Giá heo hơi hôm nay “nhảy múa” từng ngày, tiểu thương hết sạch hàng
Tại TP.HCM những ngày gần đây, giá heo hơi trên thị trường tăng chóng mặt, giá thịt heo cũng “nhảy múa” từng ngày, lượng tiêu thụ tăng rõ rệt, nhiều tiểu thương bán thịt lợn tới 10h đã hết sạch.
Một quản lý chợ Hóc Môn – chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM cho biết: Thời điểm khi dịch tả heo châu Phi bùng phát ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM và một số tỉnh khu vực miền Nam, thịt heo chở về chợ đầu mối Hóc Môn giảm vì lượng tiêu thụ giảm mạnh.
Tuy nhiên, từ khoảng nửa tháng trước cho đến cách thời điểm này khoảng một tuần, lượng thịt heo dồi dào bởi người chăn nuôi bán tháo heo sống chạy dịch bệnh. Tuy nhiên theo quan sát thì lượng tiêu thụ vẫn không tăng lên, mặc dù giá cả thấp, có ngày giá heo nhập cho tiểu thương các chợ bán lẻ chỉ còn hơn 30.000 đồng/kg.
Giá bán sỉ tại chợ đầu mối tăng khá cao nhưng tại các chợ bán lẻ giá cả ổn định.
Khoảng một tuần nay, lượng heo hơi nhập về khá ổn định ở khoảng 5.000 con/ngày trở lên, tuy nhiên giá không ổn định. Đặc biệt, khoảng 4 ngày nay, giá thịt heo “nhảy múa”, thay đổi từng ngày, thậm chí là theo từng buổi chợ và là thời điểm có giá cao nhất từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay. Như giá heo hơi hôm nay đã ở mức 40.000 đồng/kg.
Chị Tô Thanh Hiền, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) là một trong số ít tiểu thương bán hết thịt heo từ sớm. Mới hơn 10 giờ sáng, hơn 100 kg thịt heo tại sạp của chị Hiền đã bán hết veo.
Chị Hiền phấn khởi cho biết, vì vẫn lo người tiêu dùng chưa dám sử dụng thịt heo nên hôm nay chị không dám lấy nhiều hàng. Hơn nữa, giá heo mảnh ngoài chợ đầu mối đã tăng mạnh, chị lấy sỉ đã trên 50.000 đồng/kg, cao hơn những ngày trước khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg mà về bán lẻ giá không tăng lên được.
Video đang HOT
Nhưng không ngờ các bà nội trợ mua thịt heo khá nhiều. Hôm nay lại là chủ nhật nên chị bán hết sớm hơn. Chị rất phấn khởi vì người tiêu dùng đã không còn quay lưng với thịt heo như trước đây.
Tiểu thương phấn khởi vì người tiêu dùng đã không còn quay lưng với thịt heo như trước đây.
Anh Trần Văn Quân, một người dân ngụ quận Tân Bình đang mua thịt heo, cho biết: “Thời gian qua, báo đài nói quá trời về vấn đề dịch tả heo Châu Phi không lây bệnh cho người. Hơn nữa, địa bàn TP.HCM đâu có dịch. Mấy ngày nay, các cơ quan, ban ngành TP lại ráo riết kiểm tra lượng heo sống cũng như thịt heo vào TP, thịt dù bán ở chợ hay ở siêu thị thì cũng đều qua kiểm dịch hết rồi, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm mà sử dụng thịt heo…”.
Được biết, những ngày qua, TP vẫn đang tập trung cao độ trong quyết tâm bảo vệ thị trường và giữ đàn lợn. Trong nhiều đêm liên tiếp. đoàn liên ngành TP căng mình kiểm tra, kiểm soát lượng heo được đưa từ các tỉnh thành về các chợ đầu mối, lò giết mổ tập trung. Hiện đã có 54 tỉnh, thành để xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng tại địa bàn TP.HCM tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát của cơ quan liên ngành địa phương.
Theo Danviet
TP.HCM "lệnh" chốt chặt các cửa ngõ, chặn "bão" dịch tả lợn
Các chốt chặn cũ được "lệnh" trực 24/24 giờ, đồng thời lập thêm các chốt chặn mới để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển heo sống và thịt heo vào thành phố, hiện TP.Hồ Chí Minh đang căng mình phòng chống cơn "bão" dịch tả lợn Châu Phi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa ký quyết định thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời để ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và kiểm soát động vật trên địa bàn TP.HCM.
Đó là chốt kiểm dịch động vật cầu Kỳ Hà 1, đặt tại khu vực Trạm cân cầu Kỳ Hà 1 gần Trạm thu phí cầu Phú Mỹ do Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 phụ trách; chốt kiểm dịch động vật Phước Thạnh, đặt tại khu vực trước nhà số 1057, quốc lộ 22, ấp Mây Trắng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi do Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 phụ trách.
Thời gian hoạt động của các chốt 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần (kể cả ngày lễ). Các chốt kiểm dịch tạm thời sẽ dừng hoạt động khi tình hình dịch bệnh động vật ổn định, không còn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Toàn hệ thống chính trị TP.HCM vào cuộc để đảm bảo kiểm soát, không để dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn.
Theo nhận định của lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, với diễn biến phức tạp hiện nay, trong thời gian tới, tình huống nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, bên cạnh làm tốt việc chốt chặn những tuyến đường giáp ranh các tỉnh để kiểm soát, mỗi địa phương cần chuẩn bị trước tất cả các phương án, có sẵn địa điểm tiêu hủy tại chỗ phòng trường hợp xấu khi có dịch bệnh xảy ra.
Tuy nhiên, quan trọng là tình hình phải được kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra và lan rộng. Chú trọng kiểm soát việc giết mổ lậu, khuyến cáo 3.917 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (274.154 con), trong đó có 274 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn dư thừa - nguồn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Trước đó, các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố đã được thành lập. Cụ thể tuyến Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc TP.HCM đi Trung Lương, Tiền Giang..., tuyến đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10), chốt khu vực cầu Phú Cường (khu vực giáp ranh giữa huyện Củ Chi với tỉnh Bình Dương) để chốt chặn, kiểm tra việc vận chuyển lợn sống và sản phẩm thịt heo từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, Bình Phước và Bình Dương nhập vào thành phố hay vận chuyển qua thành phố đi về các tỉnh miền Tây, nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn heo và sản phẩm thịt heo vận chuyển vào/qua TP giết mổ, tiêu thụ.
UBND quận 12 thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khu vực Cầu Phú Long kiểm soát vận chuyển heo sống và sản phẩm thịt heo qua cửa ngõ này. Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo qua các phương tiện ghe thuyền.
Các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh động vật trên địa bàn; kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ trái phép, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện dịch tả heo Châu Phi tại TP.HCM.
Trong trường hợp phát hiện giết mổ gia súc trái phép, vận chuyển heo sống, phủ tạng và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, áp dụng ngay biện pháp tiêu hủy đối với toàn bộ tang vật.
Tăng cường lấy mẫu giám sát vi rút dịch tả lợn Châu Phi trên thịt heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối và các chợ truyền thống. Quy cách và số lượng lấy mẫu thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện bố trí thời gian kiểm tra phù hợp (khung giờ hoạt động kinh doanh thịt heo thực tế của chợ) kiểm soát nguồn heo nhập tại các chợ truyền thống, chợ tự phát. Xử lý nghiêm và tiêu hủy các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo không qua kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn có đàn heo bị mắc bệnh dịch này và còn tồn tại các trường hợp giết mổ trái phép.
TP.Hồ Chí Minh là đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, khoảng 10.000 con/ngày, trong đó, nguồn heo trên địa bàn TP chỉ đáp ứng 15 - 18%. Vì vậy mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng gần 7.000 con heo sống từ các tỉnh. Đồng thời, có khoảng 2.100 con/ngày được vận chuyển qua thành phố về các tỉnh để giết mổ. Do đó nguy cơ nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài đối với TP.HCM là rất lớn.
Theo Danviet
111 con heo trên xe chở heo nhiễm dịch tả châu Phi... mất tích 111 con heo trên chiếc xe chở heo bị phát hiện có dịch tả heo châu Phi hiện không biết "đi đâu về đâu". Như PLO đã thông tin, ngày 27-5, Chi cục Chăn nuôi và thú y, Cục Quản lý thị trường (Quảng Nam) đã lập biên bản tài xế Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng...