Giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái
Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, triển vọng xuất khẩu gạo đang được mở ra khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được Quốc hội thông qua.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6 đạt 409.000 tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn với 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Tính trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40% thị phần với khối lượng 1,3 triệu tấn, tương đương 598,6 triệu USD, tăng 23% về khối lượng và tăng trên 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Senegal tăng 18,3 lần, Indonesia tăng 2,9 lần và Trung Quốc tăng 2,3 lần. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 485 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38%; gạo nếp chiếm 19,6%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.
Thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines chiếm 63,6%, tiếp đến là Malaysia 12,6% và Ghana 2,9%.
Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines chiếm 36,6%, Ghana 14,6% và Côte d’Ivoire 9,8%. Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm 75,6%, tiếp đến là Philippines, Malaysia…
Video đang HOT
Trên thị trường thế giới, trong tháng 6/2020, giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng nhẹ so với tháng 5/2020 do tỷ giá đồng baht tăng và có sự thiếu hụt nguồn cung do hạn hán. Tình trạng giá tăng cao đã khiến cho gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu chính khác như Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm nhẹ do tỷ giá đồng rupee giảm và nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại.
Bên cạnh đó, diễn biến dịch COVID-19 khó lường khiến chính phủ Ấn Độ khó có thể gỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn, nên kéo dài tình trạng thiếu hụt lao động logistics.
Cụ thể, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng từ 490-512 USD/tấn lên 505-533 USD/tấn. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm từ 368-373 USD/tấn xuống còn 366-372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3.
Tại Việt Nam, nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu đang dần được đưa ra thị trường, khiến cho giá gạo giảm nhẹ so với tháng trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức cao 475 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn, mức thấp nhất trong gần 2 tháng.
Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn toàn với gạo tấm. Sau từ 3-5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về 0%.
Tại thị trường trong nước, giá lúa chất lượng cao tăng mạnh tại Kiên Giang trong tháng qua do nhu cầu tiêu thụ tăng, trong khi phần lớn vẫn ổn định tại các địa phương khác. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 duy trì ở mức 5.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng nhẹ 100 đồng/kg lên 5.700 đồng/kg; lúa gạo thường ổn định ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 giảm 300 đồng/kg xuống 5.400 đồng/kg, lúa khô ổn định ở mức 6.000 đồng/kg; lúa hạt dài ướt tăng 200 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg, lúa khô ở mức 6.200 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.100-6.200 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng mạnh 700 đồng/kg lên mức 7.200-7.300 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 400 đồng/kg lên mức 7.100-7.300 đồng/kg.
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, giá lúa diễn biến tăng tại một số tỉnh như An Giang, Kiên Giang, song lại giảm tại Vĩnh Long, trong đó lúa thường IR50404 tại An Giang tăng 300 đồng/kg, Vĩnh Long giảm 500 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 6976 tại An Giang tăng nhẹ khoảng 100 đồng/kg, tại Bạc Liêu tăng 100 đồng/kg và tăng mạnh từ 400-700 đồng/kg tại Kiên Giang./.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiêm quản lý xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế
Liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 15/5, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, gạo là mặt hàng xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy thời gian qua, Bộ Công Thương được giao điều hành xuất khẩu gạo, đảm bảo giám sát chặt chẽ và linh hoạt từng thời kỳ.
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo ông Trần Thanh Hải, giai đoạn tháng 3 khi dịch COVID-19 bệnh đỉnh điểm, phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà diễn biến tại rất nhiều nước thế giới. Vì vậy, phải tiến hành biện pháp thắt chặt hàng lương thực, thực phẩm như: Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ... Trước bối cảnh đó, Chính phủ có quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo và cuối tháng 4 vừa qua Chính phủ đã xem xét nới lỏng hoạt động xuất khẩu.
Thống kê cho thấy, sau 4 tháng xuất khẩu gạo đã đạt 991 triệu USD, 2,1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tăng nhẹ là 1,1%, còn về kim ngạch tăng 4,1%.
Để thực hiện quản lý, theo ông Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có giải pháp thực hiện nghiêm quản lý xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, phối hợp lực lượng để tăng kiểm tra giám sát chặt chẽ ngăn ngừa hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
Mặt khác, nghiêm túc yêu cầu thương nhân duy trì dự trữ xuất khẩu gạo 5%, nếu không thực hiện sẽ xem xét việc xuất khẩu gạo, đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo theo yêu cầu.
Trả lời phóng viên TTXVN về chỉ đạo tại kết luận của Thủ tướng liên quan đến xuất khẩu gạo, cụ thể tại kết luận của Thủ tướng có nêu một số nhiệm vụ cần triển khai của Bộ Công Thương, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan cùng khối doanh nghiệp, với bối cảnh các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế, Bộ Công Thương đã có văn bản số 2976/BCT-XNK ngày 27/4/2020 báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 và trong thời gian tới.
Ngày 29/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 172/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Từ ngày 1/5/2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua các cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Đại diện Bộ Công Thương chia sẻ thêm, thực hiện văn bản số 172/TB-VPCP, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Mặt khác, đôn đốc các thương nhân xuất khẩu gạo trong số 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông khi được yêu cầu; phối hợp với Bộ Công Thương để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp các thương nhân vi phạm quy định về duy trì mức dự trữ lưu thông (nếu có).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có công hàm, văn bản trao đổi, thông tin đến các cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài liên quan cũng như một số thương nhân có kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 172/TB-VPCP để biết và phối hợp triển khai thực hiện.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo (thủ tục, logistics, tín dụng...).
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình cung cầu gạo trong nước và quốc tế; dự báo động thái của các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, diễn biến dịch bệnh và thiên tai để kịp thời ứng phó với các thay đổi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hành phù hợp với tình hình ổn định mới trong bối cảnh dịch bệnh.
Điểm danh doanh nghiệp "xù" hợp đồng gạo dự trữ đợt 1, tiếp tục đi đấu thầu đợt 2 Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ tại nhiều Cục Dự trữ Nhà nước khu vực dù trước đó đã từ chối ký hợp đồng ở đợt 1. Sau khi hàng loạt doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ lần 1, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang tổ chức đấu...