Giấc mơ một Việt Nam công nghệ
Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNG Vương Quang Khải chia sẻ ước mơ về một Việt Nam công nghệ ở đẳng cấp thế giới.
Làn sóng mobile
Trong những thập kỷ gần đây, nhân loại đã chứng kiến nhiều làn sóng thay đổi cách mạng như công nghiệp điện tử, phần cứng và phần mềm máy tính, Internet, và mới đây nhất là mobile với smartphone và 3G. Khi bắt đầu một làn sóng công nghệ mới, khoảng cách tri thức giữa các quốc gia đã và đang phát triển không quá lớn. Những đất nước nhỏ, nghèo, bị chiến tranh tàn phá như 4 con hổ châu Á đều đã rất khéo léo trong việc “lướt sóng” để có thể tích lũy được nguồn lực công nghệ và trở thành cường quốc.
Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNG.
Video đang HOT
Việt Nam vừa mới thoát khỏi danh sách các nước nghèo nhất thế giới. GDP đầu người đang ở mức 1730 USD so với chuẩn nghèo là 1035 USD. Tuy nhiên, nhờ có chính sách đầu tư đúng đắn, chúng ta lại là một trong số ít quốc gia đang phát triển có hạ tầng Internet và 3G rất phổ biến. Lượng người sử dụng 3G lên tới con số 20 triệu, hơn 20% dân số, và phát triển rất nhanh. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để lướt cùng làn sóng mobile.
Hành trang công nghệ
Để phát triển công nghệ, yếu tố quan trọng nhất là khả năng suy nghĩ đơn giản và tập trung chăm chút từng chi tiết nhỏ. Hầu hết, chúng ta đều mong muốn phát triển các sản phẩm hoành tráng, công nghệ cao như hệ điều hành, máy tìm kiếm. Tuy nhiên, với các dòng sản phẩm này, khoảng cách về trình độ giữa Việt Nam và các nước phát triển lên tới 5 đến 10 năm. Ngược lại, với những sản phẩm trên mobile, do cuộc cách mạng mới chỉ bắt đầu, khoảng cách chỉ là 2 tới 3 năm và chúng ta hoàn toàn có cơ hội bắt kịp. Ở VNG, chúng tôi đã không thành công trong việc chạy đua tính năng giữa mạng xã hội Zing Me và Facebook. Rút kinh nghiệm đó, OTT Zalo chỉ tập trung hoàn thiện tính năng cơ bản nhất: gửi nhận tin nhắn nhanh, ổn định.
Yếu tố quan trọng thứ hai là tư duy toàn cầu. Với sự phát triển của các nền tảng mở như Google, Apple, Facebook, việc kinh doanh là không biên giới. Một sản phẩm của một lập trình viên Việt Nam đơn lẻ như Flappy Bird có thể nhanh chóng tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới. Ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng phải đối đầu với những người khổng lồ quốc tế hơn hẳn cả về trình độ, tài chính và kinh nghiệm. Đối với đơn vị công nghệ, việc chọn lựa ngách thị trường đúng để tập trung nguồn lực là quan trọng hơn bao giờ hết. Các thị trường như tin tức, âm nhạc, game, thương mại điện tử thường cần nhiều nỗ lực để bản địa hóa và vận hành hàng ngày, là những nơi chúng ta có nhiều khả năng thành công.
Thách thức nhân sự
Để nắm bắt các cơ hội, yếu tố quan trọng nhất luôn là con người. Thách thức lớn hiện tại của VNG là xây dựng được đội ngũ kỹ sư đạt chuẩn quốc tế. Đây là bài toán khó vì việc tích lũy năng lực mất rất nhiều thời gian. Các công ty công nghệ châu Á thường có bộ khung nhân sự với kinh nghiệm làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khu vực của Google, Microsoft, Motorola. Vì thế, rất cần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài lập trung tâm nghiên cứu phát triển (chứ không chỉ mở nhà máy) ở Việt Nam. Đây sẽ là nguồn nhân lực rất giá trị trong tương lai.
Nguồn bổ sung quan trọng tiếp theo là chuyên gia đang làm việc ở các nước phát triển. Tuy nhiên, hiện nay rất khó để thu hút nguồn chất xám nay, vì các kỹ sư mobile đang được săn đón và đãi ngộ quá tốt ở Silicon Valley. Cách tiếp cận hiện nay của chúng tôi là tìm cách thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn ngắn hạn, để giải quyết các vấn đề trước mắt, trong lúc tự xây dựng nguồn lực lâu dài.
Là một công ty được thành lập với khát vọng “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống con người Việt Nam”, VNG hiện đầu tư phát triển nhiều sản phẩm mobile như OTT Zalo, Zing MP3, Baomoi, LabanKey. Cùng chia sẻ ước mơ lãng mạn về công nghệ đẳng cấp thế giới, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để tích lũy kiến thức và phát triển các sản phẩm riêng cho người Việt.
Theo VnEconomy
Zalo: 10 triệu người dùng, 120 triệu tin nhắn/ngày
Với việc cán mốc 10 triệu người dùng, Zalo cũng đồng thời đạt được con số 120 triệu tin nhắn trao đổi qua hệ thống mỗi ngày. Như vậy sau 1 năm tính từ tháng 3.2013, Zalo đã tăng trưởng gấp 10 về số người dùng và 12 lần về số lượng tin nhắn qua hệ thống.
Zalo là ứng dụng Việt Nam duy nhất được cài đặt sẵn trên Nokia X - smartphone chiến lược tầm giá thấp của Nokia vừa được tung vào thị trường Việt Nam đầu tháng 3.2014. Theo ông Vương Quang Khải - Phó Tổng giám đốc Cty VNG, phiên bản Zalo 2.0 với những thay đổi đáng kể về giao diện và tính năng sẽ có mặt trên các kho ứng dụng quốc tế trong tháng 4 tới.
Trong hạng mục ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên Google Play, hiện Zalo chỉ xếp sau Facebook song đứng trên Facebook Messenger hay Viber là những ứng dụng OTT được tin dùng nhất tại Việt Nam hiện nay. Chính vì thế, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã dùng Zalo làm công cụ quảng bá cho các chương trình hoạt động hay sản phẩm và dịch vụ của mình, như Văn phòng Chính phủ chọn làm kênh truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) sử dụng Zalo làm cầu nối để cộng đồng gửi những lời nhắn động viên đến nhân dân và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Nhiều nhãn hàng toàn cầu như McDonald's, Coke, Domino's Pizza, Lotte... chọn Zalo làm kênh tiếp cận và chăm sóc khách hàng; điển hình nhất là trong đợt chuẩn bị khai trương cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Baolaodong
Trả lương 2.000 USD/tháng, doanh nghiệp Nhật 'vợt' nhiều kỹ sư phần mềm Việt Doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao tới 1.500 - 2.000 USD/tháng để tuyển dụng kỹ sư phần mềm biết tiếng Nhật khiến các doanh nghiệp Việt Nam lo ngay ngáy mất người. Chưa tìm được hướng khắc phục vấn nạn nhân viên "nhảy việc" sang nơi có chế độ lương thưởng ưu đãi hơn, các doanh...