m và mớn nước toàn tải 7,3m. Trong khi tàu Đô đốc Graf Spee rộng hơn một chút: 21,6m, và có mớn nước toàn tải lớn hơn: 7,4m. Cả hai tàu Lutzow (tên mới của tàu Deutschland từ ngày 15/11/1939) và Đô đốc Scheer đều được thay đổi lại phần mũi tàu, với một vòng cung cong hơn, khiến cho chiều dài tổng thể của tàu tăng lên 187,9m.
Các tàu Deutschland và Đô đốc Scheer được bọc giáp thân tàu dày 60mm, trong khi Đô đốc Graf Spee được tăng lên 80mm. Cả ba tàu này đều có vách ngăn bên trong chạy từ trên boong tàu bọc thép xuống dưới đáy. Trên tàu Deutschland, các vách ngăn này dày 45mm, còn với các tàu kia là 40mm. Phần boong tàu của chiếc Deutschland cũng được bọc thép dày 40mm, trong khi với hai tàu còn lại là 45mm. Cả ba tàu đều có một vách ngăn mỏng dày 20mm ngăn cách giữa phần boong bọc thép với boong chính của tàu.
Video đang HOT
Biên chế thủy thủ đoàn của các tàu này là 619 người vào thời bình, và tăng lên tối đa là 1.340 người (trong số này, sẽ có những sĩ quan và binh sĩ làm nhiệm vụ điều khiển các tàu bị bắt làm tù binh, do hoạt động chính của các tàu chiến lớp Deutschland là ngăn chặn thương mại, săn bắt và đánh chìm các tàu buôn, tàu vận tải đối phương).
Sức mạnh đáng gờm
Hỏa lực chính thiết giáp hạm Deutschland là sáu pháo hải quân nòng xoắn SK C/28, cỡ nòng 280mm. Số pháo này được phân bố thành hai tháp pháo ba nòng, một ở đằng trước và một ở đằng sau tàu. Thiết kế này được bắt đầu từ năm 1928, cho hiệu suất tốt hơn đáng kể so với các tháp pháo 280mm kiểu cũ được sử dụng nhiều trên các tàu chiến Dreadnought của Hải quân Đế chế Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nòng pháo dài gấp 54,5 lần cỡ nòng, hay 1.526mm.
Chúng bắn đi các đạn pháo nặng 315kg với sơ tốc đầu đạn 890m/s, tốc độ bắn 2,5 phát/phút, tầm bắn tối đa 23,35 hải lí (43,3km). Đương nhiên, tầm bắn phi thường này đạt được khi nòng pháo được đặt ở góc 45 độ. Bên cạnh đó, các tàu Deutschland còn được trang bị tám pháo hải quân SK C/28 cỡ nòng 150mm. Các pháo này được bố trí trong các ụ pháo đơn có khiên chắn.
Tháp pháo 280mm ba nòng trên tàu Deutschland
Hỏa lực phòng không của các tàu lớp Deutschland khi hạ thủy chỉ là ba pháo phòng không SK C/31 cỡ nòng 88mm. Loại vũ khí này trên các tàu ngày càng được gia tăng và đạt đến cực đại trên chiếc Lutzow, bao gồm sáu pháo phòng không SK C/33 cỡ nòng 105mm bố trí trong các tháp pháo đôi, bốn pháo Flak M43 bố trí trong hai ụ pháo hai nòng, và 26 pháo Flak 38 cỡ nòng 20mm bố trí trọng các ụ pháo một, hai và bốn nòng.
Cả ba tàu lớp Deutschland cũng có tám ống phóng ngư lôi 533mm, bố trí thành hai cụm phóng bốn ống tại phần đuôi. Các ống phóng này sử dụng loại ngư lôi chạy hơi tiêu chuẩn G7a, dài 7m và nặng 1.528kg. Các ngư lôi này có thể đạt tốc độ tối đa 40 hải lí một giờ, nhưng sẽ đạt tầm bắn tối đa 7,7 hải lí (14,3km) ở tốc độ 30 hải lí một giờ. Ngư lôi G7a mang theo đầu nổ Hexanite nặng 320kg, có sức công phá rất lớn với tàu thuyền đối phương.
“Mắt thần”
Mỗi tàu chiến lớp Deutschland đều được trang bị bốn thiết bị đo xa quang học dài 10,5m cho hỗ trợ cho việc xạ kích pháo chính. Chúng được bố trí lần lượt ở phía trước và phía sau phần thượng tầng của tàu, và tại hai tháp pháo chính. Chất lượng của các khí tài quang học Đức cho phép các tàu chiến có thể phát hiện, xác định cự li và khai hỏa vào các mục tiêu đang di chuyển khá nhanh, trong những điều kiện thời tiết cho phép. Ngoài ra, người Đức còn phát triển công nghệ radar trinh sát mặt biển cho các tàu này, nhưng chúng không chứng minh được gì nhiều.
Khí tài đo xa quang học “cỡ bự” trên tàu chiến lớp Deutschland
Vào năm 1936, Đô đốc Graf Spee là tàu chiến đầu tiên của Đức được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu, đó là một phiên bản thử nghiệm ban đầu của radar FuMO 22 được đặt trên cột buồm mũi. Loại radar này sử dụng anten màn kép với kích cỡ bằng khoảng một nửa anten tiêu chuẩn Seetakt (Seetaktische Gerate – khí tài chiến thuật hải quân). Chiếc Đô đốc Graf Spee đã sử dụng phiên bản radar thử nghiệm này cho đến khi bị đánh chìm vào năm 1939.
Một số nguồn tài liệu cho rằng chiếc Deutschland cũng đã được trang bị một phiên bản radar thử nghiệm, nhưng thời điểm sớm nhất được xác nhận là vào năm 1939, khi con tàu được trang bị radar FuMO 22 trên cột buồm mũi.
FuMO 22 là radar hải quân thông dụng nhất của Đức, hoạt động ở bước sóng 81,5cm và có tầm quét hiệu quả với mục tiêu mặt biển là 13 hải lí (24,1km). Vào tháng 1/1942, chiếc Lutzow lại được trang bị một anten màn kép nhỏ hơn (FuMB Ant 7 – Timor) cho hệ thống phát hiện radar Samos (FuMB 4), đặt đối diện với anten radar FuMO 22, nằm phía sau máy đo xa quang học của tháp pháo chính phía trước. Sau đó, anten này đã bị dỡ bỏ vào tháng 3/1944.
Phần thượng tầng tàu Đô đốc Scheer, ảnh chụp tháng 9/1939
Khi phần tháp cột buồm phía trước của tàu Đô đốc Scheer được chỉnh sửa vào năm 1940, con tàu được trang bị radar FuMO 27, với các anten nằm phía trước và phía sau máy đo xa quang học, thay thế cho radar FuMO 22 với chỉ một anten nằm phía trước vào năm 1939.
FuMO 27 là một phiên bản cải tiến của FuMO 22, hoạt động trên cùng bước sóng nhưng thu hẹp chùm tia để tăng độ chính xác. Anten của radar FuMO 27 chỉ có chiều rộng bằng 2/3 so với anten của FuMO 22. Vào năm 1942, tàu Đô đốc Scheer được gắn thêm một anten Timor vào mặt sau của máy đo xa quang học tháp pháo chính phía trước, cùng bốn anten phát hiện radar Sumatra ở phần trên, phía trước của thượng tầng con tàu.
Khi cái tên của lớp tàu Deutschland được Hải quân Anh và Pháp biết đến, sẽ chỉ có một từ để mô tả cảm giác của họ: Sự kinh ngạc. Lo lắng này là hơi xa, vì lực lượng hải quân đối địch với họ trước đây và sau này sẽ chỉ có thêm ba tàu chủ lực, tuy mới nhưng khá nhỏ và yếu. Điều đó khiến cho những chiếc tàu chiến lớp Deutschland không làm các Đô đốc Hải quân Anh và Pháp bận tâm nhiều. Pháp đẩy mạnh đóng mới hai thiết giáp hạm lớp Dunkerque, được thiết kế đặc biệt để nhanh hơn và được vũ trang mạnh hơn lớp Deutschland. Người Anh thậm chí còn không đóng mới một tàu nào để chống lại các tàu Deutschland. Đơn giản họ chỉ đóng các thiết giáp hạm lớp Vua George V – cũng giống như lớp Dunkerque – mạnh hơn và nhanh hơn Deutschland, nhưng yếu hơn đa số các thiết giáp hạm đương thời.
Thanh Hoa
Theo_Kiến Thức
Phát xít Đức "hồi sinh" đội tàu mặt nước thế nào? (2)
Các lãnh đạo Hải quân Đức Quốc xã đã rất băn khoăn giữa việc lựa chọn chiến lược, khiến cho việc đóng mới các tàu chiến mặt nước bị ảnh hưởng.
Các lãnh đạo Hải quân Đức Quốc xã đã rất băn khoăn giữa việc lựa chọn chiến lược, khiến cho việc đóng mới các tàu chiến mặt nước bị ảnh hưởng.
Kì 2: Loay hoay đường lối phát triển hải quân
Vào đầu thời kì phát xít, Hitler vẫn chưa sẵn sàng xé bỏ các hiệp ước giới hạn trọng tải và trang bị của Hải quân Đức. Trước khi các tàu sân bay Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, sức mạnh của một lực lượng hải quân vẫn là dựa trên số trọng pháo trên các tàu chiến.
Do đó, theo quan niệm này thì Hải quân Đức Quốc xã sẽ không có cửa thắng khi đối đầu trực diện với Hải quân Hoàng gia Anh, bất chấp việc lực lượng này đã suy giảm nhiều do các chương trình thanh lí tàu đóng trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ nhất và Đại suy thoái toàn cầu thời kì 1930.
Thiết giáp hạm "bỏ túi" Đô đốc Scheer thuộc lớp Deutschland.
Dựa trên những nhận định trên, các chỉ huy Hải quân Đức hiểu rằng: Năng lực của các tàu chiến sắp đóng sẽ không phải là vô hạn. Trước khi lên kế hoạch đóng tàu, cần xác định chiến lược tác chiến trên biển, và các thiết kế tàu sẽ căn cứ trên chiến lược đó để đề cao một số đặc tính của tàu, cũng như buộc phải xem nhẹ một số yếu tố khác.
Có một số lựa chọn thích hợp như sau:
- Chiến lược phòng thủ bờ biển (coastal defense): Các tàu chiến sẽ được thiết kế để bảo vệ đường bờ biển của quốc gia bằng cách tiếp cận tàu chiến địch ở cự li gần. Vai trò này có thể được đảm nhiệm bởi các tàu chiến tương đối nhỏ, không cần phải có tốc độ cao, cự li hành trình xa và dự trữ đi biển dài ngày. Khả năng di chuyển gần bờ trong vùng biển nông là lợi thế của loại tàu này.
Chúng có thể chỉ mang ít pháo chính, nhưng phải là các trọng pháo cỡ nòng lớn, có khả năng nhanh chóng gây thiệt hại cho tàu địch, đủ để làm hư hỏng hoặc đánh đuổi chúng khỏi vùng biển.
Về loại tàu này, xuất hiện hai quan điểm về giáp bảo vệ tàu. Một cho rằng giáp bảo vệ nên được tối giản hóa để tàu có lượng giãn nước nhỏ nhất có thể. Nếu các tàu này bị đánh đắm, nó sẽ chìm ở vùng nước nông và có thể cứu hộ, trục vớt dễ dàng. Quan điểm còn lại cho rằng giáp bảo vệ phải được gia tăng hết khả năng có thể, để con tàu có thể tồn tại trong những cuộc bao vây kéo dài của hải quân địch.
- Chiến lược ngăn chặn thương mại trên biển (commerce raider): Các tàu chiến sẽ được thiết kế để có tốc độ cao, dự trữ hành trình lớn và khả năng đi biển dài ngày, và như vậy là đối lập hoàn toàn với các tàu chiến phòng thủ bờ biển.
Các tàu chiến ngăn chặn thương mại sẽ có khả năng bị tàu tuần dương của địch truy đuổi, do đó vũ khí và giáp của chúng phải đủ mạnh để áp đảo các tàu này. Điều này cũng dựa trên một giả định là các tàu chiến sẽ vượt qua được sự kiềm tỏa của các tàu chủ lực đối phương.
- Chiến lược hiện diện kiểm soát mặt biển (fleet-in-being): Chiến lược này đã từng khiến Hải quân Đức gặp phải "mặc cảm số học" trước Hải quân Anh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Hải quân Đức đã đóng một số lượng lớn các tàu Dreadnought (loại tàu chiến chủ lực trang bị toàn pháo lớn, được đặt tên theo chiếc tàu đầu tiên của kiểu tàu này: chiếc HMS Dreadnought, gia nhập biên chế Hải quân Anh cuối năm 1906). Các tàu chiến này đều được thiết kế để chiếm ưu thế trước các đối thủ tương đương trong Hải quân Hoàng gia Anh, tuy nhiên nước Đức chưa bao giờ đạt được số tàu chiến bằng 2/3 Anh quốc. Đó chính là định nghĩa cổ điển của hạm đội hiện diện, một hạm đội giải quyết các vấn đề chiến lược với kẻ địch chỉ đơn giản bằng sự có mặt của mình trên biển.
Hạm đội hiện diện là một mối nguy lớn với đối phương, vì nó buộc hải quân địch phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Chúng luôn có khả năng tiêu diệt từng bộ phận hải quân địch nếu có cơ hội. Do vậy, những tàu chiến của hạm đội hiện diện ít nhất cũng phải tương đương với các đối thủ giả định của mình.
Vào đầu thập niên 1930, điều đó có nghĩa là chúng phải có lượng giãn nước khoảng 35.000 tấn, tốc độ khoảng 25 hải lí mỗi giờ (khoảng 46km/h), được trang bị pháo chính có kích cỡ từ 356-406mm và phải có khả năng bảo vệ chống lại các cỡ pháo kể trên từ khoảng cách thích hợp.
Thiết giáp hạm Bismarck - niềm tự hào của hải quân Đức
Cũng cần nói thêm rằng, Hải quân Đức đang bị ràng buộc bởi Hiệp ước Versailles ngày 28/06/1919 và các thỏa ước hải quân sau này. Hiệp ước này cho phép nước Đức thay thế các thiết giáp hạm đã cũ khi thân tàu đã sử dụng được 20 năm. Không những vậy, hiệp ước còn yêu cầu các tàu chiến được đóng mới để thay thế không được có lượng giãn nước tiêu chuẩn quá 10.000 tấn, và bất cứ pháo chính nào lớn hơn 280mm phải được sự phê chuẩn đặc biệt.
Để hiểu được những tác động to lớn của các hạn chế này lên các thiết kế tàu chiến, cần biết rằng lượng giãn nước sẽ "đóng khung" ba thông số chính của tàu chiến (hỏa lực, giáp bảo vệ và động lực) theo nguyên tắc tổng không đổi. Có nghĩa là nếu như con tàu được trang bị pháo lớn để gia tăng hỏa lực thì tất yếu sẽ phải giảm đi giáp bảo vệ. Thậm chí, ngay cả khi tăng lượng giãn nước cũng không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, vì nếu như kích thước thân tàu tăng lên thì sẽ cần nhiều khối lượng giáp để bảo vệ nó, và động cơ của tàu phải mạnh hơn để duy trì tốc độ.
Việc lựa chọn giữa ba chiến lược hải quân nêu trên đã khiến các chỉ huy Hải quân Đức do dự khá nhiều. Và sau cùng, thiết kế của các tàu chiến đã được dự liệu để có thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu của một trong ba chiến lược này.
Trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức đã đóng ba lớp tàu chủ lực, đó là:
- Lớp Deutschland: Sau rất nhiều sự mập mờ, thiết kế của loại tàu này mang nhiều đặc tính của các tàu phòng thủ bờ biển, và một chút của tàu ngăn chặn thương mại. Nhờ có khả năng đi biển dài phi thường, lớp Deutschland đã giành được nhiều thắng lợi trong việc săn tìm các tàu buôn đối phương.
- Lớp Schanhorst: được phát triển từ lớp Deutschland, thuần túy với vai trò tàu ngăn chặn thương mại, tốc độ đủ để thoát khỏi sự săn đuổi của các tàu chiến mạnh hơn, và hỏa lực áp đảo các tàu chiến yếu hơn mình.
- Lớp Bismarck: Lớp thiết giáp hạm cao tốc có thể sánh với bất kì tàu chiến đương thời nào. Chúng được đóng để chiến đấu với các thiết giáp hạm lớp Vua George V của Hải quân Hoàng gia Anh.
Ba lớp tàu chủ lực của hải quân Đức (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): Tàu Deutschland và Đô đốc Scheer thuộc lớp Deutschland; Tàu Gneisenau và Scharnhorst thuộc lớp Schanhorst; Tàu Bismarck và Tipitz thuộc lớp Bismarck.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực và cố gắng trong thiết kế và đóng tàu đã gần như trở thành vô ích khi không quân trở thành lực lượng tung đòn đánh chủ lực của hải quân. Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã đột kích Trân Châu Cảng và sau đó còn đánh chìm các tàu HMS Repulse và HMS Prince of Wales gần bờ biển Malaya ngày 10/12/1941. Điều đó đã khiến cho các tàu chủ lực được trang bị theo cách thức trước đó đã nhanh chóng trở nên lạc hậu. Và nó càng trở nên mỉa mai hơn khi trước đó nửa năm, chính thiết giáp hạm HMS Prince of Wales đã bắn phát đạn pháo kết liễu số phận thiết giáp hạm Bismarck.
Thanh Hoa
Theo_Kiến Thức
Lộ thông số tàu chiến ba thân của Hải quân Nga Tàu chiến ba thân do cục thiết kế hàng hải Zelenodolsk phát triển cho Hải quân Nga có lượng giãn nước 1.500 tấn, trang bị hệ thống pháo - tên lửa. Tàu chiến ba thân do cục thiết kế hàng hải Zelenodolsk phát triển cho Hải quân Nga có lượng giãn nước 1.500 tấn, trang bị hệ thống pháo - tên lửa. Navy...