Giải mã bí ẩn cận tử – khoa học nói gì? – Kỳ 5: Á, Âu có trải nghiệm cái chết giống nhau?
Văn hóa có thể tác động ở mức độ nhất định đến trải nghiệm cận kề cái chết nhưng đến nay không đủ dữ liệu nghiên cứu để chứng minh.
Tượng Yama (hay Yamraj, Yamaraja) trong đền thờ Ấn Độ giáo ở bang Himachal Pradesh (Ấn Độ) – Ảnh: aastik.in
Thời tiết trên bãi biển Tel Aviv (Israel) vào mùa hè vẫn như thường lệ. Trời nắng. Không khí ẩm. Những người lướt sóng luyện tập khi thủy triều xuống. Đột nhiên một cơn sóng cao bất thường ập tới đẩy cô gái Ila Or (18 tuổi) mắc kẹt trong đê chắn sóng. Cô uống một lượng lớn nước biển và bất tỉnh.
Họ đã khẳng định điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm là học cách yêu thương nhau.
RAYMOND MOODY
Không theo đạo vẫn có thể trải nghiệm cận tử kỳ lạ
26 năm sau, Ila Or kể lại câu chuyện sống sót trên báo Israel Hayom (Israel): “Tôi bắt đầu nhìn thấy toàn bộ cuộc đời diễn ra trước mắt như phim trình chiếu. Chào đời, học mẫu giáo, học trung học.
Lúc tôi nhìn thấy đám tang của mình, tôi nghe một tiếng động lớn và cảm thấy đang rời khỏi cơ thể từ từ bay lên. Từ trên cao, tôi quan sát cơ thể mình chìm xuống nước nhưng không cảm thấy đau đớn nữa.
Rồi tôi đến một đường hầm rất yên tĩnh. Ánh sáng trắng dẫn dắt tôi vào con đường sáng lạ thường. Tôi nhìn thấy hai bóng người mặc đồ trắng hỏi tên tôi và hỏi tôi có biết vì sao tôi lại ở đây không”.
Ila Or nhớ lại lúc đó rất sợ: “Họ kể cho tôi nghe những chuyện tốt và chuyện xấu tôi đã làm trong đời. Khi nhận ra mình đang bị phán xét, tôi bắt đầu hét lên kinh hoàng rằng tôi chưa sẵn sàng chết và họ phải cho tôi sống lại.
Tôi thuyết phục họ rằng tôi cần phải có con cái, thiên hướng của tôi là làm mẹ và tôi còn tương lai phía trước. Họ nhìn chằm chằm vào tôi cho đến khi một người đập búa và ra điều kiện nếu cho tôi trở về, tôi phải dâng hiến phần đời còn lại cho thượng đế.
Tôi đồng ý ngay và hỏi họ tôi trở về như thế nào. Họ nói rồi tôi sẽ thấy phép lạ”. Ngay sau đó Ila Or hồi tỉnh. Một thợ lặn đã kéo Ila Or lên mặt nước gần đê chắn sóng.
Chuyện kể về trải nghiệm cận kề cái chết của Ila Or ở Israel rất giống trải nghiệm của nhân chứng Julia Nicholson ở Mỹ.
Trong tuyển tập nghiên cứu Le Bon Passage (Pháp), nhà nghiên cứu Christophe Pérez ghi nhận: “Điều khiến các nhà khoa học băn khoăn là trải nghiệm cận kề cái chết mang tính chất phổ quát, nghĩa là trải nghiệm luôn bao gồm nhiều yếu tố giống nhau bất kể văn hóa, giới tính, tuổi tác, tôn giáo hay niềm tin.
Các nghiên cứu dù được thực hiện tại nhiều châu lục, trong các bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác nhau đều cho thấy các trải nghiệm cận kề cái chết bao gồm nhiều yếu tố giống nhau”.
TS Raymond Moody giải thích trên trang Mediapart (Pháp): “Tôi đã đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Nga, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, ở đâu mọi người cũng kể cho tôi nghe những điều cơ bản giống nhau.
Câu chuyện chỉ khác về hình tượng tôn giáo. Họ mượn hình ảnh từ truyền thống tôn giáo để giải thích những gì họ đã trải qua, nhưng thông thường họ lý giải: Tôi phải sử dụng từ ngữ theo truyền thống của tôi bởi đó là những từ ngữ tôi biết”.
Ông lưu ý nhiều người không theo tôn giáo nào vẫn có thể trải qua trải nghiệm cận kề cái chết.
Ông nhấn mạnh: “Dù vậy họ cho rằng có thế giới bên kia và có thượng đế. Điều này đã thay đổi đáng kể cuộc sống sau đó. Họ đã khẳng định điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm là học cách yêu thương nhau”.
Christophe Pérez kết luận tương tự: “Niềm tin tôn giáo không đóng vai trò gì trong trải nghiệm cận kề cái chết. Một người không tin đạo nào vẫn có trải nghiệm như tín hữu Công giáo dù họ giải thích các sự kiện khác nhau tùy theo văn hóa hoặc niềm tin tôn giáo của họ”.
Video đang HOT
Chi tiết phổ biến nhất trong các chuyện kể là luồng ánh sáng và họ lý giải luồng sáng đó là Chúa Kitô (tín hữu Công giáo), Đức Phật (phật tử), thiên thần (tín đồ Do Thái giáo) hay sinh vật ánh sáng (người không theo đạo nào).
Các nhân chứng giải thích luồng ánh sáng tùy theo niềm tin tôn giáo của họ – Ảnh: ouest-france.fr
Hai hướng nghiên cứu khác nhau
Trong bài viết Trải nghiệm cận kề cái chết – tổng hợp tài liệu nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học L’Année psychologique (Pháp), các nhà nghiên cứu Pháp nhận xét hiện nay giới khoa học có hai cách tiếp cận khác nhau:
* Trải nghiệm cận kề cái chết thay đổi tùy nền văn hóa: Một số nghiên cứu đã chứng minh các chuyện kể về trải nghiệm này có khác biệt đáng kể giữa các nước phương Tây và các nền văn hóa khác. Ví dụ được trích dẫn nhiều nhất xảy ra ở Ấn Độ.
Một buổi sáng năm 1958, ông Munnichinnappa lúc bấy giờ 12 tuổi rơi từ trên cây xuống bất tỉnh. Người thân được thông báo nạn nhân đã chết.
Khoảng 3h chiều ông tỉnh lại và kể lại ông bị đưa xuống diêm giới Yamaloka (hoặc Yamapatna), sau đó diêm chúa Yama (thần chết theo Ấn Độ giáo và Phật giáo) đã quyết định trả ông về trần gian.
Các chuyện kể ở phương Tây cho rằng luồng ánh sáng thường được liên kết với một nhân vật quan trọng (như Chúa, Phật) hoặc gắn với cảm giác yêu thương.
Ngược lại, tại một số quốc gia như Nhật, ánh sáng không được nhân cách hóa và không liên quan gì đến cảm xúc. Nhà nghiên cứu Keith Augustine (Mỹ) ghi nhận các biểu hiện về trải nghiệm cận kề cái chết ở Trung Quốc và Chile rất khác với chuyện kể ở phương Tây.
Ông giải thích trải nghiệm cận kề cái chết chịu ảnh hưởng bởi kỳ vọng của cá nhân về cái chết và cuộc sống sau khi chết trong khi kỳ vọng ấy thường liên quan chặt chẽ đến văn hóa và đặc biệt là tôn giáo.
* Trải nghiệm cận kề cái chết giống nhau giữa các nền văn hóa: Một số nghiên cứu ở Iran và Israel kết luận các chuyện kể về trải nghiệm này đều giống nhau giữa các nền văn hóa. Một số nhà khoa học lập luận thật ra các biểu hiện khác nhau chỉ mang tính chất bên ngoài và là cách giải thích khác cho cùng một hiện tượng.
Ba nhà nghiên cứu John Belanti, Mahendra Perera và Karuppiah Jagadheesan (Úc) kết luận dù các chuyện kể về trải nghiệm cận kề cái chết ở các nền văn hóa khác nhau có một số yếu tố khác biệt nhưng tựu trung vẫn có nhiều điểm tương đồng.
Tóm lại, văn hóa có thể tác động ở mức độ nhất định đến trải nghiệm cận kề cái chết nhưng đến nay không đủ dữ liệu nghiên cứu để chứng minh.
Nói chung phần lớn nghiên cứu chỉ dựa vào các chuyện kể trong khi phương pháp thu thập và phân tích chuyện kể lại rất khác nhau nên khó so sánh.
Ngoài ra, dù các nghiên cứu xem xét các nền văn hóa khác nhưng hầu hết lại được thực hiện ở các nước phương Tây, vì vậy vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu mới.
Nhiều người cận tử hay kể “nhìn thấy lại cuộc đời mình như cuốn phim”
Các biểu hiện như nhìn thấy đường hầm hoặc nhìn lại cuộc đời diễn ra rất ít xuất hiện trong các chuyện kể ở Ấn Độ. Nghiên cứu của TS Susan Blackmore (Anh) năm 1993 là nghiên cứu duy nhất đề cập đến đường hầm trong trải nghiệm cận kề cái chết của người Ấn Độ.
Ngược lại, một số biểu hiện không có trong chuyện kể ở phương Tây lại trở thành đặc điểm trung tâm trong các nền văn hóa khác.
Ví dụ do nhầm lẫn danh tính nên người sống sót được thần chết Yama trả về trần gian. Nhà nghiên cứu Todd Murphy (Canada) ghi nhận hiện tượng này được kể rất phổ biến ở Ấn Độ và Thái Lan. Murphy cũng ghi nhận “người Thái sợ địa ngục hơn người phương Tây”.
——————-
Trong nhiều năm, trải nghiệm cận kề cái chết được coi là ảo giác từ não hoặc hậu quả do sử dụng ma túy. Song vì sao não ngừng hoạt động nhưng trải nghiệm vẫn xảy ra? Nhiều giả thiết khoa học cố lý giải nhưng đến nay vẫn còn bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn.
Giải mã bí ẩn cận tử - khoa học nói gì? - Kỳ 3: Cận tử, từ đường hầm đến hiện tượng thoát xác
Một tài xế xe tải (55 tuổi) phải chịu phẫu thuật bắc cầu mạch vành cấp cứu. Sau ca mổ, bệnh nhân đã kể lại với TS Bruce Greyson câu chuyện trải nghiệm cận tử rất kỳ lạ.
Tuần báo The Observer (Anh) ngày 8-4-1979 đăng ảnh bìa minh họa hiện tượng thoát xác trong trải nghiệm cận kề cái chết - Ảnh: Carl Fischer
Lúc người này được gây mê toàn thân và các bác sĩ đã mở ngực, ông có cảm giác rời khỏi cơ thể của mình và nhìn xuống từ trên cao quan sát ca mổ. Ông đã thấy bác sĩ phẫu thuật vỗ vỗ khuỷu tay như thể đang cố bay lên.
"Từ 10-20% số bệnh nhân sống sót sau cơn suy tim kể lại đã trải qua trải nghiệm cận kề cái chết trong thời gian chết lâm sàng.ANICE HOLDEN
12 biểu hiện cơ bản được đúc kết
TS Bruce Greyson chuyên nghiên cứu tâm thần học và khoa học hành vi thần kinh tại Đại học Virginia (Mỹ), hiện nay là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về hiện tượng cận kề cái chết. Ông đã nghiên cứu hiện tượng cận tử kỳ lạ này trong hơn bốn thập niên.
Ông kể lại câu chuyện người tái xế xe tải nêu trên trên tạp chí Newsweek và khẳng định câu chuyện bệnh nhân mô tả hoàn toàn đúng sự thật.
Ông nói: "Sau khi bệnh nhân đồng ý, tôi đã trò chuyện với bác sĩ phẫu thuật của ông ấy và bác sĩ xác nhận điều đó là chính xác. Bác sĩ này có thói quen mang phong cách riêng. Khi bước vào phòng mổ, do không muốn chạm vào bất cứ thứ gì không vô trùng nên bác sĩ này đặt lòng bàn tay áp vào ngực rồi hướng dẫn cho các trợ lý bằng cách vỗ khuỷu tay".
Ông nhận xét: "Bạn có thể suy luận bệnh nhân đã nghe bác sĩ phẫu thuật nói đã làm điều đó hoặc ai đó nói lại điều đó với bệnh nhân, song như vậy không hợp lý. Đây là ca phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân chưa từng gặp bác sĩ phẫu thuật trước đó và không biết gì về bác sĩ này. Thế nhưng ngay sau khi tỉnh dậy sau ca mổ, bệnh nhân đã biết và mô tả tường tận ca mổ".
Trong tuyển tập Le Bon Passage dày 422 trang (NXB Presses Universitaires de Bordeaux thuộc Đại học Bordeaux Montaigne, Pháp) gồm nhiều tác giả, nhà nghiên cứu Christophe Pérez ghi nhận trải nghiệm cận kề cái chết được chia thành nhiều loại. Trường hợp phổ biến nhất và rõ ràng nhất được TS Raymond Moody xác lập bao gồm 12 biểu hiện như sau:
- Nhân chứng cho rằng ngôn ngữ thông thường không thể diễn đạt trung thực hoàn toàn trải nghiệm mà họ đã trải qua.
- Ban đầu nhân chứng cảm thấy bình yên và thanh thản. Nỗi đau thể xác hoàn toàn biến mất.
- Nhân chứng ý thức mình đã chết.
- Đôi lúc nhân chứng nghe tiếng ồn như tiếng vo ve.
- Hiện tượng thoát xác xảy ra. Nhân chứng cho rằng đã ở trên cơ thể và chứng kiến quá trình hồi sức của chính mình.
- Nhân chứng bị hút vào không gian tối mịt thường được mô tả như đường hầm hoặc đôi khi là thung lũng.
- Ở cuối đường hầm, nhân chứng bước vào một luồng ánh sáng. Ở đây họ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện và sự thông hiểu về ý nghĩa của tồn tại.
Trong luồng ánh sáng ấy, một số người kể đã gặp người thân và cha mẹ đã qua đời, đã nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời hoặc nghe tiếng nhạc véo von.
- Và rồi tầm nhìn toàn cảnh về quá khứ xuất hiện. Nhân chứng nhìn thấy toàn bộ quá trình cuộc sống diễn ra như đoạn phim.
- Nhân chứng cảm nhận được có một biên giới, một giới hạn mà vượt qua đó sẽ không thể quay lại được nữa.
- Cuối cùng nhân chứng quay trở lại thân xác của mình.
- Khi tỉnh dậy, nhân chứng tỏ ra thất vọng vì được hồi sinh và vì đã rời bỏ chốn tươi đẹp như mơ.
Bác sĩ Pim van Lommel - Ảnh: trouw.nl
Càng trẻ càng có thể qua trải nghiệm cận kề cái chết
Sau TS triết học - bác sĩ y khoa Raymond Moody ở Mỹ, các nghiên cứu về trải nghiệm cận kề cái chết gia tăng trên thế giới. Bác sĩ tim mạch Michael Sabom ở Florida (Mỹ) ban đầu hoài nghi hiện tượng cận kề cái chết. Ông nảy ra ý tưởng phỏng vấn trực tiếp các bệnh nhân sống sót sau khi ngừng tim trong bệnh viện.
Ông tiến hành khảo sát từ năm 1976-1980 và công bố nghiên cứu vào năm 1982. Ông là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu cận kề cái chết (IANDS) ra đời ở Mỹ vào năm 1981.
TS Bruce Greyson đã từng nghiên cứu trải nghiệm cận kề cái chết trên 1.595 bệnh nhân tại khoa tim Bệnh viện Đại học Virginia vào năm 2003. Cuối cùng là hai nghiên cứu lớn về trải nghiệm này ở Anh, một do TS Sam Parnia thực hiện vào năm 2001 và một do TS Penny Sartori thực hiện vào năm 2006.
Các nghiên cứu cho thấy trải nghiệm cận kề cái chết xảy ra đối với mọi độ tuổi dù già trẻ bé lớn, tuy nhiên tuổi càng trẻ, xác suất xảy ra trải nghiệm này cao hơn.
TS Janice Holden (Mỹ) giải thích người sống sót có nhiều khả năng gặp trải nghiệm này thường là người sợ chết hoặc người đã từng sống với những trải nghiệm sâu sắc khác như có thời gian quá đỗi đau buồn hay đã từng ngồi thiền quá lâu. Bà hiện là chủ tịch IANDS và tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu cận kề cái chết trực thuộc IANDS.
Nổi tiếng nhất là nghiên cứu ở Hà Lan do bác sĩ y khoa Pim van Lommel thực hiện. Nghiên cứu được chia làm hai giai đoạn với bảy bệnh viện tham gia. Giai đoạn đầu dài bốn năm (năm 1988-1992) nghiên cứu lời kể của các bệnh nhân sống sót sau ngừng tim. Giai đoạn hai dài tám năm (năm 1992-2000) nghiên cứu những thay đổi trong hành vi và cách nhìn nhận cuộc sống ở các bệnh nhân đã qua trải nghiệm cận kề cái chết.
Ở giai đoạn một, 344 bệnh nhân đã trải qua 509 lần hồi sức (tất cả đều đã chết lâm sàng) được phỏng vấn. 82% không nhớ gì hết và 18% cho biết có qua trải nghiệm cận kề cái chết (62 bệnh nhân).
Ở giai đoạn hai, nhóm bệnh nhân đã qua trải nghiệm cận kề cái chết ở giai đoạn một đã thay đổi lối sống rất rõ ràng so với nhóm bệnh nhân không qua trải nghiệm này. Ví dụ số bệnh nhân quan tâm đến tâm linh đã tăng 42% ở nhóm đầu và giảm 41% ở nhóm sau.
Nghiên cứu của Hà Lan đã được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet (Anh) vào tháng 12-2001, đã có tác động trên toàn thế giới và giành được nhiều giải thưởng khoa học.
Đường hầm với luồng ánh sáng chói lọi theo mô tả của người đã trải nghiệm cận kề cái chết - Ảnh: Adobe Stock
Chưa chứng minh được có cuộc sống khác sau chết
TS Raymond Moody khẳng định trải nghiệm cận kề cái chết không chứng minh được có cuộc sống khác sau khi chết. Ông giải thích trải nghiệm này chủ yếu dựa vào lời kể của các nhân chứng sống sót, tuy nhiên cần phân biệt rạch ròi giữa lời kể với sự thật. Bệnh nhân sống sót có thể là người thành thật, họ kể lại những gì đã nhìn thấy song lời kể chưa chắc đúng sự thật. Ví dụ người đi trong sa mạc nhìn thấy vũng nước nhưng sự thật đó chỉ là ảo giác.
Một số bệnh nhân sống sót thừa nhận có nói dối về việc đã trải qua trải nghiệm cận kề cái chết, vậy làm sao phân biệt ai nói thật và ai nói dối? Theo TS Moody, người thực sự đã qua trải nghiệm này thường có thái độ khiêm tốn, trầm tĩnh và sẵn sàng thừa nhận có nhiều điều họ không biết trong khi kẻ nói dối chỉ lo tập trung kể những câu chuyện khoe khoang chính cá nhân họ.
Giải mã bí ẩn cận tử - khoa học nói gì? - Kỳ 1: Hành trình vào cõi chết và hồi sinh Các nghiên cứu ghi nhận từ 10 - 20% số người sống sót sau khi tim ngừng đập kể lại đã qua trải nghiệm huyền bí cận kề cái chết. Các chuyện kể đều có nhiều chi tiết kỳ lạ trùng hợp nhau. Nữ diễn giả Julia Nicholson (giữa) và hai độc giả mua sách của bà - Ảnh: juliaanicholson.com Ngoài lý giải...