Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng, cần phát huy vai trò ‘bình ổn giá’
Sau 3 tuần Hà Nội giãn cách toàn thành phố, mặc dù đã có thêm nhiều điểm bán hàng bình ổn nhưng giá thực phẩm tại một số chợ dân sinh vẫn tăng do vận chuyển rất khó khăn.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhấn mạnh: Cần phải làm tốt hơn nữa chương trình hàng bình ổn giá ở thị trường Hà Nội.
Hàng hóa thực phẩm không thiếu nhưng giá tăng do chi phí vận chuyển “leo thang”
Hàng hóa không thiếu nhưng giá biến động
Tại một số chợ truyền thống của Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, giá thịt lợn tăng 10.000 đồng/kg so với trước; giá thịt bò tăng 20.000 đồng/so với trước. Theo đó, giá thịt lợn ba chỉ và sườn non hiện 160.000 đồng/kg; nọng lợn là 190.000/kg; dẻ sườn bò ta loại 1 là 270.000 đồng/kg, gân thăn bò 300.000 đồng/kg. Giá các loại rau tăng thêm 20% so với trước lệnh giãn cách toàn thành phố.
Các tiểu thương cho biết: Nguyên nhân tăng giá không phải do hàng khan hiếm mà do khâu vận chuyển rất khó khi nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều tiểu thương ở các tỉnh không đưa được hàng về Hà Nội bởi chịu sự kiểm soát rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng khuyến cáo người dân không buôn bán tại các nơi đang giãn cách xã hội nên hàng về Hà Nội ít hơn, khiến giá thực phẩm tăng, đặc biệt là mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…
Giá rau sạch rất đắt nên không phải ai cũng có điều kiện vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mua hàng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 15/8, chủ cửa hàng thực phẩm chín Nhà hàng Bể Cá, chị Nguyễn Thu Hương cho biết: “Nếu như trước đây, gà ta ngon nhập về là 180.000 đồng/kg thì nay 200.000 đồng/kg; gà ta loại thường là 140.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước. Mặt hàng thủy sản, ốc không có vì xe khách ở nhiều tỉnh dừng hoạt động.
Theo chị Nguyễn Thu Hương, đợt dịch COVID19 bùng phát lần này kéo dài nhưng hàng không thiếu. Tuy nhiên, người dân đi chợ khó khăn bởi nhiều chợ đầu mối, dân sinh, một số điểm siêu thị ngừng hoạt động do liên quan tới các ca nhiễm COVID-19. “Ngay tại quận Đống Đa, mặt hàng rau bán rất ít vì siêu thị có ca nhiễm nên người dân e ngại”, chị Hương cho biết.
Theo tiểu thương bán đồ khô trên phố Nguyễn Cao, giá trứng cao mà không có nhiều hàng để bán.
Chị Trịnh Thị Tuyết (phố Thái Thịnh) cho biết: Tại chợ dân sinh Thái Thịnh ở Thịnh Quang, Đống Đa, giá thịt lợn nạc vai 170.000 đồng/kg; ba chỉ là 150.000 – 160.000 đồng/kg, tăng 10% so với trước. Riêng mặt hàng trứng gia cầm tăng đột biến. Tại một số chợ dân sinh và siêu thị lớn, giá trứng gà, vịt đều tăng. Nếu như trước kia, trứng gia cầm là 30.000 đến 35.000 đồng/chục thì nay là 45.000 – 50.000 đồng/chục, hàng khan hiếm vì thực phẩm này dễ bảo quản, người dân mua về có thể để được lâu dài.
Trứng gà ta giá “hời” bán trên mạng, quảng cáo lấy từ trang trại gia đình luôn đắt hàng.
Video đang HOT
Có thời điểm tại siêu thị trên phố Kim Liên, quận Đống Đa, giá trứng gà ta lên tới 60.000 đồng/một chục quả. Còn ở siêu thị Fivimart ở quận Đống Đa, giá thịt nạc vai là 234.000 đồng/kg; ba chỉ là 193.000 đồng/kg, so với cách đây 1 tuần, giá tăng từ 15 – 20%.
Tại chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), bắp cải giá 15.000 đồng một kg (tăng 5.000 đồng), bí xanh 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng)… Việc tăng giá một số loại rau củ, đặc biệt là trứng được cho là do các chợ đầu mối chuyên cung cấp nông sản như chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên, chợ Minh Khai đang phải dừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm COVID-19.
Đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội cho biết, mặc dù doanh nghiệp đang cố gắng kiểm soát để mức tăng giá không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng, nhưng giá một số mặt hàng tươi sống vẫn tăng so với những ngày trước đó. Lý do bởi nguồn cung hạn chế, cước phí vận tải cùng chi phí của các doanh nghiệp liên quan tăng đã khiến giá đầu vào của nhiều mặt hàng là lương thực thực phẩm tăng.
Tuy nhiên tại khu vực chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai, giá thực phẩm không biến động. Chị Nguyễn Lệ Linh, số 5/77 phố Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai cho biết: Do là chủ cửa hàng phở lâu năm ở Đặng Xuân Bảng, khách quen tại chợ Đại Từ nên chị mua được hàng giá không tăng so với trước. Theo đó, giá thịt gà 110.000 đồng/kg; ngan 80.000 đồng/kg; thịt lợn nạc vai và thịt thăn là 140.000 đồng/kg; sườn là 130.000 đồng/kg; tim lợn 200.000 đồng/kg; trứng gà 40.000 đồng/chục; trứng vịt là 35.000 đồng/chục. Giá cá trắm to là 60.000 đồng/kg; tôm khoảng 150.000 đến 200.000 đồng/1kg, tùy cỡ. Giá các loại rau ổn định như: Rau muống là 10.000 đồng/mớ; mướp 15.000 đồng/kg; rau ngót 6.000 đồng/mớ; khoai sọ 20.000 đồng/kg.
“Tại điểm bán thực phẩm bình ổn của phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, giá thực phẩm rẻ hơn ở chợ dân sinh. Theo đó, giá thịt lợn thăn là 140.000 đồng/kg; đậu phụ 1.500 đồng/bìa; rau muống 9.000 đồng/mớ, tăng 2.000 đồng/mớ so với trước. Tuy nhiên thực phẩm không đa dạng, chỉ có thịt lợn, đậu và các loại rau”, bà Nguyễn Thị Yến – ngõ 402 phố Bạch Mai cho biết.
Cần tổ chức tốt nguồn cung và khâu bán lẻ
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, để giá hàng hóa ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người đân trong bối cảnh dịch kéo dài, Hà Nội cần lưu ý như sau: Cần có lượng hàng hóa mang tính áp đảo thị trường; hàng hóa phải rải rác đều đặn ở các kênh, màng lưới phân phối của thành phố.
“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trứng gà của bà Ba Huân vốn chiếm lĩnh thị trường, không tăng giá từ khi thành phố có dịch đến nay, nên giá trứng gà vẫn tương đối ổn định. Trong khi đó, Sở Công Thương Hà Nội công bố chuẩn bị hàng triệu quả trứng mỗi ngày nhưng lượng trứng bán ra ở chợ và siêu thị không nhiều, có lúc ‘cháy hàng’. Đây có phải là nguyên nhân khiến giá mặt hàng thiết yếu này đã bị đẩy giá 2 – 3 lần trong vòng một tháng nay?” ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi.
Theo ông Vũ Vinh Phú, về mặt khách quan, có thể là do chuỗi cung ứng những hàng hóa đó có lúc bị đứt đoạn, số chợ đầu mối, chợ dân sinh và siêu thị bị đóng cửa. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển, giao nhận mặt hàng trứng và một số mặt hàng khác tăng lên trong mùa dịch. “Yếu tố chủ quan là sự điều phối nơi thừa sang nơi thiếu của thành phố chưa được nhịp nhàng, ăn khớp dẫn tới thiếu hàng cục bộ làm cho giá bị đẩy lên. Riêng mặt hàng thịt lợn, tuy giá lợn hơi có giảm 50% song giá cả ở khâu bán lẻ bị đẩy lên cao là do chi phí trung gian. Vấn đề này được nhiều chuyên gia thương mại đề cập rất nhiều lần”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú đề nghị thành phố Hà Nội cần xem xét thấu đáo việc tổ chức nguồn cung và tổ chức bán lẻ hàng hóa khoa học hơn, kịp thời hơn nhằm ổn định giá những mặt hàng thiết yếu trong lúc có dịch cũng như thời kỳ phục vụ tiếp theo.
Khẳng định hàng hóa trên địa bàn Hà Nội dồi dào, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Nguồn hàng cung cấp cho những chợ đầu mối bị đóng cửa đã được các siêu thị đang hoạt động thu mua để tăng dự trữ. “Do vậy những ngày qua, hàng hóa vẫn đảm bảo tại các siêu thị đang hoạt động. Tại các chợ dân sinh, giá thực phẩm có tăng nhẹ do yếu tố cung cầu”, bà Phương Lan cho biết. Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh. Ngành Nông nghiệp và Công Thương Hà Nội đang phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.
Về việc thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội bị đóng cửa dừng hoạt động, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thành phố chủ động mở thêm các điểm bán lưu động để thay thế cho các cửa hàng bị đóng cửa. Sở Công thương Hà Nội đã công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận huyện của thành phố.
Những người kẹt lại thành phố mùa dịch
Không việc làm, không thu nhập, cũng không thể về quê, nhiều lao động tự do đang mắc kẹt ở thủ đô, sống lay lắt trong những ngày đại dịch căng thẳng.
Chị Nguyễn Thị Sáu mở tủ lạnh, kiểm lại chỗ thực phẩm của hai mẹ con. "Một mớ rau muống và mấy quả trứng, chắc là đủ cho hai ngày nữa", người phụ nữ 47 tuổi nói. Mấy tháng nay, chị và con gái 12 tuổi sống nhờ vào sự trợ giúp của các Mạnh Thường Quân và hàng xóm.
Trừ lúc ăn cơm và ngủ, những ngày bị giãn cách chỉ ở nhà, Yến Nhi thường chỉ ngồi ôm chân, mỏi quá mới nằm ra sàn nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhiều năm nay, người phụ nữ quê Hưng Yên thuê căn phòng 15 m2 ở cổng sau bệnh viện K Tam Hiệp, Thanh Trì để ở và kết hợp bán đồ ăn, duy trì cuộc sống cũng như lấy tiền chữa ung thư mắt cho con. Điều trị hơn 10 năm, Yến Nhi - con gái chị - không còn đáp ứng phác đồ nào. Để kéo dài sự sống, cô bé sử dụng một loại thuốc từ Sài Gòn gửi ra, mỗi tháng hết 6 triệu đồng. Đó là khoản chị Sáu có thể lo được trong thời điểm còn bán hàng.
Đầu tháng 5, Hà Nội yêu cầu quán ăn vỉa hè dừng hoạt động khi ghi nhận 3 ca Covid-19. Cũng từ đó, chị Sáu không kiếm nổi một đồng. Nhi cũng không được dùng thuốc, những cơn đau bắt đầu ập đến. Mỗi khi lên cơn, cô bé thường tự đấm vào mắt, cào cấu khắp người, dùng kéo tự cắt tóc. Những lúc như vậy, chị Sáu lại sang hàng xóm vay nóng 2 triệu đồng đưa con vào viện tiêm morphine giảm đau, nhưng chỉ được vài bữa. Túng quá, có lần chị lén lút bán hàng, bị phát hiện và phạt 3 triệu đồng. Chị lại chạy đi vay. Đến hạn, chủ nợ đến đòi nợ nhưng thấy hoàn cảnh hai mẹ con, họ lại bỏ về.
Suốt hai đợt Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, con bé Yến Nhi gần như "mọc rễ" ở xó nhà gần cái máy giặt, không nói, không cười cũng không cho ai đụng vào người. Hàng xóm nhiều lần hỏi có quê sao không về, chị Sáu nói giờ về không có việc, cũng chẳng còn tiền, hơn nữa ở lại, con gái đau quá còn chạy được vào viện. "Các bác sĩ đã nhẵn mặt hai mẹ con, nên biết con cần thuốc gì", chị nói.
Nhóm của chị Lý có 15 người, cùng trọ trong căn phòng rộng 30m2, nam ở một góc, nữ ở một góc. Ảnh: Lê Thanh Tùng.
Không có ý bám trụ thành phố nhưng chị Lê Thị Lý, 39 tuổi, cùng chồng và 13 người cùng quê Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa vẫn phải ở lại vì phòng trọ nằm đúng vùng phong tỏa.
Họ lên Hà Nội làm thợ xây và phụ hồ. Cả nhóm, người trẻ nhất 17 tuổi, già nhất 51 tuổi thuê chung một phòng trọ 30 m2. Mới làm năm ngày, chưa được chủ thầu trả đồng nào thì Hà Nội giãn cách. Không được ra ngoài, 15 người cả ngày quanh quẩn trong phòng trọ lợp hoàn toàn bằng tôn, bỏng rát khi nắng chiếu xuống. Mấy ngày này, những chiếc quạt không đủ sức xua đi cái nóng phòng trọ khiến tất cả đều bơ phờ như cá ngạt nước. Nhưng nóng không phải nỗi lo duy nhất. Không làm việc, không có thu nhập, vẫn phải chi tiền ăn uống. Ban đầu, mỗi người đóng cho chị Lý 60.000 đồng một ngày. Dần dà, tiền ăn giảm còn nửa, rút xuống còn hai bữa nhưng đã có người xin nợ mấy ngày.
Hai ngày nay, nhóm lao động mắc kẹt ở thành phố này được phường hỗ trợ ít rau và gạo, nhưng nỗi lo của chị Lý không giảm. "Nếu giãn cách kéo dài, vài bữa nữa chẳng ai còn tiền mua thức ăn. Chưa kể tiền trọ, điện, nước...", chị Lý kiểm đếm những khoản phải trả thời gian tới, giọng lí nhí.
Kể từ đầu đợt dịch đến nay, ngày nào Nguyễn Thị Thanh, ở quận Thanh Xuân cũng gọi điện cho bố mẹ. Chỉ cần nghe hai từ "bình thường", cô mới dám thở mạnh.
Thanh là gia sư, chồng làm tự do, dịch bệnh khiến công việc của cả hai bị đình trệ, thu nhập giảm đến ba phần tư. "Mấy tháng nay, tôi không còn tiền gửi về cho bố mẹ", bà mẹ hai con nói. Bố Thanh bị tâm thần, mẹ hở van tim, phẫu thuật cách đây không lâu. Bố chồng cũng bị tai biến cần người phục vụ. Ở Hà Nội nhưng tâm trí cô chia hai nơi, một quê đẻ ở Nam Định, một quê chồng ở Hà Tĩnh.
Từ ba năm trước, những biến cố về sức khỏe của bố mẹ hai bên cùng việc hai đứa con liên tiếp chào đời khiến khoản tích cóp của hai vợ chồng trở về số 0.
Thanh bên cô con gái được 6 tháng tuổi. Gia đình 4 người của cô đang thuê trọ tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chăm người chồng bệnh tật, mẹ Thanh mỗi tháng được trợ cấp 800.000 đồng. Trước khỏe bà còn làm ruộng, sau mổ tim chỉ ngồi cắt cá khô tại nhà, ngày thêm 50.000 đồng tiền rau dưa, giờ dịch cũng nghỉ. Biết bố mẹ không đủ chi tiêu, con gái hàng tháng gửi về 1,5- 2 triệu đồng, chủ yếu để ông bà mua thức ăn bồi dưỡng và hỗ trợ tiền thuốc. Nhưng dịch bệnh, giờ số tiền đó cô cũng không xoay đủ.
Hai tuần Thanh mắc kẹt Hà Nội, bố đẻ có lần nuốt dao lam nhưng may khạc ra được. Đôi lần ông lên cơn, phá làng xóm bị người ta đến tận nhà bắt đền. Nhận thông báo từ người chú, cô gọi về chỉ nghe tiếng mẹ thở hắt: "Mẹ vẫn lo được, không cần gửi tiền". Tắt máy, Thanh òa khóc.
Mấy ngày trước, có người bạn đang ở khu cách ly, bố mất không về được khiến Thanh cả đêm lo lắng, sợ việc đó xảy ra với mình. Giờ cô ngồi đếm từng ngày Hà Nội hết giãn cách để về quê. "Nhỡ một trong hai người ốm thì còn có con bên cạnh", cô nói.
Thông tin dịch bệnh tại Hà Nội gần đây khả quan hơn khiến hy vọng ngày trở về của Thanh càng thêm gần. "Mẹ tôi đang yếu dần, lại phải chăm bố phá phách suốt ngày khiến bà càng thêm mệt". Cô con gái duy nhất chỉ sợ mẹ không đủ sức, nằm xuống trước khi cô trở về thì cả nhà ai cũng khổ.
Bốn tháng trước, khi vẫn bận rộn bán hàng, chị Sáu nghĩ có ngày mình sẽ kiệt sức vì làm việc. Ngày chị bán hàng, nấu ăn, chăm sóc con gái, tối muộn vẫn chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Từ khi quán đóng cửa, quanh quẩn trong căn phòng 15 m2, chị thấy mệt hơn. "Giờ mới hiểu, không có tiền khiến tôi kiệt sức nhanh nhất".
Trước những khó khăn của lao động tự do, TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ (Nghị quyết 68 - gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng), mỗi người 1,5 triệu đồng. Đến ngày 12/8, hơn 5.100 người đã nhận được tiền. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho nhóm này chưa thể tiến hành do giãn cách xã hội. Nhiều lao động gặp khó bởi thủ tục quy định chặt chẽ, yêu cầu xin xác nhận không hưởng tại nơi thường trú để hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại. Nhiều lao động tự do cũng không có đăng ký tạm trú để được vào danh sách hỗ trợ.
Giãn cách xã hội, người sống ở Hà Nội có được về quê chăm người ốm? Nhiều bạn đọc hỏi về việc có được về quê ở ngoại thành Hà Nội hoặc ở tỉnh/thành khác để chăm người thân bị đau ốm. Bạn đọc ở địa chỉ dinhloi...@gmail.com gửi tới VietNamnet: " Tôi đang thường trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), quê tôi ở huyện Đan Phượng. Ở quê, tôi còn 2 bố mẹ già ngoài 80 tuổi...