Giá heo hơi hôm nay 12/7: Miền Bắc vượt 40.000đ/kg, đừng vội tái đàn
Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 12/7 ở miền Bắc vẫn tiếp tục xác lập vị trí cao nhất cả nước, trong khi giá heo hơi tại một doanh nghiệp lớn đã chạm mốc 44.000 đồng/kg thì giá heo hơi ở nhiều địa phương cũng đạt 40.000 đồng. Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay ở miền Nam cũng bớt chao đảo.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Giá tăng, đừng vội tái đàn
Theo ghi nhận của Dân Việt, sau khi Công ty CP Miền Bắc tăng giá heo hơi chạm mốc 44.000 đồng/kg, nhiều địa phương ở miền Bắc cũng rủ nhau tăng giá.
Đơn cử như tại Hưng Yên, Hà Nội, giá heo hơi hôm nay 12/7 tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 41.000 đồng/kg; một số nơi ở Bắc Giang, thương lái cũng thu mua heo hơi với giá 43.000 đồng/kg.
Trừ tỉnh Hải Dương, giá heo hơi vẫn ở mức thấp, các tỉnh còn lại như Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên,… giá heo hơi hôm nay đều đạt mức 38.000 – 40.000 đồng/kg.
Tính bình quân, giá heo hơi hôm nay 12/7 khu vực phía Bắc vẫn đang nằm ở khoảng 38.000 – 39.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 12/7 ở miền Bắc tiếp tục tăng, nông dân rục rịch tái đàn. Trong ảnh: Nhiều nông hộ ở Hà Nam đã vội tái đàn sau dịch. Ảnh: BHN.
Tuy vậy, theo Bộ NNPTNT, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30 – 40% tổng đàn, cạn ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch.
Điều đáng nói là, khi thấy giá heo hơi có chiều hướng tăng, nhiều nông dân đã vội tái đàn. Như tại xã Ngọc Lũ, vùng trọng điểm nuôi lợn của tỉnh Hà Nam, dù bà con vừa mất 2.000 con lợn nhưng đầu tháng 6, khi giá lợn hơi xuất chuồng lên cao đã có một số hộ trong xã nhập đàn về nuôi.
Được biết, lượng lợn nhập về khoảng hơn 2.000 con, đều là lợn trại có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật. Trước tình hình đó, UBND xã yêu cầu các hộ đã nhập lợn cam kết nếu xảy ra dịch phải chịu toàn bộ trách nhiệm tiêu hủy theo đúng quy định, không được tổng hợp vào diện được hỗ trợ của Nhà nước.
Video đang HOT
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung – Tây Nguyên: Không đột biến
Giá heo hơi hôm nay 12/7 ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên không có nhiều biến động khi giá vẫn duy trì ở mức 32.000 – 34.000 đồng/kg.
Trong khi, giá heo hơi ở Đắk Lắk tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt mức 33.000 đồng/kg; Thừa Thiên – Huế cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg, đạt 34.000 đồng/kg heo hơi thì giá heo hơi tại Khánh Hòa lại giảm mạnh, từ mức 40.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn giữ ở mức 31.000 – 32.000 đồng/kg.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tạm thời dừng nhập heo từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn Quảng Nam để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm hoặc giết mổ, đến khi có thông báo mới.
Trường hợp thật cần thiết phải nhập heo nuôi làm giống hoặc nuôi thương phẩm, Sở NN&PTNT sẽ xem xét tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.
Nhiều người lo ngại cuối năm có thể sẽ thiếu nguồn thực phẩm thịt heo. Ảnh: I.T
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Tín hiệu khả quan
Khảo sát của Dân Việt cho thấy, giá heo hơi hôm nay 12/7 ở các tỉnh miền Nam có vẻ khả quan hơn khi Đồng Nai nhích nhẹ lên mức giá bình quân khoảng 28.600 đ/kg. Giá heo hơi tại Long An tăng thêm 1.000 đồng/kg, lên 33.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá heo hơi hôm nay đạt bình quân 31.000 – 32.000 đồng/kg; Trong đó, giá heo hơi tại Cà Mau đạt cao nhất 35.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng đạt 31.000 – 32.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Trà Vinh đạt 34.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi ở Bến Tre vẫn thấp nhất vùng, đạt 29.000 đồng/kg.
Cuối năm có thiếu thịt lợn?
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nêu không tổ chức chỉ đạo sản xuất tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.
Vì vậy, phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.
“Nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn; những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Theo Danviet
Dịch tả giết 3,3 triệu lợn, nhiều nơi hết tiền hỗ trợ dân
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh thành với hơn 3,3 triệu con lợn phải tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Sáng 11/7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tổng thể phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh virus nguy hiểm này đã xuất hiện tại 62 tỉnh thành với hơn 3,3 triệu con lợn phải tiêu hủy. Nhiều tỉnh không còn tiền chi hỗ trợ dân...
Càng dập càng lan?
Sau 160 ngày tràn vào Việt Nam, tới nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu huỷ lên tới trên 3,3 triệu con. Trong đó, có 4.560 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày; có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh đã qua 30 ngày; có 116 xã thuộc 73 huyện của 23 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh. Như vậy, cả nước hiện nay chỉ còn duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Lý giải tình hình trên, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài nguyên nhân virus dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát... thì việc chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học cũng làm lây lan dịch. Bên cạnh đó, những yếu kém trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương cũng chính là tác nhân khiến dịch bùng phát nhanh. "Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển", vị đại diện thừa nhận.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải thốt lên "Không hiểu sao càng dập dịch càng lan rộng?". Theo đó, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy tại Quảng Ninh đã chiếm 36% tổng đàn lợn của tỉnh. "Tại cuộc họp đầu tiên khi dịch mới vào, những địa phương có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh anh em tôi vẫn bảo nhau không có gì ghê gớm lắm, nhưng tới giờ phút này, quỹ dự phòng đã chi hết sạch, bắt đầu phải cân não xem lấy nguồn ở đâu để chi tiền hỗ trợ!".
Tương tự, ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã cạn kiệt. "Nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh chỉ có 180 tỷ đồng trong khi số thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi tới thời điểm hiện tại đã lên tới 600 tỷ đồng", ông Quang thông tin.
Cách nào giảm thiệt hại mức thấp nhất?
Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng có rất nhiều khâu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi phải xem xét lại. "Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh phương thức chăn nuôi tại các địa phương. Nếu cứ giữ mô hình hộ nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư thì dịch vẫn tiếp tục xảy ra, lúc nào chúng ta cũng phải chạy theo chống dịch", ông Hậu nói và nhấn mạnh: "Vấn đề giết mổ cũng cần phải kiểm soát mạnh hơn, nếu không, cho dù khâu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thì nguồn lây lan dịch vẫn hiển hiện. Ngoài ra, cần kiểm tra lại khâu chôn lấp xử lý dịch bệnh. Chẳng hạn như Hà Nam, địa hình thấp hơn mặt nước biển mà lại đem chôn thì dịch cứ thế mà loang ra theo nguồn nước. Không chỉ cần lực lượng chuyên trách xử lý lợn dịch mà còn cần vật dụng và phương tiện chuyên trách. Không thể nay dùng xe chở lợn bệnh đi chôn mai lại dùng để chở hàng hóa khác".
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng, thời gian tới, ngoại trừ những cơ sở bảo đảm an toàn sinh học, các địa phương không nên để phát sinh chăn nuôi mới hoặc tái đàn trong các khu dân cư. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cần có hình thức xử lý các hộ chăn nuôi quy mô lớn không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Chưa có dịch nào gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá trình ứng phó như dịch bệnh này. Chúng ta cố gắng rất nhiều, nhưng điều kiện ở nhiều nơi có lúc chưa đảm bảo. Có những tỉnh thiệt hại nhiều đến mức toàn bộ ngân sách dự trữ cũng không đáp ứng được một phần; có những việc không lường trước được...".
Ông Cường cho rằng: "Con số thiệt hại rất lớn, khoảng 10% tổng đàn lợn. Chúng ta phải xác định sống chung với dịch không còn đường nào khác, để tính nước tiếp tục phát triển. Để đảm bảo hạn chế mức độ thiệt hại thấp nhất, cần phải thực hiện biện pháp an toàn sinh học ở mức cao nhất ở cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lẫn quy mô lớn. Thực tiễn chứng minh nếu làm tốt an toàn sinh học thì virus không thể thâm nhập vào cơ thể lợn. Ngoài ra cũng phải thực hiện các nhóm giải pháp căn cơ khác như nhanh chóng cho ra vaccine, sử dụng các chế phẩm sinh học tăng cường công tác phòng dịch...".
Tuyết Trịnh
Theo Baogiaothong
Thủy sản - "cứu cánh" cho tăng trưởng nông nghiệp Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bên cạnh lâm sản, thủy sản sẽ là khu vực "bệ đỡ" cho mục tiêu tăng trưởng cũng như mục tiêu xuất khẩu (XK) toàn ngành nông nghiệp nửa cuối năm 2019. Gặp khó thị trường, vẫn bứt phá Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT),...