Giải đáp bí ẩn lớn nhất của kim tự tháp Ai Cập
Vì sao kim tự tháp Ai Cập lại nằm ở sa mạc xa xôi? Nghiên cứu mới cho biết một nhánh của sông Nile từng chảy qua vùng đất này.
Các kim tự tháp trong và xung quanh Giza đã mang đến những câu đố hấp dẫn và hóc búa cho giới nghiên cứu trong nhiều thiên niên kỷ. Người Ai Cập cổ đại đã di chuyển những khối đá vôi như thế nào? Tại sao họ có thể vận chuyển một số khối đá nặng hơn một tấn mà không cần dùng đến bánh xe? Tại sao những lăng mộ này lại được xây dựng ở vùng sa mạc xa xôi và khắc nghiệt?
Nghiên cứu mới – được công bố hôm 16/5 trên tạp chí Communications Earth & Environment – đã đưa ra câu trả lời khả dĩ, cung cấp bằng chứng mới cho thấy một nhánh sông Nile từng len lỏi qua vùng đất này, nơi từng có khí hậu ẩm ướt hơn nhiều. Nghiên cứu cho biết hàng chục kim tự tháp Ai Cập trải dài 65 km bao quanh tuyến đường thủy, bao gồm cả những công trình nổi tiếng nhất ở Giza.
Phát hiện nhánh sông cổ ở vùng sa mạc
Theo nghiên cứu, đường thủy cho phép công nhân vận chuyển đá và các vật liệu khác để xây dựng di tích. Những con đường đắp cao trải dài theo chiều ngang, nối các kim tự tháp với các cảng sông dọc theo bờ sông Nile.
Hạn hán kết hợp với hoạt động địa chấn rất có thể đã khiến dòng sông cạn dần theo thời gian và cuối cùng bị phù sa lấp đầy, loại bỏ hầu hết dấu vết của nó.
Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên dữ liệu từ vệ tinh gửi sóng radar xuyên qua bề mặt Trái Đất và phát hiện các đặc điểm ẩn giấu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn dựa vào các lõi trầm tích và bản đồ từ năm 1911 để khám phá, truy tìm dấu vết của tuyến đường thủy cổ xưa. Những công cụ này cũng đang giúp các nhà khoa học môi trường lập bản đồ sông Nile cổ đại, hiện bị bao phủ bởi cát sa mạc và các cánh đồng nông nghiệp.
Nhánh Ahramat của sông Nile chảy quanh các kim tự tháp Ai Cập. Ảnh: Eman Ghoneim.
Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia đã luôn nghi ngờ rằng thuyền giúp vận chuyển công nhân và vật liệu để xây dựng kim tự tháp. Một số nghiên cứu trước đây đã đưa ra các giả thuyết tương tự với nghiên cứu mới. Phát hiện mới củng cố lý thuyết và lập bản đồ một khu vực rộng lớn hơn nhiều.
Tác giả của nghiên cứu mới, Eman Ghoneim, giáo sư khoa học Trái Đất và đại dương tại Đại học North Carolina Wilmington, viết trong email: “Bản đồ hệ thống kênh cổ của sông Nile đã bị phân mảnh và cô lập. Người Ai Cập cổ đại sử dụng đường thủy để vận chuyển thường xuyên hơn chúng ta nghĩ”.
Nghiên cứu xem xét 31 kim tự tháp giữa Lisht, ngôi làng phía nam Cairo và Giza. Chúng được xây dựng trong khoảng 1.000 năm, bắt đầu từ khoảng 4.700 năm trước. Khu kim tự tháp chứa các ngôi mộ của hoàng gia Ai Cập cổ đại. Các quan chức cấp cao thường được chôn cất gần đó.
Một số khối đá granit được sử dụng có nguồn gốc từ các địa điểm cách nơi xây dựng hàng trăm dặm về phía nam. Peter Der Manuelian, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Harvard và là giám đốc Bảo tàng Phương Đông Cổ đại của Bảo tàng Harvard, cho biết trong một số trường hợp, các khối đá có thể nặng vài tấn.
Mở ra cánh cửa mới
Video đang HOT
Manuelian, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết bánh xe không được sử dụng để di chuyển các khối lớn, đó là lý do khiến các nhà nghiên cứu từ lâu nghi ngờ rằng người Ai Cập đã di chuyển vật liệu bằng nước.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng người Ai Cập cổ đại có thể đã đào kênh dẫn tới các khu vực kim tự tháp.
Manuelian cho biết: “Các kênh và hệ thống đường thủy đã được biết đến từ nhiều thập kỷ. Nhưng các nghiên cứu mới hơn cho thấy sông Nile gần các kim tự tháp hơn chúng ta từng nghĩ, và các công cụ mới có thể cung cấp một số bằng chứng. Khảo cổ học ngày càng khoa học hơn và bạn có hình ảnh vệ tinh, radar xuyên qua mặt đất”.
Ông nói thêm rằng nghiên cứu mới giúp cải thiện bản đồ của Ai Cập cổ đại.
Các phát hiện cho thấy cách đây hàng thiên niên kỷ, khí hậu Ai Cập nhìn chung ẩm ướt hơn và sông Nile có lượng nước dồi dào hơn. Con sông tách thành nhiều nhánh, một trong số đó – các nhà nghiên cứu gọi nó là nhánh Ahramat – dài khoảng 65 km.
Các vật liệu xây dựng kim tự tháp có thể được vận chuyển bằng đường sông. Ảnh: Bloomberg.
Các vật liệu xây dựng kim tự tháp có thể được vận chuyển bằng đường sông. Ảnh: Bloomberg.
Theo tác giả, các khu kim tự tháp được đưa vào nghiên cứu và các ước tính liên quan đến nhánh sông khi mực nước dâng lên, chảy qua nhiều thế kỷ khá tương đồng về mặt thời gian cũng như vị trí.
Ngoài ra, một số kim tự tháp và đường đắp cao dường như nằm thẳng hàng với lòng sông cổ, điều này cho thấy rằng chúng được kết nối trực tiếp với sông và rất có thể được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng.
Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên một nghiên cứu khác vào năm 2022, trong đó sử dụng bằng chứng cổ xưa về các hạt phấn hoa từ các loài cây sống ở đầm lầy để gợi ý rằng có một tuyến đường thủy từng cắt qua sa mạc ngày nay.
Hader Sheisha, tác giả của nghiên cứu đó, hiện là phó giáo sư khoa lịch sử tự nhiên tại Bảo tàng Đại học Bergen, cho biết những phát hiện mới bổ sung bằng chứng rất cần thiết để củng cố và mở rộng lý thuyết.
“Nghiên cứu mới phù hợp với nghiên cứu của chúng tôi. Nó cho thấy rằng khi các kim tự tháp được xây dựng, cảnh quan lúc đó khác với những gì chúng ta thấy ngày nay và người Ai Cập cổ đại có thể tương tác với thế giới vật chất của họ, khai thác môi trường như thế nào để tạo ra các công trình vĩ đại”, Sheisha nói.
Ghoneim và nhóm của bà giải thích trong nghiên cứu rằng nhánh sông Ahramat đã dịch chuyển về phía đông theo thời gian, một quá trình có thể được thúc đẩy bởi hạn hán khoảng 4.050 năm trước. Sau đó, nó dần dần cạn kiệt, chỉ để lại một lớp phù sa bao phủ.
Ghoneim cho biết nhóm của bà có kế hoạch mở rộng bản đồ và nỗ lực phát hiện thêm các nhánh bị chôn vùi của vùng đồng bằng sông Nile. Việc xác định đường đi và hình dạng của nhánh sông cổ có thể giúp nhà nghiên cứu xác định vị trí tàn tích các khu định cư hoặc địa điểm chưa được khám phá trước khi những khu vực này được xây dựng lại.
Manuelian nói rằng ngày nay, nhà ở gần như tiến thẳng đến rìa cao nguyên Giza. “Ai Cập là một bảo tàng ngoài trời rộng lớn và còn nhiều điều cần được khám phá”.
Từ sinh vật nào con người nghĩ ra hình tượng rồng?
Rồng xuất hiện độc lập trong nghệ thuật, thần thoại, văn hóa dân gian của nhiều quốc gia và nền văn minh trong suốt lịch sử.
Sự đa dạng đó khiến nhiều người tò mò về nguồn gốc của sinh vật huyền thoại này.
Một bức tượng rồng ở Slovenia. Ảnh: Wikipedia
Theo một số học giả, hình tượng con rồng được phát triển độc lập ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ và nước Úc. Bằng cách nào điều này có thể xảy ra? Nhiều chuyên gia cho rằng hình tượng rồng có thể được truyền cảm hứng từ các động vật có thật.
Rắn
Adrienne Mayor, một nhà sử học người Mỹ, cho rằng hình tượng rồng dựa trên kiến thức dân gian hoặc sự phóng đại về các loài bò sát còn sống ngày nay.
Theo trang Heritage Daily, một trong những mô tả sớm nhất về loài rồng là chúng giống như những con rắn khổng lồ trong thần thoại của vùng Cận Đông cổ đại.
The Enigmatic Book of the Netherworld (tạm dịch: Cuốn sách bí ẩn về thế giới địa ngục), một văn bản tang lễ của người Ai cập cổ đại được tìm thấy trong lăng mộ vua Tutankhamun, đã mô tả Ouroboros - một biểu tượng cổ xưa - là hình ảnh một con rắn hoặc một con rồng đang ăn đuôi của chính nó. Biểu tượng này vẫn tồn tại ở Ai Cập cho đến thời La Mã, khi nó thường xuyên xuất hiện trên các lá bùa phép thuật.
Một bức ảnh về Ouroboros. Ảnh: Wikipedia
Trong văn học ở Iran, những con rồng như Aži Dahāka có nghĩa là "con rắn lớn", là hiện thân của tội lỗi và lòng tham.
Trong thần thoại Philippines, Bakunawa là một con rồng có hình dạng giống rắn, được cho là nguyên nhân gây ra nhật thực, động đất, mưa và gió.
Ấn Độ cũng có truyền thuyết riêng về rồng liên quan đến rắn. Rigveda - một tuyển tập các bài thánh ca tiếng Phạn Vệ Đà (ngôn ngữ cổ), mô tả cách thần bão tố Indra chiến đấu với Vrtra, con rồng khổng lồ có hình dạng như rắn.
Khủng long
Theo tạp chí khoa học Smithsonian, nhiều người cổ đại có thể đã phát hiện ra hóa thạch khủng long và cho rằng đó là xương cốt của rồng. Chang Qu, một sử gia Trung Quốc ở thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, từng tuyên bố phát hiện "xương rồng" ở khu vực là tỉnh Tứ Xuyên ngày nay. Nhưng thực tế, đó là xương của khủng long.
Nhà thờ Wawel (Ba Lan), nơi treo nhiều xương được cho là của rồng Wawel, nhưng các nhà khoa học xác định số xương đó là thuộc về một động vật có vú thuộc kỷ Pleistocene (kết thúc cách đây 11.700 năm).
Một hóa thạch xương lớn treo bên ngoài nhà thờ Wawel. Ảnh: X
Cá sấu sông Nile
Có nguồn gốc từ châu Phi, cá sấu sông Nile có thể là nguồn cảm hứng về truyền thuyết rồng ở châu Âu khi chúng bơi qua Địa Trung Hải để tới Ý hoặc Hy Lạp.
Cá sấu sông Nile là một trong những loài cá sấu lớn nhất, có thể dài tới 5,4m. Khác các loài cá sấu khác, cá sấu sông Nile có thể "đi bộ cao" với phần thân được nâng khỏi mặt đất. Một con cá sấu khổng lồ, chậm chạp rất có thể là hình tượng cho loài rồng, theo tạp chí khoa học và tự nhiên Smithsonian.
Thằn lằn Goanna
Thằn lằn Goanna. Ảnh: Ballarat Wildlife Park
Úc được xem là "nhà" của thằn lằn Goanna. Loài bò sát săn mồi to lớn này có hàm răng và móng vuốt sắc như dao. Chúng cũng là một phần quan trọng trong văn hóa dân gian truyền thống của thổ dân Úc. Một số nghiên cứu còn cho thấy, Goanna có thể tiết ra nọc độc khiến vết thương của nạn nhân bị nhiễm trùng sau khi bị tấn công. Ít nhất là ở Úc, loài thằn lằn này có thể là nguồn cảm hứng để người Úc sáng tạo ra hình tượng rồng.
Cá voi
Theo tạp chí Smithsonian, một số chuyên gia cho rằng việc phát hiện ra các loài động vật cỡ lớn như cá voi đã khơi gợi những câu chuyện về rồng. Người cổ đại khi thấy xương cá voi sẽ không thể biết đó là một loài sống dưới biển. Và với một sinh vật khổng lồ như vậy, họ rất dễ nhầm lẫn đó là một động vật săn mồi.
Bí ẩn hơn 200 kim tự tháp giữa sa mạc Nằm ở vùng sa mạc phía Tây Sudan, bên bờ sông Nile huyền thoại có gần 200 kim tự tháp cổ. Các kim tự tháp ở đây được xây dựng làm lăng mộ cho các thành viên gia đình hoàng gia. Nằm ở vùng sa mạc phía Tây Sudan, bên bờ con sông Nile huyền thoại là quần thể di tích kim tự...