Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng nhẹ
Từ đầu tháng 11/2021 đến nay, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm trước đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cũng kịp thời đổi mới và tung ra thị trường những sản phẩm với mẫu mã mới để kích cầu thị trường tiêu dùng.
Người đân TP Hồ Chí Minh mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Hoàng Tuyết – Đan Phương/Báo Tin tức
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Tuyết Mai, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, mặc dù nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng… vẫn duy trì thực hiện đa dạng hoạt động ưu đãi cho khách hàng, nhưng giá một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mà gia đình hay mua dùng đã tăng lên. Nếu trước đây, gia đình mua một lọ ớt sơ tế chỉ 12.000 đồng/sản phẩm thì hiện nay đã tăng 14.000 đồng/sản phẩm.
Cùng quan điểm, chị Mỹ Trang, cư ngụ tại quận 8, cho biết, sản phẩm mì gói gia đình hay mua dùng đã tăng từ 120.000 đồng/thùng 30 gói lên 145.000 đồng/thùng 30 gói. Hay một số mặt hàng lương thực, thực phẩm đóng gói; đông lạnh; đóng hộp… cũng đã tăng giá từ 1.000-5.000 đồng/sản phẩm so với thời điểm trước đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư.
Ghi nhận ý kiến một số người tiêu dùng khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, họ cho biết, thời gian gần đây trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều dòng sản phẩm mới, hoặc vẫn sản phẩm cũ nhưng được làm mới bao bì và mẫu mã. Cùng với đó, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng điều chỉnh giá thành sản phẩm tăng với lý do chi phí đầu vào tăng theo cơ chế thị trường; đồng thời khâu vận chuyển, phân phối và chi phí xét nghiệm COVID-19 vẫn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến giá cả thị trường.
Cụ thể, nếu thời điểm trước đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư giá một bình gas 12kg chỉ 340.000 đồng thì hiện nay đã tăng lên khoảng 500.000 đồng. Song song đó, giá xăng được điều chỉnh theo xu hướng tăng liên tục trong thời gian qua đã kéo chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều nhóm ngành hàng tăng theo.
Trên thực tế tại thị trường TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã rục rịch thông báo tăng giá từ tháng 10/2021 và thực hiện từ tháng 11/2021 đến nay. Ngay cả các nhà cung ứng, nhà nhập khẩu cũng lần lượt điều chỉnh tăng giá nhiều nhóm hàng hóa trong những ngày đây.
Với bối cảnh này, để kích cầu tiêu dùng, không ít nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực chạy liên tục chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm đạt doanh số bán hàng. Đồng thời, xem đây là giải pháp cơ bản và thiết thực nhất để vừa hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm và chi tiêu tiết kiệm, vừa giúp đơn vị sản xuất, kinh doanh; nhà cung cấp, phân phối bán được hàng.
Hiện nay, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, MM Mega Maket, LOTTE Mart… đang thực hiện đa dạng hoạt động ưu đãi cho người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh. Trong số đó, có thể kể đến phương thức giảm giá trực tiếp áp dụng cho hàng nghìn sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng từ quần áo thời trang, đồ dùng nhà bếp… cho đến rau củ, quả, trái cây, thịt gia súc, trứng gia cầm…
Video đang HOT
Hoặc khi người tiêu dùng mua sản phẩm thứ hai cùng loại sẽ được hưởng giá ưu đãi so với giá bán của sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng còn có thể lựa chọn phương thức mua hàng theo combo với giá rẻ hơn mua lẻ từng sản phẩm.
Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, trong thời gian này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phối hợp với những thương hiệu như Suntory Pepsico, Coca-Cola, Abbott, Carlsberg Vietnam, Unilever… thực hiện chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng. Nổi bật là chương trình giảm giá đến 47% cho hơn 11.000 sản phẩm nhu yếu; siêu ưu đãi giảm hơn 50% cho các loại sữa, dầu ăn, nước ngọt, dụng cụ nhà bếp vào những ngày cuối tuần…
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tung ra những gói combo “Siêu thị Việt cho người Việt” với giá tốt; “Giá sốc giảm tận gốc” với mức gần 50% khi mua thêm sản phẩm cùng loại; “Đại tiệc ẩm thực Việt” giảm sâu nhóm thủy hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị, rau củ quả; “Đại tiệc bia và nước ngọt” giảm giá mạnh nhóm bia, nước giải khát…
Còn với định hướng mang sản phẩm VISSAN đến gần hơn với mọi gia đình, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản VISSAN mở rộng thêm nhiều khu vực giao hàng tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Theo đó, sau 1 năm chính thức ra mắt, website: vissanMart (http://vissanmart.com) đã từng bước chinh phục người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh và vừa mới đây VISSAN mở rộng thêm hệ thống khu vực giao hàng tại Đà Nẵng và Hà Nội
Tính đến thời điểm này, hoạt động kinh doanh trực tuyến của VISSAN đã phủ sóng tại ba điểm cầu miền Bắc – Trung – Nam và nhận được sự ủng hộ cũng như phản hồi tích cực từ người tiêu dùng khắp cả nước. Bởi lợi thế của VissanMart ngày càng tăng nhiều tính năng ưu việt, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Đại diện VISSAN cho biết thêm, VissanMart có tính năng đa tiện ích như giao nhận hàng linh hoạt, chủ động chọn khung giờ nhận hàng thích hợp, hình thức thanh toán đa dạng (tiền mặt khi nhận hàng hoặc thông qua ví điện tử MoMo)… Đặt ưu tiên trải nghiệm mua sắm của khách hàng lên hàng đầu, VissanMart phát triển tính năng livechat tương tác với người truy cập nhằm tư vấn/giải đáp trực tuyến cho từng khách hàng một cách chính xác, nhanh chóng và thân thiện.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu thế bán hàng trực tuyến (online) và khai thác sự tiện lợi của kênh bán hàng này khi khách hàng có thể đặt hàng bất kể thời gian nào, thanh toán không tiền mặt, nhận giao hàng tận nhà… Đặc biệt, trong bối cảnh “bình thường mới”, người dân vẫn phải xác định “sống chung với dịch COVID-19″ thì mua sắm online giúp họ đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và sức khỏe.
Theo doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh, bán hàng online cũng là một trong những giải pháp giúp họ tiết giảm chi phí đầu vào như tiền thuê mặt bằng bán lẻ, người lao động và vận hành điểm bán. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh (omnichannel) vừa giúp doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lựa chọn kênh mua sắm phù hợp mà vẫn thụ hưởng hoạt động khuyến mãi, giảm giá.
Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội
"Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói về đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
Chiều 1/11, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong suốt quãng thời gian thành phố diễn ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng vũ trang của Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các tỉnh, thành tăng cường đã tham gia cùng ngành y về điều trị, chăm sóc F0, khâm niệm, bàn giao tro cốt nạn nhân, đảm bảo trật tự, an sinh xã hội.
Bày tỏ sự xúc động trước những đóng góp của lực lượng quân đội, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - chia sẻ, trong quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, các chiến sĩ đã để lại những hình ảnh xúc động, không thể quên cho cán bộ, nhân viên ngành y và người dân trên toàn địa bàn. Các chiến sĩ quân đội, bác sĩ quân y cũng giúp ngành y vượt qua những giai đoạn hoảng loạn nhất.
Trong những ngày căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng quân đội đã tham gia giúp sức cho TPHCM trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: Nguyễn Quang).
Hình ảnh xúc động nhất
"Khi đợt bùng phát dữ dội diễn ra, các lực lượng quân đội đã hỗ trợ kịp thời ngành y tế tại tầng điều trị thứ 3, nơi nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch. Hình ảnh xúc động, ấn tượng nhất mà lãnh đạo, ban giám đốc các bệnh viện nhớ mãi là lúc các lực lượng vũ trang chăm sóc thi hài bệnh nhân không may qua đời" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận.
Ông Tăng Chí Thượng điểm lại, trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong trong bệnh viện chưa được đưa đi ngay. Một hình ảnh buồn được nhắc tới là khi các nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 này, nhưng bệnh nhân tử vong khác lại ở gần đó.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: H.K.).
"Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn lúc đó. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào", lãnh đạo ngành y tế TPHCM bày tỏ.
Bên cạnh đó, hình bóng của các chiến sĩ, lực lượng vũ trang tham gia từ công tác quản lý, điều hành, đến chăm sóc bệnh nhân như một anh, chị hộ lý ngành y cũng là điểm nhấn không thể nào quên trong đợt bùng phát dịch vừa qua. Các bác sĩ mặc áo lính đến từng nhà dân cũng góp phần giúp mô hình chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng phát huy hiệu quả rõ nét.
"Việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại cộng đồng như một mũi giáp công thứ 2 của TPHCM. Đây là một trong những mô hình cần giữ lại và phát triển trong thời gian tới" - ông Tăng Chí Thượng nêu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, mong muốn, thời gian tới, các lực lượng của Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các trạm y tế lưu động. Khi dịch bệnh tái bùng phát, các trạm y tế lưu động với sự phối hợp của lực lượng y tế, quân đội sẽ kịp thời triển khai để đáp ứng nhu cầu.
Nỗ lực để lo công tác hậu sự chu toàn
Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo 3 điểm bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân không may qua đời tại Gò Vấp, bệnh viện dã chiến số 14, Nhà tang lễ thành phố. Những điểm trên được duy trì nhằm tránh tình trạng phải di chuyển bệnh nhân Covid-19 qua đời, giúp các công đoạn được cơ động hơn.
"Trong giai đoạn vừa qua, có thời điểm toàn địa bàn có hơn 3.000 thi hài bệnh nhân chưa được xử lý. Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường khảo sát các lò hỏa táng, đánh giá, phân tích công tác tổ chức để đảm bảo việc xử lý thi hài đúng phong tục tập quán, đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường" - Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh thông tin.
Lực lượng quân đội trao trả thi hài bệnh nhân Covid-19 tử vong (Ảnh: Nguyễn Quang).
Ngoài ra, trong công tác vận chuyển, bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các đơn vị trong từng công đoạn. Sau khi thi hài bệnh nhân Covid-19 được đưa từ bệnh viện đến khu tập kết, Sở Thông tin Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung đã tích hợp thông tin, gắn mã cho từng trường hợp, giúp công tác khâm niệm, hỏa táng thuận lợi hơn.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp cùng Sở Y tế, các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập và vận hành 101 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với quy mô hơn 61.000 giường. Hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch.
Lực lượng vũ trang thành phố cũng tổ chức thiết lập 4 khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19. Tổ chức thành lập 4 đại đội, 12 trung đội, 12 tiểu đội, trang bị công cụ hỗ trợ, vật chất sẵn sàng xử trí tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện điều trị.
Hà Nội chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán 2022 khoảng 39.000 tỷ đồng Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết 2022 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ tết năm 2021....