Giá xăng dầu liên tục ‘lập đỉnh’ khiến CPI tháng 6 tăng 0,69%
Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển, là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước.
Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TTXVN.
Nếu so với tháng 12/2021, CPI tháng 6/2022 tăng 3,18% và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý II/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98% điểm phần trăm.
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022 sáng 29/6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Lãnh đạo TCTK chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi nguồn cung bị đứt gãy khiến giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina càng đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao và thế giới có nguy cơ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lạm phát tại nhiều nước đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tại Châu Á, lạm phát tháng 5/2022 của Thái Lan tăng 7,1%; Hàn Quốc tăng 5,4%; Indonesia tăng 3,55%; Nhật Bản tăng 2,5%; Trung Quốc tăng 2,1%.
Video đang HOT
Trong nước, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.
Chỉ ra các yếu tố làm tăng CPI trong quý II/2022, Tổng cục trưởng TCTK cho biết: Bình quân quý II/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân quý II/2022 giá gas tăng 30,99% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.
Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý II/2022 tăng 7,81% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, quý II tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý II năm 2022 như: Giá thịt lợn bình quân quý II/2022 giảm 18,65% so với cùng kỳ năm trước do dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo, làm CPI giảm 0,63 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục quý II giảm 2,86% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI giảm 0,16 điểm phần trăm.
Giá thuê nhà ở quý II năm nay giảm 12,33% so với cùng kỳ năm trước do từ 6 tháng cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà, tác động làm CPI giảm 0,06 điểm phần trăm.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh: Đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraina còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. “Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của TP Hồ Chí Minh tăng 0,22%
Ngày 30/5, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,22% so với tháng trước; trong đó có 2/11 nhóm giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 2,2%).
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Saigon Co.op trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp. Ảnh tư liệu: An Hiếu/TTXVN
Về diễn biến giá cụ thể một số nhóm ngành hàng so với tháng trước, Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,03%; trong đó nhóm lương thực tăng 1,29% với giá gạo tăng cao là 1,75%; nhóm thực phẩm giảm 0,24%, mức giảm thấp nhất là nhóm rau tươi, khô và chế biến với 1,4%; kế đến là nhóm thịt gia súc giảm 1,16% do nguồn cung dồi dào.
Nhóm tăng cao nhất trong nhóm thực phẩm là dầu mỡ ăn và chất béo khác, tăng 3,56% do ảnh hưởng giá dầu thực vật tăng 3,83% khi Bộ Nông nghiệp Indonesia cấm doanh nghiệp nước này xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn với thời hạn không xác định, điều này khiến giá dầu cọ trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Cùng chiều hướng tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng, tăng 0,003%; trong đó tăng cao nhất là điện sinh hoạt tăng 1,73% do thời tiết có nhiều ngày nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng lên; nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 1,19% do ảnh hưởng của giá các loại vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển tăng. Nhóm giao thông có chỉ số tăng 2,2% với nhóm nhiên liệu tăng 5,09% sau 3 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu ngày 4/5/2022, ngày 11/5/2022 và ngày 23/5/2022.
Ở chiều hướng giảm, nhóm gas và các loại chất đốt giảm 5,34%, trong đó giá gas điều chỉnh giảm 29.000 đến 30.000 đồng/bình. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,25%; trong đó mức giảm nhiều nhất là nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh là 3,99% do giá hoa hồng giảm mạnh; nhóm du lịch trọn gói tăng 0,33% do chi phí vận chuyển, dịch vụ tăng.
Với các chỉ số trên, theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 5 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; so với tháng 12/2021 tăng 2,32%; bình quân 5 tháng tăng 1,85% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Chỉ số giá vàng tháng 5/2022 tăng 0,94% so với tháng trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 18,13% so với cùng kỳ. Chỉ số giá USD tháng 5/2022 tăng 0,09% so với tháng trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,18%.
CPI tháng 4 tăng nhẹ do giá vật liệu xây dựng tăng cao Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 của Tổng Cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 ước tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước. Tổng Cục Thống kê cho biết, giá vật liệu bảo dưỡng nhà...