Giá muối cao gấp đôi, diêm dân vẫn muốn bỏ nghề
Sau nhiều năm giảm sâu, năm nay giá muối bắt đầu tăng trở lại, có thời điểm đạt 1 triệu đồng/tấn, cao gấp đôi so với năm 2016, nhưng diêm dân vẫn kém vui do sản lượng giảm mạnh. Nhiều hộ do không sống nổi với nghề làm muối đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc làm nghề khác.
Giá cao, sản lượng thấp
Mặc dù giá muối tăng cao nhưng diêm dân Thiềm Trung Trực (xã An Ngãi, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) làm muối trên diện tích 1,5ha vẫn không ngớt than thở vì sản lượng muối giảm mạnh, khiến thu nhập giảm theo.
Ông Trực cho biết, trước đây mỗi năm ông thu khoảng 100 tấn muối. Năm nay, do mưa nhiều nên chỉ thu hoạch được bằng nửa số lượng muối hằng năm. Sau khi trừ chi phí ông chỉ lãi hơn 20 triệu đồng, giảm 5 triệu đồng so với năm 2016.
Lão nông Mai Văn Ba đăm chiêu khi giá muối tăng cao nhưng sản lượng lại giảm mạnh.
Trong khi đó, theo lão nông Nguyễn Văn Đổi (Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM), cũng như mọi năm, năm nay làm 5ha muối. Tuy nhiên, do mưa nhiều nên ông chỉ thu sản lượng muối bằng 60% của những vụ muối trước. Do vậy, dù giá muối trải bạt năm nay vào khoảng 50.000 đồng/giạ, nhưng với 5ha muối ông Đổi chỉ lãi khoảng 100 triệu đồng.
“Giá muối năm nay có thời điểm tăng gấp đôi năm trước, nhưng do sản lượng kém hẳn nên lời chẳng được bao nhiêu”, ông Đổi thổ lộ.
Lão nông Nguyễn Văn Đổi đang thu hoạch muối.
Video đang HOT
Một thương lái thu mua muối cho biết, với giá tăng cao như vụ muối này, việc nông dân thất thu sản lượng muối là một thiệt thòi lớn sau vài năm làm muối thua lỗ, nợ nần ngân hàng. “Giá muối thời gian qua khá bấp bênh, diêm dân thường thua lỗ lớn. Niên vụ muối này là cơ hội lớn để diêm dân cải thiện thu nhập nhưng rất tiếc sản lượng muối không cao”, thương lái này chia sẻ.
Tìm cách hỗ trợ diêm dân
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm nay tỉnh có 827ha sản xuất muối, giảm 50ha so với 2016. Nguyên nhân là do trong nhiều năm trở lại đây, giá muối xuống thấp nên diêm dân chuyển diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản. Năm nay, trời mưa nhiều nên năng suất muối giảm mạnh, chỉ đạt 35 tấn/ha, khiến tổng sản lượng muối của tỉnh chỉ đạt 41.500 tấn, giảm 40% so với năm ngoái. Do sản lượng giảm mạnh nên dù giá muối tăng 300 – 500 đồng/kg, diêm dân vẫn thu lãi ít hơn năm 2016.
Thương lái đổ xô về đồng mua muối với giá khá cao nhưng năm nay sản lượng muối kém hẳn mọi năm.
Hiện, Sở đang triển khai nhiều biện pháp để gỡ khó cho diêm dân, như: nạo vét kênh dẫn nước mặn vào ruộng muối, xây bãi tập kết muối tại huyện Long Điền; hướng dẫn, phổ biến một số kỹ thuật mới trong canh tác muối nhằm tăng năng suất, giảm công lao động; đồng thời triển khai các mô hình nuôi xen canh thủy sản trên ruộng muối… để nâng cao thu nhập cho diêm dân.
Trong khi đó, năm nay diện tích sản xuất muối trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) vào khoảng 1.600ha, năng suất hơn 60 tấn/ha/năm.
Những năm qua, do giá muối xuống thấp TP.HCM phải thực hiện chính sách trợ giá, khoanh nợ cho diêm dân. Tuy nhiên, năm nay do giá muối tăng cao, nên cho đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa cho thấy có động thái hỗ trợ diêm dân như những năm trước.
Do sản xuất muối cho thu nhập quá thấp nên TP.HCM đang chuyển đổi dần diện tích làm muối sang nuôi trồng thủy sản. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 điều chỉnh diện tích quy hoạch muối từ 1.000ha xuống còn 664ha. Sau năm 2020, tiếp tục giảm diện tích sản xuất muối để chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản. Và đến năm 2030 không còn quy hoạch làm muối ở TP.HCM.
Theo Danviet
Diêm dân Nghệ An đua nhau "cướp nắng" với trời, làm muối xuất khẩu
Sau những ngày mưa bão, diêm dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) tranh thủ 'cướp nắng' để sản xuất muối. Thời tiết thuận lợi, muối được mùa, được giá, diêm dân hết sức phấn khởi.
Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện tốt nhất để bà con các xã vùng ven biển Quỳnh Lưu xuống đồng sản xuất muối. Công việc thu gom muối được diễn ra vào cuối chiều. Ảnh: Việt Hùng
Dưới cái nắng chói chang buổi chiều, ông Bùi Văn Mai (79 tuổi ở xã An Hòa) đang khẩn trương nạo muối để thu gom. Với diện tích 120 m2, ngày hôm nay ông sản xuất được gần 200 kg muối, thu nhập hơn 350.000 đồng/ngày. Ảnh: Việt Hùng
Theo bà con cho biết, năm nay giá muối được thương lái thu mua cao hơn các năm trước; như năm ngoái giá 1.000 - 1.200 đồng/kg thì thời điểm hiện tại giá lên tới 1.800 - 2.300 đồng/kg (tăng 800 - 1.000 đồng/kg). Ảnh: Việt Hùng
Muối được giá, bà con diêm dân tranh thủ trời nắng xuống đồng để sản xuất muối. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Dung đang cào để lấy một phần đất cho vào ô chát lọc. Ảnh: Việt Hùng
Nghề làm muối là công việc khá vất vả, người dân phải "phơi mình" giữa cái nắng chói chang mới làm ra được hạt muối trắng. Tuy nhiên, giá muối tăng cao đã phần nào khuyến khích, động viên bà con bám nắng sản xuất. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi thu gom, bà con vận chuyển muối cho vào kho dự trữ. Nếu thu mua tại chỗ giá muối được thương lái trả 1.800 đồng/kg; nếu đóng bao bì đi tiêu thụ thì giá tăng lên 2.300 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Ông Hồ Hữu Thuận - một hộ thu mua muối ở xã An Hòa cho biết, từ tháng 5 đến nay, muối mua vào đến đâu, bán ra đến đó, không ứ đọng hàng như các năm. Mỗi ngày, ông Thuận thu mua khoảng 10 tấn muối của diêm dân. Ảnh: Việt Hùng
Xã An Hòa là địa phương có diện tích muối lớn nhất huyện Quỳnh Lưu, với 140 ha; từ đầu vụ đến nay, sản lượng muối đạt khoảng 14.000/ 19.000 tấn của cả năm. Bình quân các năm, doanh thu từ sản xuất muối của xã đạt khoảng 20 tỷ đồng. Năm nay, giá trị ước đạt khoảng 28 tỷ đồng. Ảnh: Việt Hùng
Không chỉ diêm dân An Hòa, nhiều hộ làm muối các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ... cũng đang "chớp nắng" để đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Với 600 ha, sản lượng muối toàn huyện đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Ảnh: Việt Hùng
Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện hình thành các nhà máy chế biến muối tinh, muối I ốt xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đây là điều kiện để vùng nguyên liệu muối Quỳnh Lưu phát triển rộng lớn, đồng thời giúp bà con yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra sản phẩm.
Theo Việt Hùng (Báo Nghệ An)
Hà Tĩnh: Xã xả cống nước ngọt đột ngột, diêm dân mất mùa muối Thời gian gần đây, hàng trăm diêm dân ở xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh "dở khóc, dở cười" vì UBND xã cho xả cống nước ngọt đột ngột, làm nước biển bị ngọt hóa, chất lượng muối kém. Diêm dân méo mặt Mấy ngày qua, phóng viên báo Dân Việt liên tục nhận...