Giải cứu nạn nhân bị buôn bán: Tiền hỗ trợ chỉ đủ… cầm hơi!
Thông tin được đưa ra tại phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người giai đoạn 2012 – 2017 do UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 22/8, mức hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân bị buôn bán chỉ 30.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ tiền thuốc thông thường chỉ 50.000 đồng/người…
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu nhận định khái quát, nguồn lực cho công tác phòng chống mua bán người “rất có vấn đề”.
Báo cáo của UB Tư pháp cũng nhấn mạnh, Luật Phòng chống mua bán người quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về sớm tái hoà nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ theo quy định của luật.
Đáng chú ý là mức hỗ trợ tiền ăn cho nạn nhân trong thời gian tạm trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định hiện nay là rất thấp, chỉ 30.000 đồng/người/ngày, bằng mức ăn của các đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Còn hỗ trợ tiền thuốc thông thường 50.000 đồng/người là không phù hợp với nhu cầu nạn nhân vừa được giải cứu trở về.
Ngoài ra, thủ tục làm hồ sơ để thực hiện ban đầu còn quá rườm rà, gây khó khăn cho nạn nhân.
Ví dụ, theo quy định tại nghị định 09/2013 thì để nhận được 1 triệu đồng tiền trợ cấp khó khăn ban đầu thì hồ sơ đề nghị gồm: đơn theo mẫu, phải có xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã và văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận người đề nghị hỗ trợ là nạn nhân.
Trong thực tế, ở nhiều địa phương do thủ tục rườm rà như vậy nên nhiều nạn nhân đã bỏ không làm thủ tục để nhận khoản hỗ trợ này, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết.
Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về nước
Từ thực tế khảo sát, uỷ viên Thường trực UB Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhận xét, việc hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về có rất nhiều hạn chế. Khi nạn nhân được giải cứu xong, pháp luật quy định rõ ràng là được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm sinh lý, sức khỏe, trợ giúp pháp lý, học nghề… Tuy nhiên quá trình thực hiện nhiều địa phương chưa quan tâm.
“Chúng tôi về làm việc với trung tâm bảo trợ xã hội của một số tỉnh, khi tiếp nhận nạn nhân trở về, nạn nhân chỉ ở từ một đến hai ngày, hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ gì nhiều, lập tức đã bị đưa về địa phương, gia đình. Tất nhiên có thể do nạn nhân có nhu cầu, nhưng còn có lý do gì khác không khi họ không lưu trú lâu hơn? Sau khi đưa về địa phương thì trung tâm này hầu như không nắm được họ trở về địa phương làm gì, như thế nào, có bị mua bán tiếp tục không, có tái hòa nhập cộng đồng tốt hay không?” – bà Hoa phát biểu.
Theo bà Hoa, mức hỗ trợ cho nạn nhân đã rất lạc hậu rồi nhưng thời gian qua không xem xét để sửa đổi, bổ sung. Một nạn nhân được hỗ trợ 30 nghìn đồng tiền ăn/người/ngày, bằng mức của nạn nhân ở trung tâm bảo trợ xã hội.
Video đang HOT
Bà Hoa so sánh chế độ hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán với chính sách dành cho các phạm nhân ở trại giam. Phạm nhân tham gia lao động sản xuất, mức ăn có thể được tăng thêm trong khi nạn nhân bị mua bán trở về, mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày chỉ đủ sức để… cầm hơi, thoi thóp. Mức hỗ trợ đó, theo đại biểu, không phù hợp với người vừa trở về, bị suy kiệt, đói rét bao ngày băng rừng vượt suối tìm đường quay về Việt Nam, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người.
Tiền thuốc 50.000/người, theo bà Hoa thì cũng chỉ đủ mua cồn i ốt, thuốc đỏ vệ sinh vết thương xây xát, chống cảm cúm thông thường… chứ không đủ cho việc thăm khám sức khỏe nạn nhân. Tiền mua quần áo cũng rất hạn hẹp…
Tiền hỗ trợ 1 triệu đồng, với thủ tục khó khăn lằng nhằng như vậy, nhiều nạn nhân sẵn sàng bỏ, không nhận số tiền ấy vì quá nhiêu khê, phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội sớm đề xuất sửa đổi những văn bản này để việc hỗ trợ nạn nhân thiết thực hơn, đại biểu Hoa đề nghị.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nêu yêu cầu: “Chúng tôi rất muốn biết từ năm 2012-2017, về thực chất, chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền cho công tác này (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ – PV). Trong đó, tiền chi cho bộ máy là bao nhiêu, tiền chi cho nạn nhân chiếm bao nhiêu? Nếu tiền chi cho bộ máy chiếm phần lớn, tiền chi cho nạn nhân không đáng kể là có vấn đề”.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, tổng kinh phí được phê duyệt nằm trong chương trình phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011- 2015 là 720 tỷ đồng nhưng thực hiện thì không được như vậy.
Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, theo thống kê sơ bộ hàng năm kinh phí Trung ương dành trên dưới 8 tỷ đồng, còn lại nằm trong kinh phí thường xuyên của các bộ ngành nên tình hình thực tế rất khó khăn.
Cũng thừa nhận là mức hỗ trợ cho nạn nhân là thấp, song Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung “đính chính”, chính sách cho đối tượng này không phải thấp nhất trong các đối tượng bảo trợ xã hội. Ông Dung cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để đề xuất nâng chính sách hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán lên chứ thấp như vậy rõ ràng “không sống được”.
P.Thảo
Theo Dantri
Bị dân kiện, nhiều Chủ tịch tỉnh chây ì thi hành án
Đây là kết luận khái quát thể hiện trong dự thảo báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh, được UB Tư pháp của Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp sáng nay, 22/8.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh vấn đề giám sát là chủ đề nóng bỏng, được dư luận và nhân dân rất quan tâm.
Bà Nga phân tích, đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền, bản thân quan hệ này đã hàm chứa sự bất bình đẳng. Qua giám sát cho thấy kết quả đạt được cũng nhiều và những tồn tại hạn chế cũng không ít.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 10 của UB
189 vụ kiện tại Hà Nội chưa vụ nào có Chủ tịch UBND dự tòa
Theo kết quả giám sát, trong 3 năm 2015 - 2017, cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, người đứng đầu các cơ quan này bị khiếu kiện đến toà án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính.
Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị toà án tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Có những địa phương tỷ lệ bị tuyên huỷ chiếm tỷ lệ khá cao như An Giang 81%, Quảng Nam 55,76%; Hải Dương 31,58%...
Báo cáo giám sát nêu rõ, một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ chủ tịch uỷ ban nhân dân và người đại diện của uỷ ban nhân dân không tham gia phiên toà có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiên luật tố tụng hành chính 2015. Cụ thể, năm 2015 là gần 11%; năm 2016 là gần 22% và đến 2017 tăng đến gần 32%.
Đáng chú ý, có những địa phương, sau khi luật tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản uỷ quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên toà nào.
Điển hình, trong 3 năm, TAND Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tham gia tố tụng.
Tại TPHCM, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch và đại diện UBND vắng mặt tại toà án thành phố.
Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của toà án, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được uỷ quyền có văn bản gửi toà án được đề nghị vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà toà án triệu tập.
Lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được UBND các địa phương nêu đều do "bận công tác" và do luật thu hẹp phạm vi người được uỷ quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 dẫn đến khó khăn.
Song, báo cáo giám sát nêu rõ, thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch và người đại diện uỷ ban vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc.
Chẳng hạn Đồng Tháp trong 142 vụ Chủ tịch và người đại diện tham gia 100% phiên đối thoại và 96,5% phiên toà.
Ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ (Hải Phòng vắng 17/17 vụ, Bắc Giang vắng 53/56 vụ...).
Lãnh đạo chây ì thi hành án
Chủ nhiệm UB Tư pháp nhận xét, lẽ ra phải là những người gương mẫu nhất thì nhiều Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh lại chây ì trong thi hành án.
Theo báo cáo giám sát, đến thời điểm hiện nay, báo cáo của Chính phủ cho biết còn 36 bản án, quyết định chưa được Chủ tịch uỷ ban và UBND thi hành.
Việc này, theo cơ quan giám sát là gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành.
Đoàn giám sát khái quát, đối tượng phải thi hành án loại này là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Cơ quan giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định của hành chính của toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Lý do chưa thi hành án được một số Chủ tịch, UBND đưa ra là không đồng tình với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án và đang kiến nghị toà án xem lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo đoàn giám sát thì lý do này không phù hợp với quy định của luật.
Trong ba năm, nhiều trường hợp Chủ tịch và UBND không tự nguyện thi hành án, dẫn đến người dân phải có đơn đề nghị và toà án đã phải ra 70 quyết định buộc thi hành án, cho thấy sự chưa gương mẫu chấp hành pháp luật, chưa đề cao trách nhiệm trước nhân dân của một số cơ quan chính quyền địa phương, đoàn giám sát đánh giá.
P.Thảo
Theo Dantri
Nhiều sinh viên được chọn theo chương trình Au Pair bị bạo hành ở Mỹ? Nhiều sinh viên nước ngoài, phần lớn là nữ, được chọn đến Mỹ theo chương trình Au Pair đối mặt nguy cơ bị giật lương, bạo hành và thậm chí trở thành nạn nhân của nạn buôn người, theo một báo cáo mới. Phần giới thiệu chương trình Au Pair của Bộ Ngoại giao Mỹ - CHỤP MÀN HÌNH J1VISA.STATE.GOV Báo cáo nói...