“Giấc mơ” cho người nhập cư Mỹ
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chính sách nhập cư mới, giúp gần 1 triệu người nhập cư lậu vào nước này thoát khỏi mối đe dọa bị trục xuất, được nhiều người ủng hộ nhưng cũng bị cho là mang động cơ chính trị.
Sinh viên Đại học California tham dự buổi lễ tốt nghiệp dành riêng cho các sinh viên nhập cư bất hợp pháp – Ảnh: Reuters
Theo báo New York Times, chính sách của ông Obama áp dụng với những người nhập cư lậu vào Mỹ từ khi còn nhỏ (dưới 16 tuổi), hiện không quá 30 tuổi, ở Mỹ ít nhất năm năm, đang đi học hoặc đã tốt nghiệp trung học hoặc đã phục vụ trong quân ngũ và chưa phạm tội ác nào. Những đối tượng được áp dụng theo chính sách này tuy không được cấp phép lưu trú dài hạn, nhưng được đăng ký giấy phép làm việc và sau này có cơ hội được nhập tịch.
Video đang HOT
Dự luật “Phát triển, trợ cấp và giáo dục cho người nhập cư vị thành niên” (viết tắt là DREAM, nghĩa là “giấc mơ”) được Hạ viện Mỹ, với đảng Dân chủ chiếm đa số, thông qua năm 2010. Tuy nhiên tại thượng viện, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bác dự luật này. Tuy nhiên ông Obama đã vượt qua rào cản Quốc hội khi ra sắc lệnh áp dụng nhiều biện pháp có trong dự luật DREAM.
Điều đúng đắn phải làm
Reuters cho biết nói về quyết định của mình, ông Obama khẳng định: “Đây không phải là sự ân xá hay sự miễn trừ. Đây chỉ là điều đúng đắn phải làm”. Justino Mora, một sinh viên ngành công nghệ thông tin 22 tuổi ở ĐH California, vui mừng nói chính sách mới này thật sự thay đổi cuộc đời mình. Anh đến Mỹ năm 11 tuổi cùng mẹ từ Mexico. “Tôi sẽ có cơ hội gây dựng việc kinh doanh riêng, hỗ trợ tài chính cho gia đình và tạo ra việc làm mà nước Mỹ đang cần” – Mora chia sẻ.
Cô Yolanda Medina, 18 tuổi, nhập cư trái phép vào Mỹ năm 3 tuổi, tâm sự: “Hầu hết những người như chúng tôi bị buộc phải làm các công việc như lau dọn, rửa xe hay trông trẻ trong khi chúng tôi có khả năng làm nhiều việc tốt hơn”. Ước tính có khoảng 800.000 người nhập cư trái phép như Mora và Medina sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới này và không còn phải “sống trong bóng tối”. Họ có thể có giấy phép làm việc đàng hoàng và có cơ hội xin được việc tốt hơn mà không lo bị trục xuất.
Nhiều tờ báo, hãng tin Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ chính sách này. “Ông Obama mơ một giấc mơ lớn” – báo New York Daily News viết. Báo này mô tả quyết định của ông Obama là dũng cảm và nhân đạo. Hãng tin CNN nhận định đây là chính sách tốt và hành động chính trị tốt. Báo Chicago Tribune cũng nhấn mạnh đây là bước đi đúng hướng và có lợi cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, không ít người Mỹ phản đối ông Obama. CNN dẫn lời người thất nghiệp 50 tuổi Mark Renner ở Phoenix thì gọi chính sách mới này là chuyện nực cười. “Vấn đề là họ đến đây một cách bất hợp pháp và giờ họ được đối xử tốt hơn công dân Mỹ – ông Renner nói – Họ lấy đi việc làm, tiêu chuẩn chăm sóc y tế của chúng tôi”.
Động cơ chính trị?
Chính sách nhập cư mới này cũng bị ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney và các nghị sĩ đảng này phản đối. Theo báo Washington Post, ông Romney chỉ trích chính sách nhập cư mang động cơ chính trị và chỉ là chiêu giành tình cảm của dân nhập cư trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Thượng nghị sĩ John McCain cũng cho rằng chính sách nhập cư mới chỉ làm quy chế nhập cư thêm lộn xộn và bất định.
Hiện có khoảng 11,5 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ, hầu hết là người gốc Latin (đến từ Mexico, Puerto Rico, Trung Mỹ, Nam Mỹ…). Trong số hơn 300 triệu dân Mỹ thì có đến 51 triệu là người gốc Latin. Chính sách tác động đến hầu hết những người nhập cư lậu gốc Latin này cũng sẽ tác động đến số lượng cử tri gốc Latin đông đảo kể trên.
CNN bình luận ông Romney và đảng Cộng hòa đã làm mất lòng 51 triệu người Mỹ gốc Latin. “Sự thật là sẽ chẳng cử tri nào lắng nghe một bài phát biểu về kinh tế của một ứng cử viên muốn trục xuất mẹ của họ”. Thăm dò do NBC và báo Wall Street Journal thực hiện cho thấy ông Obama hiện đang dẫn trước ông Romney trong cộng đồng cử tri Latin với tỉ lệ ủng hộ 61%. Ông Romney chỉ có 27%.
Một cuộc thăm dò khác của Gallup cũng cho thấy 66% số người được hỏi cho rằng người nhập cư là một điều tốt cho nước Mỹ. “Chừng nào tôi còn làm tổng thống thì tôi sẽ không từ bỏ vấn đề này” – ông Obama khẳng định.
Theo Tuổi Trẻ